Trần Viết Điền dùng “chiêu nhắm mắt” để phản biện công trình nghiên cứu khoa học của tôi

Vừa qua tạp chí Sông Hương số TCSH337/03-17 và tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 2(136).2017, ở Thừa Thiên Huế đăng lại những ý kiến phản biện công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương của tôi, làm cho nhiều độc giả rất phân vân và yêu cầu tôi phản biện. Những ý kiến này, tôi đã phản biện cách đây trên 10 năm và Trần Viết Điền không chống đỡ được. Đến nay Trần Viết Điền lại trở lại vấn đề như chưa hề bị phản biện. Do đó tôi xin đăng lại nguyên văn các bài cũ đã đăng trên mạng toàn cầu, để độc giả thấy Trần Viết Điền là nhà nghiên cứu khoa học để đóng góp với Văn hóa lịch sử Huế hay vì mục đích trả thù công trình Cung điện Đan Dương đã “làm trở ngại lớn đối với giả thiết lăng Ba Vành là lăng của Vua Quang Trung trong 20 năm qua” (trích thư của Trần Viết Điền viết cho Trần Xuân An) của Trần Viết Điền!

Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” - công trình nghiên cứu trên 20 năm của tôi đã báo cáo nhiều nơi ở Huế, ở Hà Nội,  ở TP Hồ Chí Minh, và cả ở nước ngoài (Pháp, Mỹ), đã đưa lên nhiều trang Web trên thế giới như http://chimviet.free.fr, http://Vietsciences.free.fr, http://giaodiemonline.com, http://www.dongduongthoibao.com. Nhiều nhà sử học, nhiều độc giả trong nước và nước ngoài đã có nhận xét đánh giá chất lượng khoa học của công trình. Tháng 10-2007 vừa qua, Nhà xuất bản  Thuận Hoá đã in công trình “Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung”, trong đó ghi lại tất cả những nhận xét thuận nghịch đã đến với tôi trên 16 năm qua. Cuốn sách ra đời lại được các nhà nghiên cứu, các sử gia gần xa rất vui mừng, giới thiệu trên nhiều báo viết như Hồn Việt, Tuổi Trẻ, Người Đại Biểu Nhân Dân, Bình Định, Đại Học Huế.v.v.và nhiều báo điện tử khác với hy vọng Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung trong một ngày gần sẽ được chính quyền và các cơ quan chức năng xác nhận để có thể dựng lại làm nơi đặt một bát hương cho Đại hoàng đế Quang Trung trên đất Cố đô Huế để nhân dân cả nước đến bái lạy tưởng niệm Người hằng năm.

Nhưng không ngờ, đến sáng 19-11-2007, ông Trần Viết Điền (TVĐ) - người theo đuổi chứng mình lăng Ba Vành ở phía nam tu viện Thiên An (đã bị nhiều nhà khoa học bác bỏ từ 20 năm qua), đưa lên nhiều trang Web một bài “nhân danh phản biện khoa học” với nhan đề “CÓ PHẢI PHỦ DƯƠNG XUÂN Ở GẦN CHÙA THIỀN LÂM VÀ PHỦ NÀY LÀ ĐAN DƯƠNG LĂNG CỦA VUA QUANG TRUNG ?”. Cùng trong thời gian đó ông TVĐ viết điện thư cho nhà nghiên cứu Trần Xuân An (*) - người chủ trang WebtgTXA phản ảnh nhiều thông tin sai lạc và vu khống tôi rằng “Công trình nầy (công trình nghiên cứu của NĐX) làm trở ngại lớn đối với giả thiết lăng Ba vành là  lăng của Vua Quang Trung trong 20 năm qua” của TVĐ. Bài “phản biện” và lá thư điện tử đến với tôi ngay lúc tôi vừa rời Bệnh viện Huế sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ túi mật rất mất sức. Nhưng vì phải bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình, tôi đã phải viết luôn hai bài bình luận về bài và thư “phản biện” của TVĐ:

Bài 1. “Có một bài phản biện về công trình “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” như thế” (tạm gọi là Bài I);

Bài 2. “Trần Viết Điền viết “phản biện” công trình “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” của Nguyễn Đắc Xuân trong tâm cảnh nào ?” (tạm gọi Bài II).

Bài I đã đăng trên các trang Web: http://giaodiemonline.com (tháng 12-2007); dongduong thoibao.net (tháng 12-2007), nhandanvietnam.org (tháng 12-2007). Riêng hai trang Web WebtgTXA:http://tranxuanan. writer. 2.google pages.com và http://chimviet.free.fr (tháng 12-2007) thì đăng luôn cả Bài I và bài II.

Trong Bài I tôi đã chứng minh TVĐ đã cố tình “phịa” ra 6 thông tin lịch sử hòng đánh đổ công trình nghiên cứu của tôi nhưng TVĐ không thành công; Bài II tôi tố cáo TVĐ đã vu khống tôi và dẫn chứng cho độc giả thấy  rõ công trình TVĐ chứng minh lăng “Ba Vành ở phía nam nhà thờ Thiên An là lăng mộ vua Quang Trung” đã bị các nhà khoa học (trong đó có nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh) đã bác bỏ với đầy đủ tư liệu khẳng định lăng Ba Vành là lăng mộ Lê Quang Đại - thượng thư Hộ bộ kiêm Binh bộ thời Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát. Gần hai chục năm qua TVĐ không đủ lý lẽ  chống đỡ những bài phản biện ấy. TVĐ nhân danh “phản biện khoa học” để gây nhiễu thông tin trả thù công trình nghiên cứu của tôi đã “làm trở ngại lớn” cho “công trình” của TVĐ mà cụ thể là UBND Thành phố Huế hồi ấy không nghiệm thu đề tài “Lăng Ba Vành ở phía nam nhà thờ Thiên An là lăng mộ vua Quang Trung” mà UBND Thành phố Huế đã nhầm giao cho TVĐ thực hiện.

Bẵng đi một thời gian, đến ngày 10-12-2007 vừa qua, TVĐ viết bài “TRỞ LẠI GÒ DƯƠNG XUÂN” gởi đến nhiều địa chỉ e-mail và được  Chim Việt Cành Nam đưa lên trang Web http://chimviet.free.fr (không rõ còn có trang Web nào đăng nữa không, xin các công dân mạng mách hộ. Cám ơn).

Bài của TVĐ gồm 18 trang, phần viết có 11 trang và phần Phụ lục (bản đồ và ảnh) 7 trang. Tất cả những phản bác của tôi trong hai bài Bài I và Bài II, TVĐ không còn lý lẽ nào để bảo vệ nữa, chỉ còn cù cưa 3 thông tin sau:

  1. Về ý tứ, xuất xứ bài thơ Nam khê của Miên Thẩm;
  2. Về miếu Lê Thánh Tông cũ và mới;
  3. Dương Xuân ở đâu? Phủ Dương Xuân ở đâu?

Vậy lý lẽ TVĐ đưa ra trong ba thông tin cù cưa nầy có một giá trị lịch sử  nào không ?

*

*     *

Trong bài viết nầy, tôi chỉ trích những ý chính có liên quan đến cuốn sách Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung và các Bài I và Bài II của tôi đã công bố trên Net, những dẫn chứng, biện bạch, lý giải khác của TVĐ không liên quan đến công trình của tôi, hoặc lạc đề tôi không đề cập đến để khỏi làm mất thì giờ bạn đọc.

Thông tin 1.- Trần Viết Điền (TVĐ) viết: “1. Về ý tứ, xuất xứ bài thơ Nam khê của Miên Thẩm; Theo nhà nghiên cứu NĐX thì Miên Thẩm làm bài thơ này khi dừng ngựa bên dòng Suối Tiên ở gò Dương Xuân (sáng tác năm 1843) (?).

NĐX bình luận: Trong bài phản biện, TVĐ có sử dụng từ “loạn sơn” rút trong bài thơ Nam Khê của Tùng Thiện Vương trích lại trong bài viết “Khảo sát Nam Giao Tân Lộ” của Hồ Vĩnh (Đi tìm dấu tích CĐĐD...tr.219- 223) và TVĐ cho rằng Tùng Thiện Vương dùng chữ “loạn” trong bài Nam Khê để ám chỉ chuyện người rể của ông là Đoàn Trưng đã làm “loạn” dưới thời Tự Đức ở Gò Dương Xuân. Tôi cho rằng TVĐ đã suy diễn như thế là không đúng. Đáp lại TVĐ, tôi viết trong Bài I rằng:

“Về trường hợp Tùng Thiện Vương làm bài thơ Nam Khê lúc nào ? Theo sách Tùng Thiện Vương (1819-1870) của hai học giả Hoàng tộc cháu nội và chắt nội của Tùng Thiện Vương là Nguyễn Phúc Ưng Trình và Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng (Huế-Sài Gòn 1970) thì bài thơ Nam Khê (Sđd. tr.285) được sáng tác vào tháng 9 năm 1843, trước cuộc biến động của Đoàn Trưng Đoàn Trực (tháng 9-1866) tròn 23 năm. Đoàn (Hữu) Trưng sinh năm 1844, như vậy bài thơ Nam Khê ra đời lúc Đoàn Trưng còn nằm trong bụng mẹ, còn Đoàn Trực - em Đoàn Trưng thì còn nhiều năm sau mới đầu thai. Như vậy nội dung bài thơ Nam Khê không dính dáng gì với cuộc biến động của Đoàn Trưng Đoàn Trực (Giặc Chày Vôi) cả. Do đó tất cả cách lý giải về bài thơ Nam Khê của TVĐ là áp đặt, tùy tiện một cách thô  thiển...” Chứng minh như vậy là quá rõ ràng, một bàn thua dành cho TVĐ không chạy vào đâu được, thế nhưng TVĐ không quan tâm mà lại tiếp tục lý sự về bài thơ Nam Khê. Có thể TVĐ không đọc đoạn bình luận của tôi, nên nhân đây tôi scan bìa cuốn Tùng Thiện Vương và bài thơ Nam Khê ra đây  để TVĐ không nhìn thì có thể sờ được:

Bìa sách Tùng Thiện Vương của NP Ưng Trình và NP Bửu Dưỡng và bài thơ Nam Khê

tại tr.285 ghi rõ đã được sáng tác vào tháng 9 năm 1843.

Thông tin 2.- TVĐ viết: “Về miếu Lê Thánh Tông cũ và mới: Quốc Sử Quán triều Nguyễn trong ĐNNTC (bản Duy Tân) chép: “Miếu lễ Lê Thánh Tông: Ở phía tả miếu Lịch đại đế vương, hằng năm tế vào tháng trọng xuân và trọng thu, đều vào ngày nhâm sau ngày tế Xã tắc.

Kính xét: Miếu Lê Thánh Tông, hồi (nhà Nguyễn) mới dựng nước vẫn có miếu thờ, sau trải qua loạn lạc bị bỏ, năm Gia Long thứ 8, chọn đất dựng miếu để thờ.” (QSQTN, ĐNNTC,tập Kinh Sư, bản dịch, NXBTH,tr 34). Và cũng QSQ triều Nguyễn chép trong ĐNTLCB: “Kỷ Tỵ, Gia Long năm thứ 8[1809]… Đổi  dựng miếu Lê Thánh Tông. Vua cùng bầy tôi bàn rằng: “Nước ta từ triều Lê về trước, tự châu Ô châu Lý vào nam còn là đất Chiêm Thành. Lê Thánh Tông bình được Chiêm Thành, mở đất tới Phú Yên, dời dân đến ở, công mở mang đất đai thực bắt đầu từ đấy. Trước kia dựng miếu thờ là để nhớ công, nay nên nhân cũ mà sửa mới để làm nơi sùng tự. Bèn sai họp thợ xây dựng, hơn một tháng thì miếu làm xong. Đặt mười người miếu phu, lấy dân Phú xuân sung vào, mỗi năm hai mùa xuân thu lấy ngày nhâm sai quan đến tế” (sđd, tr. 774). Mới đọc hai  đoạn tư liệu trên, chúng tôi cũng hiểu như NNC NĐX, nhưng khi đến ruộng lễ Lê Thánh Tông, gần CBS (Cồn Bông Sứ), ký ức dân gian cho biết vua quan từng đến nơi này tế lễ, lại có tấm bia rùa đội bề thế… thì chúng tôi nghĩ có khả năng “chọn đất dựng miếu” là kiếm đất mới để dựng miếu, “nhân cũ sửa mới” là nhân việc thờ cúng ngày xưa còn chưa trân trọng, cho nên vua Gia Long sửa lại việc tế lễ ở miếu cho đúng điển lễ, xứng với công lớn của vua Lê Thánh Tông hơn”.

NĐX bình luận: Trong bài gọi là “phản biện” TVĐ cố tình chứng minh Miếu lễ Lê Thánh Tôn ở vùng chùa Vạn Phước nên tất cả những cổ vật tôi phát hiện ở vùng chùa Vạn Phước là của Miếu lễ Lê Thánh Tôn chứ không phải của Phủ Dương Xuân/Cung điện Đan Dương như khám phá của tôi. Tôi đã phản bác ý kiến của TVĐ và TVĐ đã phải nhận đó chỉ là một giả thiết và Miếu lễ Lê Thánh Tôn chưa hề toạ lạc vùng chùa Vạn Phước. Như vậy Miếu lễ Lê Thánh Tôn ở đâu đó không quan hệ gì với công trình nghiên cứu của tôi. Còn chuyện TVĐ hiểu đoạn trích Đại Nam Thực Lục CB dưới đây có đúng không, có mâu thuẫn với TVĐ không tôi dành cho TVĐ. “Nước ta từ triều Lê về trước, tự châu Ô châu Lý vào Nam còn là đất Chiêm Thành. Lê Thánh Tông bình được Chiêm Thành, mở đất tới Phú Yên, dời dân đến ở, công mở mang đất đai thực bắt đầu từ đấy. Trước kia dựng miếu thờ là để nhớ công, nay nên nhân cũ mà sửa mới để làm nơi sùng tự.(NĐX nhấn mạnh) Bèn sai họp thợ xây dựng, hơn một tháng thì miếu làm xong”. Tôi thì hiểu câu văn được gạch dưới (nhân cũ mà sửa mới) chứng tỏ miếu thờ Lê Thánh Tông được sửa mới trên nền cũ của miếu Lê Thánh Tông có từ trước và theo Đại Nam Nhất Thống Chi tập Kinh sư thì Miếu thờ Lê Thánh Tông năm Gia Long thứ 8 nằm “Ở phía tả miếu Lịch đại đế vương” (nay là nhà bà Cậy  bán phở tại số 27/ kiệt 29 Lịch Đợi thuộc Tổ 1 P.Phường Đúc). Những diễn giải khác tôi miễn bàn.

Thông tin 3.- TVĐ viết: Về cách dịch và hiểu thế nào cho đúng đối  với

đoạn văn chữ Hán trong ĐNNTC viết về gò Dương Xuân?

Phạm Trọng Điềm dịch trong ĐNNTC, tập Kinh Sư, NXB Thuận Hóa, tr 135: “GÒ LONG THỌ:

Ở phía tây bắc huyện Hương Thủy, phía bắc kề sông Hương, chênh chếch đối với gò Thiên Mụ, khóa giữ thượng lưu sông Hương, nhà địa lý gọi kiểu “thiên quan địa trục” (cửa trời trục đất), tức là đây; trên gò có đình bát giác dựng đầu đời Minh Mệnh.

GÒ PHÚ XUÂN:

Ở phía bắc huyện Hương Thủy, có nhiều thắng tích phong cảnh cũng đẹp.

GÒ DƯƠNG XUÂN:

Ở phía tây bắc huyện Hương Thủy, hình thế bằng rộng, ở phía nam có đàn Nam Giao, phía đông phía tây có nhiều chùa to tháp cổ, cũng là nơi danh thắng.

Kính xét: Đầu bản triều dựng phủ ở gò Dương Xuân, đến năm Canh Thìn năm thứ 9 đời Hiển Tông sửa lại, cơ Tả Thủy đào được một quả ấn đồng có khắc chữ “Trấn Lỗ tướng quân chi ấn”, nhân đấy gọi phủ là phủ Ấn; sau trải qua loạn lạc, không rõ chỗ đào được ấn là đâu. [...]

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân vừa dịch vừa nhấn mạnh:

GÒ DƯƠNG XUÂN. Ở phía tây bắc huyện (Hương Thủy) 15 dặm; thế gò bằng phẳng rộng rãi, chỗ cao chỗ thấp, la liệt dài dặc độ vài dặm; phía nam gò có đàn Nam Giao (NĐX nhấn mạnh), phía tây có nhiều danh-lam-cổ-sát, cũng xứng là nơi giai thắng.

Cẩn án: Lúc đầu bản triều khai quốc có dựng phủ ở gò Dương Xuân nầy. Đời vua Hiển Tôn năm Canh Thìn thứ 9 (1700) trùng tu, cơ Tả Thủy, đào đất một cái ấn đồng có khắc chữ: “Trẫn Lỗ Tướng Quân chi ấn” là ấn của Trấn Lỗ Tướng Quân, nhân đó đặt tên phủ là Ấn phủ. Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào” (Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ)…”(sđd, tr76).

Tư liệu chữ Hán cần rà soát câu chữ, dù có ảnh chụp cũng phiên âm và dịch nghĩa:

Phần phiên âm:

“DƯƠNG XUÂN CƯƠNG:

Tại huyện tây bắc thập ngũ lý, cương thế bình khoáng, khởi phục la liệt, diên cắng sổ lý hứa kỳ nam.

Nam Giao đàn tại yên, kỳ tây đa danh lam cổ sát, diệc xưng giai thắng.

Cẩn án. Dương Xuân cương, quốc sơ kiến phủ ư thử, Hiển Tôn Canh Thìn cửu niên trùng tu Tả Thủy cơ khuất địa đắc nhất đồng ấn hữu văn viết “Trấn Lỗ Tướng Quân chi ấn”, nhân danh Ấn phủ. Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ.”

Dịch nghĩa: “Gò Dương Xuân ở về phía tây bắc huyện [Hương Thủy] 15 dặm. Gò hình thế bằng phẳng và rộng rãi, lên xuống nhấp nhô, kéo dài gần vài dặm về phía nam. Đàn Nam Giao ở về phía ấy (của gò). Phía tây của gò có nhiều danh lam chùa cổ…

Hình 1 Ảnh chụp trang sách chữ Hán "Đại Nam Nhất Thống Chí", Quốc Sử Quán triều Nguyễn (Bản Duy Tân), ghi chép về Long Thọ cương, Phú Xuân cương, Dương Xuân cương.

CƯƠNG THẾ BÌNH KHOÁNG KHỞI PHỤC LA LIỆT, DIÊN CẮNG SỔ LÝ HỨA KỲ NAM. NAM GIAO ĐÀN TẠI YÊN.

Như thế đoạn văn trên nói “kéo dài gần vài dặm về phía nam” là nói khoảng cách theo chiều bắc –nam, chứ không nói khoảng cách theo chiều đông-tây của gò Dương Xuân. Phải chăng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã ngắt câu chưa đúng, hiểu chưa sát đoạn văn cổ nói về gò Dương Xuân, dùng bản đồ chưa kỹ, dẫn đến việc sử dụng tư liệu lịch sử chưa phù hợp với thực địa? (NĐX nhấn mạnh)

NĐX bình luận: Đoạn trích trên TVĐ đã phạm vào những sai lầm  như sau:

Không căn cứ trên văn bản muốn phản biện. Viết về lịch sử và vị trí của Gò Dương Xuân, trong sách “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương...” của tôi vừa xuất bản hồi tháng 10-2007, (TVĐ đã sử dụng cuốn sách đó để viết bài “phản biện”), đã trích dẫn nguyên văn chữ Hán và bản dịch về Gò Dương Xuân (từ tr.75 đến tr.77) từ trong cả hai bản Đại Nam Nhất Thống Chí (Thừa Thiên Phủ, t.Thượng) thời Tự Đức và thời Duy Tân [...]. Và, trong Bài I trả lời TVĐ tôi nhắc lại thông tin đó và cung cấp cho TVĐ nội dung bản dịch ĐNNTC đời Duy Tân rằng: “Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ, Tập Thượng, của Quốc sử quán triều Nguyễn, do Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hoá Bộ QGGD xb, SG. 1961, tr.56) viết:

“GÒ DƯƠNG-XUÂN

Ở phía tây bắc huyện (Hương Thủy) 15 dặm; thế gò bằng thẳng rộng rãi, chỗ cao chỗ thấp, la liệt dài dặc độ vài dặm; phía nam gò có đàn Nam-Giao, phía tây có nhiều danh-lam-cổ-sát, cũng xưng là nơi giai thắng.

Cẩn Án: Lúc đầu bản triều khái-quốc có dựng phủ ở gò Dương-Xuân nầy. Đời vua Hiển-Tôn năm Canh-thìn thứ 9 (1700) trùng tu, cơ Tả-Thủy, đào đất được 1 cái ấn đồng có khắc chữ: “Trấn-Lỗ Tướng-Quân chi ấn” là ấn của Trấn Lỗ Tướng-Quân, nhân đó đặt tên phủ là Ấn-phủ. Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào”.

Muốn nhận định phản biện đoạn văn trích trên, TVĐ phải khảo xét chính đoạn trích đó: xuất xứ trích dẫn có đúng với bản ĐNNTC đời Duy Tân không ? Có đúng là bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1961 không ? So với chính bản chữ Hán, bản dịch đó có chỗ nào chưa đúng? Nguyễn Đắc Xuân sử dụng bản dịch đó có chỗ nào xuyên tạc, bóp méo, làm sai nghĩa và có hiểu đúng không? Nếu không tìm ra được chỗ nào sai thì trên nguyên tắc nghiên cứu khoa học lịch sử người phản biện phải chấp nhận đó là chân lý lịch sử. Ở đây TVĐ không làm việc đó mà thay vì khảo xét văn bản TVĐ muốn phản biện bằng cách đi trích dẫn một bản dịch khác của Phạm Trọng Điềm dịch từ bản thảo soạn từ thời Tự Đức. Mục đích cuối cùng để người đọc thấy nội dung thông tin của Nguyễn Đắc Xuân sử dụng khác với nội dung thông tin TVĐ trưng dẫn nên TVĐ kết luận Nguyễn Đắc Xuân sai. Đây là một cách “phản biện” liều, xem thường người đọc của một người thiếu lương thiện;

Sai lầm do chưa tiêu hoá được thông tin lịch sử và sử dụng thông tin hấp tấp: Trong nghiên cứu lịch sử, nhất là khi phản biện những công trình sử học, người muốn phản biện phải có đầy đủ tư liệu tham khảo cần thiết, phải hết sức thận trọng trong từng chi tiết, xuất xứ tư liệu. Ở đây TVĐ không có tư liệu, đi mượn chỗ nầy, chỗ kia, hấp tấp cóp vào sổ tay, chưa tiêu hoá được thông tin trong tư lịệu, cứ thấy chỗ đúng ý của mình liền tương  vào bài viết để “phản biện” nên không tránh được sai lầm.

TVĐ viết: “Phạm Trọng Điềm dịch trong ĐNNTC, tập Kinh Sư, NXB  Thuận Hóa, tr 135: “GÒ LONG THỌ [...], GÒ PHÚ XUÂN [...] GÒ DƯƠNG XUÂN [...]”.

TVĐ không hiểu được rằng chỉ những di tích, mục từ nào thuộc về Kinh thành, Hoàng thành mới được ghi chép trong Kinh sư, những di tích Gò Long Thọ, gò Phú Xuân, gò Dương Xuân thuộc về huyện Hương Thuỷ làm sao có thể đưa vào Kinh sư? Chỉ có những người kiến thức nghiên cứu Nguyễn sống sít mới nhầm như vậy. Sự thật ba mục từ đó được Phạm Trọng Điềm dịch từ bản thảo Đại Nam Nhất Thống Chí (đời Tự Đức), được Nxb KHXH xuất bản tại Hà Nội năm 1969, in trong tập I, quyển II Phủ Thừa Thiên tại các tr.117 và tr.118. Năm 1992, Nxb Thuận Hoá tái bản y chang như vậy ở tr.135, và mới đây (2006) Nxb Thuận Hoá lại tái bản in tại tr.158.

Vì chưa tiêu hoá được tư liệu, hấp tấp trích dẫn nên không tránh được hậu quả “gậy ông đập lưng ông”.

Trong sách “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” của tôi, trong bài trao đổi với anh Hồ Tấn Phan (tr.345), tôi đã chứng minh bộ Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn có hai bản: Bản thảo soạn thời Tự Đức (1882), nhà vua bảo có nhiều thiếu sót nên không cho in. Đến đời Duy Tân dưới sự chỉ đạo của cụ Cao Xuân Dục, các sử thần triều Nguyễn rút những tỉnh thuộc Trung Kỳ (An Nam) (vì Nam Kỳ đã là thuộc địa của Pháp, Bắc Kỳ do Pháp bảo hộ) biên soạn lại, cập nhật tình hình tách nhập các tỉnh, huyện cho đến đời Duy Tân, thêm chi tiết cho những mục từ đã soạn từ thời Tự Đức, bổ sung thêm nhiều mục từ mới vừa có từ sau ngày Thất thủ Kinh đô (ví dụ như ở Thừa Thiên có thêm các mục từ trường Quốc Học, cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba.v.v.) và khắc in (1909). Để phân biệt với bản thảo Đại Nam Nhất Thống Chí biên soạn dưới thời Tự Đức, các nhà nghiên cứu Việt Pháp lúc đó gọi bộ ĐNNTC (riêng cho Trung Kỳ) do Cao Xuân Dục làm tổng tài là Địa lý đời Duy Tân (1913). Trong quá trình nghiên cứu Thừa Thiên Huế, tôi chỉ tham khảo bản thảo thời Tự Đức để thấy sự khác biệt với bản chính thức đời Duy Tân chứ không dùng bản thời Tự Đức vì nó không chính thức và thiếu cập nhật bằng bản đời Duy Tân. Cụ thể là nghiên cứu Thừa Thiên Huế tôi sử dụng bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo các tập Kinh sư và Thừa Thiên Phủ (3 tập Thượng, Trung, Hạ) trong bộ ĐNNTC đời Duy Tân, do Nha Văn hoá Bộ QGGD xuất bản vào các năm 1960 và 1961. Tôi có ghi rõ xuất xứ người dịch mục từ Gò Dương Xuân là Tu Trai Nguyễn Tạo ở tr.351.

Về Gò Dương Xuân trong bản ĐNNTC thời Tự Đức do Phạm Trọng Điềm dịch so với bản đời Duy Tân thiếu (cách tây bắc huyện 15 dặm và dài dặc vài dặm) chứ không sai.

Trong bài “Trở lại gò Dương Xuân” TVĐ đã trích: “GÒ DƯƠNG XUÂN: Ở phía tây bắc huyện Hương Thủy, hình thế bằng rộng, ở phía nam có đàn Nam Giao, phía đông phía tây có nhiều chùa to tháp cổ, cũng là nơi danh thắng”.

Qua đoạn trích của TVĐ đã chứng mình rõ ràng Đàn Nam Giao ở phía nam Gò Dương Xuân tức là Gò Dương Xuân nằm phía bắc đàn Nam Giao. Vị trí Đàn Nam Giao ở phía nam như thế đã quá rõ ràng, và không thể xê dịch được. TVĐ làm ngơ đoạn trích của tôi do Nguyễn Tạo dịch từ bản ĐNNTC Đời Duy Tân rồi đi trích bản dịch của Phạm Trọng Điềm dịch từ bản thảo ĐNNTC đời Tự Đức cũng có chi tiết “ở phía nam có đàn Nam Giao(tức gò Dương Xuân ở phía bắc Đàn Nam Giao). TVĐ muốn chứng minh gò Dương Xuân ở phía tây đàn Nam Giao (như trong bài Phản biện  của TVĐ) nhưng lại đi trích tư liệu lịch sử chứng tỏ gò Dương Xuân ở phía bắc Đàn Nam Giao. Do hấp tấp, hay không hiểu điều chính mình trích nên sinh ra chuyện “gậy ông đập lưng ông như thế ? Một chi tiết sai phạm ấu trĩ đến như thế mà TVĐ còn sai phạm thì TVĐ có được xem là người cầm bút nghiên cứu lịch sử không ?

Lừa để bịp. Như đoạn 3.1 ở trên tôi đã viết, khi tôi trích dẫn bản dịch Gò Dương Xuân của Tu Trai Nguyễn Tạo từ bản chữ Hán ĐNNTC đời Duy Tân thì TVĐ làm lơ, đi trích bản dịch của Phạm Trọng Điềm dịch từ ĐNNTC đời Tự Đức. Khi trích dẫn nguyên văn chữ Hán để dịch méo mó, TVĐ lại dùng bản gốc chữ Hán ĐNNTC đời Duy Tân. Về bản gốc chữ Hán gò Dương Xuân ĐNNTC đời Duy Tân, tôi đã phóng lớn trưng bày nhiều lần và in lại trong sách của tôi ở tr.76 rất rõ ràng. Và không chỉ có bản chữ Hán đời Duy Tân đã in (1909) mà bên cạnh còn có trang bản thảo Gò Dương Xuân bằng chữ Hán đời Tự Đức. Để phản biện công trình của tôi, TVĐ chỉ cần căn cứ trên văn bản đã xuất bản của tôi bình luận về bản dịch kèm theo xem thử bản dịch như thế có đúng với nguyên văn chữ Hán không. Ở đây TVĐ không làm việc đó mà đi dùng máy chụp hình kỹ thuật số chụp hai trang sách ĐNNTC đời Duy Tân có mục từ Gò Dương Xuân rồi phiên âm và dịch nghĩa lại. Lặp lại một tài liệu mới kém chất lượng để làm gì ?

TVĐ viết: “Tư liệu chữ Hán cần rà soát câu chữ, dù có ảnh chụp cũng phiên âm và dịch nghĩa:

Phần phiên âm:

“DƯƠNG XUÂN CƯƠNG:

Tại huyện tây bắc thập ngũ lý, cương thế bình khoáng, khởi phục la liệt, diên cắng sổ lý hứa kỳ nam.

Nam Giao đàn tại yên, kỳ tây đa danh lam cổ sát, diệc xưng giai thắng.

Cẩn án. Dương Xuân cương, quốc sơ kiến phủ ư thử, Hiển Tôn Canh Thìn cửu niên trùng tu Tả Thủy cơ khuất địa đắc nhất đồng ấn hữu văn viết “Trấn Lỗ Tướng Quân chi ấn”, nhân danh Ấn phủ. Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ.”

Dịch nghĩa: “Gò Dương Xuân ở về phía tây bắc huyện [Hương Thủy] 15 dặm. Gò hình thế bằng phẳng và rộng rãi, lên xuống nhấp nhô, kéo dài gần vài dặm về phía nam. Đàn Nam Giao ở về phía ấy (của gò). Phía tây của gò có nhiều danh lam chùa cổ…

Hình 2 Ảnh chụp trang sách chữ Hán "Đại Nam Nhất Thống Chí", Quốc Sử Quán triều Nguyễn (Bản Duy Tân), ghi chép về Long Thọ cương, Phú Xuân cương, Dương Xuân cương.

CƯƠNG THẾ BÌNH KHOÁNG KHỞI PHỤC LA LIỆT, DIÊN CẮNG SỔ LÝ HỨA KỲ NAM. NAM GIAO ĐÀN TẠI YÊN.

Như thế đoạn văn trên nói “kéo dài gần vài dặm về phía nam” là nói khoảng cách theo chiều bắc – nam, chứ không nói khoảng cách theo chiều đông-tây của gò Dương Xuân. Phải chăng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã ngắt câu chưa đúng, hiểu chưa sát đoạn văn cổ nói về gò Dương Xuân, dùng bản đồ chưa kỹ, dẫn đến việc sử dụng tư liệu lịch sử chưa phù hợp với thực địa?” (NĐX nhấn mạnh)

Để thấy rõ TVĐ cố dịch khác đi đoạn trích Gò Dương Xuân như thế nào tôi xin dẫn lại bản gốc chữ Hán trong ĐNNTC đời Duy Tân mà tôi đã dùng trong sách Đi tìm dấu tích... tr. 76 và bản phiên âm cùng bản dịch  nghĩa của Tu Trai Nguyễn Tạo sau đây:

Dương Xuân Cương (khung sơn đỏ),

ĐNNTC đời Duy Tân, Thừa Thiên Phủ, tập Thượng, tr.26b

Phiên âm: “DƯƠNG XUÂN CƯƠNG:

Tại huyện tây bắc thập ngũ lý, cương thế bình khoáng, khởi phục la liệt, diên cắng sổ lý hứa kỳ nam, Nam Giao đàn tại yên, kỳ tây đa danh lam cổ sát, diệc xưng giai thắng.

Cẩn án. Dương Xuân cương, quốc sơ kiến phủ ư thử, Hiển Tôn Canh Thìn cửu niên trùng tu Tả Thủy cơ khuất địa đắc nhất đồng ấn hữu văn viết “Trấn Lỗ Tướng Quân chi ấn”, nhân danh Ấn phủ. Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ.”

Dịch nghĩa của Cử nhân hán Học Tu Trai Nguyễn Tạo

“GÒ DƯƠNG-XUÂN

Ở phía tây bắc huyện 15 dặm; thế gò bằng thẳng rộng rãi, chỗ cao chỗ thấp, la liệt dài dặc độ vài dặm; phía nam gò có đàn Nam-Giao, phía  tây có nhiều danh-lam-cổ-sát, cũng xưng là nơi giai thắng”.

Trần Viết Điền dịch (?)

“Gò Dương Xuân ở về phía tây bắc huyện [Hương Thủy] 15 dặm. Gò  hình thế bằng phẳng và rộng rãi, lên xuống nhấp nhô, kéo dài gần vài dặm về phía nam. Đàn Nam Giao ở về phía ấy (của gò). Phía tây của gò có nhiều danh lam chùa cổ…”

Cử nhân Hán học Tu Trai Nguyễn Tạo dịch “la liệt dài dặc độ vài dặm; phía nam gò có đàn Nam-Giao

Trần Viết Điền dịch (?) “kéo dài gần vài dặm về phía nam. Đàn Nam Giao ở về phía ấy (của gò)”

Trình độ chữ Hán của Trần Viết Điền chắc chắn chưa được làm học trò của Tu Trai Nguyễn Tạo. TVĐ nhờ ai đó chấm câu lại và dịch khác đi,  để cố chứng tỏ Tu Trai Nguyễn Tạo dịch sai. Nhưng dù cố tình chấm câu lại và dịch khác đi thì nghĩa của nội dung sự việc vẫn không thể khác: TVĐ dịch Gò “kéo dài gần vài dặm về phía nam” “Đàn Nam Giao ở về phía ấy (của gò)” tức Đàn Nam Giao ở phía nam (phía ấy) của gò Dương Xuân. Tức Gò Dương Xuân vẫn nằm ở phía bắc Đàn Nam Giao. TVĐ cố tình dịch khác đi nhưng vẫn không thể vượt qua ý nghĩa của chữ nghĩa. TVĐ đã tự đập vào tay mình, không rõ TVĐ có biết được điều đó không ?

TVĐ dịch khác đi như thế là TVĐ cũng đã phản lại cụ Phạm Trọng Điềm trong đoạn TVĐ trích bản dịch của cụ mà tôi đã bình luận trong đoạn 3.1 nêu trên. Tôi xin trích lại để độc giả khỏi mất thì giờ tìm:

“GÒ DƯƠNG XUÂN:

Ở phía tây bắc huyện Hương Thủy, hình thế bằng rộng, ở phía nam có đàn Nam Giao, phía đông phía tây có nhiều chùa to tháp cổ, cũng là nơi danh thắng”.

Hai cụ Tu Trai Nguyễn Tạo và Phạm Trọng Điềm đều dịch “phía nam có đàn Nam Giao” chỉ có TVĐ tỏ ra Hán rộng dịch “Đàn Nam Giao ở về phía ấy (của gò)” !!!

TVĐ không chứng minh được hai cụ Nguyễn, Phạm dịch sai. TVĐ muốn dịch khác đi để xuyên tạc nhưng không thực hiện được. TVĐ thực hiện việc thay đổi đó với mục đích gì ? Tôi khẳng định: TVĐ thực hiện điều đó chỉ để làm nhiễu thông tin tôi tìm được Gò Dương Xuân có Phủ Dương Xuân ở phía bắc Đàn Nam Giao mà thôi. Mệnh danh nghiên cứu khoa học  để thực hiện một hành vi bất chánh như thế TVĐ có đủ tư cách đứng vào hàng ngũ những người nghiên cứu lịch sử ở Huế không ?

Trần Viết Điền phá rối để đạt mục đích gì ?. Như trong Bài I tôi đã viết, trong phản biện người phản biện có thể đưa ra những giả thiết, nhưng giả thiết đó không chứng minh được là sự thực lịch sử thì không thể dùng giả thiết chưa chứng minh được đó để phản bác các kết luận của công trình nghiên cứu đang được phản biện. Tôi đã đưa Bài I đó lên các trang Web có đăng bài gọi là “phản biện” của TVĐ, đã gởi vào địa chỉ E-mail của Trần Viết Nhân Hào tran.viet.nhan.hao@gmail.com (con trai của TVĐ) nhờ con trai của TVĐ in ra cho TVĐ đọc. Con trai của Điền báo cho tôi biết  TVĐ không biết sử dụng máy vi tính, chưa biết dùng E-mail nên tôi phải in bài đó ra giấy gởi trực tiếp đến nhà TVĐ ở 15/16 Văn Cao, Huế. Nhưng không rõ TVĐ không đọc hay đọc mà không hiểu hoặc hiểu mà bất chấp sự thực nên trong bài “Trở lại gò Dương Xuân” TVĐ vẫn giữ cách nghiên cứu phản biện lấp lửng gây nhiễu thông tin như thế.

Trn Viết Điền viết: Phải chăng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã ngắt câu chưa đúng, hiểu chưa sát đoạn văn cổ nói về gò Dương Xuân, dùng bản đồ chưa kỹ, dẫn đến việc sử dụng tư liệu lịch sử chưa phù hợp với thực địa?” (NĐX nhấn mạnh)

- Về bản dịch Gò Dương Xuân như trên tôi đã trình bày, tôi có ngắt câu đâu, tôi có dịch câu nào đâu mà chưa đúng ? Trước sau tôi vẫn dùng bản dịch của cụ Cử nhân Hán học Tu Trai Nguyễn Tạo và dẫn nguồn hẵn hoi kia mà ? Cụ Nguyễn Tạo mà ngắt câu chưa đúng, hiểu chưa sát sao? Còn TVĐ thì ngắt đúng, hiểu sát ? TVĐ quá liều hay quá vô lễ với người lớn ?

- Tôi dùng bản đồ nào chưa kỹ ? Bản đồ tôi dùng trích trong Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH) từ năm 1933 của L.Cadière, tôi chỉ trích khu vực Kinh thành Huế/sông Hương (bắc Gò Dương Xuân) và Đàn Nam Giao (nam Gò Dương Xuân). Cũng cái bản đồ mà tôi đã sử dụng để trích, NNC Nguyễn Đình Đầu cũng sử dụng đưa vào sách Địa bạ (triều Nguyễn) tỉnh Thừa Thiên. Tôi dùng toàn bộ cái bản đồ đó để làm gì ? Hay chỉ để làm rối thêm trang viết như TVĐ đã dẫn ? Đoạn tôi trích bản đồ nầy có chỗ nào chưa kỹ đâu ? Về khu vực Kinh thành Huế/sông Hương (bắc gò Dương Xuân) và Đàn Nam Giao (nam Gò Dương Xuân), tôi có hàng chục bản đồ đo vẽ từ trước Cách mạng Tháng 8/1945 cho đến nay. Sở dĩ tôi dùng bản đồ cũ của BAVH vì bản đồ đó được đo vẽ vào thời gian đầu thế kỷ XX, địa hình địa vật, chú thích trên bản đồ gần với địa hình địa vật khu vực tôi nghiên cứu ở gò Dương Xuân hơn các bản đồ mới ra đời sau nầy. TVĐ phải tìm hiểu chứ ! Chưa tìm hiểu gì cả mà sao dám phán ẩu như thế ?

- “sử dụng tư liệu lịch sử” nào “chưa phù hợp với thực địa?”

Trong sách Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, trong Bài I, Bài II, có chi tiết nào tôi đề cập đến Gò Dương Xuân mà chưa phù hợp với thực địa đâu ? Thực địa ấp Bình An Gò Dương Xuân ở phía bắc Đàn Nam Giao hay “thực địa phịa” phía tây Đàn Nam Giao của TVĐ ?

    

A                                                               B  

Hình A. Ấp Bình An trên bản đồ của BAVH ra đời trước năm 1933 (Bản đồ tôi đã sử dụng trong sách và các bài viết của tôi)

Hình B. Ấp Bình An trên bản đồ ra đời trước năm 1975 (Nguồn Internet)

Cái kém nhất của TVĐ khi viết đoạn văn vừa dẫn ở 3.5 trên là TVĐ biết mình không đủ lý lẽ để khẳng định kết luận của mình nên chấm hết  bằng một dấu hỏi (?). Sự cố gắng miệt mài của TVĐ chỉ đạt được một mục đích tối thiểu là làm nhiễu thông tin trong công trình khám phá khoa học của tôi đối với độc giả ở xa Huế, với độc giả không am tường sử học, đặc biệt là những nhà nghiên cứu không chuyên việc nghiên cứu dấu tích lăng mộ vua Quang Trung ở Huế mà thôi.

Bài “Trở lại Gò Dương Xuân” của TVĐ còn có vô số điều cần phải bình luận. Đặc biệt là bình luận khái quát về những mánh khoé, thủ đoạn bịp trong cái gọi là “phản biện khoa học” của TVĐ. Nhưng như thế lại làm mất thì giờ của bạn đọc thêm nữa. Nếu TVĐ có một chút tự trọng của người thầy giáo, của người cầm bút thì với Bài I, Bài II của tôi đã đăng trên các trang Web và Bài viết thứ III nầy nữa cũng đã đủ để cho TVĐ thấy trình độ sử học quá thấp kém của TVĐ, thấy muốn thành công người cầm bút phải có cái tâm thiện, thấy một người có cái tâm ác thì chỉ hoạt động được trong bóng tối, trong hoàn cảnh thiếu thông tin, còn như thể hiện ra với giấy trắng mực đen, trên các bài viết mệnh danh khoa học gì gì đi nữa thì không sớm  thì muộn cũng bị lật tẩy.

*

*        *

Bài viết “Trở lại gò Dương Xuân” của TVĐ đến e-mail của tôi lúc tôi đang ở TP Hồ Chí Minh. Tôi chưa kịp đọc thì một anh bạn chuyên đọc chuyện Kim Dung đã đọc bài đó trên Net ở đâu đó và in ra 18 trang giấy đưa tặng tôi với lời bình “Anh chàng Trần Viết Điền nầy dùng chiêu nhắm mắt để phản bác công trình khoa học của ông. Những ai có mắt thì không dám liều như thế!”. Tôi cám ơn nhận xét của anh bạn. Quả thật TVĐ chỉ có  nhắm mắt mới có thể làm ngơ những điều tôi bình luận về TVĐ vừa rồi.

Đến khi viết xong bài thứ III nầy, tôi đọc và hỏi ý kiến của bạn bè đang ngồi uống cà-phê ở quán Thiên Đàng bên bờ sông Hương. Một anh bạn đã từng bị TVĐ bắt nghe thuyết trình như điên nhiều lần về “Lăng Ba Vành ở phía nam dòng tu Thiên An là lăng mộ vua Quang Trung” buột miệng nói : “Cái ông TVĐ nầy không những ông dùng chiêu nhắm mắt mà còn dùng cả chiêu bịt tai. Gần hai mươi năm nay biết bao nhà sử học đã chứng minh Lăng Ba Vành là lăng mộ của Thượng thư Lê Quang Đại dưới thời Nguyễn Phúc Khoát chứ không phải lăng mộ vua Quang Trung, ông Điền không cãi được nhưng ông vẫn không nghe người ta phê phán! Gặp ai lạ ông cũng bắt họ nghe “công trình thế kỷ” của ông về lăng Ba vành là lăng mộ vua Quang Trung. Mệt quá cái ông nầy!”.

Thưa độc giả gần xa, với cái tuổi 71 của tôi, còn không biết bao chuyện tôi phải làm, phải thu xếp trước khi giải nghiệp, vậy tôi có nên tranh luận tiếp với một người nhân danh nhà nghiên cứu khoa học mà không dùng mắt, không dùng tai trong việc nghiên cứu như thế nữa không?

 

                                              Gác Thọ Lộc (Huế), ngày 20-12-2007

 

(*) Điện thư của ông Trần Viết Điền: Friday, November 16, 2007 9:42:09 AM gởi cho nhà nghiên cứu Trần Xuân An người chủ biên trang WebtgTXA:

Kính thưa anh An,

Điền rất cảm kích vè việc anh đã tạo điều kiện cho Điền công bố những nghiên cứu về lăng mộ vua Quang Trung. Bài viết gởi anh nhằm phản biện khoa học đối với công trình dày công của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Công trình nầy làm trở ngại lớn đối với giả thiết lăng Ba Vành là lăng của Vua Quang Trung trong 20 năm qua, dẫu một hội thảo lớn ở Huế, người chủ trì hội thảo đã đi đến kết luận “Hiện nay Lăng Ba Vành chưa có chủ nhân”. Kết luận vừa nêu, về mặt khoa học là giới nghiên cứu ở Huế phải thừa nhận Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại không đủ điều kiện để làm chủ nhân của Lăng Ba Vành. Xin anh giúp đỡ cho Điền tiếp tục công bố những nghiên cứu trong 20 năm qua về Lăng Ba Vành, để được sự ghóp (sic) ý của các nhà khoa học. Điền sẽ gởi công trình Lăng Ba Vành cho anh sau.Kính mến,Trần Viết Điền”.

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia