Phủ Dương Xuân - tiền thân của Cung điện Đan Dương: Chương kết - Sau khi các thông điệp của người xưa đã mở

Sau hơn một phần ba thế kỷ Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ở Huế, biết bao đứa trẻ trong thời gian ấy đã ra đời, học hành, trưởng thành, làm ông nọ bà kia mà tôi vẫn còn đi. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo đã hỏi tôi: “Động lực nào đã đẩy ông lao vào một công việc nghiên cứu lâu dài gay go đến như thế?”. Muốn trả lời câu hỏi này, tôi phải viết một cuốn sách dày hơn cuốn sách này mới nói hết được cái động lực đã đẩy tôi đi suốt cuộc “trường chinh” này. Nhưng chưa thực hiện được việc đó nên tôi giải bày một chút tâm sự ngắn sau đây với những người quan tâm.

Sau ngày thống nhất đất nước (1975), so với những bạn bè đi kháng chiến về, tôi biết cái thế mạnh của tôi là gì, ngoài giờ làm việc ở cơ quan Tuyên Giáo Thành ủy Huế, tôi chọn nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế (nghiệp dư) để phục vụ văn hóa du lịch theo sở thích của tôi. Một trong những bí ẩn của lịch sử văn hóa Huế cần phải khám phá đó là vấn đề “Lăng mộ vua Quang Trung ở đâu?”. Tôi cũng như nhiều người cầm bút xứ Huế không thể đứng ngoài đề tài này. Mỗi người có một cách tiếp cận và lý giải khác nhau. Với tài liệu và kiến thức về Huế tôi đang có, tôi chọn con đường nghiên cứu phối hợp đa ngành: lịch sử, địa lý lịch sử, văn học cổ - văn học dân gian, lịch sử Phật giáo Thuận Hóa - Phú Xuân, thuật phong thủy, thảo mộc học, địa phương học và nhất là mối quan hệ thân thiết của tôi với dân chúng địa phương. Tôi đi vào đề tài nghiên cứu lịch sử như bắt đầu một cuộc thám hiểm có thắt, có mở, có lúc nghẹt thở, có lúc sáng òa mừng vui và tưởng mình sắp đến được cái nơi mình muốn đến. Thế rồi, tưởng đã đến rồi lại thấy còn phải đi nữa, khám phá tiếp, hết chuyện nầy đến chuyện kia… cứ thế nó lôi tôi đi, không ngờ cuối đời nhìn lại đã hơn một phần ba thế kỷ.

Tôi là người Huế, lúc nhỏ theo mẹ lên Đà Lạt làm vườn ở một ngôi làng do người Quảng Nam lập nên. Sống gần, bị ảnh hưởng người Quảng nên tôi nói giọng Quảng. Vì thế nhiều người bảo tôi bị lây cả cái tính của người Quảng Nam là hay cãi. Báo Lao Động từng có một bài phỏng vấn tôi với cái tít là  “Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Thấy mặt là…nghe cãi”. Tôi chưa quán chiếu về tuổi thơ của mình để biết mình lây cái tính hay cãi của người Quảng Nam như thế nào, nhưng chắc chắn cái tính hay cãi của tôi được dẫn dắt bởi phương pháp nghiên cứu lúc học Đại học Văn khoa Huế. Tư tưởng nổi tiếng của Descartes – triết gia, nhà vật lý và cũng là một nhà toán học Pháp thế kỷ thứ 17 ở Pháp là “Je pense donc je suis” (Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu). Nhưng không nhớ một giáo sư nào đó đã dạy tôi : “Je doute donc je suis” (Tôi nghi ngờ, tôi hiện hữu). Trong nghiên cứu lịch sử văn hóa, mỗi khi đối diện với một thông tin, một sự kiện lịch sử, cái thói nghi ngờ của tôi lại hiện lên. Ở nguồn nào ? Có chắc không ? Ở trong hoàn cảnh nào? Sự thực ra sao? Nếu thấy có gì mập mờ, mâu thuẫn với hoàn cảnh, trong đầu tôi lại hiện ra những câu hỏi “Vì sao?”, “Sự thực như thế nào?”. Nhiều vấn đề, nhiều sự kiện đòi hỏi phải nghiên cứu hằng năm vẫn chưa trả lời được. Cứ thế, tôi bị cuốn hút vào chuyện đi tìm sự thực, hết năm này qua năm khác.

Câu chuyện hấp dẫn

Giữa thế kỷ XVIII, Đô thành Phú Xuân là nơi đô hội giàu có, sang trọng vào bậc nhất ở xứ Đàng Trong. Phủ chúa Nguyễn xây dựng trên Vương đảo, sông Hương chảy trước mặt, sông Kim Long bọc sau lưng. Ngoài Đô thành ở bắc sông Hương, đối diện qua bên kia sông còn có phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân. Ngoài ra, còn có rất nhiều dinh phủ, điện, các nguy nga ở thượng lưu, hạ lưu sông Hương. Năm 1774, ba vạn quân Trịnh ở Đàng Ngoài vào đánh phá Phú Xuân. Suốt 12 năm chiếm đóng, quân Trịnh phá giở nhà quan, trại lính làm củi đốt không xuể. May là quân Trịnh chưa đụng đến các kiến trúc chính của các đời chúa Nguyễn.

Năm 1786, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ từ Qui Nhơn kéo quân Tây Sơn ra giải phóng Phú Xuân. Ba vạn quân Trịnh bị tiêu diệt sạch trong vài ngày. Điều khó hiểu là chiếm được Phú Xuân mà Nguyễn Huệ không bước vào Đô thành Phú Xuân. Không biết Nguyễn Huệ ở đâu trước khi ông tiếp tục tiến quân ra Thăng Long làm nhiệm vụ “phù Lê diệt Trịnh”. Làm xong nhiệm vụ, ông lui quân về Phú Xuân. Nhờ Labartette, ta biết được Nguyễn Huệ có một dinh riêng. Dinh này không do ông xây dựng mà là một cơ sở cũ thời các chúa Nguyễn để lại. Để giữ an toàn cho số của cải chiến lợi phẩm, Nguyễn Huệ cho xây một bức thành chung quanh dinh ông. Hai năm sau, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, kéo quân ra Bắc đánh bại 29 vạn quân Thanh. Trở về Phú Xuân, ông cho nâng cấp dinh ông thành cung điện phù hợp với uy thế của vị Hoàng đế của nước Đại Việt. Mùa thu năm 1792, ông qua đời, để giữ bí mật với các lực lượng thù địch, triều Quang Toản táng ông ngay trong cung điện của ông. Nhờ Ngô Thì Nhậm, ta biết được cung điện ấy có tên Đan Dương, lăng mộ Quang Trung táng trong khu vực cung điện Đan Dương nên có tên lăng Đan Dương, gọi tắt Đan Lăng. Cuối năm 1801, Nguyễn Ánh – hậu duệ của các chúa Nguyễn sau 24 năm nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử, trở về Phú Xuân, đánh đuổi vua Quang Toản chạy ra Bắc. Nguyễn Ánh “vì chín đời mà trả thù” cho quật phá lăng Đan Dương, triệt hạ cung điện Đan Dương chôn sâu xuống đất.

Cung điện Đan Dương với lăng Đan Dương ở đâu? Gần hai thế kỷ qua không ai biết. Những người nghiên cứu lịch sử Việt Nam bất lực, bế tắc. May sao, Phan Huy Ích cho biết, lúc vào Phú Xuân làm việc với Thái sư Bùi Đắc Tuyên tại chùa Thiền Lâm, ban đêm làm việc, ban ngày không ngủ được, Phan hay bày rượu ra uống. Bọn tiểu giám giữ lăng vua thường đến hầu rượu Phan. Lăng vua Quang Trung ở gần chùa Thiền Lâm thì “bọn tiểu giám” mới thường đến hầu rượu Phan được. Việc đó chứng tỏ lăng vua Quang Trung tọa lạc ở một nơi gần chùa Thiền Lâm.

Vậy chùa Thiền Lâm ở đâu?

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân cho biết chùa Thiền Lâm ở xã An Cựu. Ba năm lội khắp vùng xã An Cựu, tôi không thấy chùa Thiền Lâm ở đâu cả. Nhờ Phan Huy Ích cho biết chùa ở xã Dương Xuân, ĐNNTC đời Tự Đức viết chùa ở ấp Bình An, sơ đồ Hàm Long Sơn Chí của Phật giáo Huế vẽ chùa Thiền Lâm tọa lạc gần chùa Thuyền Lâm 150 Điện Biên Phủ ngày nay. Định vị được nơi chùa Thiền Lâm, khảo sát khu vực chùa Thiền Lâm, thấy các bia biển cũ bị đục, phá, mài hết chữ, dưới lòng đất sân vườn chùa Thiền Lâm có vô số gạch vồ còn mới, hàng chục viên đá táng cột lớn nhỏ chứng tỏ đã có một nhóm kiến trúc đã bị triệt hạ chôn vùi xuống đây. Chùa Thiền Lâm lúc đầu là một ngôi chùa nhỏ, không chứa nổi 10 người, thế mà có một ngôi tháp mộ với bia đề Hòa thượng Khắc Huyền “khai sơn Thiền Lâm viện”. Dòng chữ đó khắc lại trên một tâm bia cũ. Ôi, biết bao điều phi lý, mâu thuẫn chồng chất ở ngôi chùa này! Vì sao ? Qua sách Hải Ngoại Kỷ Sự của Hòa thượng Thích Đại Sán, chùa Thiền Lâm tọa lạc một nơi rất gần Phủ Dương Xuân – cung điện Mùa Đông thời các chúa Nguyễn. Chùa Thiền Lâm là một bộ phận phụ thuộc phủ Dương Xuân.

Chùa Thiền Lâm ở đây, vậy phủ Dương Xuân nơi nào?

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân không có mục từ phủ Dương Xuân, nhưng trong mục từ Gò Dương Xuân có đề cập đến phủ Dương Xuân. Nhưng lại viết: Từ sau khi binh hỏa (tức Tây Sơn chiếm Phú Xuân) phủ Dương Xuân mất tích, không biết ở vào chỗ nào. Nhưng không hiểu vô tình hay cố ý, sách lại cho biết ở phía nam phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân có đàn Nam Giao. Đàn Nam giao còn đó, phía bắc đàn Nam Giao có gò ấp Bình An, xuôi xuống đến sông Lợi Nông (sông An Cựu) đâu có xa xôi lạ lẫm gì mà không tìm được phủ Dương Xuân ?

Vì sao phủ Dương Xuân lại mất tích một cách phi lý đến như thế ?

Qua thông tin trong các trước tác của những người đã từng được các chúa Nguyễn tiếp ở phủ Dương Xuân như Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán (Trung Quốc), Voyage (Kỷ hành) của Pierre Poivre (Pháp), Journey to meet the King of Cochinchina (Nhật ký du hành gặp vua xứ Đàng Trong) của James Bean (Anh) – tôi tìm được địa điểm từng tọa lạc phủ Dương Xuân tại gò ấp Bình An – khu vực có chùa Vạn Phước-chùa Thiền Lâm ngày nay. Mảnh đất xây dựng chùa Vạn Phước ẩn chứa nhiều chuyện lạ. Lạ hơn cả những gì đã thấy dưới lòng đất sân vườn chùa Thiền Lâm. Suốt thế kỷ XIX, dân chúng không ai được đến đây. Duy nhất chỉ có Công chúa Ngọc Ngôn (1804-1856) – con gái thứ 10 của vua Gia Long đến trùng tu chùa Tuệ Lâm mà thôi. Chùa Tuệ Lâm không biết do ai khai sơn, ra đời từ khi nào, chùa hư hại đến như thế nào mà phải trùng tu? Không thấy sử sách nào ghi. Mãi đến đầu thế kỷ XX, cụ Nguyễn Đình Hòe (một quan chức rất có uy tín với Nam triều và chính phủ Bảo Hộ, Phó hiệu trưởng Trường Hậu Bổ, đến dựng một cái am mang tên Phổ Phúc ngay bên phía đông chùa Tuệ Lâm để bà thân mẫu có nơi nằm chữa bệnh bằng thuốc Nam và nghe kinh Phật hằng ngày. Các phủ phòng của các ông hoàng bà chúa, các quan đại thần triều Nguyễn cũng theo chân cụ Hòe đến đây tìm đất táng và cải táng người thân. Đào huyệt mộ chung quanh vườn chùa Tuệ Lâm người ta phát hiện có nhiều loại đá, đá táng cột, gạch, mảnh sành, mảnh sứ cổ chứng tỏ đã có một quần thể kiến trúc với đời sống trưởng giả bị chôn vùi ở đây. Dân chúng lén lút đến thu nhặt đá đi bán. Trước hiện thực đó, không rõ cụ Thượng Hòe suy nghĩ như thế nào mà cụ ngồi viết chuyện vua Gia Long quật phá lăng mộ nhà Tây Sơn, xương cốt anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ bị giã nát bắn vào không trung, sọ dừa giam vào ngục thất. Bài đăng ngay lên tạp chí BAVH vừa ra đời trước đó vài tháng. Cụ Thượng Phạm Liệu – học trò học tiếng Pháp với cụ Thượng Hòe ở trường Quốc Học, cho người nhặt các di vật đá trong khu vực xây cho bà thân mẫu một ngôi lăng. Nhiều viên đá như cái bậc cấp, đá táng cột không dùng xây lăng được cụ cũng cho thu về giữ bên lăng mộ thân mẫu cụ. Phủ Dương Xuân tọa lạc nơi đây. Tại sao lại nên nổi này? Ai đã triệt phá phủ Dương Xuân chôn sâu dưới đất đây ? Bao trùm lên vùng đất cấm này một chữ loạn. Giếng loạn. Mả loạn. Gò ấp Bình An này bị Tùng Thiên Vương gọi là “Núi loạn”. Loạn ở đây ám chỉ điều gì? Nguyễn Văn Siêu trong Phương Đình Dư Địa Chí, còn được gọi là Đại Việt địa dư toàn biên, cho biết “loạn” ở đây là “Biến loạn năm Bính Ngọ, Tây Sơn chiếm giữ Phú Xuân”. Rõ ràng, phủ Dương Xuân đã bị quân Tây Sơn sử dụng nên bị trừng phạt chôn sâu xuống đất và cấm dân chúng lui tới.

Phủ Dương Xuân ở gần chùa Thiền Lâm đã bị phá hủy.

Cung điện Đan Dương có lăng Đan Dương ở gần chùa Thiền Lâm cũng đã bị phá hủy.

Ở gần chùa Thiền Lâm, không có bất cứ một quần thể kiến trúc nào khác để cho Nguyễn Huệ/Quang Trung chọn làm cung điện Đan Dương. Cung điện Đan Dương phải phát triển từ cơ sở của phủ Dương Xuân. Nói cách khác, Cung điện Đan Dương chồng lên phủ Dương Xuân. Cung điện Đan Dương bị hủy diệt, phủ Dương Xuân tất nhiên phải cùng số phận. Vì không muốn cho thần dân biết sự kiện nhuộm máu đó nên nhà Nguyễn bảo đã mất tích. 

Như vậy, ngay từ khi mới ra đánh đuổi quân Trịnh năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ đã chiếm phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân để làm dinh riêng cho mình. Phủ Dương Xuân là tiền thân của Cung điện Đan Dương. Hài cốt vua Quang Trung đã bị hủy diệt, vậy dấu tích lăng Đan Dương ở đâu?

Hơn một phần ba thế kỷ, tôi mới tìm được cho lịch sử Việt Nam địa chỉ phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn – tiền thân của Cung điện Đan Dương thời Quang Trung. Dấu tích lăng mộ vua Quang Trung tọa lạc nơi nào trong khu vực Cung điện Đan Dương, xin chờ câu trả lời của ngành khảo cổ Việt Nam.

Trước những thông điệp của người xưa

Dấu tích lăng Đan Dương đã bị quật phá, rồi ra sẽ được giải mật. Nhưng những chuyện lịch sử phát sinh từ sự kiện phủ Dương Xuân mất tích vì quan hệ với Nguyễn Huệ/Quang Trung, nếu không được khám phá thì tôi vẫn chưa dừng chân được.

Phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân (gò ấp Bình An ngày nay) đã bị nhà Nguyễn phá hủy. Suốt thế kỷ XIX, không ai được lai vãng đến đây. Chỉ như ĐNNTC cho biết: Chùa Tuệ Lâm 慧林[1] ở ấp Bình-An. Chùa ở trên gò, có khe nước chảy quanh, cảnh trí cũng đẹp, do bà Yên-Mỹ Thái-Trưởng Công-Chúa Ngọc-Nghiên [2] Tiền-Triều trùng tu trong niên hiệu Minh-Mạng.[3]  Những ai nghiên cứu về chùa Huế đều đã tham khảo thông tin này và không ai có ý kiến gì khác. Nhưng dưới mắt tôi, chạm đến tài liệu này tự nhiên trong đầu tôi nảy ra bao nhiêu câu hỏi. Chùa Tuệ Lâm ra đời từ tháng năm nào? Do ai khai sơn? Chùa hư hại ra sao mà phải trùng tu?

Đất gò ấp Bình An trước đây là nơi tọa lạc của phủ Dương Xuân, sau thời “Binh loạn” năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ/Quang Trung chiếm giữ, sáu năm sau qua đời ở đó, con trai Quang Toản nối nghiệp. Đến  năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh từ Gia Định kéo quân ra đánh đuổi Quang Toản, chiếm lại phủ Dương Xuân. Vì phủ Dương Xuân đã bị Quang Trung sửa đổi thành Cung điện Đan Dương, Nguyễn Ánh cho quân quật phá chôn sâu xuống đất. Sau năm Tân Dậu (1801), vùng đất gò ấp Bình An bị cấm tuyệt đối, chùa Tuệ Lâm không thể ra đời sau thời điểm 1801. Vậy chùa Tuệ Lâm (nếu có) phải ra đời trong giai đoạn trước năm Bính Ngọ (1786), thậm chí trước năm Giáp Ngọ (1774) tức là vào thời các chúa Nguyễn còn ngự ở đây.

Qua sử sách, bên cạnh phủ chúa ở gò Dương Xuân (tức gò ấp Bình An ngày nay), không có một ngôi chùa nào mang tên Tuệ/Huệ Lâm cả. Trước năm 1695, các chúa có lập một ngôi chùa nhỏ gần phủ Dương Xuân lấy tên là Thiền Lâm. Năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu cho người sang Trung Quốc mời Hòa thượng Thích Đại Sán qua Thuận Hóa - Phú Xuân hoằng dương Phật giáo. Hòa thượng được chúa vời đến trú tại chùa Thiên Lâm. Sau đó, chùa Thiền Lâm được xây dựng lớn cho hàng ngàn tứ chúng đến học Phật, chùa Thiền Lâm trở thành Viện Thiền Lâm, một đại tùng lâm. Chúa và gia đình không thể hằng ngày ra viện Thiền Lâm tu trì với tứ chúng được cho nên chúa Nguyễn Phúc Chu phải dựng một ngôi chùa nhỏ ngay trong phủ dành cho chúa và gia đình chúa.

Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán cho biết trong Phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn Phúc Chu có một Phật viện. Trước ngày Phật đản năm 1695, chúa mời Hòa thương Thích Đại Sán vào phủ dự lễ khánh thành Phật viện. Hòa thượng vào dự và ban tên là “Giác Vương Nội Viện 覺王內院”. Xin trích Nguyên văn sau đây:

Phật viện trong Vương cung lạc thành, Quốc vương xin ta đề bức hoành và câu đối.  Bức hoành viết bốn chữ: “覺 王 內 院  Giác vương nội viện”.

Câu đối khắc trước Đại điện:

“Đằng-giác-địa vi Diệu-Giác-địa, thành tâm minh tâm, đồng nhập tam ma trí tuệ chơn như tạng”.

“Nguyễn-vương-cung kiến Phạm-vương-cung, tại thế xuất thế, tổng thành nhất phiến nhơn từ đại-đạo-trường”.

Dịch nghĩa:

Nơi đẳng-giác đổi làm nơi Diệu-giác, lòng thành lòng sáng đồng vào nơi trí-tuệ chơn-như”.

Cung Nguyễn-vương xây dựng cung Phạm-Vương, đời tục đời tu, hợp một trường nhơn-từ đại đạo”. [4]

Giác Vương Nội Viện là một bộ phận gắn kết với phủ Dương Xuân. Khi phủ Dương Xuân chuyển qua làm Cung điện Đan Dương, Giác Vương Nội Viện cũng được đổi chủ. Không rõ Nguyễn Huệ/Quang Trung có giữ Giác Vương Nội Viện làm nơi thờ Phật hay đã thay đổi chức năng của nó, hiện nay chưa tìm được tài liệu chứng minh, nhưng chắc chắn những người thân trong gia đình các vua Quang Trung, Quang Toản như Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, bà Lê Thị Ngọc Bình (vợ vua Quang Toản, tái giá với vua Gia Long, thân mẫu của Công chúa Ngọc Ngôn), chí ít cũng có một lần hai người ấy đã đặt chân đến đây. Và cuối cùng, Cung điện Đan Dương bị đập phá chôn vùi, Giác       Vương Nội Viện không thể có một kết thúc khác. Thời Minh Mạng, Công chúa Ngọc Ngôn được trùng tu một ngôi chùa trên gò ấp Bình An, ngôi chùa ấy chính là ngôi chùa được ban tên Giác Vương Nội Viện thời chúa Nguyễn Phúc Chu chứ không thể bất cứ một ngôi chùa nào khác. Giác Vương Nội Viện do chúa Nguyễn Phúc Chu thành lập nên không có người khai sơn [5] là đúng.

Còn tên Tuệ Lâm thì sao? Nếu bảo trùng tu Giác Vương Nội Viện thì phải nhắc đến Phủ Dương Xuân. Mà phủ Dương Xuân thì nhà Nguyễn bảo đã mất tích, cho nên không thể thực hiện trùng tu Giác Vương Nội Viện. Có lẽ vì thế, triều Nguyễn phải bày ra cái tên Tuệ Lâm để tránh việc phải nhắc đến phủ Dương Xuân.

Sau thời kỳ “binh loạn”, nhiều chùa Phật ở Huế bị hư hại nặng, vì sao Thái trưởng Công chúa Ngọc Ngôn không chọn một trong những ngôi chùa ấy để trùng tu mà lại đi trùng tu một ngôi chùa không rõ tung tích như thế? Bà Yên Mỹ Thái trưởng Công chúa Ngọc Ngôn tiền triều là ai?

Bà là con gái thứ 10 của vua Gia Long. Mẹ là Đức phi Lê Thị Ngọc Bình (em cùng cha khác mẹ với Công chúa Lê Thị Ngọc Hân - Bắc cung Hoàng hậu của vua Quang Trung). Đời chồng trước của bà Ngọc Bình là vua Quang Toản bị đời chồng sau là vua Gia Long hành hình. Thái trưởng công chúa Ngọc Ngôn (con gái bà Ngọc Bình) là em cùng cha khác mẹ với vua Minh Mạng. Chồng Công chúa Ngọc Ngôn là ông Lê Văn Yến - con trai trưởng của ông Lê Văn Phong và là con thừa tự của Tả quân Lê Văn Duyệt. Năm Ất Mùi (1835), triều Minh Mạng xử vụ án Lê Văn Duyệt, Lê Văn Yến bị triều Minh Mạng khép vào tội chết. Cuộc đời Thái trưởng Công chúa Ngọc Ngôn rất bi đát. Cha mẹ lấy nhau không bình thường, lên 6 tuổi mồ côi mẹ, 19 tuổi lấy chồng, 31 tuổi chồng bị triều đình của chính anh mình khép vào tội chết. Phải chăng Công chúa Ngọc Ngôn chọn trùng tu Giác Vương Nội Viện với tên “hợp pháp” Tuệ Lâm để lưu lại một nơi mà những người ruột thịt thân thiết nhất của bà là dì Ngọc Hân và mẹ Ngọc Bình thời Quang Trung Quang Toản đã từng qua đây chăng?

Cung điện Đan Dương được lưu dấu bởi chùa Tuệ Lâm chăng (?!).

Đối với tôi, chùa Tuệ Lâm có thể là một thông điệp về thời đại Quang Trung của Công chúa Ngọc Ngôn đầu triều Nguyễn gởi lại cho các thế hệ hậu duệ của bà.

Có lẽ vậy, người nhận được thông điệp đó không ai khác là cụ Nguyễn Đình Hòe (1866-1942) – người thông ngôn tiếng Pháp cho triều Nguyễn từ trước ngày Thất thủ Kinh đô (7-1885), thầy dạy tiếng Pháp cho quan lại triều Nguyễn tại trường Quốc Học, Hiệu phó trường Hậu Bổ của Nam Triều, rồi thăng lên đến Thượng thư bộ Lễ sung Cơ mật Đại thần. Với uy tín của cụ đối với triều Nguyễn thời Thành Thái-Duy Tân, cụ lập nên am Phổ Phúc bên cạnh chùa Tuệ Lâm để cho bà thân mẫu nằm chữa bệnh bằng thuốc Nam và nghe kinh Phật hằng ngày. Trong thời gian lên về thăm mẹ ở am Phổ Phúc, cụ Nguyễn Đình Hòe viết bài “Ghi chú về những hài cốt của Tây Sơn trong nhà tù Khám Đường”. Việc trùng tu ngôi chùa có cái tên “hợp pháp” Tuệ Lâm  và việc viết chuyện nhà Nguyễn trả thù Nguyễn Huê/Quang Trung là hai chuyện bên ngoài hầu như không dính dáng gì với nhau, nhưng trong thực tế hai chuyện ấy diễn ra trên cùng một địa điểm không phải là chuyện vô tình. Chuyện nhà Nguyễn trả thù nhà Tây Sơn diễn ra ngay trên mảnh đất được ghi dấu bởi kiến trúc chùa Tuệ Lâm.

Và, không chỉ có chừng ấy.

Không rõ hai người học trò học tiếng Pháp của cụ Nguyễn Đình Hòe (1866 -1942) ở trường Quốc Học là Tiến sĩ Phạm Liệu (1873-1937) và Phó bảng Nguyễn Đình Hiến (1872-1947) có nhận được thông điệp của Công chúa và của thầy Nguyễn không mà họ cũng đến đây. Mỗi người có mỗi cách thể hiện mối quan tâm riêng của mình.

Cụ Thượng thư bộ Binh Phạm Liệu thấy dân chúng lén lút lấy các loại đá lăn lóc lâu nay trong vườn chùa hoặc mới phát hiện khi đào các huyệt mộ đi bán, cụ cho người nhà thu nhặt một số đá rồi thuê thợ ghép lại thành một ngôi lăng dựng trên đỉnh phía tây cồn Bông Sứ rồi cải táng hài cốt bà thân mẫu về đó. Một số viên đá không thể dùng được cho việc xây lăng nhưng có hình thù đặc biệt, lạ, cụ cũng cho thu về để bên lăng như ghế đá, bậc đá, đá táng cột….

  

H.8.1 Ghế đá - H.8.2 Bậc đá - H.8.3 Đá táng cột

Nếu những viên đá đặc biệt ấy không được quy tập về bên cạnh lăng mộ bà thân mẫu cụ thì có lẽ chúng cũng đã bị dân chúng lấy đi và làm mất tích từ lâu rồi. Những viên đá được để bên cạnh lăng mộ mẹ của cụ Thượng thư thì không ai dám động đến. Phải chăng cụ Phạm đã nhờ bà thân mẫu giữ hộ những di vật cổ lạ lùng ấy? Những di vật cổ ấy của ai mà cần phải bảo quản vậy? Chúng có liên quan gì với nội dung bài viết của thầy Nguyễn Đình Hòe đăng trên Tập san BAVH năm 1914 không? Không ai hiểu được nếu…

Cụ Phó bảng Nguyễn Đình Hiến (1872-1947) – thầy địa của vua Khải Định, nguyên Phủ Doãn Thừa Thiên, đồng hương và đồng triều với cụ Thượng Phạm Liệu, không có ý kiến gì về những việc đã xảy ra chung quanh chùa Tuệ Lâm – am Phổ Phúc, nhưng cụ đã có một hoạt động công phu hơn bên bờ nam khe/suối Tiên. Đó là việc cụ phát hiện ra một cái giếng hoang - “giếng loạn”, cụ nghiên cứu kỹ và viết nên một bài văn trên 2.200 từ với nhan đề Cổ kính trùng viên thuyết (Câu chuyện giếng cũ lại tròn) nói về sự xung khắc giữa nước (màu xanh) và lửa (màu đỏ). Trong bài văn, tác giả đặt ra 3 câu hỏi: “Cái giếng này do ai đào? Bắt đầu đào vào thời nào? Vì sao lại bỏ hoang?” Tác giả hỏi mà không biết hỏi ai, hỏi đời, hỏi mình, hỏi quá khứ, hỏi người đương thời, hay hỏi mai sau… không rõ. Nhưng lại để lộ cái mục đích mà tác giả hướng đến là “để làm mới cái cũ mà dựng lại cái đổ nát vậy”. Cái cũ là cái gì? Làm mới ra sao ? Cái gì đổ nát mà phải dựng lại? Dựng lại để làm gì?

Viết xong, cụ đưa cho cụ Phạm Liệu đọc. Cụ Phạm đọc xong đắc ý phóng bút viết một lời bình ngắn gọn nhưng sâu sắc:

- “Câu chuyện này, trong cái nhỏ thấy cái lớn, khá gọi là lạ lùng thú vị”.

“Cái nhỏ” là chuyện cái giếng hoang, nhưng cái nhỏ ấy như giọt nước lấp lánh cái lớn là cả bầu trời. Vì thế, cụ Phạm Liệu nhặt đá của cái lớn ấy nhờ hương hồn mẹ giữ hộ cho lịch sử dưới hình thức một ngôi lăng. 

Nguyễn Đình Hiến hỏi nhưng suốt bài văn bia không thấy cụ trả lời. Trả lời được ba câu hỏi trong Giếng cũ là giải đáp được cái uẩn khúc của thế kỷ XIX đang đè nặng trên vai dân tộc Việt từ thế kỷ XX. Hoàn cảnh lịch sử đầu thế kỷ XX không cho phép các cụ trả lời. Tấm bia đá Giếng cũ trở thành cái thông điệp gởi lại cho các thế hệ mai sau.

Nhà nghiên cứu hàng đầu cùng thời với các cụ là Léopold Michel Cadière (1869-1955) – chủ biên Tập san BAVH cũng cùng một ưu tư với các cụ trước cái uẩn khúc của lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX. So với các cụ, L. Cadière là người Pháp, một linh mục Thiên chúa giáo, được chính quyền Bảo Hộ hậu thuẫn trong việc nghiên cứu Huế, phần nào đó ông được độc lập với những điều cấm kỵ của triều Nguyễn. Ông đã bỏ nhiều công sức chứng minh phủ Dương Xuân tại thửa “Ruộng Phủ” trên cánh đồng Bầu Vá. Nhưng rồi ông thấy mâu thuẫn: mâu thuẫn với thực tế “Một cái Cung điện Mùa Đông để tránh lụt bão vào những tháng cuối năm của các chúa Nguyễn sao lại xây trên một cánh đồng ? Mâu thuẫn với tài liệu lịch sử, Pierre Poivre viết Cung điện Mùa Đông (phủ Dương Xuân) xây dựng trên một cái gò (élévation) kia mà ! Không giải quyết được những mâu thuẫn đó ông đành phải rút lui:

- “Quittons donc ce palais de Dương Xuân, quitte à y revenir si nous trouvions de nouveaux documents[6].

(Vậy chúng ta hãy rời khỏi Phủ Dương Xuân này, và hẹn sẽ trở lại khi tìm được tư liệu mới).

Nhưng làm gì có được tài liệu có thể chứng minh Cung điện Mùa Đông tọa lạc giữa một bãi ruộng ! Vì thế, cho mãi đến cuối đời (1955), không một lần L.Cadière trở lại đề tài phủ Dương Xuân trên thửa “Ruộng Phủ” nữa.

L.Cadière không trở lại phủ Dương Xuân nữa vì ông đã có một địa chỉ mới hấp dẫn hơn. Đó là khi (1925) ông đến viếng ngôi chùa hầu như bỏ hoang với cái tên Huệ Lâm trên gò ấp Bình An. Ông viết:

Ce temple Hue-Lam est intéressant à visiter. Il y a, tout à côté, un vieux puits, comblé actuellement, avec colonnes en maconnerie qui suppor -taient jadis un treuil”[7].

(Đi viếng chùa Huệ Lâm Thật thú vị lắm, Sát bên chùa có một cái giếng cổ, hiện nay đã cạn, với hai cột bằng nề đỡ cái tời (treuil) gác ngang, ngày xưa dùng kéo gàu múc nước).

L.Cadière không viết gì về chùa Huệ (Tuệ) Lâm, chỉ đề cập đến cái giếng cổ với cái tời kéo nước ngày xưa. Có gì thú vị đâu, thưa Thầy? Thầy nghiên cứu Huế ngoài vòng kiềm tỏa của nhà Nguyễn mà sao Thầy cũng sợ nhà Nguyễn không dám viết ra sự thật vậy? Cái thú vị ở chùa Tuệ Lâm có liên quan gì đến bài “Ghi chú về những hài cốt của Tây Sơn trong nhà tù Khám Đường”của Nguyễn Đình Hòe mà Thầy đã cho đăng lên BAVH do Thầy làm chủ biên hơn 10 năm trước không ? Thầy mà còn sợ động đến vấn đề “nhạy cảm” của nhà Nguyễn đến thế, thảo nào các quan đại thần trong triều Nguyễn đều phải giấu nỗi ưu tư của mình vào các thông điệp gởi lại cho mai sau. Thầy cổ động hãy “Đi viếng chùa Huệ Lâm thật thú vị lắm - Ce temple Hue-Lam est intéressant à visiter”. Trước thế hệ của con, có biết bao người đã đến đây nhưng chưa ai thấy được cái thú vị của chùa Huệ Lâm đâu cả! Đây đích thị là một thông điệp của Thầy. Con phải dấn thân vào đề tài này hơn 1/3 thế kỷ mới thấy được cái thú vị của chùa Huệ Lâm, mới hiểu được nội dung cái thông điệp của Thầy, mới nối được chỗ ngồi của cụ Nguyễn Đình Hòe ở phía đông chùa Tuệ Lâm với chỗ đứng của L.Cadière bên cái giếng cổ phía tây chùa Tuệ Lâm.

Cái thú vị của chùa Tuệ Lâm là cái hành lang vào nơi Nguyễn Đình Hòe ngồi ghi chú những hài cốt của Tây Sơn, giúp thấy được sự thực lịch sử “để làm mới cái cũ mà dựng lại cái đổ nát” như nguyện vọng của Nguyễn Đình Hiến. Đó là một việc lớn, đối với Phạm Liệu là “lạ lùng thú vị” nếu thực hiện được. Địa điểm ấp Bình An đã thu hút được cả 4 nhà trí thức, khoa bảng hàng đầu thời bấy giờ cùng ưu tư về một thời đại oai hùng đã mất.    

   

H.8.4.Nguyễn Đình Hòe (1866 -1942) - H.8.5.Phạm Liệu (1873 - 1937) - H.8.6.Nguyễn Đình Hiến (1872-1947) - H.8.7. L.Cadière (1869-1955)

Đại diện cho các thế hệ hậu duệ của các cụ, con xin đảnh lễ cám ơn các thông điệp của các cụ.

Thế hệ của chúng con sẽ tiếp tục làm gì khi các thông điệp của các cụ đã được mở?

                                                              Gác Thọ Lộc, 1 tháng 11 năm 2016

 


[1] Ở Huế thường phiên âm và đọc hai từ nầy 慧 林 là Huệ Lâm, tôi phiên âm và đọc là Tuệ Lâm để thống nhất với các sách dịch Đại Nam Nhất Thống Chí xuất bản lâu nay trên hai miền Nam bác VN.

[2] Về tên bà công chúa con gái thứ 10 của vua Gia Long, sách sử của triều Nguyễn mỗi nơi viết mỗi khác: Đai Nam Nhất Thống Chí (xuất bàn ở Miền Bắc) viết “An-mỹ thái trưởng công chúa là Ngọc Ngôn” (T.I, tr.180) )An Mỹ/Ngọc Ngôn),  Đai Nam Nhất Thống Chí (xuất bàn ở Miền Nam) viết “ Yên-Mỹ Thái-Trưởng Công-Chúa Ngọc-Nghiên” (Yên Mỹ/Ngọc Nghiên), Nguyễn Phúc tộc Thế phả viết An Nghĩa/Ngọc Nghiên (tr. 263). Để dễ nhớ tôi xin chỉ dùng Công chúa Ngọc Ngôn mà thôi.    

[3] Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ,Tập Thượng, Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn Hóa Bộ QGGD xuất bản, tr. 87.

[4] Thích Đại Sán, Hải Ngoại Kỷ Sự, Viện Đại học Huê, UB Phiên dịch Sử liệu Việt Nam. Huế 1963, tr.86-87.

[5] Chùa Phật do các vua chúa thành lập đều không có người khai sơn ví dụ như chùa Thiên Mụ, chùa Thiền Lâm, chùa Túy Vân, chùa Diệu Đế, chùa Giác Hoàng trong Thành nội.v.v.

[6] L.Cadière, LE QUARTIER DES ARÈNES II. — SOUVENIRS DES  NGUYEN, BAVH, 12e Annés, No.3, Juillet-Sept 1925, pp.144.

[7] BAVH No 7-9 /1925, p.127.

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia