Khảo cổ tìm lăng mộ Vua Quang Trung: Phát hiện dấu vết nghi móng tường thành xưa

Vào cuối giờ chiều 10/10, ở hố khảo cổ cuối cùng, đoàn khảo cổ đã tìm ra một dấu vết quan trọng nghi là nền móng tường thành xưa.

Theo đó, ở hố thứ 5 (số nhà 13/120 Điện Biên Phủ) vừa được đào, khi đến độ sâu chừng 0,2 mét đã chạm phải một lớp đá. Sau khi đào hết theo đường chữ L mà đoàn đã cắm mốc, một dấu vết gồm có nhiều tảng đá sắp ngay ngắn theo hàng trùng với đường chữ L này.

Dấu vết các lớp đá xếp ngay ngắn thành 2 hàng trùng với hình hố khảo cổ chữ L.

Qua quan sát của PV, lớp đá này gồm khoảng 5 tảng đá khá lớn đặt theo 2 hàng ngày ngắn vuông góc với nhau, đoạn giữa có khuyết một đoạn không có đá. Riêng đoạn cuối lớp đá ở hàng song song với bờ tường là một lớp vôi tiếp nối, cùng với lớp đất lạ nghi giống như cát vàng và sỏi. Lớp đất này khá giống lớp đất ở hố thứ 3 ở nhà ông Nguyễn Hữu Oánh tìm được ngày hôm qua nghi liên quan công trình kiến trúc.

Theo PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học trao đổi sơ ban đầu, thì lớp đá này nghi là tường móng của bức thành cổ. Dấu hiệu này khá quan trọng và cũng có phần rất may mắn khi chính TS. Liêm vào lúc sáng đã xác định hố cuối cùng này phải đào khác các hố khác với hình chữ L và có diện tích lớn hơn (5m2). Không ngờ chính hình chữ L này đã tương ứng với đường chạy của lớp các tảng đá xếp khá ngay ngắn, giống như vết tích một tường thành cổ.

Trong ngày mai, đoàn sẽ dự kiến mở rộng hố này thêm một phần để xem thêm các lớp đá này có chạy nối tiếp nữa hay không.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có mặt tại hiện trường khảo cổ vui mừng tâm sự với chúng tôi, rằng ngôi nhà số mới 13/120 Điện Biên Phủ này nguyên là một trong những ngôi nhà đầu tiên ở vùng gò Dương Xuân này. Chủ nhân thời đó là bà Lê Thị Rô đã từng khẳng định với ông bờ tường sát hố khảo cổ thứ 5 là “bà đã thấy nguyên bộ móng bức tường cổ xây dựng giống như vôi vữa các mộ Tàu ngày xưa dưới bức tường này”.

“Sự kiện này gợi nhớ đến thông tin giáo sĩ La Bartette đã viết, khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất về lại Phú Xuân ông “đã cho xây cất một bức tường cao 20 pied chung quanh Dinh ông”. Việc đi tìm dấu vết lăng mộ vua Quang Trung đối với tôi rất tâm linh, và việc đào thấy dấu hiệu tường thành cổ làm tôi rất phấn chấn dù đang bị đau bệnh mắt nặng phải nhập viện vào ngày mai 11/10”, ông Xuân chia sẻ.

Bà Lê Thị Rô (Sinh năm 1930) đã ở đây (nhà 13/120 Điện Biên phủ) trên 60 năm và người con trai Lê Trung Hiếu (sinh 1972) khẳng định dưới bức tường nầy còn nguyên bộ móng bức tường cổ. Hiện bà Rô đã mất (ảnh tư liệu Nguyễn Đắc Xuân).

Ở hố thứ 4 chùa Thuyền Lâm vào chiều nay đào qua lớp mặt chừng 0,2 mét hiện không thấy có gì đặc biệt. Ở hố thứ 1 hiện đã đào sâu đến tầng sinh thổ chỉ có một số ít hiện vật. Hố thứ 2 cũng có một số hiện vật. Hố thứ 3 có một số hiện vật và một lớp đất lạ nghi liên quan công trình kiến trúc.

Các viên đá xếp thành 2 hàng ngay ngắn ở hố khảo sát cuối cùng được phát hiện sau buổi đào chiều 10/10.

Chuyên gia khảo cổ Nguyễn Văn Quảng.

đang làm sạch các viên đá

Lớp đất vàng (góc ảnh dưới) nối với lớp đá giống như lớp đất ở hố thứ 3 ở nhà ông Nguyễn Hữu Oánh - nghi dấu vết công trình kiến trúc cổ như Dân trí phản ánh

Lớp đất lạ màu vàng pha trắng ở hố nhà ông Nguyễn Hữu Oánh đang được để lại rồi đào xuống tiếp vào chiều nay

Lớp đá nghi là dấu vết bức tường thành cổ

Cả đoàn khảo cổ rất vui mừng trước dấu hiệu này

Đại Dương

(Báo Dân Trí)

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia