Vua Quang Trung được “táng ở bờ nam sông Hương”.
Nhưng bờ nam sông Hương quá mênh mông làm sao xác định được? Tôi đã mất nhiều năm tìm hiểu các sử thần triều Nguyễn ngồi tại Quốc sử quán trong Thành nội viết về các di tích ở phía nam sông Hương, phía nam Kinh thành trong thực tế ra sao, các di tích ở đông nam, các di tích ở tây nam là những di tích nào. Qua bản so sánh các di tích trên thực địa tôi thấy các di tích nằm trên trục dóng thẳng từ Phu Văn Lâu lên đàn Nam Giao là các di tích nằm phía nam sông Hương hoặc phía nam Kinh thành[2]. Tôi đặt giả thiết đầu tiên: Lăng mộ vua Quang Trung có thể nằm trên trục Phu Văn Lâu lên đàn Nam Giao. Giả thiết thôi chứ trên thực địa cuối thế kỷ XX, trên trục phía nam sông Hương ấy không có bất cứ một dấu tích, một biểu hiện nào trên thực địa có thể nghĩ đó là nơi có thể liên hệ đến dấu tích lăng mộ vua Quang Trung đã bị nhà Nguyễn “tận pháp trừng trị” hủy diệt từ đầu thế kỷ XIX.
Vốn là người nghiên cứu Huế, các sách lịch sử, địa lý lịch sử, văn học (cổ, kim, dân gian, trong nước và ngoài nước), phong thủy có liên quan đến triều Nguyễn và Huế xưa tôi đều sưu tập.
Nhờ thế tôi biết được nhà thơ cổ điển Phan Huy Ích là một trọng thần thời Quang Trung - Quang Toản ở Phú Xuân, ông có nhiều bài thơ liên quan đến Phú Xuân thời Quang Trung - Quang Toản.
Trong nguyên dẫn bài thơ Mùa Xuân Ở Công Quán Ghi Việc[3] Phan Huy Ích viết:
“Nhà của quan Thái sư (Bùi Đắc Tuyên) là chùa Thiền Lâm cũ nằm phía nam sông Hương nha thuộc cũng theo đến ở chung quanh chùa…”
Như vậy lăng mộ vua Quang Trung và chùa Thiền Lâm đều nằm cùng một hướng “phía nam sông Hương”.
Đặc biệt hơn nữa, trong tập Dật Thi Lược Toản còn có bài thơ không tên của Phan Huy Ích dẫn sau đây:
[2] Xem Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa 2007, tr.46-47
[3] Nguyên dẫn và bài thơ Mùa xuân ở công quán ghi việc của Phan Huy Ích cho biết chùa Thiền Lâm nằm ở phía nam sông Hương. (Uỷ ban KHXH Việt Nam – Ban Hán Nôm: Thơ văn Phan Huy Ích, tập II, “Dụ Am ngâm lục”, KHXH, H.1978, tr.86-87).