Phủ Dương Xuân - tiền thân của Cung điện Đan Dương: Chương VII - Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn tiền thân của Cung điện Đan Dương thời Quang Trung.

Những ai có dịp dạo qua sân vườn các gia đình sống trong vùng gò ấp Bình An đều thấy, ở đây, có nhiều am miếu thờ người khuất mặt. Trong sân vườn nhà bà Lê Thị Rô (hiện nay con của bà là anh Lê Trung Hiếu ở) (11/ 120 Điện Biên Phủ, P. Trường An), có đến 6 cái am.

Những ai có dịp dạo qua sân vườn các gia đình sống trong vùng gò ấp Bình An đều thấy, ở đây, có nhiều am miếu thờ người khuất mặt. Trong sân vườn nhà bà Lê Thị Rô (hiện nay con của bà là anh Lê Trung Hiếu ở) (11/ 120 Điện Biên Phủ, P. Trường An), có đến 6 cái am.

Năm 1989, Giáo sư Trần Quốc Vượng và nhà văn nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân đến tham quan khu vực ấp Bình An. Nghe tôi thuyết minh xong, GS Trần Quốc Vượng cho rằng “Đây là mảnh đất bị trừng phạt” (Terre maudite). Vì sao bị trừng phạt? Ai trừng phạt?

7.1. “Mả loạn”  

Viết lịch sử chùa Thiền Lâm trong sách Danh Lam Xứ Huế, các tác giả Trần Đại Vinh, Nguyễn Hữu Thông, Lê Văn Sách đã viết:

Cuộc chiến giành giật Huế giữa Nguyễn Vương và Quang Toản có thể làm cho chùa (Thiền Lâm) hư hỏng, chung quanh khu vực chùa đã phát hiện hầm xác tập thể [1] .

Hòa thượng Thích Chơn Trí xác nhận thêm rằng, chung quanh chùa Thiền Lâm cũng tìm thấy nhiều hố tro cốt của nhiều người từng bị dập xuống đó.

Không những có các mồ chôn tập thể trong khu vực chùa Thiền Lâm, trong nhà ông Nguyễn Văn Minh - cháu ông Nguyễn Hữu Oánh, ở phía sau chùa Diệu Đức bên bờ nam khe/suối Tiên cũng có hiện tượng đó. Ông Nguyễn Hữu Oánh kể về 27 bộ xương cốt trong vườn nhà cháu ông như sau:

“Một sự việc rất lạ xảy ra trong nhà của Nguyễn Văn Minh - cháu kêu tôi bằng chú ruột. Nhà cháu Minh ở sát chùa Diệu Đức, sau lưng chùa Kim Tiên. Nhà nầy có từ lâu đời. Đến mấy năm gần đây, nó phá để làm lại thì phát hiện dưới nền nhà có 27 bộ xương cốt chồng chất lên nhau. Nó sợ quá bèn chuyển 27 bộ xương cốt ấy ra táng ở Cồn Bàng. Không ngờ vừa rồi Cồn Bàng cũng bị qui hoạch, cháu Minh lại phải dời về lại trong vườn nhà của mình. Đó là những việc vô tình mà phát hiện được. Nếu khai quật vùng này thì chắc còn nhiều mộ chôn tập thể nữa. Vì sao có những mộ chôn tập thể như thế ? Chỉ có chiến tranh thôi. Mà chiến tranh chỉ có những người thua trận mới bị chôn tập thế như thế”.

Tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Minh [2] kiểm chứng lại lời ông Oánh kể. Ông Minh xác nhận thông tin chú ông kể là chính xác. Ông Minh còn cho biết thêm:

Không những trong vườn nhà tôi mà khi tôi đào móng xây phòng riêng cho Sư bà Diệu Trí - trú trì chùa Diệu Đức tôi cũng đã gặp nhiều bộ xương cốt chôn tập thể. Sau đó, nhà chùa phải làm lễ rước đi cải táng nơi khác”. 

Ở phía phải của con đường bọc sau lưng chùa Vạn Phước đi về phía Lịch Đợi (sau lưng chùa Báo Quốc), trên bãi hoang bên tay trái có nhiều mộ tập thể, có mộ vun cao và dài như những luống khoai lớn. Một số mộ hoang này đã có ở đó từ xưa, một số được hậu duệ của Đại thần Trần Tiễn Thành ở làng Minh Hương giúp dời vào đây khi người Pháp làm đường Nam Giao Tân Lộ (Điện Biên Phủ ngày nay). Dân chúng trong vùng gọi số mộ này là "mả loạn". Chùa Vạn Phước dựng bia cho một số mộ và gọi là Vạn Phước cô mộ. Chùa thường cúng giỗ vào ngày Rằm tháng 7 hằng năm.

H.7.1.“Mả loạn” – cô mộ chùa Vạn Phước

Tôi tự hỏi: Đó là những bộ xương cốt của ai mà chôn tập thể như thế ? Nếu không phải là người của Phong trào Tây Sơn đã bị giết, sau khi Nguyễn Vương trở lại Phú Xuân cuối năm 1801 như các tác giả Danh Lam Xứ Huế nêu trên ?

7.2. “Giếng loạn”.

Bên ngoài dãy thành phía tây của chùa Vạn Phước ngày nay, có một cái giếng hoang. Trước đây vài chục năm, giếng này nằm gần đỉnh tây của cồn Bông Sứ. Sau đó, chùa Vạn Phước xây dãy thành phía tây chùa, cái giếng cổ lại nằm phía bên ngoài chùa với mồ mã của tứ chúng. Năm 1925, nhà nghiên cứu, linh mục L.Cadière, chủ biên Tập san BAVH (Đô Thành Hiếu Cổ) đến nghiên cứu phủ Dương Xuân - ông gọi đó là “Giếng chùa Tuệ Lâm” và ông còn thấy hai cái cột xây dựng để đỡ cái tời kéo nước ngày xưa. Ngày nay, không còn những thứ ấy nữa, nhưng giếng còn khá sâu. Người địa phương cho biết giếng được đục xuyên qua núi đá, ném một viên đá xuống giếng, tiếng động vọng lên ấm và thanh. Cũng theo người địa phương, giếng chùa Tuệ Lâm và những giếng bỏ hoang ở hai bên bờ khe/suối Tiên chảy qua chân gò ấp Bình An đều được gọi là “giếng loạn”. (Xem H.7.2).

H.7.2. Giếng cổ mang tên “giếng loạn” ở gần nền cũ chùa Tuệ Lâm, ngoài thành phía tây chùa Vạn Phước ngày nay. (L. Cadière đã khảo sát giếng này).

“Giếng loạn” lâu ngày đã đi vào văn học dân gian trong vùng ấp Bình An với câu:

“Chiều chiều mây kéo về Kinh

Ếch kêu giếng loạn thảm tình đôi ta”

Phía nam khe/suối Tiên, dân chúng được làm nhà ở từ đầu thế kỷ XIX. Cái gò dựng chùa Kiều Đàm và chùa Diệu Đức ngày nay dẫn vào hướng tây đến chùa Kim Tiên - ngày xưa gọi là cồn Bàng (đối xứng với cồn Bông Sứ qua khe/suối Tiên). Đầu triều Nguyễn, dân Phú Xuân lên khai canh, lập ấp ở cồn Bàng, gần một thế kỷ sau (cuối thế kỷ XIX), họ mới được qua cồn Bông Sứ. Không rõ cuối thời các chúa Nguyễn (1558-1774), trải qua thời Trịnh chiếm đóng Phú Xuân (1774-1786) và thời Tây Sơn (1786-1801), cồn Bàng giữ vai trò gì. Tuy nhiên, tìm hiểu khu vực cồn Bàng, tôi thấy có nhiều sự việc lạ.

Nguồn nước sinh hoạt chính của chùa Diệu Đức ngày nay (184/4 Điện Biên Phủ, P.Trường An, bên bờ nam khe/suối Tiên) dựa vào một cái giếng cổ mà trước đây cũng được dân chúng liệt vào loại “giếng loạn”. Giếng này cũng bị bỏ hoang suốt thế kỷ XIX. Người phát hiện ra cái “giếng loạn” này vào năm 1930 là Phó bảng Nguyễn Đình Hiến, hiệu Ấn Nam, biệt hiệu Mạnh Khả, nguyên Phủ doãn (Tỉnh trưởng) Thừa Thiên (1921) khi cụ đến chơi vùng này. Gặp được cái giếng cổ bỏ hoang [H.7.4A & H.7.4B], cụ Phó bảng cho là một chuyện lạ.

H.7.3. Phó bảng Nguyễn Đình Hiến (1872-1947) – nguyên Phủ doãn Thừa Thiên, tác giả văn bia Cổ kính trùng viên thuyết (1930) và cũng là chủ nhân vườn nhà Thủy Thạch Uynh gần “giếng loạn” bên bờ nam khe / suối Tiên.

 

 

H.7.4A.& H.7.4B. Giếng cổ - dân địa phương gọi là “giếng lọan”, rộng 1m6, sâu 12m, mùa nắng nước rất mát, mùa đông nước ấm, một thời là nguồn nước chính của chùa Diệu Đức.

Cụ bỏ công tìm hiểu cặn kẽ và viết nên bài văn 古鏡重圓說 Cổ kính trùng viên thuyết (Câu chuyện giếng cũ lại tròn), nói về chuyện nước và lửa xung khắc nhau. Viết xong, cụ đưa cho Tiến sĩ, Thượng thư bộ Binh Phạm Liệu – người đã cải táng mộ thân mẫu đến đỉnh Cồn Bông Sứ, đồng hương Quảng Nam, cùng học Pháp văn với cụ Hiến qua người thầy là cụ Nguyễn Đình Hòe ở trường Quốc Học. Thượng thư Phạm Liệu đọc kỹ và cho chuyện cái giếng hoang này là một chuyện lạ thú vị nên phóng bút viết một lời bình ngắn gọn nhưng hết sức sâu sắc:

Câu chuyện này, trong cái nhỏ thấy cái lớn, khá gọi là lạ lùng thú vị”.

Cụ Hiến cho khắc bài văn cùng lời bình của ông bạn Thượng thư đồng hương, đồng triều lên một tấm bia đá trắng khổ 80 x 160cm, gồm 81 dòng, đếm được 2.200 chữ. Bia khắc xong cụ cho dựng bên cái giếng cổ (H.7.5.) [3]. Văn bia được Lê Nguyễn Lưu dịch và đăng trên Tạp chí Thông tin khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đọc văn bia của ông Nguyễn Mạnh Khả (Nguyễn Đình Hiến), tâm trí tôi đính vào mấy câu tác giả hỏi:

Cái giếng này do ai đào? Bắt đầu đào vào thời nào? Vì sao lại bỏ hoang?

Tác giả hỏi nhưng suốt bài văn bia không thấy tác giả trả lời. Tác giả khắc văn bia mấy câu hỏi ấy nhằm để lại đời sau tìm câu trả lời cho ông chăng?

Trả lời được các câu hỏi ấy cũng như mục đích tác giả viết Cổ kính trùng viên thuyết là:

để làm mới cái cũ mà dựng lại cái đổ nát vậy”.

Vậy thì “Cái đổ nát” ấy là cái gì mà quan trọng cần phải dựng lại ? Một cái giếng cổ có gì đặc biệt đâu mà phải viết một bài văn dài 2200 từ, viết rồi còn đưa cho một ông Thượng thư (Phạm Liệu) viết lời bình rồi khắc vào bia đá như thế ?

Hiểu được ý của Nguyễn Mạnh Khả nên Thượng thư Phạm Liệu đã hạ xuống một lời bình: “Câu chuyện này, trong cái nhỏ thấy cái lớn”. “Cái nhỏ” là cái giếng cổ, còn cái lớn là cái gì? Phải chăng hai cụ Nguyễn, Phạm không được phép nói ra sự thực của cái lớn ấy, mà qua tấm bia Cổ kính trùng viên thuyết hai cụ gởi lại cho các thế hệ sau tìm hiểu và dựng lại cái lớn ấy? Phải chăng cái giếng cổ đó từng phục vụ nguồn nước sinh hoạt cho kẻ thù của triều Nguyễn, mà kẻ thù đó đã bị triệt hạ, các tác giả là người của triều Nguyễn nên không dám nói ra sự thực ai đã đào giếng, đào vào thời nào và vì sao bị bỏ hoang ?

 

H.7.5A.Bản dập mặt bia đá Cổ kính trùng viên thuyết (1930) của Ấn Nam Nguyễn Mạnh Khả (tức Nguyễn Đình Hiến) khổ 80 x 162cm - H.7.5B. Bia gốc đã bị bể làm đôi theo chiều dọc, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Văn hóa (25 Lê Lợi, Tp Huế).

Sau khi phát hiện được giếng cổ, ông Nguyễn Đình Hiến đã xin phép sử dụng khu “hoang địa” chung quanh giếng cổ để làm một khu vườn cảnh Thủy Thạch Uynh. Trong khu vực Thủy Thạch Uynh, bên bờ nam khe/suối Tiên, còn có thêm một giếng cổ khác cũng được gọi là “giếng loạn” [4].

Vào năm 1933, hiền nội của ông Phó bảng - bà Tôn nữ Thị Trinh, qua đời, buồn chuyện nhà, ông nhượng lại toàn bộ khu vườn Thủy Thạch Uynh cho Sư bà Diệu Hương [5] xây dựng  chùa Diệu Đức, rồi ông đưa gia đình về quê Quảng Nam (1935) [6]

Các giếng cổ này chứng tỏ đây cũng là một vùng từng có đông người ở, về sau bỏ hoang. 

7.3 “Loạn” thời Tây Sơn , thời Nguyễn được “Bình An”.

Như các chương trước đã trình bày, thời các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII-XVIII), gò Dương Xuân qua sử sách của Phật giáo Thuận Hóa - Phú Xuân có cái tên đẹp “Long Sơn”. Thời vua Minh Mạng, Thái trưởng Công chúa Ngọc Ngôn – con gái thứ 10 của vua Gia Long và bà Lê Thị Ngọc Bình [7] đến trùng tu ngôi chùa Tuệ Lâm ở đây. Cảnh quan nơi chùa Tuệ Lâm tọa lạc được Đại Nam Nhất Thống Chí ca ngợi là “có khe nước chảy quanh, cảnh trí cũng đẹp” [8]. Đến đầu thế kỷ XX, cụ Thượng Phạm Liệu cải táng mộ thân mẫu đến đây, trước lăng cụ khắc đôi câu đối:

Ngay chùa Từ Hiếu soi lòng Phật

Lên chốn Bình An mến cảnh tiên”

Cảnh quan gò ấp Bình An, trải qua bao năm vật đổi sao dời vẫn giữ được là một nơi đẹp. 

Thế mà, hồi nửa thế kỷ XIX, trong tâm thức của ông hoàng hay thơ nhất của hoàng tộc Nguyễn là Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870), bạn rất thân của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát [9], lại cho cái gò Long Sơn đó là một hòn “núi loạn” (loạn sơn). Vương viết bài thơ Nam Khê 南溪 (Khe phía nam), vào tháng 9 năm 1843, trong Thương Sơn Thi Tập, mở đầu bằng câu:

亂山深處一溪 橫 (Loạn sơn thâm sứ nhất khê hoành)

“Nam khê” là con khe / suối Tiên chảy ngang dưới chân phía nam hòn núi (gò Dương Xuân, nay là gò ấp Bình An), tác giả gọi là “Núi loạn” (loạn sơn)” [10].

 H.7.6. (Phiên âm)

Loạn sơn thâm sứ nhất khê hoành

Thập nhị niên tiền trú mã tình,

Lưu-thủy tự tri nhân sự dị

Sàn viên bất tác tích niên thanh

(9-1843)

Với những từ  “mã loạn”, “giếng loạn”, “núi loạn”, tập trung vào khu vực gò Dương Xuân / gò ấp Bình An như trên, chứng tỏ, vùng đất phủ Dương Xuân sau thời các chúa Nguyễn đã có một mối liên quan máu lửa với Phong trào Tây Sơn thời ở Huế. Mối liên quan ấy diễn ra lúc nào? Danh sĩ Nguyễn [Văn] Siêu - một người bạn thân của Tùng Thiện Vương, tác giả Phương Đình Dư Địa Chí, còn gọi là Đại Việt Địa Dư Toàn Biên, cho biết: Đó là “biến loạn” năm Bính Ngọ (1786), tức lúc Nguyễn Huệ từ Qui Nhơn đem quân Tây Sơn ra giải phóng Phú Xuân trong tay ba vạn quân Trịnh.

 

H.7.7. “Biến loạn năm Bính Ngọ, Tây Sơn chiếm giữ (năm Giáp Ngọ quân Trịnh xâm lấn xe Thừa Dư ngự về phía nam đến năm Bính Ngọ, Tây Sơn Nguyễn Huệ lại chiếm giữ ” [11].

Phủ Dương Xuân mất tích từ sau cuộc “binh loạn” của Tây Sơn năm Bính Ngọ (1786). Gò Dương Xuân có phủ Dương Xuân với mỹ danh là “Long Sơn” đã bị Tây Sơn chiếm giữ - từ đó dưới mắt nhà Nguyễn trở thành “loạn sơn”. Sau khi lấy lại được cố kinh, lập nên triều Nguyễn, đất nước thái bình, “loạn sơn” đã được đổi thành “Bình An[12].

Việc đổi địa danh liên quan đến thời Tây Sơn qua thời Nguyễn thường có một chữ Bình hay một chữ An. Ví dụ, thành Quy Nhơn đổi lại thành Bình Định, ấp Tây Sơn đổi thành ấp An Tây. Gò Dương Xuân/Long Sơn đổi thành gò ấp Bình An cũng nằm trong cách thức đổi địa danh ấy. Việc đặt tên ấp Bình An cũng đã biểu hiện có sự liên quan giữa gò Dương Xuân/Long Sơn với phong trào Tây Sơn. 

7.4. Cung điện Đan Dương bị đập phá, phủ Dương Xuân mất tích.

Qua những chương trước và chương VII này, có thể rút ra được những thông tin sau:

- Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn nằm trên gò Dương Xuân (thời Nguyễn đổi tên thành gò ấp Bình An) nhằm vào khu vực trải rộng từ chùa Vạn Phước qua đến chùa Thiền Lâm hiện nay;

- Chùa Thiền Lâm ở xã Dương Xuân (thời các chúa Nguyễn)/ấp Bình An (thời Nguyễn) ở gần phủ Dương Xuân, ĐNNTC đẩy xa lên phía đông nam thuộc xã An Cựu; cách xa địa điểm gốc chùa Thiền Lâm hai, ba cây số;  

- Trên đất phủ Dương Xuân cũ, có nhiều biểu hiện “loạn” quan hệ với quân Tây Sơn, với những cổ vật đá, đặc biệt là đá táng cột các loại chôn sâu dưới lòng đất được phát hiện qua nhiều thời kỳ, chứng tỏ nơi đây từng có một quần thể kiến trúc có quan hệ với quân Tây Sơn bị triệt phá chôn sâu dưới đất;

- Thông tin khảo sát trên thực địa dẫn trên liên hệ đến các thông tin còn ghi trong sử sách đã được trình bày trong Chương II của cuốn sách này. Sử truyền Nguyễn viết : “Mùa đông ấy (1801) xa giá trở về [...] đào phá mộ Nhạc, Huệ, giã nát và đổ bỏ, nhốt sọ đầu vào nhà ngục, đổi tên ấp Tây Sơn gọi là ấp An Tây [13]. Lăng mộ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đã bị đào phá, chứng tỏ lăng Đan Dương đã bị đào phá rồi. Lăng Đan Dương ở trong khu vực Cung điện Đan Dương - “Lăng Đan Dương đã bị đào phá” tức cung điện Đan Dương ở gần chùa Thiền Lâm cũng đã bị phá hủy. Cảnh tượng phá hủy đó đã được Barisy chứng kiến và ghi lại:

Nguyễn Vương đã để cho cướp phá tất cả dinh thự của các tướng địch (Tây Sơn) và tôi tức giận các binh lính đã đập vỡ và phá hủy tất cả những thứ lọt vào tay họ; chắc chắn có những toà nhà tuy xây cất theo lối Trung Hoa nhưng nếu ở Paris thì có lẽ được coi là những lâu đài tráng lệ, nhiều vườn đẹp trồng nhiều dị thảo[14].

“Những lâu đài tráng lệ này” chính là Cung điện Đan Dương mà tiền thân của nó là phủ Dương Xuân. Cung điện Đan Dương bị triệt phá tức là các kiến trúc của phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn đã bị triệt phá.

Như đã trích dẫn - ĐNNTC viết về trường hợp mất tích của phủ Dương Xuân như sau:自涇兵亂今失其處 – Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ (Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào) [15].

Xét ý nghĩa trên văn bản, từ khi quân Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân năm Bính Ngọ (1786) thì phủ Dương Xuân mất tích, mãi đến đời Tự Đức (thời gian viết Đại Nam Nhất Thống Chí) các sử thần nhà Nguyễn không biết “ở vào chỗ nào”.

Quân Tây Sơn chiếm phủ Dương Xuân từ năm Bính Ngọ (1786), sử dụng cho đến năm Nguyễn Quang Toản bị tấn công phải rút chạy ra Bắc vào năm Tân Dậu (1801). Khi rút chạy, Quang Toản không kịp mang theo vợ (Công chúa Lê Thị Ngọc Bình) thì không thể có thời gian để phá hủy cái phủ mà cha con ông đã sử dụng trên 14 năm (1786-1801). Phá hủy phủ Dương Xuân đã bị quân Tây Sơn sử dụng làm Cung điện Đan Dương không ai khác là quân của Nguyễn Ánh như sử triều Nguyễn và nhân chứng Barisy được trích dẫn trên đã viết. Như thế, vì phủ Dương Xuân có liên quan máu lửa với quân Tây Sơn, buột lòng Nguyễn Ánh phải cho phá hủy một công trình lịch sử của liệt thánh [16].

Phủ Dương Xuân ở gần chùa Thiền Lâm, cảnh trí đẹp;

Cung điện Đan Dương sử dụng một cơ sở cũ của các chúa Nguyễn cũng ở gần chùa Thiền Lâm.

Ở gần chùa Thiền Lâm, ngoài phủ Dương Xuân, không có bất cứ một cơ sở nào khác của các chúa Nguyễn để cho Nguyễn Huệ/Quang Trung có thể sử dụng. Nguyễn Huệ/Quang Trung đã sử dụng chính phủ Dương Xuân làm Cung điện Đan Dương. Do đó, tôi kết luận:

Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn là tiền thân của Cung điện Đan Dương thời Nguyễn Huệ/Quang Trung”.

Thực hiện chủ trương “Tận pháp trừng trị”, để cho trăm họ đương thời và đời sau không còn biết dấu tích Cung điện và lăng Đan Dương của Nguyễn Huệ/Quang Trung ở đâu, nhà Nguyễn đã thực hiện nhiều biện pháp. Bốn trong các biện pháp đó là:

1. Đập phá hết di sản vật chất và tinh thần của Nguyễn Huệ/Quang Trung chôn sâu xuống đất; đồ đồng, đồ kim loại thì nấu chảy;

2. Cấm dân chúng không được lai vãng đến gò ấp Bình An - mảnh đất đã bị trừng phạt (suốt thế kỷ XIX);

3. Làm nhiễu thông tin về nơi tọa lạc của chùa Thiền Lâm (ấp Bình An chuyển qua xã An Cựu) để người đời không thể tựa vào địa điểm chùa Thiền Lâm mà tiếp cận được Cung điện Đan Dương mà tiền thân của nó là phủ Dương Xuân;

4. Sách sử chính thức của nhà Nguyễn viết “Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào, thần dân của nhà Nguyễn được dạy chính thức như thế, mọi người yên tâm với “sự thực” “không biết ở vào chỗ nào”.

Nhà Nguyễn đã giấu được dấu tích Cung điện Đan Dương và nơi táng lăng mộ vua Quang Trung ở Huế gần hai thế kỷ. Nhà Nguyễn không ngờ văn thơ của các trọng thần thời Quang Trung là Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích cùng với các người đương thời đến từ Trung Quốc (Thích Đại Sán), Pháp (Pièrre Poivre), Anh (James Bean) đã đặt lời cho các loại đá táng cột, các bia biển bị mài đục hết chữ, các mẻ sành, mẻ sứ ở dưới lòng đất gò ấp Bình An nói với người đời.

Đọc thêm 

Phục lục 13

Câu chuyện giếng cũ lại tròn

[Đọc tiếp Phủ Dương Xuân - tiền thân của Cung điện Đan Dương: Chương kết - Sau khi các thông điệp người xưa đã mở]


[1] Danh Lam Xứ Huế, Trần Đại Vinh, Nguyễn Hữu Thông, Lê Văn Sách, Nxb Hội Nhà Văn-1993, tr.221.

[2] Nhà ông Nguyễn Văn Minh, số 11 ngõ 6, kiệt 184, Điện Biên Phủ, P. Trường An, TP Huế.

[3] Lê Nguyễn Lưu (dịch), Văn bia Cổ kính trùng viên thuyết, Tạp chí Thông tin khoa học và Công nghệ (TTH), số 2 (24), Huế 1999, tr. 125-133 ; xem thêm Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb KHXH, H.1993, số thứ tự 1024, tr. 553-554.

[4] Hiện nay giếng không được dùng nữa nên chùa Diệu Đức đúc một tấm đoanh đậy lên trên để tránh tai nạn cho khách thập phương đến viếng vườn chùa.

[5] Lúc sinh thời, Sư bà Diệu Không cho tôi biết hồi đầu thế kỷ XX, vùng Cồn Bông Sứ và Cồn Bàng ở hai bên suối Tiên là vùng đất đồi hạn chế canh tác. Sư bà Diệu Hương - người sáng lập chùa Diệu Đức vốn là Phi tần của Cựu hoàng Thành Thái nên mới mua lại được của ông Thượng thư Nguyễn Đình Hiến để lập chùa Diệu Đức sau này.

[6] Theo ông Nguyễn Minh Vân (còn có tên Nguyễn Dân Trung, tức Nguyễn Đình Quãng, con trai Phó bảng Nguyễn Đình Hiến), hiện ở tại số 5, ngõ 359, đường Âu Cơ, P. Nhật Tân, Q. Tây Hồ, Hà Nội.

[7] Đức phi Lê Thị Ngọc Bình (1785- 1810) em cùng cha khác mẹ với Công chúa Ngọc Hân – Bắc cung Hoàng hậu của vua Quang Trung, vợ vua Quang Toản, sau “tái giá” với vua Gia Long, bà sinh được 2 hoàng tử và 2 hoàng nữ, trưởng nữ Công chúa là Yên Mỹ (có sách viết An Nghĩa) Ngọc Ngôn, thứ nữ là Công chúa Ngọc Khuê.  

[8] QSQ Triều Nguyễn, ĐNNTC Thừa Thiên Phủ, Tập thượng, Nha Văn hóa Bộ QGGD xb SG 1961, tr.85-86;

[9] Các ông Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát và anh em Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương được vua Tự Đức khen là những người giỏi văn, hay thơ hơn cả những người Trung Quốc trong các thời văn thơ nổi tiếng nhất của Trung Quốc. văn như Siêu, Quát vô tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh đường.

[10] Toàn văn bài Nam Khê (Khe phía nam). Trích từ Tùng Thiện Vương, của Ưng Trình và Bửu Dưỡng, Huế-Sài Gòn 1970, tr.285.

[11] Trích dẫn H.6.7. sách Phương Đình Dư Địa Chí của Nguyên [Văn] Siêu do Tự Do ở Sài Gòn xuất bản trước năm 1975, nội dung trích dẫn này cũng có thể gặp lại Phương Đình Dư Địa Chí do Nxb Văn Hóa Thông Tin, HN 2—1. tại tr.201-202.

[12] Vì địa bạ ấp Bình An thất lạc nên không xác định được địa danh Bình An được ra đời vào tháng năm nào. Tuy nhiên, qua lịch sử của chùa Tuệ Lâm ta có thể biết được dưới thời vua Minh Mạng đã có tên ấp Bình An rồi.

[13] Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Nhà Tây Sơn, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc tránh Văn Hóa, Sài Gòn 1970,tr. tr.224-225.

[14] Đặng Phương Nghi, Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến chúa Nguyễn Huệ, Tập san Sử Địa số 9-10, tr.235.

[15] QSQ triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chi, Thừa Thiên Phủ, Tập Thượng, Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa Bộ QGGD, 1961, tr.56.

[16] Liệt thánh : Các vua chúa của các triều trước của triều vua, chúa đương thời.

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia