Phủ Dương Xuân - tiền thân của Cung điện Đan Dương: Chương VI - Dấu tích phủ Dương Xuân trên ấp Bình An

Từ chùa Vạn Phước hướng về phía bắc là sông Hương (đúng như Pierre Poivre đã viết) và nhìn về phía nam là mô đất - có tên dân gian là cồn Bông Sứ - xuôi xuống gặp cái hồ trồng rau răm bên dòng khe / suối Tiên.

Phần lớn những thông tin được nêu ở các chương trước liên quan nhiều đến chùa Thiền Lâm. Cho nên, đi khảo sát thực địa, tôi bắt đầu khởi hành tại địa điểm gốc mà chùa Thiền Lâm đã tọa lạc. Tỳ-kheo Thích Chơn Trí – trú trì chùa Thiền Lâm 禪林 ngày nay (bảng hiệu viết là Thuyền Lâm, 150 Điện Biên Phủ, P. Trường An), đưa tôi đến vị trí giữa đường Điện Biên Phủ - ở đoạn bên phải là Hậu Lộc Từ, bên trái tại số nhà 145 Điện Biên Phủ. Nhìn về phía nam, đoạn đường dài khoảng trên 100 mét do Kỹ sư Sali (người Pháp) đắp qua ruộng, qua khe để làm đường “Nam Giao Tân Lộ" hồi cuối thế kỷ XIX (1878-1898). Đoạn đường đắp này như một con đê chắn ngang cái thung lũng hẹp nằm theo chiều đông tây. Con đường chùng xuống một chút, băng qua một con khe trước khi chạy thẳng lên đàn Nam Giao. Ngày xưa, đây là con đường dốc trước mặt chùa Thiền Lâm dẫn xuống cái khe mà HT Thích Đại Sán viết trong Hải Ngoại Kỷ Sự và dân địa phương gọi là khe/suối Tiên. Đường dốc đã bị đắp lên cao, con khe/suối xinh đẹp chỉ còn là một dòng nước bẩn chảy qua đường bằng một ống cống nhỏ. Quay qua phía tây (bên phải), Tỳ-kheo chỉ cho tôi cái tán cây thị cao vút đứng trên góc tây nam sân chùa Thiền Lâm ngày nay. Và, quay qua bên trái (phía đông) một cái tán cây thị thứ hai tương tự như thế đứng bên cạnh “tháp tổ” với tấm bia khắc tên ngài Khắc Huyền. Tháp mộ cách mép đường Điện Biên Phủ khoảng 12 mét.

H.6.1A và H.6.1B. Tháp và tấm bia được khắc lại “Sắc tứ động thượng chính tông khai sơn Thiền Lâm viện Khắc Huyền Lão tổ Hòa thượng chi tháp”. Dòng lạc khoản bên tay trái ghi: “Chính Hòa nhị thập thất niên, tứ nguyệt cát nhật” (1706) [1].

Khuôn viên đất của chùa Thiền Lâm cũ hồi đầu thế kỷ XX giới hạn giữa hai phía đông tây bằng hai cây thị ấy.

6.1 Từ nơi tọa lạc chùa Thiền Lâm xưa

Rời chùa Thiền Lâm, tôi cầm bản đồ do sở Xây Dựng Thừa Thiên Huế cung cấp, đi tìm điểm cao (theo Pierre Poivre) và gần chùa Thiền Lâm (theo Thích Đại Sán và Phan Huy Ích). Điểm đó là chùa Vạn Phước, tọa lạc phía tây bắc sau lưng chùa Thiền Lâm hiện nay.

H.6.2.Chùa Vạn Phước đỉnh cao nhất trên gò Dương Xuân, nhìn về phía bắc là sông Lợi Nông, sông Hương, nhìn về phía nam, khe (suối Tiên) và hồ sen. Trích bản đồ của sở Xây Dựng TTH. Chú thích của NĐX

Từ chùa Vạn Phước hướng về phía bắc là sông Hương (đúng như Pierre Poivre đã viết) và nhìn về phía nam là mô đất - có tên dân gian là cồn Bông Sứ - xuôi xuống gặp cái hồ trồng rau răm bên dòng khe / suối Tiên.   

Chùa Vạn Phước tọa lạc trên gò ấp Bình An (gò Dương Xuân thời các chúa Nguyễn). Trong sử sách Phật giáo Thuận Hóa Phú Xuân, ngày xưa gọi vùng đất nầy bằng mỹ danh Long Sơn [2] (龍山 Núi Rồng).

Gò ấp Bình An và cồn Bông Sứ ở trước chùa Vạn Phước suốt thế kỷ XIX là một vùng cấm. Dân chúng không ai được đến đây. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, thời Minh Mạng có công chúa Ngọc Ngôn – con gái thứ 10 của vua Gia Long đến trùng tu chùa Tuệ Lâm 慧林 trên gò ấp Bình An. Nhưng không cho biết chùa Tuệ Lâm xây dựng từ khi nào, do ai khai sơn. Chuyện ấy gây nên một bí ẩn trước đây chưa ai giải mã được. Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các phủ phòng của các ông hoàng, bà chúa, các quan có thế lực ở Triều đình và chính quyền Bảo hộ mới dám lui tới đây để tìm đất cải táng, chôn cất người thân. Trong lúc đào các huyệt mộ, người ta phát hiện hàng trăm viên đá các loại, đặc biệt là đá táng cột, gạch vồ, ngói.v.v… Vị quan đầu tiên được làm chủ một khoảnh đất ở vùng này là cụ Thượng thư Nguyễn Đình Hòe (1866-1942). Cụ làm quan cho cả Pháp và Nam triều, kiêm việc dạy môn Pháp văn cho các quan ở trường Quốc Học Huế. Năm 1910, cụ Thượng dựng bên cạnh phía đông chùa Tuệ Lâm một cái am (sau đổi thành chùa) mang tên Phổ Phúc để làm nơi an dưỡng cho thân mẫu cụ. Ở đây, bà thân mẫu được chữa bệnh bằng thuốc Nam và nghe Kinh Phật hằng ngày. Phu nhân của cụ Thượng Hòe là một đệ tử của tín ngưỡng đồng bóng nên chùa Phổ Phúc cũng là nơi thờ Mẫu mà sau nầy được đặt tên là Tiên Thiên Thánh Giáo. Trong thời gian lên về chăm sóc mẹ ở chùa Phổ Phúc trên gò ấp Bình An, cụ Thượng Hòe viết bài “Ghi chú về những hài cốt của Tây Sơn trong nhà tù Khám Đường” (Note Sur Les Cendres Des Tay Son Dans La Prison Du Kham Duong) về chuyện xương cốt Nguyễn Nhạc Nguyễn Huệ bị giả nát bắn vào không trung và hai cái sọ dừa của hai ông bị giam vào Ngục thất. Đây là bài viết đầu tiên về hài cốt vua Quang Trung dưới thời Nguyễn. Bài gởi đăng ngay trong số 2 tập san Đô Thành Hiểu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế - BAVH) vừa mới ra đời vào tháng 4-7 năm 1914. Sau đó không lâu cụ Thượng “phát tâm cúng ngôi chùa Phổ Phúc cho Sơn môn Tây Thiên và thỉnh Hòa thượng Thích Giác Hạnh (1880-1981) về trú trì[3]. Hòa thượng Giác Hạnh tận dụng gạch đá phế liệu trong vùng xây dựng chùa Phổ Phúc thành một ngôi chùa ba gian hai chái khang trang và đổi tên là Vạn Phước Di Đà Tự. Đến năm 1927 (Bảo Đại thứ hai), với sự đóng góp của gia đình các quan đại thần, chùa Vạn Phước Di Đà lại được đại trùng tu, xây dựng theo kích thước mới, vật liệu mới. Phần lớn các loại đá, đá táng cột thu nhặt trong vùng xây nên Vạn Phước Di Đà Tự đều không được dùng lại. [Một số các viên đá táng đó vẫn còn lưu giữ trong vườn phía sau chùa Vạn Phước ngày nay]. Năm 1937 lại được trùng tu và lần nầy chùa được vua Bảo Đại xuống sắc chỉ ban biển “Sắc tứ Vạn Phước Tự”. Từ đây không nhắc đến tên Vạn Phước Di Đà Tự nữa. Năm 1954, chùa lại được trùng tu lần thứ ba. Lúc này chùa Tuệ Lâm thuộc quyền quản lý của chùa Báo Quốc nhưng không có người trông coi [4], quả chuông chùa Tuệ Lâm do Thái trưởng Công chúa Ngọc Ngôn/An Nghĩa đúc năm Thiệu Trị thứ hai (1842) được rước về chùa Báo Quốc, nền cũ chùa Tuệ Lâm được giao cho chùa Vạn Phước. Lần trùng tu thứ ba này, chùa Vạn Phước được mở rộng thêm trên đất cũ của chùa Tuệ Lâm. Từ 1954 đến nay, chùa Vạn Phước được sửa chữa nhỏ nhiều lần, nhưng cơ bản kiến trúc vẫn không thay đổi như còn thấy đến ngày nay.

H.6.3.Chùa Vạn Phước (2016). Ảnh NĐX

Chùa Vạn Phước còn giữ nhiều viên đá cổ. Đá dùng làm kẻng đá (H.6.4), một viên đá táng cột dùng làm chân bàn dài (H.6.5), sau chùa có nhiều viên đá táng cột nằm trước hiên các dãy nhà sau chùa (H.6.6), viên đá gần dãy thành hậu (H.6.7), đá cổ dùng làm đôn để chậu hoa.v.v.Một viên đá khác hình dáng đẹp như một cuốn sách lớn được dân chúng tìm thấy trong khu vực ấp Bình An chuyển vào để ở hiên chùa (1988), nay đã mất.

 

H.6.4. Viên đá cổ dùng làm kẻng đá - H.6.5. Đá táng cột dùng làm chân ghế dài.

 

H.6.6. Hai viên đá táng nằm trước hiên các dãy nhà sau chùa - H.6.7. Một trong 2 viên đá ấy.

 

H.6.8. Viên đá gần dãy thành hậu - H.6.9 Đá cổ dùng làm đôn để chậu hoa.

Góc phía tây nam sân trước chùa Vạn Phước có một ngôi mộ cổ, bia khắc dòng chữ “Sắc Tứ Thanh Thận Chiêu Quả (?) Đại Thiền Sư Chi Mộ”.cleardot Không rõ Đại Thiền sư  tại thế từ thời nào, trú trì chùa nào, từ đâu được cải táng vào đây và cải táng trong trường hợp nào(?). 

 

H.6.10A. Bia Ngài Thanh Thận trước chùa Vạn Phước - H.6.10B. Sắc Tứ Thanh Thận Chiêu Quả (?) Đại Thiền Sư Chi mộ.cleardot

Cồn Bông Sứ nối liền sân chùa Vạn Phước xuống khe/suối Tiên ở phía nam. Cồn có tên Bông Sứ vì trước đây trên cồn có nhiều gốc bông sứ cổ thụ. Trước năm 1992, tôi còn thấy trên cồn một số gốc bông sứ cổ thụ. Đến năm 2006, theo ông Oánh gốc bông sứ cổ được người Trung Quốc mua với giá cao nên toàn bộ bông sứ trên cồn đã bị dân trục bới đem “xuất khẩu” hết. Theo truyền thống ở Huế, bông sứ chỉ được trồng ở các cung điện, lăng mộ hoặc nơi thờ tự lớn. Với cái tên cồn Bông Sứ, người ta liên tưởng đến nơi đây trước kia từng là nơi thờ cúng hay lăng mộ của vua chúa nào đó. 

Trước năm 1990, ở đỉnh phía đông Cồn Bông Sứ có tấm bia lớn bằng đá, cao 1,26 m, đặt trên lưng một con rùa đá trắng. Chữ khắc trên bia đã bị “mài” nhẵn không còn thấy gì. Sau năm 1990, Bảo tàng Thành phố Huế chở tấm bia về lưu giữ ở Bảo tàng một thời gian, sau đó theo yêu cầu của Tỳ-kheo Thích Chơn Trí – trú trì chùa Thiền Lâm, Bảo tàng chở lên trả lại cho chùa Thiền Lâm. Hiện tấm bia lớn trên lưng rùa đá còn dựng ở sân sau chùa Thiền Lâm.

H.6.11. Tấm bia đá gra-nít, cao 1,26 m, bị “mài” nhẵn hết chữ nguyên dựng phía đông đỉnh Cồn Bông Sứ , nay chuyển về sân sau chùa Thiền Lâm.

Ở phía tây đỉnh cồn Bông Sứ có một ngôi lăng hướng về phía nam, rộng 3m, dài 4m, tấm bia lăng (1,1m x 1,1m), mỗi bề trái, phải và sau lăng ghép bằng ba phiến đá mỏng. Qua tường thuật của ông Nguyễn Hữu Oánh và Tỳ-kheo Thích Tâm Hướng – trú trì chùa Vạn Phước tại TP HCM - cho biết: Hồi đầu thế kỷ XX, được sự giúp đỡ của thầy dạy học chữ Pháp Nguyễn Đình Hòe, Thượng thư Phạm Liệu (Tiến sĩ, người Quảng Nam) đã dời hài cốt bà thân mẫu của cụ đến cồn Bông Sứ ấp Bình An và xây cho bà một ngôi lăng bằng đá “phế liệu” thu nhặt được ở chính trong khu vực các chùa Tuệ Lâm-Phổ Phúc. Trước lăng còn có hai đầu trụ đá hình chóp nón (H.6.14) [5] và một ghế đá (H.6.15). Phía sau lăng có hai khối đá khác, một khối 55 x 35cm, chiều cao có hai cấp, cấp thấp khoảng 30cm, cấp cao khoảng 34cm (H.6.16), một khối đá táng cột 45 x 45cm, dày 25cm. Viên đá táng cột này rất đặc biệt, phần khoét giữa mặt đá để kê cột có một hình tròn bị cắt một khúc và đục rộng ra. Chỗ khoét sâu ấy chứng tỏ mặt cắt ngang cây cột kê vào viên đá ấy có một hình tròn và một hình tam giác ghép vào nhau. Ở hai đầu góc nhọn của tam giác, có hai đường hoa văn cuốn lên (H.6.17). Viên đá táng cột này có hình khối đặc biệt, chứng tỏ nó có xuất xứ từ một cung điện lớn hiếm có. Vì tận dụng nên có nhiều viên đá không đúng kích cỡ, cho nên phải trát thêm vôi vữa, ngược lại một số viên đá quy tập về nhưng không sử dụng được cho việc xây lăng nên còn để lăn lóc phía trước lăng. Hiện nay (2016), ngôi lăng trên đã được hậu duệ của người quá cố xây tường thành vây bọc chung quanh, hai viên đá có hình khối đặc biệt được ghép với nhau làm thành một cái bàn thờ thổ thần đặt ngay phía sau  lăng.

Dân địa phương và các nhà sư trong chùa Vạn Phước cho biết, những viên đá còn lại nêu trên chỉ là một phần rất nhỏ, phần lớn dân đã đưa đi bán trong nhiều năm trước.

Trước lăng thân mẫu, Tiến sĩ Phạm Liệu có khắc hai câu đối chữ Nôm, phiên âm quốc ngữ:

Ngay chùa Từ Hiếu soi lòng Phật;

Lên chốn Bình An mến cảnh Tiên.

Hai câu đối nói lên sự thanh tịnh, khoáng đãng, đẹp đẽ của khu vực chùa Tuệ Lâm cũ-Cồn Bông Sứ ấp Bình An. Khắp khu vực gò ấp Bình An không có một nơi nào có thể sánh với khu vực chùa Tuệ Lâm-Cồn Bông Sứ cả.

H.6.12.Đầu thế kỷ XX, Thượng thư bộ Binh Phạm Liệu đã dời hài cốt bà thân mẫu đến “vùng cấm địa” Cồn Bông Sứ ấp Bình An (phía tây chùa Thiền Lâm) và xây cho bà một cái lăng bằng các “phế liệu” đá thu nhặt được ở địa phương.

H.6.13. Hai trụ đá trước lăng khắc đôi câu đối “Ngay chùa Từ Hiếu soi lòng Phật/ Lên cõi Bình An ngắm cảnh Tiên.”

  

H.6.14. Đầu trụ đá hình chóp nón - H.6.15. Ghế đá.

 

H.6.16. Bậc đá - H.6.17. Đá tán cột đặc biệt.

 

H.6.18. Đá bị đập vỡ 1 - H.6.19. Đá bị đập vỡ 2.

Rời ngôi lăng thân mẫu cụ Phạm Liệu ở đỉnh mép phía tây cồn Bông Sứ, rảo bước ngang qua chùa Vạn Phước đến đỉnh mép phía đông gặp một ngã ba. Một ngã vào chùa Vạn Phước, ngã ra phía bắc gặp đường Điện Biên Phủ và ngã thứ ba về phía nam dẫn xuống hồ rau răm bên khe/suối Tiên. Từ ngã ba đi ngược ra phía bắc gặp một cái cổng lớn, trước mặt biển đề ấp Bình An. Phía tay phải có ngôi lăng của cụ Thượng Phạm Quỳnh. Đi qua khỏi cổng phía bên tay trái thấy có một ngôi tháp cụt.

Ngôi tháp này trước kia ở vườn sau chùa Thiền Lâm cũ, khi làm Nam Giao Tân Lộ ngôi tháp này được xây lại tại đây. Tháp được gắn tấm bia gốc ghi: "Sắc tứ Thanh Trì Quả Hoằng Quốc sư". Đó là vị tổ thứ hai chùa Thiền Lâm, Quốc sư thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Có lẽ vì thế, bia tháp của Hoà thượng không bị mài đục, chỉ bị đắp lên một lớp hồ mỏng chứ không bị sửa chữa viết lại như các bia tháp của các vị tổ khác của chùa Thiền Lâm. [Theo ông Nguyễn Hữu Oánh khi dời hài cốt của Ngài Quả Hoằng vào đây chỉ đắp một ngôi mộ nhỏ với tấm bia gốc. Đến nửa đầu thế kỷ XX, ông Nguyễn Thắng Đống- một thợ vàng giàu có ở Huế đã bỏ tiền ra xây ngôi tháp cụt này bằng xi-măng).

H.6.20A & H.6.20B. Tháp và tấm bia gốc ghi: "Sắc tứ Thanh Trì Quả Hoàng Quốc sư..." (vị tổ thứ hai chùa Thiền Lâm) nhưng người ta đã đắp lên mặt bia một lớp vôi vữa. Ngày nay muốn đọc bia phải cạy lớp vôi vữa khó hiểu đó. Ảnh NĐX

 Đi quá ngôi tháp mươi bước, bên tay phải thấy có một con hẽm nhỏ chạy từ tây sang đông giữa hai hàng tường thành bằng táp-lô. Dân ở hai bên con hẽm cho biết bức tường thành xây bằng táp-lô trước kia là một dãy thành đá cổ, dân địa phương “khai thác” đá cổ đó để xây bờ chắn đất làm vườn, làm nền nhà. Sau người ta xây thành bắng táp-lô lên trên cái móng đá cổ ấy. (Năm 1988 vẫn còn nhiều dấu tích). (H.5.21) Bức thành đá đã bị dân “khai thác” đó có thể là bức thành mà Long Nhương Nguyễn Huệ đã cho lính xây sau khi hoàn ông thành nhiệm vụ “Phò Lê diệt Trịnh” ở ngoài Bắc về (tháng 9-1786) mà La Bartette đã viết và tôi đã trích dẫn trong Chương I.  

H.6.21. Bà Lê Thị  Rô (Sinh năm 1930) đã ở đây (nhà 11/120 Điện Biên phủ) trên 60 năm và người con trai Lê Trung Hiếu (sinh 1972) khẳng định dưới bức tường nầy còn bộ móng bức thành cổ.

Trở lại ngã ba, theo con đường xuôi xuống hồ rau răm, bên tay phải là mép đông cồn Bông Sứ – một bãi tha ma, ở lưng chừng bên tay trái là hai ngôi nhà của chị em bà Nguyễn Thị Liên [số 10/17 kiệt 120 Điện Biên Phủ], và ông Nguyễn Hữu Oánh [số 9/17 kiệt 120 Điện Biên Phủ]. (H.6.22 & H.6.23 ).

 

H.6.22 & H.6.23 Nhà bà Nguyễn Thị Liên (số 10/17 kiệt 120 Điện Biên Phủ) nối liền với sân vườn nhà người em trai là Nguyễn Hữu Oánh (9/17 kiệt 120 Điện Biên Phủ, P. Trường An, TP. Huế)

Chị em bà Nguyễn Thị Liên – Nguyễn Hữu Oánh (sinh năm 1938) nguyên quán gốc làng Phú Xuân (Thành nội Huế ngày nay). Thế kỷ XIX, vùng đất gò ấp Bình An bị cấm. Dòng họ Nguyễn Hữu được vua Gia Long cho định cư ở vùng Khe Tụ Thủy (cuối dòng khe / suối Tiên). Đến đầu thế kỷ XX, cụ tổ 4 đời của chị em bà Nguyễn Thị Liên - ông Nguyễn Hữu Oánh qua “khai canh” vùng đất chung quanh gò ấp Bình An này, gia đình sở đắc được nhiều đất đai. Đời nào gia đình Nguyễn Hữu cũng có người làm lý trưởng. Do đó, chuyện gì xảy ra trong vùng nầy gia đình Nguyễn Hữu đều biết rõ hơn ai hết. Những ai muốn đến tìm đất cải táng, chôn cất người thân đều phải liên hệ với gia đình ông Oánh. Sau khi đã có mồ yên mã đẹp thì cũng phải nhờ gia đình Nguyễn Hữu chăm sóc. Cũng nhờ gia đình ông Oánh gìn giữ mà lăng mộ ông Hoàng Mười, Thượng thư Phạm Quỳnh vẫn còn được nguyên vẹn sau bao cuộc bể dâu trên gò ấp Bình An.

Hơn 30 năm qua, tôi đã hỏi chuyện ông Oánh hàng chục lần H.6.24, báo chí truyền hình cũng đã phỏng vấn ông không biết bao nhiêu lần nữa. Trong bài này tôi xin chọn ghi lại một số thông tin phục vụ cho đề tài của cuốn sách này mà thôi.

  

H.6.24. Hỏi chuyện ông Nguyễn Hữu Oánh

Khi đào đất làm vườn hay dựng nhà, từ đầu thế kỷ XX, cụ nội và thân sinh ông Oánh đã bắt gặp ở dưới lòng đất hàng ngàn viên gạch vồ, hàng trăm viên đá lát khổ 30 x 30 cm, dày trên dưới 3 cm. Những gạch đá này, cụ thân sinh ông Oánh đã dùng để xây tường và lát sàn một ngôi nhà to (1938). Đó là ngôi nhà chị em ông Oánh đã ra đời. Nhưng gia đình nhận thấy sống trong ngôi nhà đó không được may mắn, đã có nhiều người “chết bất đắc kỳ tử”, nên sau ngày thống nhất đất nước, vào khoảng năm 1982, ông Nguyễn Hữu Oánh đã phá bỏ ngôi nhà cũ, gánh toàn bộ đá lát và gạch vồ tặng cho chùa Vạn Phước. Chùa Vạn Phước sử dụng số đá lát đó lát con đường vào nhà trai phía bên phải chùa (H.5.25A), không hiểu sao sau đó nhà chùa bóc hết số đá lát đó đem ra lát ở sân sau chùa (H.5.25B). Nay lại lật lên xếp thành đống ở gần đó.

  

H.6.25A. Đá lát con đường vào nhà trai (1986) bên phải chùa Vạn Phước - H.6.25B. Sau đó đã chuyển ra lát sân phía sau chùa. Số đá lát nầy do gia đình ông Nguyễn Hữu Oánh tặng.

Số đá lát nền này gợi cho tôi liên tưởng đến đá lát nền Phủ Dương Xuân mà Lê Quý Đôn đã viết trong Phủ biên tạp lục “Các ngôi nhà đều có nền-móng bằng-phẳng, đều được lát gạch và lát đá cả”.

 Sau lưng nhà ông Oánh, chếch về phía đông bắc một chút sát với hàng rào chùa Thiền Lâm là nhà ông Nguyễn Hữu Oanh (anh con bác ruột của ông Oánh). Khi gia đình ông Oanh làm vườn đã phát hiện nhiều cụm giải hạ bê tông vôi của một kiến trúc cổ nào đó. Số giải hạ này đã được gia đình ông Oanh đổ dọc theo hàng rào chung quanh vườn nhà (hiện nay chỉ còn giữ được ảnh chụp từ năm 1988) (H.6.26).

H.6.26. Bờ tường vôi sau lưng nhà ông Nguyễn Hữu Oanh. Ảnh Thanh Tùng, 6-12-1988.

Đặc biệt, ông Oánh cũng cho biết trong khu vực nhà ông Oánh và nhà ông Oanh, năm 1938, thân sinh của các ông đào đất xây nhà còn phát hiện được 4 tấm đá lớn ở gần hàng rào tiếp giáp với chùa Thiền Lâm. Do đào bới đụng phải một tấm đá đã bị vỡ, một tấm bán cho một người ở Phủ Cam và một tấm bán cho một người đem vào Đà Nẵng. Tấm thứ tư, gia đình đem tặng chùa Vạn Phước. Tấm đá còn giữ được ở chùa dài 2,72m, rộng 0,67m, dày 0,035m. Trước đây chùa dùng làm bàn để thức ăn trong nhà bếp. Sau này nhà chùa biết đó là một tấm đá lịch sử nên đã đóng một cái khung gỗ bảo vệ tấm đá và đưa tấm đá đặt dưới hiên nhà trai bên phải sau chùa (H.6.27).   

H.6.27. Tấm đá lạ, gia đình ông Nguyễn Hữu Oánh tặng chùa Vạn Phước (1938).

Biết tôi nghiên cứu những dấu tích lịch sử trong khu vực này, ông Oánh nhiệt tình hướng dẫn cho tôi rời nhà ông và đi tiếp xuống khu vực hồ rau răm. Đi được mươi bước thấy có một đoạn đường vôi vữa chạy lên trước mặt nhà bà Nguyễn Thị Liên (nằm bên phải chùa Thiền Lâm) (H.6.28). Đây có thể là chân nền một công trình kiến trúc cổ nào đó.

H.6.28. Mặt đường vôi vữa cổ trên con đường trước mặt nhà bà Nguyễn Thị Liên (bên phải chùa Thiền Lâm), chứng tỏ ngày xưa đây là chân một công trình kiến trúc hoặc một bức tường thành cổ. (Ảnh Thanh Tùng, 6-12-1988).

Ở cuối con đường dốc là cái hồ trồng rau răm (H.6.29A). Ông Oánh cho biết ngày xưa đây là một cái hồ hình bán nguyệt thả sen. Bên bờ nam khe/suối Tiên là chùa Diệu Đức. Thế đất và hồ ở đây đúng với chỉ dẫn của Pierre Poivre. Bên kia hồ, trên đất chùa Diệu Đức ngày nay, ngày xưa Pierre Poivre đã chứng kiến dân nghèo đã hô “bất công, bất công” với chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát /Hoạt.

 

H.6.29A và H.6.29B. Hồ rau răm (1988) nguyên là hồ bán nguyệt thả sen (cuối thế kỷ XIX) bên bờ bắc khe / suối Tiên. Hồ vừa bị lấp vào năm 2015.

Hồ trồng rau răm nay đã bị lấp (H.6.29B) nằm sát bờ bắc khe/suối Tiên. Con khe/suối Tiên chảy qua phía bắc chùa Kim Tiên rồi chảy tiếp ra cánh đồng Bàu Vá của làng Dương Xuân Hạ. Con khe/suối Tiên này mùa mưa lũ nước chảy rất mạnh. Lúc  dân chúng chưa được đến “khai phá” vùng này, hai bên bờ khe/suối Tiên cây cối rậm rạp, dòng khe/suối chảy mạnh ngay cả những tháng nắng hạn. Con khe/suối nầy cắt ngang “Dương Xuân Hạ đại lộ” (một đoạn đường Thiên lý từ bến đò Trường Súng lên đàn Nam Giao - song song với Nam Giao Tân Lộ (Điện Biên Phủ ngày nay). L.Cadière gọi là Paralèlle Ouest. (Đường song song phía Tây). Chiếc cầu nối hai bờ khe (suối) trên “Dương Xuân Hạ đại lộ” mang tên “Cầu Tiên”. Tên chữ trong Đại Nam Nhất Thống Chí (ĐNNTC) gọi là “Cầu ván Dương Xuân Hạ", cầu dài 51 thước 5 tấc, ngang 6 thước 4 tấc, do một đầu (phía bắc) thuộc địa phận ấp Bình An xã Phú Xuân, một đầu (phía nam) thuộc Dương Xuân Hạ [6].

Bên bờ bắc hồ bán nguyệt và khe/suối Tiên có một cái giếng cổ, người dân địa phương gọi là “giếng loạn”. Sau năm 1992, chùa Thiền Lâm mở rộng xuống gần hồ bán nguyệt, để tiện việc xây thành ngăn cách với con đường đi dọc hồ bán nguyệt, chùa đã cho bít miệng giếng, xây dãy thành dài chồng lên trên. Ông Oánh dẫn tôi đến chỉ đoạn thành xây trên miệng “giếng loạn” (H.6.30)

H.6.30. Ông Oánh và tác giả chỉ dấu bức thành rào phía Nam của chùa Thiền Lâm là một cái giếng cổ mà người dân gọi là một trong những “giếng loạn” ở ấp Bình An. Ảnh NĐĐ.

6.2 Nhiều viên đá táng cột chôn sâu dưới lòng một đoạn đường.

Trở lại con đường nằm giữa nhà ông Oánh (bên phải) và cồn Bông Sứ (bên trái), từ hồ bán nguyệt lên đỉnh gò Dương Xuân cũ (nay gọi là gò ấp Bình An), có nhiều viên đá lót đường thu nhặt từ những công trình kiến trúc cũ đã bị chôn vùi trong lòng đất từ xưa. Đặc biệt, ở gần ngã ba rẽ vô chùa Vạn Phước, có hai phiến đá táng cột cỡ 45x45cm, một viên đá Quảng màu trắng (H.6.31), viên kia đá gra-nít màu xanh (H.6.32), vòng tròn khắc lõm vào giữa mặt đá để kê chân cột có đường kính 27cm (viên đá trắng), 22cm (viên đá xám). Hai viên đá này được chôn lát mặt đường.

 

H.6.31.Đá táng cột màu trắng - H.6.32.Đá táng cột màu xanh.

(Đầu thế kỷ XXI những viên đá này đã bị lấy đi trong chương trình kiên cố hoá đường sá của Thành phố Huế).

Tại ngã ba này, có đường rẽ phải vào nhà ông Phan Thanh (17/120 Điện Biên Phủ) cũng có một viên đá táng cột lớn khác chôn giữa đường dốc đi vào nhà ông (H.6.33), nay bị một lớp bê-tông kiên cố hoá đường xóm phủ kín mất.

H.6.33.Đá táng cột lát đường dốc vào nhà ông Phan Thanh (17/120 Điện Biên Phủ).

Dân địa phương cho biết, ở vùng này trước kia, người ta đã đào được hàng chục viên đá táng cột như thế và trải qua mấy chục năm, họ bán dần cho những người thợ làm bia, làm cối. Những viên còn lại, thợ làm bia chê xấu không mua nên mới đem lát đường.

Hồi tháng 9 – 2016, công nhân của Công-ty CP Xây dựng Bạch Đằng 15 Hải Phòng, thi công công trình thoát nước Huế ở P.Trường An, tại đầu con đường nói trên (đoạn gần hồ thả sen xưa) phát hiện 3 viên đá táng cột lớn dưới hố sâu trên 3 m (H.6.34). Họ đã múc lên được hai viên, viên thứ ba nằm lại chỗ cũ với một hố thoát nước mới. Đường kính vòng tròn lỗ chân cột 27,5cm -viên đá táng bên trái và 26,5cm - viên đá táng bên phải) (H.6.35).   

H.6.34. Công nhân thi công, công trình thoát nước Huế.

H.6.35. Viên đá (bên trái) lỗ chân cột khoét hai bậc, đường kính bậc trên lớn 27 cm; viên đá bên phải đường kính lỗ chân cột 26, 5 cm. Ảnh NĐX

Và mới đây (đầu tháng 10-2016), nhóm công nhân trên khi đào đất đặt ống thoát nước ở đỉnh con đường nói trên (chỗ ngã ba rẽ vào chùa Vạn Phước), lại phát hiện dưới hố đào sâu 3m có thêm hai viên đá táng cột lớn khác nữa.

H.6.36. Hai viên đá táng cột phát hiện tại hố sâu 3m chỗ ngã ba rẽ vào chùa Vạn Phước.

Hai viên đá táng cột này nhỏ hơn hai viên đá táng cột vừa đề cập trên đây. Đường kính vòng tròn chân cột 25 cm.

Bốn viên đá táng cột vừa phát hiện có kích cỡ khác nhau. Thông thường một ngôi nhà rường có một bộ đá táng cột giống nhau. Bốn viên đá này chứng tỏ chúng “xuất thân” từ 4 ngôi nhà khác nhau. Theo Dương Đình Vinh - chuyên gia nhà cổ ở Huế: Thời Nguyễn, đường kính cột nhà dân lớn nhất chỉ 20 cm, những cột nhà có đường kính lớn hơn thuộc nhà quan và lớn hơn nữa thuộc cung phủ vua chúa. Bốn viên đá táng vừa phát hiện trên là bằng chứng của 4 kiến trúc của vua chúa đã bị đập phá chôn sâu dưới đất. 

Đề cập đến phủ Dương Xuân – cung điện Mùa Đông của các đời chúa Nguyễn, ĐNNTC của triều Nguyễn viết : “Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ - Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào”. Trong Chương IV, tôi đã tìm được nơi tọa lạc của Phủ Dương Xuân cũ ở gò ấp Bình An (khu vực chùa Thiền Lâm và chùa Vạn Phước ngày nay). Qua khảo sát thực địa ở Chương V này, và chương III trước đó, thấy có một quần thể kiến trúc cổ của vua chúa đã bị quật phá chôn sâu dưới lòng đất phủ Dương Xuân cũ. Vì sao phủ Dương Xuân bị đập phá chôn sâu xuống đất? “Binh loạn” phá? hay “Ai phá”?

H.6.37. Bản đò giải thửa khu vực ấp Bình An có chùa Thiền Lâm, chùa Vạn Phươc và Suối Tiên trước năm 1975. (Bản đồ do người địa phương cung cấp) 

 

Đọc thêm

Phụ lục 11

Ghi chú về những hài cốt của Tây Sơn trong nhà tù Khám Đường [7]

Nguyễn Đình Hoè (Phó Hiệu trưởng trường Hậu Bổ)

Phụ Lục 12

Chùa Vạn Phước lấy am/chùa Phổ Phúc làm tiền thân của mình là một giải pháp hay thực tế lịch sử

đã diễn ra như thế?

[Đọc tiếp Phủ Dương Xuân - tiền thân của Cung điện Đan Dương: Chương VII - Phủ Dương Xuân cuối thời các chúa Nguyễn tiền thân của Cung điện Đan Dương thời Quang Trung]

 


[1] Theo Hà Xuân Liêm bia nầy có thể chỉ được khắc lại khi làm đường Nam Giao Tân Lộ. Thời nhà Lê ít dùng từ Hòa thượng. Hơn nữa, niên hiệu Chính Hòa chỉ đến Nhị thập ngũ niên thôi (1704). Bia khắc Chính Hòa Nhị thập thất niên là sai. 

[2] Theo các nhà sư chùa Báo Quốc và chùa Vạn Phước gò ấp Bình An là cái lưng con rồng, miệng rồng là đất Hàm Long có chùa Báo Quốc hiện nay.

[3] Thích Trung Hậu-Thích Hải Ấn, Chư tôn Thiền Đức & Cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, Tập 3, Nxb Hồng Đức, TP HCM, 2016, tr.465.

[4] Người chủ tự cuối cùng của chùa Tuệ Lâm là HT Phạm Trung Lượng do “Ông Mười Ba” (con trai Đại thần Nguyễn Thân) đưa từ Quang Ngãi ra. Năm 1949 ông Lượng bị Việt Minh xử tử, từ đó chùa Tuệ Lâm bỏ hoang.

[5] Khảo sát hai đầu trụ đá hình chóp nón nầy khiến tôi nhớ đến một trụ đá có hình chóp tương tự ở phía sau chùa Thiên Mụ. Trong một lần thuyết minh cho tôi và nhà báo Minh Thu (Thành phố Hồ Chí Minh) các nhà sư chùa Thiên Mụ cho biết trụ đá ấy họ đã tìm thấy dưới sông Hương. Có lẽ trụ đá đó của ngôi chùa cũ đã từng bị Phong trào Tây Sơn cải tạo để làm đàn Tế Đất hồi cuối thế kỷ XVIII và vứt các phế liệu xuống sông. Họ còn cho biết dưới lòng sông Hương trước chùa Thiên Mụ nếu được khai quật sẽ còn tìm thấy nhiều vật liệu cổ nữa.

[6] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên phủ, tập Thượng, Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa bộ QGGD, SG. 1961, tr.118-119.

[7] Thông báo đã đọc trong cuộc họp ngày 23-4-1914; “Note sur les cendres des Tay Son dans la prison du Kham Duong” par Nguyễn Đình Hoè, BAVH, 1914, pp.145-146.

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia