Một hố thăm dò khảo cổ trong vườn nhà ông Nguyễn Hữu Óanh
Trong ngày đầu tiên, đoàn khảo cổ đã bắt đầu đào bốc lớp đất tầng mặt tại 3 hố trong tổng số 5 hố mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho phép, gồm: 2 hố trong khuôn viên chùa Vạn Phước, 1 hố tại nhà ông Nguyễn Hữu Ánh, mỗi hố rộng khoảng 4 m2.
Theo đó, đoàn chuyên gia đã tiến hành thu giữ được nhiều mảnh vỡ gạch, ngói, sành sứ tại mỗi địa điểm và đánh dấu đưa về phân tích.
Thu giữ nhiều hiện vật sành sứ, gạch đá tại hố đào trong vườn ông Ánh
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, trong số 5 hố thăm dò khảo cổ có 2 hố do ông chỉ vị trí cho đoàn chuyên gia, trong đó có hố đào ở nhà ông Nguyễn Hữu Ánh. Tại đó, ông Xuân cho biết ông đã tìm thấy rất nhiều tảng đá khá lạ, có dấu hiệu của một công trình hoành tráng như một cung điện.
PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, trưởng đoàn thăm dò khảo cổ, khẳng định đây mới là động thái thăm dò, nếu như phát hiện các dấu tích, tư liệu liên quan đến cung Đan Dương, triều đại Tây Sơn thì đoàn sẽ đề nghị lên các cấp có thẩm quyền cho phép khảo cổ học trên phạm vi lớn hơn, nhằm khoanh vùng bảo vệ, bổ sung vào quốc sử, giá trị lịch sử văn hóa dân tộc.
Các chuyên gia cũng đào sâu 0,4 m tại khu vực chùa Vạn Phước
Sau hơn 30 năm tìm kiếm các cứ liệu lịch sử, văn học trong và ngoài nước, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng vua Quang Trung được an táng tại gò Dương Xuân - vị trí đang tiến hành thăm dò khảo cổ.
Mỗi hố đào thăm dò khảo cổ rộng 4m2
Vào năm 1786, sau khi giải phóng thành Phú Xuân, vua Quang Trung đã cho sửa sang lại phủ Dương Xuân ở gò Dương Xuân để trú quân trong lúc chờ xây xong Phượng Hoàng Trung Đô tại Nghệ An. Từ đó, phủ Dương Xuân được đổi tên thành cung điện Đan Dương.
Theo ông Xuân, vua Quang Trung mất ngày 29-7-1792 nhưng để đối phó với quân Nguyễn Ánh (vua Gia Long) và những lực lượng khác, triều Quang Toản (vua Cảnh Thịnh, 1792 - 1795) đã quyết định bí mật táng nhà vua ngay trong khuôn viên cung Đan Dương.
Từ đó, cung Đan Dương trở thành Đan Lăng, nơi chôn cất vua Quang Trung. Vào năm 1801, lăng mộ của vua Quang Trung đã bị Gia Long phá hủy, các tư liệu lịch sử đã bị đốt nên việc xác định lăng mộ của vị vua này đến nay vẫn còn tranh cãi dù đã có nhiều cuộc hội thảo.
Các chuyên gia cũng thu lượm được nhiều hiện vật tại hố đào trong chùa Vạn Phước
Ông Nguyễn Đắc Xuân khẳng định ngoài các tài liệu lịch sử, trong quá trình nghiên cứu ông cũng thu thập khá nhiều hiện vật liên quan đến công trình kiến trúc vua chúa thời Tây Sơn.
Trong những ngày tiếp theo, các chuyên gia sẽ tiếp tục thăm dò để tìm kiếm các hiện vật đưa về phân tích.
Bài và ảnh: Quang Nhật