Nguyễn Đình Hiến và số phận một tấm bia

Lai lịch tấm bia Trong sách Quảng Nam - Đất nước và nhân vật, khi đề cập đến Nguyễn Đình Hiến, tác giả Nguyễn Q. Thắng có viết: “Sau khi về hưu, ông cất một ngôi nhà khang trang tại xã An Cựu (Huế) có tên là Thủy Thạch Quynh để di dưỡng tính tình. Nơi đây là một thung lũng có giếng cổ hoang, ông bèn trùng tu, cho viết bài minh nhan đề: Cố cảnh trùng viên hơn ngàn lời, dựng bia khắc bài văn trên. Nội dung bài minh đó nói về đạo đức, văn chương cùng gia nghiệp, tổ tiên ông để người đời và con cháu biết được cội nguồn tiên nhân mà làm gương cho đời. Đây là một áng văn bất hủ mà cũng là di sản văn hóa sử Việt Nam”(1).

                     

Đúng là hiện còn một tấm bia khắc bài văn của Nguyễn Đình Hiến, nhan đề “Cổ kính [cảnh] trùng viên thuyết” (“cổ” chứ không phải “cố”), nhưng nội dung thì không liên quan chút nào đến lời mách bảo của Nguyễn Q. Thắng; chẳng rõ tác giả căn cứ vào đâu ? Cũng vì lời mách bảo ấy mà con cháu của cụ Hiến nóng lòng thăm hỏi, dò tìm cho được tấm bia để biết tổ tiên mình ra sao. Ngay trước đây, anh Nguyễn Đắc Xuân cũng đã có gián tiếp sử dụng nó để giúp vào việc đi tìm lăng mộ vua Quang Trung với những dòng: “Ông Nguyễn Đình Hiến, người Quảng Nam, đậu Phó bảng khoa Tân Sửu (1901), thầy địa lí của vua Khải Định, đến xây dựng đình, tạ, bắc cầu, trồng cây cảnh, biến hai bờ suối Tiên (chỗ gần hồ bán nguyệt) thành một nơi giải trí bàn chuyện thơ văn, tướng số. Sau đó không lâu, chính ông thầy địa của vua Khải Định tính toán xem xét kĩ vùng này và có nhận định: Đây là nơi hội đủ các thần kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, rất linh thiêng, với cái thế rồng chầu về cửa khuyết”, và chú thích: “Xem tấm bia khắc năm 1930 dựng ở gần chùa Sư Nữ hiện nay, người đứng tên khắc là Hiệp tá Trí sự Ấn Nam Nguyễn Mạnh Khả (theo bản dịch của Lê Nguyễn Lưu)”(2). Thật ra chúng tôi chưa hề công bố, thậm chí cũng chưa hề dịch, mặc dù đã “nắm” được nó trong tay, vì điều kiện khách quan chưa cho phép, sau đây xin trình bày rõ.

          Nguyên năm 1989, tình cờ anh Nguyễn Cảng, cán bộ công tác tại Phòng Giáo dục Huế, phát hiện tấm đá thô sơ kê làm bàn nước của chùa sư nữ Hương Sơn có khắc chữ dưới lớp phủ xi măng. Anh bèn xin phép nhà chùa đem về Phòng Giáo dục Huế (cơ sở bấy giờ đặt tại Nhà Trưng bày Điềm Phùng Thị hiện nay) ngày 21.1.1989, rồi hì hục cạo đục bỏ lớp xi măng. Nhưng công việc vất vả ấy kéo dài hơn một tuần lễ không đem lại kết quả khả quan, bởi vì chất liệu xi măng quá tốt, bám chắc, phần khác nhiều chỗ mặt bia đã bị băm nát (có lẽ để tạo sức kết dính). Chúng tôi tiến hành ghi chép những chữ còn lại, chỉ được khoản 10% ở nửa đầu và 50% ở nửa cuối, nên chỉ đoán lổ mổ nội dung ghi chép về một cái giếng cổ bỏ hoang từ lâu. Mãi đến năm 1994, Nhà Bảo tàng thành phố Huế mới đưa tấm bia về cơ quan để bảo quản, vì chất liệu đá không tốt, bia lại bị nứt sẵn một đường theo chiều dọc, nên gãy đôi khi vận chuyển, hiện cất vào kho của cơ quan (số 47, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế)… Đấy là lí do khiến chúng tôi chưa thể dịch bài văn bia này.

          May mắn đọc tập Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, chúng tôi thấy có kê tấm bia này với số mục bản dập của Viện Hán Nôm như sau: “1024. Cố kính trùng viên thuyết. N0 18313.- Bia chùa Tường Vân ở làng Bình An, Nam Giao, Huế, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế). Nguyễn Mạnh Khả, Hiệp tá Trí sự, hiệu Ấn Nam, soạn. Tạo năm Bảo Đại Canh Ngọ (1930) nhà Nguyễn. Bia một mặt, khổ 80×162 cm. Không chạm hoa văn. Toàn văn chữ Hán khắc chân phương, dễ đọc, gồm 18 dòng khoảng 2.200 chữ. Bia ghi việc ông Mạnh Khả nhân một lần đi dạo chơi ở chùa Kim Tiên, phía tây lộ Nam Giao, ấp Bình An (kinh đô Huế) được người làng chỉ cho cái giếng bỏ hoang từ lâu. Tương truyền nước giếng này chữa khỏi được dịch bệnh và dập lửa rất tốt. Ông bèn cho sửa sang lại để dân làng lấy nước dùng, nhân đó đặc tên giếng là Cố kính trùng viên (gương cũ lại tròn)”(3).

          Những dòng này tuy chưa thật đầy đủ nhưng đúng. Qua sự mách bảo quý giá ấy, anh Huỳnh Đình Kết, cán bộ của Nhà Bảo tàng thành phố Huế ra tận Hà Nội, đến Viện Hán Nôm xin sao chụp mang về. Thế là chúng tôi có thêm nguyên văn được dập khi bia chưa bị băm nát để tô xi măng. Không rõ vì thác bản bị mờ hay máy móc không tốt, hoặc mặt đá lúc ấy đã hỏng phần nào, nên vẫn còn một số chỗ khiếm khuyết, nhất là nửa phần đầu. Tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng đọc được khoảng từ 80% đến 90%, và biết chắc nội dung của nó hoàn toàn không dính dáng gì đến những điều Nguyễn Q. Thắng trình bày. Trước khi phiên dịch bài văn bia, chúng tôi xin tóm lược hành trạng của tác giả.

          Tự Dực Phu, hiệu Ấn Nam, biệt hiệu Mạnh Khả(4), Nguyễn Đình Hiến người làng Lộc Đông, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, sinh giờ Thìn ngày 29 tháng Hai năm Nhâm Thân (6.4.1872)(5). Năm 1895, ông vào trường tỉnh Quảng Nam(6), cùng với Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Qúy Cáp rất được Mã Sơn Trần Đình Phương khen ngợi. Nhưng thi khoa Đinh Dậu (1897) trường Thừa Thiên, ông chỉ đỗ tú tài, đến khoa Canh Tí (1900) mới đậu cử nhân á nguyên (giải nguyên là Huỳnh Thúc Kháng), và năm sau (1901) đỗ Phó bảng. Ông được sơ bổ Kiểm thảo Viện Hàn Lâm, cử qua học tiếng Pháp tại trường Quốc Học, rồi thăng chức Toản tu (1905). Đầu năm sau (1906), vua Thành Thái phái ông sang Pháp du học về chính trị và phong tục; cuối năm về nước được đổi bổ đồng Tri phủ, lãnh Tri huyện Hoài Nhơn (Bình Định), rồi Tri huyện Phù Mĩ (1907) cùng tỉnh; qua năm 1908 thăng Tri phủ Hoài Nhơn. Năm 1912, ông được thăng hàm Hồng Lô tự Thiếu khanh sung chức Quản đạo đạo Ninh Thuận.

          Kể từ năm 1913, Nguyễn Đình Hiến bắt đầu về làm việc ở kinh đô Huế, chức Phủ thừa phủ Thừa Thiên, thăng Quang Lộc tự thiếu khanh; năm 1919 làm Chủ khảo khoa thi hội cuối cùng của triều Nguyễn. Sau đó, ông liên tục cứ ra tỉnh rồi về triều: Bố chánh sứ Hà Tĩnh, Tả thị lang bộ Lại, Bố chánh sứ Quảng Bình, Phủ doãn phủ Thừa Thiên (1921), Tuần phủ tỉnh Quãng Ngãi (1922), Tổng đốc Bình-Phú (1923)… Năm 1928, ông được thăng Hiệp tá Đại học sĩ rồi xin hưu dưỡng, trở ra Huế, lập ngôi nhà vườn Thủy Thạch Quynh. Năm 1931, sau khi vợ là bà Tôn Nữ Thị Trinh qua đời, ông mới về quê và mất ngày 17.3.1947 (năm Đinh Hợi). Ông tính tình ngang tàng, ngay thẳng, từng lập bàn thờ thiết bài vị giữa đường đón rước đám tang chí sĩ Trần Qúy Cáp; được trí thức đương thời liệt vào hàng Tứ hùng,Tứ kiệt(7), để lại một số thơ văn, trong đó có bài bia Cổ kính trùng viên thuyết.

          Nội dung bài văn

          Tấm bia chỉ là một phiến đá mỏng thô sơ hình chữ nhật, mặt trước mài nhẵn để khắc chữ, mặt sau thô nhám, hoàn toàn không trang trí hoa văn gì cả. Đầu bia, giữa khắc năm chữ Hán lớn  Cổ kính trùng viên thuyết, chữ nhỏ bên phải “Bảo Đại Canh Ngọ xuân”, bên trái “Nhất thiên cửu bách tam thập”, đều theo hàng ngang. Không hiểu vì sao sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam ghi là bia chùa Tường Vân. Có lẽ lúc ban đầu Nguyễn Đình Hiến cho dựng ở đấy, nhưng rồi nó “lưu lạc” đến chùa Hương Sơn, một ngôi chùa mới lập gần đây, gần phía tây đường Điện Biên Phủ, bị đem cải tạo làm bàn nước. Nội dung bài văn chia làm hai phần khá cân đối.

          Phần đầu kể chuyện tá giả trở ra Huế ở, cùng các bô lão đi dạo chơi, gặp một cái giếng cổ bỏ hoang từ lâu: “Ở trước chùa Kim Tiên, phía tây đường Nam Giao thuộc ấp Bình An, phủ Thừa Thiên có một cái giếng bỏ hoang; cỏ tranh rậm rạp, chim rắn ẩn mình, kẻ hái củi, trẻ chăn trâu cũng không bén mãng đến”. Ông “thong thả bước tới gần, vạch gai góc cúi nhìn thì thấy thế giếng hiểm hóc, bên trong xếp đá chồng lên nhau san sát, rêu lổ chổ, rong bập bềnh, ném vật cứng xuống thì nghe tiếng reo như ngọc, múc nước nếm thử thì vị ngọt và mát”. Tác giả yên lòng, bày tỏ ý muốn nạo vét sửa sang lại, lập bia ghi sự tích, đặt tên là Cổ kính trùng viên. Các bô lão xin khắc vào văn hai đặc điểm của nước giếng: chữa được bệnh dịch, giải nhiệt, và ngưng trệ thì phát sinh đám cháy. Nhân đó, tác giả bàn về dược tính để giải thích lí do, đem luật âm dương, ngũ hành ra mà lí luận một hồi, ca ngợi tác dụng của nước (thủy long), lửa (hỏa long) và bàn về địa mạch của ấp Bình An…

          Về lí do nước giếng điều trị được bệnh, tác giả viết: “Thuyết giữ gìn nguyên khí của sách Tố nguyên thọ thế trong y học dạy: muốn chữa chứng nóng sốt hoắc loạn thì dùng gừng sống thái mỏng, lấy nước hòa cho tan ra (……) mà uống, lành dứt ngay. Nay còn có người múc nước giếng ấy uống mà chữa được bệnh dịch, bởi vì chứng nóng sốt hoắc loạn gặp được nước giếng ấy có cỏ cây che phủ mát mẻ hơn nhiều, chẳng đợi phải hòa tan thêm gì mà riêng nó cũng thành vị thuốc, uống vào có thể giải nhiệt mà dứt bệnh”. Còn về chuyện lấp bỏ giếng mà nạn cháy thường xảy ra trong thôn thì ông cho rằng: “Thuyết Ngọc xích thẩm khí của Trần Hi Di nói: Hỏa Long (rồng lửa) sợ thấy Đoài Canh gặp Bắc Thần mà tự hỏng nên đau buồn gây nạn lửa, thấy Tây Đoài mà thương tổn thần hồn. Thuyết ấy có thể suy ra chuyện giếng bị lấp thì phát sinh các đám cháy”. Những cách giải thích ấy kể ra không lấy gì làm khoa học, nhưng đối với người xưa thì cũng khá thuyết phục.

          Sau một hồi chỉ dẫn về địa mạch ấp Bình An với các gò đồi thuộc thủy và hỏa, tác giả kết thúc bằng đoạn văn tán tụng tác dụng của nước và lửa: “Này, trong khoảng trời đất, nước lửa là vật có tác dụng lớn. Biển xanh hóa ruộng dâu, thiêu đốt thành tro bụi, ấy là nước và lửa; lên xuống thì làm ra mây mưa, hoạt động thì làm ra sấm sét, ắt là nước và lửa; xéo cho chết là bởi con người, giúp cho sống là nhờ có nước và lửa vậy. Nước và lửa có lòng nào ở chỗ làm ra tro tàn, làm ra sự lạ, huống chi một cái giếng cũ! Người xưa nói: vạch gương thì mất sáng, đãi cát mới thấy vàng. Bọn chúng ta qua đấy, suy nghĩ chu đáo mà hiểu ra lẽ ấy, giữ lấy dấu tích ấy, lợi dụng nó để làm cho đời sống dày dặn hơn vậy”.

          Phần sau, tác giả kể tiếp chuyện về công quán ăn cơm, nằm nghỉ, mộng thấy gặp thần Hỏa Long mời lên lầu chơi trăng (Ngoạn Nguyệt lầu), nói: “Rất cám ơn ông Mạnh Khả đã bỏ thì giờ một phen hùng biện về cõi âm, tả rõ cái tính chất lửa của ta. Ta cùng với các bạn Kim Long, Mộc Long xưa nay mỗi vị theo mệnh trời mà giữ một chức vụ, điều nhiếp âm dương, giữ gìn khí hậu, cộng tác với nhau để giúp cho đời sống”. Nhân đó, thần Hỏa Long khen Mạnh Khả là bậc đạt nhân uyên bác, một “chân Y Long quốc thủ” (Rồng thuốc tài giỏi chân chính), lại mở tiệc mời các thần rồng khác (Thủy, Thổ, Mộc…), cả Thành Hoàng, Thổ Địa… cùng đến dự, chúc tụng nhau, vui vẻ đến nỗi Hằng Nga cũng xuống thăm, bị một chú cọp trêu ghẹo. Cả một đoạn văn dài chỉ tả buổi tiệc vui ấy.

          Tác giả kết luận: “Ôi! Cuộc phế hưng của một cái giếng kể cũng tầm thường. Một nước một lửa mà tạo nên điềm lành, làm ra chuyện lạ, lẽ ấy chẳng có gì quái đản. Duy thầy bói đã theo lời nói của thần, người làng nghe chuyện cái giếng bỏ hoang cứ đinh ninh thế mà không biết cách giải thích. Ta cũng chẳng quan ngại gì lấy đạo y, đạo đất, đạo thần làm đạo đời, có thường có biến, có lên có xuống, có mới có cũ, có phế có hưng mà thuyết pháp một hồi để người sau hiểu rõ. Bèn ghi lại những lời ấy, khắc vào đá dựng ở gò, đợi bậc cao minh xem xét sửa chữa cho, để mở rộng đôi mắt nhỏ bé “ngồi đáy giếng trông trời” của ta”… Cuối bài khắc phụ lời bình ngắn gọn của Phạm Liệu, một trong “Ngũ phụng tề phi”(8) xứ Quảng Nam:

“Chuyện này, trong cái nhỏ thấy cái lớn, thật là kì dật. Một bàn tiệc ở ngôi lầu của Thần Rồng ít nhiều lộng lẫy, hết sức phong lưu, còn hơn cả cuộc uống rượu của tám vị tiên nữa! Cái thú vị ấy ngay người tỉnh cũng truyền nhau biết”(9).

          CHÚ THÍCH

  1. Nguyễn Q. Thắng. Quảng Nam - Đất nước và nhân vật, Văn Hóa, Hà Nội, 1996, tr.477. Quyển sách khá lạ ở chỗ bìa ngoài lẫn trang trong không đề nơi và năm xuất bản; chúng tôi dựa vào ghi chú ở trang cuối mà bổ sung vào.
  2. Nguyễn Đắc Xuân. Đi tìm mộ vua Quang Trung, Viện Sử học Việt Nam, Hà Nội, 1992, tr.74 - 75.
  3. Nguyễn Quang Hồng (chủ biên). Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Hà Nội, 1993, tr.553 - 554.
  4. Có lẽ tác giả đoạn phân tích trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam cũng như anh Nguyễn Đắc Xuân không ngờ rằng “Ấn Nam Nguyễn Mạnh Khả” ghi dưới bài bia chính là Nguyễn Đình Hiến. Nguyễn Q. Thắng thì nói Mạnh Khả là thụy, nhưng thụy là hiệu bụt, do con cháu, học trò hoặc triều đình đặt sau khi chết để thờ, không thể đem ra dùng, nhất là không thể ghi dưới bài bia năm 1930 (ông mất năm 1947).
  5. Tiểu sử này chúng tôi dựa hẳn vào Nguyễn Q. Thắng trong Quảng Nam - đất nước và nhân vật, nhưng tác giả ghi năm Nhâm Tuất, đối chiếu dương lịch là năm 1872, như thế không đúng. Năm Nhâm Tuất phải là 1862, còn 1872 là Nhâm Thân . Nguyễn Đình Hiến mất năm Đinh Hợi, 1947, thọ 75 tuổi, vậy sinh năm Nhâm Thân - 1872 là phải. Chúng tôi xin sửa lại.
  6. Thời nhà Nguyễn, trường học do chức Giáo thụ trông coi, nên gọi là trường Giáo thụ, trường phủ (tỉnh) do chức Đốc học trông coi, nên cũng gọi là trường Đốc học. Học sinh được hưởng chế độ phụ cấp gồm tiền ăn, sách vở và dầu đèn tùy theo hạng học lực.
  7. Tứ hùng gồm: Phạm Liệu (1872-1936) ở Trừng Giang (Điện Bàn, Quảng Nam), đỗ tiến sĩ năm 1898, làm đến Thượng thư bộ Binh, nhưng đàn áp các phong trào yêu nước; Huỳnh Hanh tức Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) ở Thăng Bình (Tiên Phước, Quảng Nam), đỗ tiến sĩ năm 1904, nhưng tham gia các phong trào yêu nước và cách mạng; Võ Hoành ở Long Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam), đỗ phó bảng năm 1910, làm quan đến Tri huyện; và Nguyễn Đình Hiến. Tứ kiệt gồm: Nguyễn Đình Hiến; Phan Châu Trinh (1872-1926) ở Tây Hồ (Tiên Phước, Quảng Nam), đỗ phó bảng năm 1901, là một nhà yêu nước duy tân ai cũng biết; Võ Vĩ ở An Phú (Thăng Bình, Quảng Nam), đỗ phó bảng năm 1901, làm quan đến Tri huyện; Nguyễn Mậu Hoán ở Phú Cốc (Quế Sơn, Quảng Nam), Đỗ phó bảng năm 1901, làm quan đến Đốc học.
  8. Trong khoa thi hội năm 1898, xứ Quảng Nam có năm người đỗ tiến sĩ và phó bảng, vua Thành Thái phê cho bốn chữ “Ngũ phụng tề phi” (năm chim phượng cùng bay). Đó là: Phạm Liệu, Phạm Trọng Tuấn (người Xuân Đài, Điện Bàn, đỗ tiến sĩ, làm đến Huấn đạo), Phan Quang (người Phước Sơn, Quế Sơn, đỗ tiến sĩ, làm đến Tham tri bộ Hình, là thân phụ của nhà sử học Phan Khoang), Dương Hiển Tiến (người Cẩm Lâu, Điện Bàn, đỗ phó bảng), Ngô Lí tức Ngô Chuân (người Cẩm Sa, Điện Bàn, làm đến Tri huyện).
  9. Ngoài Tấm bia này, hiện Nhà Bảo tàng thành phố Huế còn bảo tồn một tấm biển ngạch bằng đá khắc bốn chữ “Tiểu Nguyễn sơn trang” và hai bức liễn cũng bằng đá, thu hồi từ chỗ ẩn cư cũ của Nguyễn Đình Hiến ở ấp Bình An.
Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia