CHƯƠNG BA

Chùa Thiền Lâm chồng chất những điều khó hiểu

Địa điểm cái chùa này (150 Điện Biên Phủ, P. Trường An) tôi đã đi qua lại lắm lần, nhưng không để ý vì nó nhỏ quá, bảng tên lại đề chùa Thuyền Lâm chứ không phải Thiền Lâm [1]. Hơn nữa các vị trú trì đều là các thầy ‘bán thế” (có vợ con), trong tâm trí của tôi không nghĩ đó là một ngôi chùa lịch sử. May sao sau khi xác định được địa điểm chính thức của ngôi chùa lịch sử, tôi đến thì chùa vừa được Tỳ- kheo Thích Chơn Trí[2]  rất thân quen của tôi từ chùa Tường Vân vừa ra trú trì. Với sự hướng dẫn của Tỳ-kheo Thích Chơn Trí, tôi phát hoảng với những điều bí ẩn lạ thường xảy ra với chùa Thiền Lâm sau đây:

- Bia biển gốc của chùa đều bị đục xóa hết chữ, nhiều tấm bị chôn sâu dưới đất;

- Đào đất trồng rau, trồng sắn, các đệ tử của Tỳ-kheo Chơn Trí phát hiện được hàng ngàn viên gạch vồ, hàng chục viên đá táng và nhiều tảng đá lạ khác thường chôn sâu dưới đất. Chùa đã tận dụng số gạch nhặt được xây dựng nên nhiều kiến trúc mới;

- Khu vực phía bắc khuôn viên chùa dân chúng đào móng làm nhà phát hiện nhiều mồ chôn tập thể [3].


[1] Xin lỗi, lúc ấy tôi sơ ý không tra cứu chữ Hán nên không biết Thiền Lâm hay Thuyền Lâm là cách đọc khác nhau của cùng một từ Hán Viêt 禪 林 mà thôi. NĐX

[2] Tỳ kheo Thích Chơn Trí, thế danh Nguyễn Đình Khá, sinh năm 1953 trong một gia đình nghèo theo đạo Phật, ở thôn Triều Thủy, xã Phú An, huyện Phú Vang Thừa Thiên Huế. Năm lên 10 tuổi có ý muốn xuất gia theo Phật, được gia đình đưa lên chùa Tường Vân, được theo hầu Hòa thượng Tăng thống Thích Tịnh Khiết, được Hòa thượng cho tập sự hành điệu. Năm 1963 thọ Sa-di giới, pháp danh Tâm Huệ, Pháp hiệu Thích Chơn Trí. Tỳ-kheo đã học trường Bồ Đề Hàm Long tại chùa Bảo Quốc và trường Bồ Đề hữu ngạn. Năm 1973, thọ Tỳ-kheo giới. Năm 1990, Tỳ-kheo cùng với 6 pháp đệ Tổ đình Tường Vân được cử ra tiếp nhận chùa Thiền Lâm đang trên đà suy sụp từ một thầy bán thế có thế danh Đinh Hữu Ứng. Từ đó, thầy trò Tỳ-kheo Chơn Trí đã xây dựng lại chùa Thiền Lâm khang trang như ngày nay.

[3] Các NNC Trần Đại Vinh – Nguyễn Hữu Thông – Lê Văn Sách, tác giả sách Danh lam xứ Huế, (Nxb Hội nhà văn, 1993) cũng đã cho biết : “Cuộc chiến giành giật Huế giữa Nguyễn Vương và Quang Toản có thể làm cho chùa hư hỏng, chung quanh khu vực chùa đã phát hiện hầm xác tập thể” (tr.221).

 

Trang tiếp theo Trang trước 
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia