Phủ Dương Xuân - tiền thân của Cung điện Đan Dương: Chương V - Phủ Dương Xuân qua tư liệu trong nước và ngoài nước.

Thông qua tư liệu trong và ngoài nước ta biết được Phủ Dương Xuân to lớn và quan trọng đối với các chúa Nguyễn. Nó chỉ đứng sau Đô thành Phú Xuân mà thôi.

5.1. Qua tư liệu Việt Nam.

Phủ Dương Xuân to lớn và quan trọng đối với các chúa Nguyễn. Nó chỉ đứng sau Đô thành Phú Xuân mà thôi. Thế nhưng trong Đại Nam Nhất Thống Chí đời Tự Đức cũng như đời Duy Tân đều không viết. May sao khi viết về Gò Dương Xuân thì hai bộ địa lý lịch sử quan trọng trên đều có nhắc đến Phủ Dương Xuân. Xin trích Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân: 

H.5.1.ĐNNTC, Thừa Thiên Phủ, tập thượng, Dương Xuân Cương (Gò Dương Xuân), tr. 26b.

Phan Đăng phiên âm: 

Dương Xuân Cương. Tại huyện Tây bắc thập ngũ lý, cương thế bình quảng, khởi phục la liệt, diên đáng số lý, hứa kỳ nam Nam Giao đàn tại yên, kỳ Tây đa danh lam cổ sát, diệc xưng giai thắng.

Cẩn án: Dương Xuân cương quốc sơ kiến phủ ư kỳ thử. Hiển Tôn Canh thìn (1700) cửu niên, trùng tu, Tả Thủy cơ khuất địa đắc nhất đồng ấn, hữu văn viết “Trấn Lỗ tướng quân chi ấn”, nhân danh ấn phủ. Tự Kinh binh loạn kim thất kỳ xứ.

Bản dịch của Nguyễn Tạo:

“GÒ DƯƠNG-XUÂN. Ở phía tây bắc huyện 15 dặm; thế gò bằng thẳng rộng rãi, chỗ cao chỗ thấp, la liệt dài dặc độ vài dặm; phía nam gò có đàn Nam-Giao, phía tây có nhiều danh-lam-cổ-sát, cũng xưng là nơi giai thắng.

Cẩn Án: Lúc đầu bản triều khai-quốc có dựng phủ ở gò Dương-Xuân nầy. Đời vua Hiển-Tôn năm Canh-thìn thứ 9 (1700) trùng tu, cơ Tả-Thủy, đào đất 1 cái ấn đồng có khắc chữ: “Trấn-Lỗ Tướng-Quân chi ấn” là ấn của Trấn Lỗ Tướng-Quân, nhân đó đặt tên phủ là Ấn-phủ. Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào[1].

Thông tin gò Dương Xuân cho biết phủ Dương Xuân nằm trên gò Dương Xuân, phía nam có đàn Nam Giao tức là phủ Dương Xuân nằm phía bắc đàn Nam Giao. Từ đàn Nam Giao về phía bắc giáp sông Lợi Nông, một khoảng cách không xa (chưa đầy 2 km) mà Phủ Dương Xuân nằm trên đoạn đường đó sau binh hỏa có thể mất tích đến nỗi không biết ở vào chỗ nào được sao? Thật là một điều khó hiểu. Trong binh hỏa, các kiến trúc gỗ có thể cháy nhưng phần gạch đá và địa điểm từng tọa lạc phủ Dương Xuân làm sao có thể cháy đến mất tích được? Vì sao có sự phi lý ấy?

Trong lịch sử, hai cơ sở phủ Dương Xuân và chùa Thiền Lâm tọa lạc gần nhau. Tại sao các sử thần triều Nguyễn viết ĐNNTC lại đưa chùa Thiền Lâm qua xã An Cựu, còn phủ Dương Xuân nằm trên gò Dương Xuân phía bắc đàn Nam Giao thì lại viết là mất tích?

5.2. Qua Hải Ngoại Kỷ Sự của Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán

Sử sách nhà Nguyễn không có mục nào viết về phủ Dương Xuân, nhưng trong các nguồn tư liệu không bị triều Nguyễn “trừng trị hết phép” hoặc ở nước ngoài thì vẫn có thể tra cứu được. Người ngoại quốc đến phủ Dương Xuân sớm nhất và ghi lại cảnh quan bên ngoài vào đến nội thất cung phủ là Hòa thượng Thạch Liêm/Thích Đại Sán.

 

H.5.2a và H.5.2b. Chân dung Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán và tác phẩm Hải Ngoại Kỷ Sự.

Năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu cử người qua Trung Quốc mời HT Thạch Liêm Thích Đại Sán đến hoằng pháp ở Thuận Hóa Phú Xuân. Hòa thượng được bố trí ở lại và giảng pháp tại chùa Thiền Lâm. Trước khi đến chùa Thiền Lâm, Hòa thượng được Chúa tiếp ở phủ Dương Xuân. Về sau, viết Hải Ngoại Kỷ Sự, Hòa thượng cho biết:

Khi Hòa thượng “Sắp đến vương phủ, mênh mông không có thành quách, chung quanh trồng tre gai làm rào; trong tre cất một hàng trại lợp bằng cỏ tranh; mỗi trại đều có đặt súng đồng, nặng từ vài trăm cân đến vài nghìn cân, đúc rất tinh xảo, khảm châu sa phỉ thúy, văn vẻ sáng ngời; nhờ công chùi đánh lâu năm mới được như thế; nếu đem số đồng nầy đúc lư, đúc bình, làm đồ gia dụng, quý giá chẳng biết bao nhiêu mà kể. Sau trại súng lại có hàng rào tre gai, phía trong có vòng tường thấp, rộng chừng một, hai dặm, vương phủ ở trong ấy[2]. Hòa thượng được chúa Nguyễn Phúc Chu “dắc (sic) vào trong cung[3], nên ông mô tả Vương phủ lúc bấy giờ có nhiều chi tiết cụ thể thú vị.

“Vua đứng đón ở thềm phía đông; thoạt mới gặp nhau, như quen biết sẵn từ trước; dắc vào trong cung, có bài trí tượng phật, phướn tàn chuông mõ, chẳng khác cảnh chùa. Ta bảo rằng:“Nhà vua thực khá gọi chẳng quên nghiệp-cũ vậy”.Vương ngó ta mà cười. Ta lễ Phật, nhà vua tự tay đánh khánh đốt hương. Kế khiến bày hương-án, lấy bậc thầy đải ta vào ngồi giữa, Quốc sư ngồi phía tả, rồi ngài ngồi phía hữu. Sau mấy lời hàn thuyên ủy-lạo, đứng dậy thưa rằng:“Đệ-tử tâm mộ Đạo-phong Lão Hòa-Thượng đã mấy năm nay, nay may mắn Hòa-Thượng chẳng vì cớ xa xuôi từ khước; cầu xin rủ lòng, bảo cho đệ-tử biết đường chánh để noi theo”. Ta bảo rằng: “Đạo nhà vua ở nơi việc trị nước an dân. Đạo chỉ có một, nhưng địa-vị mỗi người khác nhau. Nếu kẻ cai trị Quốc-gia, lảng bỏ tất cả pháp lệnh kỷ cương, để cưỡng cầu thanh-tịnh, ấy là chẳng biết thanh-tịnh vậy. Nếu hay những-nhưng không dục vọng, lạnh-lẽo không tham cầu, trong lòng hư linh, tùy việc thuận-lý, tùy vật ứng phó, thì tùy ngày xử trí muôn việc cũng chẳng phiền nhiễu mảy may. Bởi thế nước trị dân an, hầu thấy rủ áo vòng tay, không làm mà thành đạo; thanh tịnh tột bậc, Đế-vương Phật-tổ nào có phân biệt gì đâu”. Vương có ý hiểu, bảo rằng: “ngày nay mới được nghe những điều chưa từng nghe”. Chỉ tiếc tiếng nói không thông hiểu nhau, những lý luận sâu xa, phần nhiều chưa hiểu hết ý, đó là điểm mà tôi rất ân hận. Trộm ngắm ông vua Ngoại-quốc, xuân thu chưa mấy mà phú tính thông minh, độ lượng khoan hòa, dung mạo đoan chính; cho hay hưởng phước làm ông vua một nước, đâu phải việc ngẫu-nhiên; vã lại nghiên-cứu kinh điển, đau đáu lưu tâm, nếu chẳng phải người kiếp trước tu hành, nhơn túc-nguyện trở lại trần-gian, chỉ chẳng làm được như thế vậy.

Dọn cơm chay, nhiều món không biết tên, quá nửa dùng mật mía trộn đồ ăn nguội. Qua nửa đêm, còn lưu luyến chưa cho từ biệt. Quốc-sư nói rằng: “Lão Hòa-thượng đi thuyền quá mệt mỏi. Rồi đây đàm đạo còn nhiều ngày”.“Về đến chùa Thiền-Lâm, canh ba đã điểm trống”[4].

Nửa đêm, giờ Tý, Canh ba đều chỉ thời gian lúc nửa đêm. “Qua nửa đêm còn lưu luyến chưa cho từ biệt”. Thế mà khi Hòa thượng chia tay “Về đến chùa Thiền-Lâm, canh ba đã điểm trống”. Thời gian đi từ Phủ Dương Xuân qua chùa Thiền Lâm quá nhanh, chứng tỏ chùa Thiền Lâm tọa lạc một nơi rất gần phủ Dương Xuân.  

Vào mùa thu năm 1770, HT Thạch Liêm về nước được 5 năm, chúa Nguyễn Phúc Chu cho sửa chữa lại phủ Dương Xuân “cơ Tả thủy đào đất được quả ấn đồng có khắc chữ Trấn Lỗ tướng quân chi ấn. Chúa cả mừng gọi tên phủ nầy là Phủ Ấn[5].

Gần 40 năm sau, bắt đầu từ thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát/Hoạt (1738), cùng với việc xây dựng Đô thành Phú Xuân, Chúa còn cho đại trùng tu phủ Dương Xuân, chùa Kim Tiên, chùa Báo Quốc, xây dựng mới điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ và nhiều kiến trúc mới khác nữa….

5.3. Qua Phủ Biên Tạp Lục.

Năm 1776, Lê Quý Đôn giữ chức Tham-thị quân-vụ, đồng thời được lãnh chức Hiệp-trấn Thuận Hóa. Khi vào Phú Xuân, ông Hiệp trấn thấy “đâu đâu cũng đều là nhà lớn nguy nga, đài cao rực rỡ. Vòng quanh bức tường thành và các nhà tả vu, hữu vu, đều có cửa trong, cửa ngoài thông ra bốn phía. Các điện đài đều được tô sơn, khắc chữ, vẽ tranh trang sức huy hoàng. Nhân công đến như thế thật là cùng cực. Các ngôi nhà đều có nền móng bằng phẳng, đều được lát gạch và lát đá cả[6].

5.4 Qua tài liệu các nhà buôn châu Âu.

Một điều thú vị là nhiều khách phương Tây đã được Võ Vương tiếp ở phủ Dương Xuân. Về sau viết sách họ không quên viết về ngôi phủ này. Tôi xin đơn cử trường hợp James Bean…[7].

H.5.3.Với NNC Nguyễn Sinh Duy – người sưu tập được tư liệu quý “Nhật kí du hành gặp vua xứ Đàng Trong” (Journey to meet the King of Cochinchina) từ thủ bút của James Bean và dịch Việt ngữ.

Theo Nhật ký du hành của James Bean, ông khởi hành từ Hội An để ra “Huế phủ” yết kiến “Vua xứ Đàng Trong”, bắt đầu vào ngày 1-1-1765. Hành trình phải mất 4 ngày, ông mới đến được “Huế phủ” lúc 12 giờ trưa. Ngày 5, ông lưu lại nhà trọ. Suốt ngày 6, trời mưa, Bean than phiền không đến yết kiến nhà vua được. Từ ngày 7 đến ngày 15-1-1765, Bean được diện kiến và chiêu đãi sau khi ông tiến dâng lễ vật. Ông được vời vào vương phủ tấu nhạc cho Võ Vương nghe, tại “Cung điện mùa đông và mùa mưa” bên hữu ngạn “Sông Huế” [8].

Sau khi đã chuẩn bị cho chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát/Hoạt gồm: 1 cây gậy có đầu tay cầm bịt vàng, 1 thanh đoản kiếm, 2 bộ lễ phục cực sang của nhà thêu may Nabob, 1 áo gi-lê thêu lộng lẫy, 2 tay áo măng-sét rất đắt tiền, 2 khẩu súng lục, 3 bức tranh gương, 2 dây thắt lưng bóng nhoáng và 2 cây “can” trị giá đến 500 bản. Chúng tôi khởi hành bằng đường thủy xuống bờ sông, cũng với con đường chúng tôi đã đến, và phía dưới chiếc cầu gỗ nhỏ trên một hòn đảo, bên  hữu ngạn đã có một sứ giả chực sẵn để báo cho Chúa biết chúng tôi đã đến nơi.

Người sứ giả  trở ra, và các linh mục Lorrairo, Petrena muốn làm hướng đạo. Đi bộ trên một con đường mới hoàn thành để đến một cung môn có nhiều lính gác. Tại đây, các linh mục đã đón tiếp chúng tôi. Cánh cửa mở ra và chúng tôi bước vào sân rất rộng và đẹp, dưới rải sỏi, trên trang trí rất tráng lệ.

Ở một góc kia là tàu tượng, nơi voi của chúa ở, đối diện là tàu ngựa. Những bức tường cao 3 bộ [feet] đối nhau. Bên phải là một sảnh khá rộng giống như chỗ ngồi của quan tòa, cuối nơi này nhìn ra con kênh lớn và lù lù vài khẩu trong số những đại thần công đẹp nhất tôi đã từng thấy. Dọc theo lối đi rải sỏi, chúng tôi được đưa đến một cửa khác, ở đây cũng có lính gác. Chính tại nơi này, chúng tôi bị khám xét rất kỹ vì sợ chúng tôi có mang theo vũ khí.

Một cánh cửa khác mở ra cho chúng tôi tiến vào một cung điện lộng lẫy, đồng thời 6 cận vệ của chúa cũng theo sát chúng tôi để giới thiệu lên chúa. Điện chúa ngự là một tòa nhà chống đỡ bởi năm hàng cột, dưới lót săn quang dầu bóng láng, ngồi ngay chính giữa chiếc ngai là chúa, xung quanh có 50 lính ngự túc trực.

Ngoại diện chúa thật oai vệ, chúa đã tiếp chúng tôi với một vẻ mặt vui tươi khiến cho - ngay giữa cung điện nguy nga này - chúng tôi phải nhất nhất tuân theo lời ngài. Chúa muốn chúng tôi tiến lại gần Ngài, chúng tôi đã răm rắp bước tới ba bước rồi đồng loạt quỳ xuống. Như rất hài lòng, Ngài tươi cười về cử chỉ ra mắt của chúng tôi.

Ngài bảo Gov ngồi bên tay phải ngài, ông Nodes và tôi an tọa bên tay trái để Chúa có thể nói chuyện thân mật với từng chúng tôi. Gov trình với chúa rằng ông rất lấy làm hãnh diện được hầu chuyện với Chúa và ông cũng sung sướng thấy Chúa vẫn khỏe mạnh. Chúa hỏi lý do chúng tôi đến đất nước của ngài.

“Gov trả lời: sau một cơn bão dữ dội, chúng tôi được cứu sống và Thượng đế đã vô tình đẩy đưa chúng tôi giạt vào vương thổ của ngài. Chúa an ủi rằng dường như chúng tôi vẫn mập mạnh, ấy là nhờ vào đặc sản thực phẩm của đất nước ngài.

“Chúa hỏi tuổi tác mỗi chúng tôi, rồi hỏi niên tuế của vua nước Anh, cả đến vóc dáng diện mạo, đặc biệt hỏi vua nước Anh có mập béo như chúng tôi không. Chúa lại quay sang hỏi tôi có cha mẹ, anh em gì không và có biết bắn súng thần công không. Tôi thưa có. Ngài hỏi tiếp chúng tôi thích bắn chim không. Chúng tôi thưa vâng.

Ngài gạn hỏi chúng tôi có thể bắn được chim bay hay khi đậu, và ai trong chúng tôi bắn giỏi nhất. Tôi đáp rằng từng tập bắn bằng thuốc súng nhiều nhất. Chúa sốt sắng đặt câu hỏi với tất cả chúng tôi, riêng Gov, ngài nói rất thích cái đầu tóc của ông ấy. Ngài cũng cười hỏi trong chúng tôi ai là người ăn nhiều nhất.

“Chúa nhận lễ vật tiến dâng của chúng tôi với sự ngạc nhiên, rồi hứa hẹn sẽ ban cấp một thẻ bài cho phép một con tàu nhập cảnh đất nước ngài nếu tàu ấy chịu gởi đến cho chúa một xe song mã cùng với hai con ngựa.

Vị giáo sĩ trình với chúa rằng chúng tôi cũng có chơi được những nhạc cụ mà, từ lâu, chúa rất muốn thưởng thức và đã nhắn chúng tôi đến. Chúa sai người đem trà và cùng chúng tôi nhấm nháp. Dường như chúa rất thật lòng. Chúng tôi xin phép được quan chiêm cung điện của chúa. Ngài trả lời rằng đây không phải là cung điện nguy nga mà chỉ là “phủ mùa đông”; “ở đây cũng có cung phi mỹ nữ”[9].

Trước James Bean có nhà buôn Pierre Poivre.

H.5.4. Pierre Poivre (23-8-1719 – 6 -1-1786)

Theo Pierre Poivre, cung điện Mùa Đông (tức Phủ Dương Xuân) được xây dựng cũng theo qui cách của điện chính (ce palais d’hiver est construit sur le modèle du grand...) [10]. Điện chính lúc ấy là Đô thành Phú Xuân (bên trong cửa Thượng Tứ ngày nay). Trong bút ký Kỷ hành (Voyage), Pierre Poivre cho biết qui mô và vị trí Phủ Dương Xuân so với Cung điện chính ở Phú Xuân là:

le second palais, qui est plus petit, est bâti sur une élévation un peu éloignée de la rivière et n’a qu’une aile qui regarde du côté de l’eau. Le Roy y pense l’hiver ou la saison des pluies qui dure quatre mois” (Cung điện thứ hai nhỏ hơn, được xây dựng trên cái gò (élévation) hơi xa sông một chút và chỉ có một cánh nhìn ra phía sông. Chúa thường ngự ở đó vào mùa đông hay mùa mưa kéo dài đến bốn tháng) [11].

H.5.5. Sao y trích đoạn viết về Cung điện thứ hai trong BAVH, tháng 7-9, 1925.

Pierre Poivre được chúa Võ Vương tiếp tại Phủ Dương Xuân, ông còn nhớ và ghi lại mấy chi tiết sau: (theo BAVH, tháng 7-9, 1925, tr.139):

Ngài bước xuống một căn phòng nhỏ dùng để tiếp tân ở ngay cửa Phủ (chứng tỏ chỗ ông ở trên cao, cửa Phủ dưới thấp - NĐX). Ông cầm tay tôi (Poivre) và dẫn tôi đến một mô đất nằm ngoài cùng của Phủ, đối diện với một cái hồ [...] Trong lúc tôi đang ngồi trên mô đất... thì ở phía bờ hồ bên kia, một đám dân nghèo đáng thương đang rạp người cúi lạy Ngài, rồi ráng sức gào lên: bất công! bất công !”[12].

H.5.6 Phóng ảnh bản gốc BAVH, tháng 7-9, 1925, tr.139.

 Pierre Poivre đã kể cho chúng ta biết phủ Dương Xuân là cung điện thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Khoát/Hoạt. Đã là cung điện thứ hai thì chung quanh chúa còn có gia đình vợ con, cung tần mỹ nữ (James Bean), cha mẹ, văn võ đình thần, và cả bộ máy phục dịch đông đảo. Như vậy phủ Dương Xuân là một tiểu triều đình, một cung phủ có nhiều kiến trúc trải ra trên một diện tích tương đối rộng.

Tư liệu dẫn trên cho biết phủ Dương Xuân có những đặc điểm sau:

- Phía nam phủ Dương Xuân có đàn Nam Giao (ĐNNTC triều Duy Tân), nói cách khác phía bắc đàn Nam Giao có phủ Dương Xuân;

- Phủ Dương Xuân là một khu vực rộng vài dặm (Thạch Liêm/Thích Đại Sán);

- Phủ “xây dựng trên một cái gò (élévation) hơi xa sông một chút(Pierre Poivre) ;

- Trong phủ có nhiều nhà cửa dành cho Chúa và cho “cung tần mữ nữ” (James Bean).

- Có một cánh nhìn ra phía sông  Hương (Pierre Poivre).

- Địa thế chỗ cao chỗ thấp (Pierre  Poivre).

- Chỗ thấp đối diện với một cái hồ (Grand étang) (Pierre Poivre).

- Các ngôi nhà đều có nền móng bằng phẳng, đều được lát gạch và lát đá (Lê Quý Đôn).

Vậy địa điểm nào trên gò Dương Xuân/gò ấp Bình An gần chùa Thiền Lâm có biểu hiện phương hướng, cảnh quan, dấu tích, vật thể tương ứng với những thông tin mà tư liệu lịch sử còn ghi lại được nêu trên ?

Đọc thêm

Phụ Lục 10

Pierre Poivre với Phủ Dương Xuân

L.Cadière

[Les Quartier des Arènes, II- Souvenirs des Nguyễn, BAVH, năm thứ 12, số 3, Juillet-Septembre 1925,tr.135-144]

 Bản dịch của thầy Lê Khắc Phò (Đại học Sư phạm Huế)

[Đọc tiếp Phủ Dương Xuân - tiền thân của Cung điện Đan Dương: Chương VI - Dấu tích phủ Dương Xuân trên gò ấp Bình An]


[1] QSQ triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ, Tập Thượng, Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa Bộ QGGD, 1961, tr.56.

[2] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, bản dịch của Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế xb, 1963, tr.34.

[3] Như [2] tr. 33.

[4] Thích Đại Sán, Hải Ngoại Kỷ Sự, Viện ĐH Huế, UB Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Huế 1963, tr. 35, Nxb Khoa Học Xã Hội và Alphabooks tái bản 2015, từ tr.55 đến 57.

[5] QSQ Triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, Tập I, Nxb Giáo Dục, 2002, tr. 113.

[6] Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục,  Bản gốc chữ Hán tr.73a, bản dịch của Lê Xuân Giáo, Phủ QVK, SG1972, tr. 191.

[7] Bản thủ sao những trang “Nhật kí du hành gặp vua xứ Đàng Trong” (Journey to meet the King of Cochinchina) được trích lục từ thủ bút của James Bean trong bộ “Sưu tập BEAN” (Bean Collection) hiện lưu trữ tại “Văn phòng đại diện thương mại và thư viện Anh tại Ấn Độ” (India Office and Library) mang ký hiệu MSS. EUR. E. 366. Đây là những trang tư liệu chưa hề được công bố nói về cuộc gặp gỡ giữa “vua xứ Đàng Trong” – bấy giờ là Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát – với các nhân viên Công ty Đông Ấn thuộc Anh, tại Kinh đô Phú Xuân. (Nguyễn Sinh Duy, Quảng Nam và những vấn đề Sử học, NXB Văn hóa - Thông tin, 2008, tr.146).

[8] Nguyễn Sinh Duy, Quảng Nam và những vấn đề Sử học, NXB Văn hóa - Thông tin, 2008, tr.149-150.

[9] James Bean Nhật kí du hành gặp vua xứ Đàng Trong, do Nguyễn Sinh Duy dịch, trích “Quảng Nam và những vấn đề sử học”, NXB Văn hóa Thông tin, năm 2005. tr155 - 157.

[10] L.Cadière, Les Quartier des Arènes, II- Souvenirs des Nguyễn, BAVH, năm thứ 12, số 3, Juillet-Septembre 1925, chú thích (1) cuối tr.138.

[11] Như [9].

[12] Như [9], tr.139.

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia