Chùa Vạn Phước lấy am/chùa Phổ Phúc làm tiền thân của mình là một giải pháp hay thực tế lịch sử đã diễn ra như thế?

Gò ấp Bình An thuộc phường Trường An ngày nay, trong thế kỷ XIX là một vùng đất không có dân ở. Cụ Nguyễn Đình Hòe - quan chức quan trọng của nhà Nguyễn và chính quyên Bảo hộ - là người đầu tiên đến quản lý am/chùa Phổ Phúc trên gò Ấp Bình An. “…vào năm Duy Tân thứ 7 (1913), số tín đồ của chùa Phổ Phúc đã lập thành “Phổ”, do một số vị quan to trong triều là ông Nguyễn Đình Hòe đứng làm Hội chủ. Và đến hai năm sau, tức là năm Át Mão (1915), vẫn đang ở dưới đời vua Duy Tân, thì có ngài Giác Hạnh, một trong các cao đệ tử của Hòa thượng Tâm Tịnh ở chùa Tây Thiên ra trú trì.”[1]

Cũng chính trong thời gian nầy (đầu những năm 20 của thế kỷ XX) cụ Nguyễn Đình Hòe – người trao chùa Phổ Phúc cho thầy Giác Hạnh - viết bài về chuyện xương cốt Nguyễn Nhạc Nguyễn Huệ bị giả nát bắn vào không trung và hai cái sọ dừa của hai ông bị giam vào Ngục thất. Đây là bài viết đầu tiên về hài cốt vua Quang Trung dưới thời Nguyễn. Bài gởi đăng ngay trong số 2 tập san Đô Thành Hiểu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế - BVH) vừa mới ra đời vào tháng 4-7 năm 1914. Đất lập am/chùa Phổ Phúc có liên quan gì đến hài cốt vua Quang Trung không? Hai sự kiện ấy có liên quan gì đến nhau không? [2]

Sau hai sự kiện ấy, một nhà khoa bảng vốn là học trò học tiếng Pháp với cụ Nguyễn Đình Hòe ở trường Quôc Học và sau đó là quan đồng triều với cụ là Thượng thư Phạm Liệu[3] người Quảng Nam đã tận dụng những viên đá giải hạ trôi nổi trên gò ấp Bình An [4] xây một ngôi lăng và cải táng hài cốt bà thân mẫu của ông về đó. Việc xây lăng mộ và cải táng đó có được sự đồng ý của Nguyễn Đình Hòe không? Rồi vô tình hay hữu ý, ông Phó bảng Nguyễn Đình Hiến cũng vốn là học trò học tiếng Pháp với cụ Nguyễn Đình Hòe ở trường Quôc Học, bạn đồng châu Quảng Nam, bạn đồng triều với cụ Nguyễn Đình Hòe và Tiến sĩ Phạm Liệu đã viết văn bia Cổ kính trùng viên thuyết đặt những câu hỏi về chiếc “giếng loạn” bên bờ nam Suối Tiên (trong nhà bếp chùa Diệu Đức ngày nay) “Giếng nầy ai đào, đào từ khi nào, vì sao bỏ hoang?”có được cụ Nguyễn Đình Hòe đọc không? Theo lẽ thường, ba vị đại quan trí thức hàng đầu thời bấy giờ không thể không trao đổi với nhau về những bí ẩn có liên quan đến Tây Sơn/Nguyễn Huệ/Quang Trung trên gò ấp Bình An ấy.

Chùa Vạn Phươc, ảnh Võ Văn Tường, Việt Nam Danh Lam Cổ Tự,  Nxb KHXH, HN 1992, tr.126

Theo tài liệu, trên khuôn viên chùa Vạn Phước ngày nay trước kia từng có hai ngôi chùa ra đời cách nhau nhiều thập niên là chùa Tuệ (hay Huệ) Lâm và chùa Phổ Phúc.

Đại Nam Nhất Thống Chí (ĐNNTC) soạn vào cuối đời vua Tự Đức viết về chùa Tuệ /Huệ Lâm như sau:

Ở trên gò ấp Bình An, có khe bao quanh, phong cảnh cũng đẹp. Khoảng đời Minh Mệnh, An Mỹ Thái trưởng công chúa là Ngọc Ngôn sửa lại”.[5]

Trong bộ Hàm Long Sơn Chí do Điềm Tịnh Cư Sĩ vẽ vào cuối thế kỷ XIX về vị trí các chùa ở bờ nam sông Hương đã ghi rõ có “Phổ Phúc Tự” toạ lạc ở vùng gò Bình An. Các nhà viết lịch sử các chùa ở Huế cho rằng chủa Phổ Phúc là ngôi chùa tiền thân của chùa Vạn Phước ngày nay. Không rõ căn cứ vào tài liệu nào, NNC Hà Xuân Liêm[6] cho rằng: Vào năm Thiệu Trị thứ hai, Nhâm Dần (1842) có ngài Minh Bổn Lương Tri lập ra am Phổ Phúc rồi sau đó không lâu chuyển thành chùa Phổ Phúc. Điều nầy hơi khó tin: Vì chùa Phổ Phúc ra đời thời vua Thiệu Trị thế tại sao cuối thời vua Tự Đức soạn ĐNNTC không hề có một dòng nào dành cho chùa Phổ Phúc cả? Cho đến nay, ngoài thông tin trên Hàm Long Sơn Chí hồi cuối thế kỷ XIX, tôi chưa thấy có bất cứ một tài liệu cổ nào viết về chùa Phổ Phúc cả. Theo ông Nguyễn Hữu Oánh – cháu 4 đời vị khai khẩn vùng đất ấp Bình An cho biết: Theo truyền khẩu của gia đình, khi cụ Nguyễn Đình Hòe đến quản lý vùng gò ấp Bình An – nơi đây chỉ có một cái am chuyên lo hương khói và gin giữ khu mộ, tháp ở đây mà thôi.

ĐNNTC không cho biết chùa Tuệ/Huệ Lâm do ai khai sơn và ra đời vào thời gian nào, nhưng lại cho biết “đời Minh Mệnh, An Mỹ Thái trưởng công chúa là Ngọc Ngôn sửa lại”. Đến năm thứ hai đời Thiệu Trị (1842) một quả chuông chùa Tuệ/Huệ Lâm được đúc xong (còn lưu giữ ở chùa Báo Quốc ngày nay), chứng tỏ chùa Tuệ/Huệ Lâm vẫn còn tồn tai. Thế tại sao ngài Minh Bổn Lương Tri không vào tu ở Tuệ/Huệ Lâm mà lại đi lập ra am Phổ Phúc rồi một thời gian ngắn sau đó chuyển thành chùa Phổ Phúc sát bên cạnh chùa Tuệ/Huệ Lâm để tu?

Chuông chùa Tuê/Huệ Lâm do Thái trưởng Công chúa An/Yên Mỹ đúc năm Thiệu Tri  thứ hai (1842) còn lưu giữ tại Tổ đình Báo Quốc ở Huế. Ảnh Nguyễn Đình Đính

Xưa nay ở Huế có một ngôi chùa nào (nhất là chùa của các ông hoàng bà chúa triều Nguyễn) cho cắt đất lập am sát bên cạnh chùa như thế không? Năm 1915 thầy Giác Hạnh tiếp nhận chùa Phổ Phúc trong tay cụ Nguyễn Đình Hòe và sau đó dần dần đổi tên chùa Phổ Phúc thành chùa Vạn Phước. Khuôn viên chùa Vạn Phước ngay nay bao trùm trên mảnh đất của chùa Tuệ/Huệ Lâm và chùa Phổ Phúc. Mà chùa Phổ Phúc đã ra đời trên đất chùa Tuệ/Huệ Lâm, thế tại sao chùa Vạn Phước không lấy tên chùa Tuệ/Huệ Lâm mà lại chỉ lấy tên Phổ Phúc không mấy người biết làm tiền thân của mình? Có lẽ thầy Giác Hạnh và các vị đại quan đệ tử ở chùa Vạn Phước lúc bấy giờ không muốn (nói đúng là không dám) liên hệ tới những điều cấm kỵ rối rắm của lịch sử trên gò ấp Bình An chăng? Đặt ra câu hỏi nầy vì tôi biết có những thông tin sau đây:

Không muốn liên hệ với “An Mỹ Thái trưởng công chúa là Ngọc Ngôn sửa lại” chùa Tuệ/Huệ Lâm. Vì bà Trưởng Công chúa nầy có mối quan hệ gia đình cực kỳ phức tạp. Bà là con gái thứ 10 của vua Gia Long. Mẹ là Đức phi Lê Thị Ngọc Bình (em cùng cha khác mẹ với Công chúa Lê Ngọc Hân - Bắc cung Hoàng hậu của vua Quang Trung). Đời chồng trước của bà Ngọc Bình là vua Quang Toản bị đời chồng sau là vua Gia Long hành hình. Thái trưởng công chúa là Ngọc Ngôn (con gái bà Ngọc Bình) là em cùng cha khác mẹ với vua Minh Mạng. Chồng Công chúa Ngọc Ngôn là ông Lê Văn Yến - con trai trưởng của ông Lê Văn Phong và là con thừa tự của Tả quân Lê Văn Duyệt. Năm Ất mùi (1835) triều Minh Mạng xử vụ án Lê Văn Duyệt, Lê Văn Yến bị triều Minh Mạng khép vào tội chết. Cuộc đời Thái trưởng Công chúa Ngọc Ngôn rất bi đát. Cha mẹ lấy nhau không bình thường, lên 6 tuổi mồ côi mẹ, 19 tuổi lấy chồng, 31 tuổi chồng bị triều đình của chính anh mình khép vào tội chết.Trong Hoàng tộc Nguyễn không có một bà Công chúa nào có cuộc đời ngang trái như thế. Tránh việc liên hệ với chùa Tuệ Lâm của bà Yên Nghĩa/Ngọc Ngôn là vần thiết..[7]

Tuy nhiên tất cả những bí ẩn, ngang trái đó tối với các nhà nghiên cứu thích khám phá, đặc biệt đối với các nhà nghiên cứu Phương Tây là những đề tài rất thú vị. Nhà Huế học L. Cadière đã đến thăm chùa Tuệ Lâm (năm 1925), tuy ông ngại nhà Nguyễn không dám viết ra sự thật nhưng ông cũng đã gián tiếp gợi ý cho người khác đến đây một cách kín đáo. Ông viết:

         “Ce temple Hue-Lam est intéressant à visiter» (Thăm chùa Huệ (Tuệ) Lâm rất hấp dẫn) [8] .

Đến đây sự thể lại xuất hiện một nghi vấn nữa: Phải chăng Thái trưởng Công chúa Ngọc Ngôn trùng tu một ngôi chùa không do một nhà sư nào khai sơn cả? Từ sau khi chùa cũ có tên mà không tiện phục hồi - được trùng tu - chùa được đặt tên mới là Tuệ/Huệ Lâm? Tôi đặt giả thuyết ấy vì – theo Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán, trong Phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn Phúc Chu có một Phật viện – một cơ sở tu hành rất hoàn chĩnh được Hòa thượng Thích Đại San ban tên là “Giác Vương Nội Viện 覺王內院”. Xin trích Nguyên văn sau đây:

Thích Đại Sán viết:

“Phật viện trong vương cung lạc thành, Quốc vương xin ta đề bức hoành và câu đối.

  Bức hoành viết bốn chữ: “覺王內院 Giác vương nội viện”.

  Câu đối khắc trước Đại điện:

  “Đằng-giác-địa vi Diệu-Giác-địa, thành tâm minh tâm, đồng nhập tam ma trí tuệ chơn như tạng”

  “Nguyễn-vương-cung kiến Phạm-vương-cung, tại thế xuất thế, tổng thành nhất phiến nhơn từ đại-đạo-trường”.

  Dịch nghĩa:

  “Nơi đẳng-giác đổi làm nơi Diệu-giác, lòng thành lòng sáng đồng vào nơi trí-tuệ chơn-như”.

“Cung Nguyễn-vương xây dựng cung Phạm-Vương, đời tục đời tu, hợp một trường nhơn-từ đại đạo”.

  Câu liễn ở tiền-điện:

  “Hải-thủy uyên hàm, địch thế giới, sái phiền ngao, phong khởi thanh lương nguyệt-điện”.

  “Bồng-sơn điệp thúy, điện bang-kỳ, tác bàn-thạch, hoa thâm tĩnh khiết thiền-thiên”

   Dịch nghĩa:

  “Nước biển trong veo, rửa sạch trơn thế-giới phiển-ngao, gió thổi cung trăng mát mẽ”.

  “Non bỗng xanh ngắt, xây vững mãi bang-kỳ bàn thạch, hoc khai cỏ bụt tốt tươi”.

  Câu liễn ở cột trụ tiền điện:

  “Nguyệt diện ung dung, bất quyển dạ-minh liêm, tịnh lý sum la vạn trượng”.

  “Nhật luân chiếu diệu, thường chiêm kiêm-sắc-tướng, quang trung phổ hiện thiên tường”.

  Dịch nghĩa:

  “Mặt nguyệt khoan thai, rèm ngọc ngũ thâm nghiêm, muôn tượng báu sum la trong tĩnh mạch”.

  “Bóng thiều sáng chói, tượng vàng thường chiêm ngưỡng, nghìn điềm lành phổ hiện giữa quang minh”.

Câu đối viết ở hậu điện:

“Thập thân điều ngự, ứng hiện nhơn vương, hợp-tác phật tâm đức-chủ”.

“Vạn đức trang nghiêm, tự thành bửu sở, tọa thâm hương-hải thần-cư”.

  Dịch nghĩa:

  “Mười kiếp tu hành, ứng hiện đức vua giàu lòng Phật”.

  “Muôn đức nghiêm kính, hợp thành công chúa giữa giòng thơm”.

  Câu liễn đề La-Hán-Đường:

“Thiên-thai sơn thượng thừa lương, cà-sa vong ký Thạch-Lương-Kiều, chàng toái hư không, khởi thị phận ngoại tác dụng”.

“Hương-tích giới lý ứng cúng, thảo hài thác lạc Liên-Hoa quốc, đạp phiên thủy nguyệt, vô phi cá lý thần thông”.

  Dịch nghĩa:

  “Thừa-lương trên núi Thiên-thai, cầu Thạch-Lương quên áo cà-sa, đánh nát hư không, hiền phần tác dụng”.

  “Ứng cúng trong chùa Hương-Tích, cõi Liên-Hoa đánh rơi giày cỏ, đạp nhào trăng nước, hóa phép thần thông”

  Câu liễn cửa tiền-điện:

  “Phật đức cập quần sinh, thục khí nhân uân, kết bửu-quang ư từ thất”.

  “Vương du châu bát biểu, tường phong phi phất, khai giác lộ dĩ đoan môn”.

  Dịch nghĩa :

  “Đức Phật cứu chúng sanh, khí tốt xông un, nhà lành ngời sáng báu”.

  “Ơn vua khắp tám cõi, gió từ phơ phất, cửa chánh mở đường ngay”.

Quốc-vương khai đàn ở Nội-viện, ngày Phật-đãn (mồng 8 tháng 4) có quốc-mẫu, Công-chúa, hậu-cung quyến thuộc, đồng thọ Bồ-tát-giới.

Vương tự đặt riêng một đàn. Ngày ấy nắng gắt. Vương mình mập quỳ lâu; mồ hôi ướt thấm mấy lớp áo, người dẫn lễ mời Vương nghỉ một chút, lúc dâng lễ sẽ quỳ. Vương bảo rằng:

-“Ta ít tuổi, vui lòng chịu giới-phạm, chẳng lấy thế làm mệt”.

Qùy thọ giới xong, đứng dậy, lại làm lễ, cầu xin chỉ bảo. Ta thường nghiệm thấy tín căn của Vương rất bền vững, có lòng cầu đạo chơn thành, bèn mừng rỡ viết quyền “Hộ Pháp Kim Thang thư”, tặng cho …”[9]

Phóng ảnh nguyên văn chữ Hán về Giác Vương Nội Viện trong Hải Ngoại Kỷ Sự 海外紀事 của HT Thích Đại Sán, Quyển II, tại các tr. 16a, 16b và 17a.

Phật viện có tên “Giác Vương Nội Viện”. nằm trong Vương cung tức trong Phủ Dương Xuân, lạc thành vào ngày trước lễ Phật Đản năm 1695. Số phận của “Giác Vương Nội Viện”. gắn liền với sự hiện hữu của Phủ Dương Xuân. Năm 1774 Phủ Dương Xuân lọt vào tay quân Trịnh, 12 năm sau (1786) Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ từ Quy Nhơn ra giải phóng Phú Xuân, chiếm lại Phủ cũ Dương Xuân trong tay quân Trịnh làm dinh Bắc Bình Vương. Cuối năm 1788, Bắc Bình Vương lên ngôi, lấy niên hiệu là Quang Trung. dinh Bắc Bình Vương (phủ cũ Dương Xuân) trở thành Cung điện Đan Dương. Mùa thu năm 1792, vua Quang Trung qua đời, để giữ bí mật thi hài của vua được táng ngay trong Cung điện Đan Dương. Cung điện Đan Dương trở thành lăng Đan Dương. Mùa đông năm 1801, Nguyễn Ánh trở lại Phú Xuân quật phá Cung điện/lăng Đan Dương, lấy hài cốt vua Quang Trung giả nhỏ, bắn vào không trung, đầu lâu bỏ vào một cái vò giam vào Ngục thất. Toàn bộ kiến trúc Cung điện Đan Dương, tức phủ Dương Xuân cũ bị đập phá chôn sâu xuống đất. Khu vực Cung điện Đan Dương bỏ hoang phế, cấm dân chúng đến ở. Cuối đời Tự Đức, viết ĐNNTC cho rằng phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân từ sau khi binh loạn (tức phong trào Tây Sơn chiếm Huế) mất tích. Từ đó cho đến sau năm 1975, không ai quan tâm đến chuyện ở Huế từng có một phủ Dương Xuân – cung điện của các chúa Nguyễn sinh sống vào những tháng mùa đông - đã mất tích. Sau hàng chục năm đi tìm Cung điện Đan Dương, tôi đã tìm thấy dấu tích phủ Dương Xuân trên gò ấp Bình An (gò Dương Xuân cũ) – tại khu vực chùa Vạn Phước tọa lạc ngày nay.

Với sự khám phá ấy có thể xác định Phật viện ra đời ở phủ Dương Xuân thời Nguyễn Phúc Chu (1695) cũng nằm trên khu vực chùa Vạn Phước ngày nay. Vậy chùa Tuệ/ Huệ Lâm và Phật viện theo lịch sử cùng xây dựng trên khu đất chùa Vạn Phước ngày nay có liên quan gì với nhau không?

Phật viện ra đời năm 1695 bị phá hủy chôn vùi vào năm 1801 (đầu triều  Gia Long), Thái trưởng Công chúa An/Yên Nghĩa trùng tu chùa Tuệ Lâm vào thời Minh Mạng. Không thể biết chùa Tuệ Lâm xây dựng năm nào và do ai khai sơn nhưng chắc chắn nếu có thì phải xây dựng từ sau năm 1801. Điều này không thể xảy ra. Vì từ sau năm 1801 khu vực nầy bị cấm hoàn toàn, Cho nên theo tôi, Trưởng Công chúa An/Yên Nghĩa trùng tu Phật viện (Giác Vương Nội Viện) ra đời vào thời Nguyễn Phúc Chu (1695) và đặt tên cho Phật viện cũ vừa được trùng tu là chùa Tuệ Lâm.

Nói đến Phật viện (Giác Vương Nội Viện). thì phải đề cập đến phủ Dương Xuân. Mà phủ Dương Xuân thì Nhà Nguyễn đã cố tình viết nó đã mất tích từ lâu rồi. Nếu làm rõ phủ Dương Xuân mất tích vì nó đã bị chuyển làm Cung điện/lăng Đan Dương và đã bị quan quân nhà Nguyễn triệt hạ chôn vùi xuống đất thì sẽ phạm vào một điều cấm kỵ khó thoát được tội trọng. Thầy Giác Hạnh và các vị đại quan đệ tử ở chùa Vạn Phước lúc bấy giờ tránh lấy Phật viện trong Phủ Dương Xuân làm tiền thân cho chùa Vạn Phươc là một giải pháp tốt nhất.

Ngày nay toàn bộ đất đai gò ấp Bình An cũ đều nằm trong tường rào chùa Vạn Phước. Nên chăng viết lại lịch sử chùa Vạn Phước – hậu thân của Phật viện (Giác Vương Nội Viện). do chúa Nguyễn Phúc Chu xây dựng trong Phủ chúa từ cuối thế kỷ XVII? Nếu đề nghị ấy được chấp nhận và thực hiện, Cố đô Huế sẽ có thêm một ngôi cổ tự quý giá, di sản mà Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán để lại cho Huế không chỉ là tấm di ảnh và bình bát của Người đang lưu giữ ở chùa Thiên Mụ, chùa Trúc Lâm mà còn có thêm hàng chục câu đối liễn vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị văn học. Kính mong lắm thay!

                         

    Gác Thọ Lộc, 31-7-2016

                                                                                          Nguyễn Đắc Xuân   

 

Sách tham khảo

- Hà Xuân Liêm, Những ngôi chùa Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế 2000

- Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, Nxb Thuận Hóa 1995

- L.Cadière, LE QUARTIER DES ARÈNES II. — SOUVENIRS DES  NGUYEN, BAVH, 12e Annés, No.3, Fuillet-Sept 1925,

, Quốc sử quán Triều Nguyễn, ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ, Thừa Thiên Phủ, tập Thượng, bản dịch Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn Hóa Bộ QGGD Xb, SG.1961

- Quốc sử quán Triều Nguyễn, ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ ,tập 1, bản dịch Viện Sử học Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội - 1969

- Thích Đại Sán, Hải Ngoại Kỷ Sự, Viện Đại học Huê, UB Phiên dịch Sử liệu Việt Nam. Huế - 1963

- Thích Đại Sán, Bản sao nguyên văn chữ Hán sách Hải Ngoại Kỷ Sự

- Tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế), 

       - Số  2 Tháng 4 - 7 năm 1914.

       - Số  3, Tháng 7 – 9 năm 1925 

       - Số  3 Tháng 7 – 9 năm 1942                     

 


[2] Nguyễn Đình Hoè (Phó Hiệu trưởng trường Hậu Bổ), Note sur les cendres des Tây-Sơn dans la prisson du Khám Đường (Ghi chú về những hài cốt của Tây Sơn trong nhà tù Khám Đường) ,  BAVH,  số 2 Tháng 4-7 năm 1914. tr.145-146

[3] Sogny, Les Grandes Familles de l’Annam S.E. Nguyễn Đình Hòe, BAVH, No 3- Juillet-Septembre 1942, p.347

[4] Ông Kim - cháu ông Phạm Liệu cho biết : Các loại đá trôi nổi rải rác trên gò ấp Bình An do các các chùa và gia đình các quan lớn đào huyệt chôn cất người thân phát hiện dưới lòng đất họ lấy lên vất bỏ nhiều nơi ; một số đá khác bị chôn dưới đất lâu ngày mưa gió xói mòn trồi lên mặt đất. Dân chúng trong vùng đã  lấy đi khá nhiều.  

[5] Quốc sử quán Triều Nguyễn, ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ ,tập 1, bản dịch Viện Sử học Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội- 1969 trang 180.

[6] Hà Xuân Liêm, Sđd. tr.266

[7] Xem thêm Nguyễn Đắc Xuân, Ngày xuân đi thăm phủ thờ Tả tướng quân Lê Văn Duyệt tại Huế. Nghiên cứu triều Nguyễn và Huế xưa, tập II, Nxb Thuận Hóa Huế 2012, tr.33-36 hoặc trên trang Web : http://gactholoc.net/c62/tim-kiem.html?s=L%C3%AA%20V%C4%83n%20Duy%E1%BB%87t

[8] L.Cadière, LE QUARTIER DES ARÈNES II. — SOUVENIRS DES  NGUYEN, BAVH, 12e Annés, No.3, Fuillet-Sept 1925,  p.117-152

 

[9] Thích Đại Sán, Hải Ngoại Kỷ Sự, Viện Đại học Huê, UB Phiên dịch Sử liệu Việt Nam. Huế 1963, tr.86-87

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia