Tu Trai Nguyễn Tạo dịch:
“CHÙA THIỀN-LÂM. Ở xã An-Cựu. Tương truyền Hòa-thượng Thạch-Liêm lập lên, cảnh trí u tịch. Khi trước Thái-sư Tây-Sơn là Bùi-Đắc-Tuyên chiếm ở, sau Tuyên bại, người trong ấp nhân đó sửa lợp lại. Trong niên hiệu Gia-Long, Thừa-Thiên Cao-Hoàng-Hậu quyên tiền trùng tu, nay lần hư hỏng chỉ còn chùa chính. Bên tả chùa có 1 cái chuông đồng lớn cao 4 thước, lưng tròn 6 thước, dày 4 tấc, ở bên có khắc chữ: đúc năm Vĩnh-Thạnh 12 (1716), Vĩnh-Thạnh tức là niên hiệu vua Lê-Dụ-Tôn vậy. Đầu niên hiệu Gia-Long dẹp xong Bắc-Thành chở về đăng vào kho, sau sửa chùa xong, dời đem lên chùa”[1].
Chùa Thiền Lâm ở xã An Cựu. Suốt nhiều năm tôi khảo sát khắp vùng An Cựu không thấy chùa Thiền Lâm ở đâu cả. Người địa phương, chỉ cho tôi một chùa Thiền Lâm trên đồi Quảng Tế. Tôi quá mừng nhưng khi tìm đến nơi thì chùa Thiền Lâm này, tọa lạc 22/54 Lê Ngô Cát Tổ 9 Khu vực 2 Phường Thủy Xuân, thuộc Phật giáo Nam Tông mới khai sơn hồi đầu những năm sáu mươi của Thế kỷ XX, không phải chùa Thiền Lâm tôi đang muốn biết.
H.7. Cổng chùa Thiền Lâm (Nam Tông) ở xã Thủy Xuân
[1] Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ (Tập Thượng), Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa, Bộ QGGD, Sài Gòn 1961, tr.88.