Đã xác định được những dấu tích vùng Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung - ẩn mình trong lòng đất gò Dương Xuân (NGUYỄN ĐẮC XUÂN)

CHỜ CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU PHỦ DƯƠNG XUÂN TIỀN THÂN CỦA CUNG ĐIỆN ĐAN DƯƠNG - SƠN LĂNG CỦA HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG CỦA TÔI TỪ NĂM 1991 ĐẾN NAY (2018) ĐÃ XUẤT BẢN VÀ TÁI BẢN BỔ SUNG ĐẾN BỐN LẦN. ĐÃ THAM GIA NHIỀU HỘI THẢO KHOA HỌC, ĐÃ ĐĂNG TRÊN BÁO VIẾT, BÁO ĐIỆN TỬ, ĐANG ĐƯỢC TRANG WEB cungdiendanduong.net CẬP NHẬT... NHƯNG VẪN CÒN NHIỀU ĐỘC GIẢ QUAN TÂM MUỐN BIẾT MỘT CÁCH KHÁI QUÁT NÊN TÔI VIẾT BÀI ĐĂNG DƯỚI ĐÂY VỪA ĐỂ KỶ NIỆM 230 NĂM (1788-2018) VUA QUANG TRUNG LÊN NGÔI Ở HUẾ VỪA TRẢ LỜI BẠN ĐỌC GẦN XA. KÍNH GIỚI THIỆU. NĐX.

Vấn đề dấu tích thời đại Quang Trung ở Huế, với trên một phần ba thế kỷ qua, từ con số không tôi đã xác định được những dấu tích - vùng Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, bị chôn vùi trong lòng đất gò Dương Xuân, Thành phố Huế(1).

Công trình nầy tôi đã xuất bản và tái bản nhiều.

Mỗi lần tái bản được bổ sung, đặt lại tên sách cho đến lúc hoàn chỉnh.

Năm 1786 Nguyễn Huệ từ Quy Nhơn đưa quân ra giải phóng Phú Xuân trong tay ba vạn quân Trịnh trong Đô thành Phú Xuân trên một hòn đảo. Chiến thắng xong ông không vào ở trong Đô thành (vì hàng vạn xác chết chưa chôn và cũng là nơi dễ bị thủy quân của đối phương tấn công, không thuận lợi cho đội quân đông đảo người sơn cước, voi ngựa) mà sử dụng một cơ sở khác của các chúa Nguyễn để làm dinh của ông(2). Phát huy chiến thắng, Nguyễn Huệ tiến quân ra Thăng Long với danh nghĩa “Phù Lê Diệt Trịnh”. Ông chiếm được nhiều của cải ở Thăng Long và được vua Lê gã cho ông Công chúa Lê Ngọc Hân. Trở về Phú Xuân ông cho xây dựng các trường thành bao chung quanh dinh ông để cất giữ của cải vừa chiếm được(3). Cuối năm 1788, ông lên ngôi hoàng đế ở Núi Bân lấy niên hiệu là Quang Trung rồi xuất quân ra đánh bại 29 vạn quân Thanh ở Thăng Long. Đại thắng xong ông trở về Huế, cho sửa chữa mở rộng dinh ông thành Cung điện Đan Dương của Hoàng đế Quang Trung(4). Tháng 9 năm 1892, vua Quang Trung bị bệnh “huyễn vận” qua đời trong hoàn cảnh bốn bề “thọ địch”: Nguyễn Vương ở miền Nam, anh ông là Nguyễn Nhạc ở Bình Định, nhà Thanh ở phía Bắc và ngay ở Huế các Thừa sai Thiên chúa Giáo ở Phường Đúc chỉ cách nơi ông qua đời vài cây số theo đường chim bay mà thôi. Vì thế, triều Quang Toản phải giữ bí mật tuyệt đối về sự ra đi của vua Quang Trung và quyết định táng vua ngay trong Cung điện Đan Dương(5). Theo Phan Huy Ích bọn tiểu giám giữ lăng Đan Dương hằng ngày thường đến hầu rượu ông ở một nơi gần chùa Thiền Lâm(6). Vua Quang Toản lên ngôi mới ở tuổi lên mười nên đặt ông cậu ruột của mình là Bùi Đắc Tuyên lên làm Thái sư. Cung điện Đan Dương đã trở thành lăng Đan Dương nên Thái sư Bùi Đắc Tuyên phải chiếm chùa Thiền Lâm làm dinh riêng của mình(7). Chùa Thiền Lâm trở thành cung đình đầu triều vua Quang Toản. Thay vua trị nước, Bùi Thái sư chuyên quyền gây nên bao mâu thuẫn trong nội bộ. Năm 1795, Bùi và những người trong phe cánh của Bùi ở các nơi đều bị giết(8). Nhiều người (Lê Chất, Ngô Văn Sở.v.v.) chạy thoát quay đầu theo Nguyễn Vương. Tất cả những bí mật về nơi an táng vua Quang Trung không còn bí mật nữa.

Mùa hè năm 1800, với sự hỗ trợ của lính đánh thuê Pháp, Nguyễn Vương trở lại Phú Xuân. “Vì chín đời mà trả thù”(9), Nguyễn Vương cho triệt hạ lăng Đan Dương, quật mồ, bổ săng lấy xương cốt giã nát trộn với thuốc súng bắn vào không trung, lấy đầu lâu bỏ vào vại rồi giam vào ngục thất(10). Cung điện Đan Dương bị triệt giải hoàn toàn, phần gỗ đốt cháy, đồ đồng góp vào số đồng thu được của Phong trào Tây Sơn đúc thành “Cửu vị thần công”(11), đồ sành sứ đập nát(12) chôn sâu xuống đất.v.v. Chùa Thiền Lâm cũng bị cùng chung số phận. Thơ văn sử sách có liên quan đến triều Tây Sơn/Quang Trung đều bị đốt sạch. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí (địa lý lịch sử) của triều Nguyễn viết chùa Thiền Lâm ở xã An Cựu(13). Hòa thượng Thạch Liêm/Thích Đại Sán từ Trung Quốc qua giúp chúa Nguyễn mở nhiều giới đàn ở chùa Thiền Lâm nhưng sách Liệt truyện không hề đề cập đến những việc ông đã ở và đã làm ở Thiền Lâm(14).

Suốt thế kỷ XIX không ai còn biết gì về Cung điện/lăng Đan Dương nữa. Đây là một món nợ tỉnh Thừa Thiên Huế và những người cầm bút xứ Huế thế kỷ XX phải trả.

Đầu những năm tám mươi của Thế kỷ trước, tôi lục soạn trong tủ sách Huế học của tôi, trích ra tất cả những thông tin có liên quan xa gần đến Tây Sơn/Quang Trung ở Phú Xuân trong sách sử, địa lý lịch sử, dư địa chí, văn học cổ, bút ký của nhiều người Trung Quốc - người phương Tây đã đến Huế trước và sau thời Quang Trung ở Huế, văn học dân gian, di tích lịch sử, địa phương học vùng Huế.v.v. Tôi bắt gặp một thông tin trong Liệt truyện viết “Mộ Huệ táng vu Hương Giang chi nam” (Mộ vua Quang Trung táng ở bờ Nam sông Hương)(15). Đại Nam Nhất Thống Chí lại có thông tin: Các chúa Nguyễn đã xây dựng Phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân để tránh gió bão vào những tháng mùa đông(16). Phía nam Phủ có đàn Nam Giao. Nhiều người Phương Tây (Pierre Poivre, James Bean) cũng đã đến Phủ và họ gọi là Phủ Thượng, Phủ Trên hoặc Cung điện Mùa Đông(17). Nhưng Đại Nam Nhất Thống Chí viết “Tự kinh binh loạn(18) kim thất kỳ xứ” (Từ khi có loạn (chỉ Tây Sơn chiếm Huế 1786) nơi ấy mất (19). Điều nghi ngờ đầu tiên hiện ra trong đầu tôi: Một cái phủ to lớn đến vậy nằm trên gò Dương Xuân, phía nam có đàn Nam Giao, Phong trào Tây Sơn làm gì đến nỗi khiến cho cái phủ ấy phải mất tích được?

Tôi đi tìm sự thật của sự mất tích khó hiểu ấy.

Đại Nam Nhất Thống Chí biên soạn dưới thời Tự Đức (không in) viết địa chỉ chùa Thiền Lâm ở xã Dương Xuân - Phan Huy Ích là người đã trọ gần đó và làm việc ở chùa Thiền Lâm viết: “Chùa ở núi thuộc xã Dương Xuân(20). Đến đời Duy Tân bản thảo Đại Nam Nhất Thống Chí được biên soạn lại và xuất bản chính thức thì chùa Thiền Lâm lại chuyển qua xã An Cựu(21). Tại sao có sự di chuyển lạ lùng như vậy? Tôi mất nhiều năm mới tìm được sự thực chùa Thiền Lâm tọa lạc tại 150 Điện Biên Phủ (ngày nay) thuộc xã Dương Xuân cũ như sách biên soạn thời Tự Đức đã ghi. Vì sao có sự thay đổi đó? Chùa Thiền Lâm ở gần lăng Đan Dương như Phan Huy Ích viết chăng. Nhà Nguyễn sợ dân chúng biết địa điểm chùa Thiền Lâm thì sẽ tìm được nơi tọa lạc của Cung điện/lăng Đan Dương mà triều Nguyễn đánh lạc hướng?

Với địa chỉ chính xác của chùa Thiền Lâm tại 150 Điện Biên Phủ, Hòa thượng Thích Đại Sán (người Trung Quốc) có nhiều công tích ở chùa Thiền Lâm, vào ra Phủ Dương Xuân nhiều lần khi viết sách Hải Ngoại Kỷ Sự cho biết chùa Thiền Lâm ở gần Phủ Dương Xuân(22). Nhờ thế tôi đã tìm được khu vực Phủ Dương Xuân ngày xưa tọa lạc trên gò Dương Xuân – khu vực chùa Vạn Phước ngày nay.

Tôi được ông Nguyễn Hữu Oánh – cháu bốn đời của cụ “khai canh” vùng nầy hướng dẫn khảo sát khu vực chùa Vạn Phước và vùng chung quanh.

Hiện trường cho thấy:

- Cái triền dốc trước chùa Vạn Phước có tên thường gọi là Cồn Bông Sứ (vì cái cồn nầy có nhiều gốc sứ cổ - loại hoa trồng ở các cung điện, khu lăng mộ và nhà thờ tổ tiên);

- Cuối cồn Bông Sứ là một hồ sen nằm song song với con suối nhỏ chảy từ trái sang phải mang tên suối Tiên;  

- Xa xa phía nam có đàn Nam Giao (đúng như sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã viết);

- Trong vùng khảo sát có nhiều giếng nước lớn và sâu, dân chúng gọi là “Giếng loạn”. Chứng tỏ trong vùng nầy từng có nhiều người của nhà nước sống qua. Ông Phó bảng Nguyễn Đình Hiến – người từng đứng đầu tỉnh Thừa Thiên, viết bài Cổ Kính Trùng Viên Thuyết” về một cái “Giếng loạn” trong vùng và khắc lên bia đá có câu: “Cái giếng nầy do ai đào? Bắt đầu đào vào thời nào? Vì sao lại bỏ hoang?” Ông Thượng thư bộ Binh Phạm Liệu thời Bảo Đại đọc bài văn có viết câu hỏi đó đã hạ bút viết: “Câu chuyện nầy trong cái nhỏ thấy được cái lớn thú vị làm sao!(23). Cái lớn đó là cài gì?

- Trong văn học dân gian vùng nầy có câu: “Chiều chiều mây kéo về Kinh/ Ếch kêu Giếng loạn thảm tình đôi ta”;

- Trong khu vực có nhiều dãy mộ hoang mà dân địa phương gọi là “Mã loạn”. Chứng tỏ trên vùng đất nầy đã từng có chiến tranh, nhiều người chết vô danh;

- Nhà thơ Tùng Thiện Vương – hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng, trong bài thơ Nam Khê viết về con Suối Tiên gọi gò Dương Xuân có chùa Vạn Phước ngay nay là “loạn sơn” (24);

- Khu vực nầy là vùng cấm suốt thế kỷ XIX. Đến đầu thế kỷ XX, dân chúng ở làng Phú Xuân cũ dò dẫm đến ở. Người đầu tiên đến đây là ông tổ 4 đời của ông Nguyễn Hữu Oánh. Ông tổ bốn đời của ông Nguyễn Hữu Oánh khai canh đào đất dựng nhà thì bắt gặp dưới lòng đất nhiều gạch, đá lát nền, giúp cho ông có đủ vật liệu để xây nhà và lát sân. Ngay trong khu vực chung quanh nhà, ông còn phát hiện được nhiều viên đá lớn (2.72m x 0.67m, dày 0.035m). (Nay vẫn còn một tấm lưu giữ ở chùa Vạn Phước);

- Các quan triều Nguyễn lên đây lập nghĩa địa cho gia đình mình. Người ta xây dựng lúc đầu là một cái am sau phát triển thành chùa Phật để chăm sóc mồ mã của gia đình các quan (Sau nầy phát triển thành chùa Vạn Phước ngày nay);

- Người ta đào huyệt, đào đắp nền chùa phát hiện vô số gạch đá các loại-nhất là đá táng cột. Dân chúng lén lút đến khiêng đá táng cột đi bán cho các chủ làm cối đá;     

- Thượng thư Phạm Liệu tận dụng đá đào được xây lăng mộ cho thân mẫu ông. (Nay vẫn còn) Chùa Vạn Phước giữ lại một số để lát đường, kê bàn, kê chậu cảnh;

Và còn hàng chục biểu hiện khác thường khác nữa tôi thấy không cần phải nêu thêm ra đây.

Nhà Nguyễn liệt Phong trào Tây Sơn/Quang Trung là “loạn” (Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ). Phong trào Tây Sơn chiếm Huế làm cho Phủ Dương Xuân mất tích. Với những thực thể “giếng loạn”, “mã loạn”, “Núi loạn” bao trùm lên khu vực Phủ Dương Xuân chứng tỏ Phong trào Tây Sơn/Quang Trung đã ở đây, đã sử dụng các giếng nầy. Ở đây cũng đã xảy ra chiến tranh, nhiều người của Tây Sơn/Quang Trung đã bị giết. Dưới lòng đất khu vực Phủ Dương Xuân (chùa Vạn Phước ngày nay) và vùng chung quanh có nhiều gạch, ngói, đá táng cột các loại chứng tỏ đã có một vùng cung điện của vua chúa từng sống ở đây. Dân gian cuối thế kỷ XVIII không ai có khả năng và được phép dùng các vật liệu cao cấp và nhiều đến như vậy. Vùng cung điện đó đã bị triệt phá chôn sâu dưới đất. Như vậy phủ Dương Xuân đã bị phá hủy chôn sâu. Vì sao phủ Dương Xuân bị chôn sâu? Vì Phủ đã bị Phong trào Tây Sơn/Quang Trung sử dụng. 

Cung điện Đan Dương ở gần chùa Thiền Lâm bị hủy diệt;

Phủ Dương Xuân cũng ở gần chùa Thiền Lâm, vì có liên quan đến “loạn” nên cũng bị triệt hạ hủy diệt.

Gần chùa Thiền Lâm chỉ có một nơi là gò Dương Xuân mới xây dựng được cung điện. Cung điện Đan Dương và Phủ Dương Xuân cùng ở một nơi, chồng lên nhau. Phủ Dương Xuân có trước, Cung điện Đan Dương ra đời sau. Tôi kết luận: Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn là tiền thân của Cung điện Đan Dương thời vua Quang Trung.

Đã có một vùng cung điện đã bị chôn vùi trên gò Dương Xuân.

Công trình nghiên cứu của tôi đã được học giả Hoàng Xuân Hãn khẳng định đúng từ năm 1991(25). Nhưng mãi đến ngày 30-10-2015, mới đựợc xác nhận trong HTKH “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế” (26). Kết luận của Hội thảo yêu cầu phải có một cuộc khai quật thăm dò.

Cuộc khai quật thăm dò được thực hiện vào cuối năm 2016. Trong báo cáo Hội nghị Thông báo Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2018, TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo Cố học Việt Nam đã viết:

Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Thừa Thiên Huế phối hợp với Viện KCH, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân... khai quật thăm dò di tích gò Dương Xuân nhằm bổ sung tư liệu, nghiên cứu giai đoạn lịch sử Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Tại đây đã phát hiện các di tích liên quan đến mộ táng, di tích nền, móng cát sỏi và kiến trúc đá. Kết quả này đã cung cấp thêm những tư liệu lịch sử về thời kỳ Tây Sơn”.

Kết quả của cuộc khai quật khảo cổ thăm dò đã chứng tỏ dưới lòng đất gò Dương Xuân từng có nhiều kiến trúc và vật dụng của đời sống đã bị chôn vùi ở đây. Một lần nữa xác định công trình nghiên cứu của tôi đúng. Giáo sư Phan Huy Lê – nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tiếp nhận kết quả cuộc khảo cố thăm dò và đề nghị khai quật tiếp, mở rộng ra toàn khu vực để xác định ranh giới của khu vực di tích.

TS Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ký công số 2010/UBND, ngày 07-04-2017 v/v thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân, Thừa Thiên Huế, gởi các cơ quan chức năng “xây dựng kế hoạch tổ chức mở rộng thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân”, tính toán “kinh phí bảo quản hiện vật và tổ khai quật mở rộng khu vực gò Dương Xuân” và “UBND thành phố Huế có kế hoạch chuẩn bị bố trí quỹ đất tái định cư cho một số hộ dân trong khu vực khai quật khảo cổ tại gò Dương Xuân”.

I. Ngày 9 – 10 – 2017 sở Văn hóa Thể thao và Bảo tàng Lịch sử TTH đã tổ chức cuộc họp v/v tham gia góp ý kiến kế hoạch mở rộng khảo cổ học khu vực gò Dương Xuân, phường Trường An, thành phố Huế. Thành phần tham dự:

1. Về phía Viện Khảo cổ học Việt Nam: PGS.TS Bùi Văn Liêm – Phó Viện trưởng Viện KCH Việt Nam;

2. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế: TS. Phan Tiến Dũng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; PGS.TS Đỗ Bang – Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế; Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân;

3. Đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố Huế:

- Phòng Văn xã Sở Kế hoạch và Đầu tư: Ông Trương Văn Tân, chức vụ: Trưởng phòng; Phòng Quản lý Di sản Văn hóa: Ông Trần Tuấn Anh, chức vụ: Trưởng phòng; Phòng Kế hoạch Tài chính: Ông Nguyễn Đăng Chính, chức vụ: Chuyên viên; Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao: Ông Hà Xuân Trí, chức vụ: Thanh tra viên;

- Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế: Ông Cao Huy Hùng, chức vụ: Giám đốc;

- Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Huế: Bà Phạm Thị Quỳnh Giao, chức vụ: Trưởng phòng;

- UBND phường Trường An: Bà Lê Thị Thanh Nhàn, chức vụ: Phó Chủ tịch.

II. Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế

1. TS. Phan Tiến Dũng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.

2. Thư ký: Ông Ngô Minh Thuấn – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử.

Toàn bộ các thành viên trong cuộc họp đều nhất trí 100% về việc khai quật mở rộng gò Dương Xuân. Nội dung cuộc họp được báo cáo lên Tỉnh. Bản báo cáo được kết thúc như sau: “Phòng Quảng lý Di sản Văn hóa phối hợp với Bảo tàng Lịch sử lập các thủ tục trình UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan cho phép mở rộng khai quật gò Dương Xuân để bổ sung tư liệu về thời đại Tây Sơn trước khi lập hồ sơ”.

Và Vietravel hứa sẽ tài trợ tiếp để hoàn thành công trình.

Công trình đã thực hiện trên ba mươi năm, nay chờ thêm vài ba năm nữa để kết thúc đưa vào phục vụ nhân dân, phục vụ du lịch cũng không sao.

Xin chờ. Chỉ ngại một điều với tuổi 82 nầy liệu có thấy được thành tựu đó không?

                                                                                

          Huế tháng 10-2018



(1) Công trình nầy tôi đã xuất bản và tái bản nhiều. Mỗi lần tái bản được bổ sung, đặt lại tên sách cho đến lúc hoàn chỉnh.

1. Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung, Viện Sử học Việt Nam, Hà Nội 1992;

2. Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa. Huế 2007.

3. Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa cùng với AlphaBooks tái bản 2015

4. Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn – Tiền thân của Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ở Huế, Nxb Văn Nghệ TP HCM, 2017.

(2) John Barrow Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793), Nguyễn Thừa Hỷ (dịch), Nxb Thế Giới HN.2008, tr.26  

(3) Trích lại của Đặng Phương Nghi, Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ, T/s Sử  Địa, số  9-10, Đặc khảo về Quang Trung, số đặc biệt Xuân Mậu Thân/1968, tr.235.

(4) Bùi Dương Lịch, Lê Quý Dật Sử, bd của Phạm Văn Thắm, Tài liệu dịch thuật của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb KHXH, HN 1987, tr.90.

(5) Trích lại của Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử, Nxb Minh Tân, Paris 1952, tr.161-162.&Lời chú bài thơ Cảm Hoài của Ngô Thì Nhậm trong tập Hoàng Hoa Đồ Phả (tr. 12b), ký hiệu A.2871, Viện Hán Nôm 183 Đặng Tiến Đông, Hà Nội.

(6) Bài thơ với lời chú (A) “Thời thủ lăng chư tiểu giám sổ lai bồi  ẩm  (Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu). Đăng trong Thơ văn Phan Huy Ích tập II, Dụ Am Ngâm Lục, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1978, tr.122-124

(7) Nguyên dẫn và bài thơ Mùa xuân ở công quán ghi việc của Phan Huy Ích cho biết chùa Thiền Lâm nằm ở phía nam sông Hương. (Uỷ ban KHXH Việt Nam – Ban Hán Nôm: Thơ văn Phan Huy Ích, tập II, “Dụ Am ngâm lục”, KHXH, H.1978, tr.86-87.

(8) Nguyễn Q.Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam, in lần thứ 5, Nxb Văn Hóa, TP HCM 1999, tr35-36;

(9) QSQ triều Nguyễn, Đại Nam Thực lục Chính Biên, t.I, Nxb Giáo Dục, HN 2002, tr. 473.

(10) QSQ triều Nguyễn, Đại Nam Thực lục Chính Biên, t.I, Nxb Giáo Dục, HN 2002, tr. 473 &                                 

    QSQ triều Nguyễn Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Nhà Tây Sơn, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc tránh Văn Hóa, Sài Gòn 1970,tr.224-225

(11) Trích lại của H. Le BRIS, Les Canons-Génies du Palais de Hué, BAVH, Năm thứ 2, số 2,  Avril-Juin 1914, tr.102

(12)  Đặng Phương Nghi, Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến chúa Nguyễn Huệ, Tập san Sử Địa số 9-10, tr.235.

(13) QSQ triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chi, Thừa Thiên Phủ, Tập Thượng, Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa Bộ QGGD, 1961, tr.88;

(14) QSQ triều Nguyễn, Đại Nam Liệt truyện,  t.I, Nxb Thuận Hóa, Huế 1993, tr. 193-194

(15) QSQ triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập. Q.30 “Ngụy Tây”, tr. 43a, dòng thứ nhất (phải) viết: “Quang Toản tự ngụy vị, thập nguyệt, táng vu Hương Giang chi nam” Dịch: Quang Toản nối ngôi, tháng 10 an táng (vua Quang Trung) ở phía nam sông Hương”

(16) QSQ triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ, Tập Thượng, Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa Bộ QGGD, 1961, tr.56

(17) L. Cadière, Les Quartier des Arènes, II- Souvenirs des Nguyễn, BAVH, năm thứ 12, số 3, Juillet-Septembre 1925, tr.136-137 &   James Bean Nhật kí du hành gặp vua xứ Đàng Trong, do Nguyễn Sinh Duy dịch, trích “Quảng Nam và những vấn đề sử học”, NXB Văn hóa Thông tin, năm 2005, tr.155 - 157.

(18) Phương Đình Dư Địa Chí của Nguyễn [Văn] Siêu do Tự Do ở Sài Gòn xuất bản trước năm 1975, nội dung trích dẫn này cũng có thể gặp lại Phương Đình Dư Địa Chí do Nxb Văn Hóa Thông Tin, HN 2—1. tại tr.201-202. Giải thích “Biến loạn năm Bính Ngọ, Tây Sơn chiếm giữ (năm Giáp Ngọ quân Trịnh xâm lấn xe Thừa Dư ngự về phía nam đến năm Bính Ngọ, Tây Sơn Nguyễn Huệ lại chiếm giữ”

(19) ĐNNTC thời Tự Đức viết các chùa Kim Tiên 金仙, Tuệ Lâm 彗 林,  Từ Đàm 慈曇, Thiền Lâm 禪 林 đều ở ấp Bình An xã Dương Xuân.

(20) Phan Huy Ích  là người từng ở và làm việc ở chùa Thiền Lâm trong lời dẫn bài thơ Kinh Thiền Lâm phế tự cảm tác, Phan Huy Ích viết: “寺 在 煬 春 社 山 Tự tại Dương Xuân xã sơn” (Chùa ở núi thuộc xã Dương Xuân).

(21) QSQ triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ, Tập Thượng, Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa Bộ QGGD, 1961, tr.88;

(22) Thích Đại Sán, Hải Ngoại Kỷ Sự, Viện ĐH Huế, UB Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Huế 1963, tr. 35, Nxb Khoa Học Xã Hội và Alphabooks tái bản 2015, từ tr.55 đến 57.

 

(23) Lê Nguyễn Lưu (dịch), Văn bia Cổ kính trùng viên thuyết, Tạp chí Thông tin khoa học và Công nghệ (TTH), số 2, Huế 1999, tr. 125-133; xem thêm Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb KHXH, H.1993, số thứ tự 1024, tr. 553-554.

(24) Toàn văn bài Nam Khê (Khe phía nam). Trích từ Tùng Thiện Vương, của Ưng Trình và Bửu Dưỡng, Huế-Sài Gòn 1970, tr.285.

(25) Nguyễn Đắc Xuân Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung, Viện Sử học Việt Nam, Hà Nội 1992;tr7-10

(26) Phan Huy Lê, Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế, t/c Huế Xưa và Nay, số 132, 11-12/2015, tr.9-16

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia