4.1 Địa chỉ chùa Thiền Lâm trong địa lý lịch sử thời Nguyễn và thực địa cách xa nhau một cách khó hiểu.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí - bộ địa lý lịch sử quan trọng nhất của triều Nguyễn, trong quyển Thừa Thiên Phủ, tập thượng, tại trang 45a & 45b viết về chùa Thiền Lâm như sau:
H.4.1.Bản gốc chữ Hán ĐNNTC (đời Duy Tân) - tỉnh Thừa Thiên, tập thượng, tại trang 45a & 45b viết: “Thiền Lâm tự tại An Cựu xã”.
Tu Trai Nguyễn Tạo dịch:
“CHÙA THIỀN-LÂM. Ở xã An-Cựu. Tương truyền Hòa-thượng Thạch-Liêm lập lên, cảnh trí u tịch. Khi trước Thái-sư Tây-Sơn là Bùi-Đắc-Tuyên chiếm ở, sau Tuyên bại, người trong ấp nhân đó sửa lợp lại. Trong niên hiệu Gia-Long, Thừa-Thiên Cao-Hoàng-Hậu quyên tiền trùng tu, nay lần hư hỏng chỉ còn chùa chính. Bên tả chùa có 1 cái chuông đồng lớn cao 4 thước, lưng tròn 6 thước, dày 4 tấc, ở bên có khắc chữ: đúc năm Vĩnh-Thạnh 12 (1716), Vĩnh-Thạnh tức là niên hiệu vua Lê-Dụ-Tôn vậy. Đầu niên hiệu Gia-Long dẹp xong Bắc-Thành chở về đăng vào kho, sau sửa chùa xong, dời đem lên chùa”[1].
Chùa Thiền Lâm ở xã An Cựu. Suốt nhiều năm, tôi khảo sát khắp vùng An Cựu không thấy chùa Thiền Lâm ở đâu cả. Người địa phương chỉ cho tôi một chùa Thiền Lâm trên đồi Quảng Tế. Tôi quá mừng nhưng khi tìm đến nơi thì chùa Thiền Lâm này tọa lạc 22/54 Lê Ngô Cát Tổ 9 Khu vực 2 Phường Thủy Xuân, thuộc Phật giáo Nam Tông mới khai sơn hồi đầu những năm sáu mươi của Thế kỷ XX, không phải chùa Thiền Lâm tôi đang muốn biết.
Không tìm được trên thực địa, tôi tìm trong tư liệu về Huế. Đọc thơ văn Phan Huy Ích - một trọng thần triều Quang Trung - Quang Toản, người đã lui tới làm việc ở chùa Thiền Lâm nhiều lần, tôi tìm thấy trong lời dẫn bài thơ Kinh Thiền Lâm phế tự cảm tác, Phan Huy Ích viết: “寺 在 煬 春 社 山 Tự tại Dương Xuân xã sơn” (Chùa ở núi thuộc xã Dương Xuân). Phan Huy Ích là người từng ở và làm việc ở chùa Thiền Lâm, viết nhiều thơ văn liên quan đến chùa Thiền Lâm nên không thể viết sai. Phan Huy Ích không thể nhầm xã An Cựu ra xã Dương Xuân được.
H.4.2. “Tự tại Dương Xuân xã sơn” 寺 在 煬 春 社 山- Chùa Thiền Lâm tại xã Dương Xuân (Phan Huy Ích).
Sau Phan Huy Ích trên nửa thế kỷ, các sử thần triều Tự Đức biên soạn bộ Đại Nam Nhất Thống Chí. Không hiểu sao, sách được soạn xong nhưng không được in. Bản thảo được lưu giữ ở Viện Hán Nôm ngày nay[2]. Tôi được nhà Hán Nôm Đinh Khắc Thuân làm việc tại Viện Hán Nôm giúp cho tôi một bản sao. Tại trang 66 cho biết các chùa Kim Tiên, Tuệ Lâm, Từ Đàm, Thiền Lâm đều ở ấp Bình An.
H.4.3.ĐNNTC thời Tự Đức viết các chùa Kim Tiên 金仙, Tuệ Lâm 彗 林, Từ Đàm 慈曇, Thiền Lâm 禪 林 đều ở ấp Bình An.
Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân vẫn giữ chùa Kim Tiên, chùa Ấn Tôn (Từ Đàm)… vẫn giữ ở ấp Bình An.
H.4.4.ĐNNTC thời Duy Tân viết về các chùa Kim Tiên, Tuệ Lâm, Từ Đàm vẫn ở ấp/gò ấp Bình An như ĐNNTC thời Tự Đức, riêng chùa Thiền Lâm thì cho qua xã An Cựu.
Chùa Thiền Lâm ở giữa các chùa Kim Tiên, Tuệ Lâm, Từ Đàm lại chuyển qua giữa xã An Cựu.Từ cụm từ ấp Bình An không thể viết nhầm qua xã An Cựu được. Phải chăng đây là một sự cố ý viết như thế ?:
- Xem trên sơ đồ các chùa ở Huế cuối thế kỷ XIX trong sách Hàm Long Sơn Chí [3] của Điềm Tịnh Cư Sĩ, chùa Thiền Lâm được ghi số 3 nằm ngay trên con đường từ bờ sông Lợi Nông lên đàn Nam Giao (tức Nam Giao Tân Lộ hay Điện Biên Phủ ngày nay).
H.4.5.Chùa Thiền Lâm mang số 3 trên bản đồ Hàm Long Sơn Chí nàm ở trung độ con đường từ bờ sông Lợi Nông lên đàn Nam Giao thuộc xã Phú Xuân (tức thuộc xã Dương Xuân cũ) chứ không phải xã An Cựu.
Vị trí đó nhằm vào địa điểm chùa Thuyền Lâm tại số 150 Điện Biên Phủ, P. Trường An, TP Huế ngày nay.
Nghiên cứu nội dung chùa Thiền Lâm được viết trong Đại Nam Nhất Thống Chí thời Tự Đức và thời Duy Tân, tôi thấy có những điểm khó hiểu sau đây:
- ĐNNTC thời Tự Đức viết 4 chùa gần nhau là Kim Tiên, Tuệ Lâm, Từ Đàm và Thiền Lâm đều ở ấp/gò ấp Bình An.
- ĐNNTC thời Duy Tân vẫn giữ các chùa Kim Tiên, Tuệ Lâm, Từ Đàm ở ấp’gò ấp Bình An, riêng chùa Thiền Lâm ở giữa các chùa trên lại chuyển qua xã An Cựu cách xa ấp Bình An hàng cây số.
Vì sao có sự làm nhiễu thông tin địa điểm tọa lạc của chùa Thiền Lâm đến như thế ? Làm nhiễu thông tin về địa điểm tọa lạc của chùa Thiền Lâm cũ với mục đích gì? Một vấn đề lịch sử cần làm rõ.
4.2. Chùa Thiền Lâm chồng chất những điều khó hiểu.
Địa điểm cái chùa nầy (150 Điện Biên Phủ, P. Trường An) tôi đã đi qua lại lắm lần, nhưng không để ý vì nó nhỏ quá, bảng tên lại đề chùa Thuyền Lâm chứ không phải Thiền Lâm [4]. Hơn nữa các vị trú trì đều là các thầy ‘bán thế” (có vợ con), trong tâm trí của tôi không nghĩ đó là một ngôi chùa lịch sử. May sao sau khi xác định được địa điểm chính thức của ngôi chùa lịch sử, tôi đến thì chùa vừa được Tỳ-kheo Thích Chơn Trí rất thân quen của tôi từ chùa Tường Vân vừa ra trú trì. Với sự hướng dẫn của Tỳ-kheo Thích Chơn Trí, tôi bất ngờ với những điều bí ẩn lạ thường xảy ra với chùa Thiền Lâm sau đây:
- Bia biển gốc của chùa đều bị đục xóa hết chữ, nhiều tấm bị chôn sâu dưới đất;
- Đào đất trồng rau, trồng sắn, các đệ tử của Ty-kheo Chơn Trí phát hiện được hàng ngàn viên gạch vồ, hàng chục viên đá táng và nhiều tảng đá lạ khác thường chôn sâu dưới đất. Chùa đã tận dụng số gạch nhặt được xây dựng nên nhiều kiến trúc mới;
Tỳ-kheo Chơn Trí thắc mắc: Vật liệu xây dựng nầy là giải hạ của một kiến trúc của nhà nước chứ không phải của dân (Vì nó to lớn và rất mới). Vậy kiến trúc bị triệt hạ đó là kiến trúc gì ? Thời nào ? Của ai? Vì sao bị triệt hạ? Vì sao vật liệu còn tốt vậy mà lại đem chôn dưới đất? Vì sao bia biển của chùa Thiền Lâm đều bị đục, xóa hết chữ?
Một số hình ảnh cũ
H.4.6.1 Tấm bia đá đã bị “mài” nhẵn mất hết chữ Thiền Lâm (bên trái). Ảnh NĐX
H.4.6.2 Một trong những hố đào phát hiện nhiều gạch vồ, đá táng cột trong vườn chùa (bên phải). (Ảnh của nhà báo Thanh Tùng 12-1988)
H.4.6.3. Gạch đá vỡ không dùng được. (Ảnh của nhà báo Thanh Tùng 12-1988).
H.4.6.4.Gạch đá vỡ khai thác dưới lòng đất sân chùa được đập vụn thay sạn để đúc táp-lô. (Ảnh của nhà báo Thanh Tùng 12-1988).
H.4.6.3. Gạch đá vỡ không dùng được (bên trái). (Ảnh của nhà báo Thanh Tùng 12-1988)
H.4.6.6 Khối đá chân bia tìm thấy dưới lòng đất trong khuôn viên chùa Thiền Lâm (1897), không rõ tấm bia cũ ở đâu, còn hay mất ! (bên phải)
H.4.6.7 Một viên đá táng cổ trên đống giải hạ sau lưng nhà trai chùa Thiền Lâm (9-2006) [bên trái]. (Ảnh của nhà báo Thanh Tùng 12-1988)
H.4.6.8.Những viên đá táng cổ phát hiện dưới lòng đất chùa Thiền Lâm năm ấy (1987), nay được dùng làm ghế ngồi cho bao cuộc hỏi chuyện Tỳ-kheo Chơn Trí (bên phải). Ảnh NĐĐ
H.4.6.9 Những khối đá không biết ngày xưa dùng vào việc gì, ngày nay (1987) phát hiện được cũng “vô dụng”. (Ảnh của nhà báo Thanh Tùng 12-1988).
H.4.6.10. Gạch vồ xưa xây thành những trụ thành nhà tăng và nhiều kiến trúc khác ở chùa Thiền Lâm. Ảnh NĐX
H.4.6.11. Ông Hồ Hữu Đồng – từ những ngày đầu giúp Tỳ-kheo Chơn Trí khai thác vật liệu cổ dưới lòng đất xây dựng nên những công trình mới ở chùa Thiền Lâm. Ông Đồng chỉ chỗ cái hố đào trong tấm ảnh H.4.6.2 dẫn trên nằm ngay dười sàn chánh điện chùa Thiền Lâm (bên trái). Ảnh NĐX
H.4.6.12. Chùa Thiền Lâm hiện nay (bên phải). Ảnh Văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Đọc ĐNNTC viết về chùa Thiền Lâm, tôi thấy có nhiều điều khó hiểu. “Chùa Thiền Lâm… Tương truyền Hòa-thượng Thạch-Liêm lập lên”. Như Hải Ngoại kỷ sự của Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán cho biết năm 1695 Hòa thượng Thạch Liêm được chúa Nguyễn Phúc Chu mời qua Thuận Hóa – Phú Xuân và được chúa bố trí cho ở tại chùa Thiền Lâm. Hòa thượng Thạch Liêm đến Thuận Hóa – Phú Xuân đã có chùa Thiền Lâm rồi. Thế thì, làm sao có thể viết Thạch Liêm là người xây dựng “chùa” Thiền Lâm?! Chính HT Thạch Liêm/Thích Đại Sán viết trong Hải Ngoại Kỷ Sự rằng Hòa thượng được chúa Nguyễn Phúc Chu bố trí ăn ở và thuyết pháp tại chùa Thiền Lâm. Hòa thượng cho biết lúc Hòa thượng mới đến, chùa Thiền Lâm chỉ là một cái chùa nhỏ “ba gian lợp bạch mao” [5], với vị trí: “dựng ở đầu cao chất ngất, xuyên ngang gò núi một đường thông” và “đôi dòng nước biếc tưới ven biền” [6]. Vì thế, Hòa thượng Thích Đại Sán than phiền với chúa Nguyễn Phúc Chu là chùa: “chật hẹp không được khoan khoái” [7], chúa Nguyễn Phúc Chu liền cho vừa lính vừa thợ chừng một ngàn người làm việc trong ba ngày thì hoàn thành: “một tòa phương trượng 5 gian, 32 cột, bốn phía có hành lang, vách tường, rầm thượng, rầm hạ đều bằng ván, và một nhà hậu liêu 5 gian, 20 cột” [8], chùa Thiền Lâm trở thành một ngôi đại tự, từ đó chùa mới liên quan đến HT Thạch Liêm. Vậy, HT Thạch Liêm xây dựng Thiền Lâm viện mới đúng.
Các chúa Nguyễn đều mộ đạo Phật nên bên cạnh phủ Dương Xuân có lập một ngôi chùa nhỏ để mỗi lần các chúa và gia đình lên tránh mưa bão ở Phủ Dương Xuân có nơi tĩnh tâm tu hành.
Hơn 30 năm qua, tôi đã đến khảo sát nghiên cứu tháp và bia lăng khắc ngài “Khắc Huyền” ở mép phía Đông đất chùa Thiền Lâm. Bia khắc:
“Chính Hòa nhị thập thất niên, tứ nguyệt cát nhật”.
Theo Hoàng Việt Giáp Tý Niên Biểu của Nguyễn Bá Trác, thì không có năm Chính Hòa thập thất niên (năm thứ 27). Nếu có thì nhằm vào năm 1706. Niên hiệu Chính Hòa của vua Lê Hy Tông chỉ đến năm Chính Hòa thập ngũ niên (năm thứ 25) mà thôi. Năm 1706 là năm Vĩnh Thịnh thứ hai của vua Lê Dụ Tông. Chùa Thiền Lâm của chúa Nguyễn Phúc Chu mà khắc sai đến thế được sao? Còn dòng chữ lớn giữa lòng bia khắc:
“Sắc tứ Động thượng chính tông khai sơn Thiền Lâm viện Khắc Huyền Lão Tổ Hòa Thượng chi tháp”.
Cho đến nay, chưa tìm được tài liệu để có thể biết chính xác chùa Thiền Lâm được ra đời vào tháng năm nào hồi cuối thế kỷ XVII. Đến năm 1695 (năm HT Thạch Liêm Thích Đại Sán đến Thiền Lâm), chùa Thiền Lâm chỉ là một ngôi chùa rất nhỏ như tôi vừa nêu trên. Và cũng từ năm 1695, mọi việc diễn ra ở chùa Thiền Lâm đều do Hòa thượng Quả Hoằng - quốc sư của chúa Nguyễn Phúc Chu - đảm trách. Tất cả các Phật sự ở chùa Thiền Lâm được ghi chép trong Hải Ngoại Kỷ Sự đều không thấy bóng dáng tên tuổi nào của HT Khắc Huyền cả. Như thế, ta có thể tin là HT Khắc Huyền khai sơn và trú trì chùa Thiền Lâm cho đến trước năm 1695 - năm HT Thạch Liêm đến chùa Thiền Lâm là cùng. Do đó bia khắc: Khắc Huyền Lão Tổ Hòa Thượng khai sơn Thiền Lâm viện là sai. Một cái chùa “chật hẹp chẳng đủ chỗ chứa 10 người” làm sao có thể gọi là viện được? Dựng lên Thiền Lâm Viện là Thạch Liêm Thích Đại Sán mới đúng chứ! Phải chăng vì thế mà ĐNNTC viết: “Tương truyền Hòa-thượng Thạch - Liêm lập lên” như tôi vừa dẫn trên chăng!
Có lẽ, các Ngài lo Phật sự ở Thiền Lâm trước đây thấy bia khắc: “Khắc Huyền Lão Tổ Hòa Thượng khai sơn Thiền Lâm viện” là sai nên cho khắc lại long vị thờ Ngài, đã thay Thiền Lâm Viện thành Thiền Lâm Tự. Long vị đang an vị trên bàn thờ tổ sau chánh điện chùa Thiền Lâm đây. Long vị khắc:
“Tào động chánh tông khai sơn Thiền Lâm tự húy Như Tư thượng Khắc hạ Huyền đại lão Hòa thượng chi giác linh”.
H.4.7A Bàn thờ tổ chùa Thiền Lâm và H.4.7B. Bài vị khắc: “Tào động chánh tông khai sơn Thiền Lâm tự húy Như Tư thượng Khắc hạ Huyền đại lão Hòa thượng chi giác linh”.
Căn cứ nội dung được khắc trên bia mộ và long vị thờ ở bàn thờ tổ chùa Thiền Lâm mà tôi có lời bình như vậy. Những nội dung khắc trên bia mộ tháp và long vị trước đây tôi tin là sự thực. Nhưng sau này nghiên cứu kỹ hé lộ nhiều điều làm cho tôi chưa yên tâm…
- Thông thường long vị được khắc ngay sau khi các vị Hòa thượng viên tịch. Theo tấm bia nêu trên thì HT Khắc Huyền viên tịch vào năm 1706, mà long vị thờ Ngài thì quá mới nên không có mấy giá trị lịch sử;
- Dòng chữ chính giữa “Sắc tứ động thượng chính tông khai sơn Thiền Lâm viện Khắc Huyền Lão tổ Hòa thượng chi tháp” không phải dòng chữ khắc gốc mà là dòng chữ khắc lại trên mặt đá đã bị mài dòng chữ cũ. Dòng chữ cũ là gì? Vì sao bị mài để khắc lại? Khắc lại từ khi nào? Qua nghiên cứu, được biết chùa Thiền Lâm đã trải qua hai biến động lớn.
H.4.8 Tháp và bia lăng Hòa thượng Khắc Huyền – vị tổ khai sơn chùa Thiền Lâm. Bia khắc: “Sắc tứ động thượng chính tông khai sơn Thiền Lâm viện Khắc Huyền Lão tổ Hòa thượng chi tháp”. Dòng lạc khoản bên tay trái ghi: “Chính Hòa nhị thập thất niên, tứ nguyệt cát nhật” (1702).
- Biến động thứ nhất diễn ra sau ngày Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long (1802), chùa Thiền Lâm gốc đổ nát được Thừa Thiên Cao Hoàng hậu quyên tiền trùng tu;
- Biến động thứ hai: Vào khoảng đầu đời Thành Thái (1889), người Pháp được sự đồng ý của Nam triều đã làm một con đường từ bờ sông Lợi Nông (cũng thường gọi là An Cựu) ngang qua 2 ấp Trường Giang và Bình An lên thẳng tới đàn Nam Giao. Con đường này lúc đầu mang tên Nam Giao Tân Lộ. Công trình kéo dài gần 10 năm (1889-1898) do kỹ sư cầu đường người Pháp tên là Sali thực hiện. Để dành đất mở con đường quan trọng này nhiều mồ mã của dân và lăng tháp của các chùa phải di dời đi nơi khác. Hiện nay, trong vòng thành vuông ở hướng đông nam vườn chùa Báo Quốc, có một nhóm 5 ngôi tháp đã được cải táng đến đây. Việc cải táng được khắc bia rõ ràng. Ví dụ bia ngôi tháp của ngài Minh Hoằng Tử Dung – hòa thượng khai sơn chùa Ấn Tôn (Từ Đàm) đã được khắc lại với lạc khoản “Thành Thái cửu niên tuế thứ Đinh Dậu chánh nguyệt thập bát nhật cát táng” (nhằm ngày 29 tháng 2 (nhuận) năm 1897) “chư quan sơn tự kính phụng lập”.
Trong vụ di dời mồ mã, lăng tháp dành đất làm Nam Giao Tân Lộ năm ấy, theo địa bạ ấp Bình An lập thời Thành Thái, khuôn viên tọa lạc chùa Thiền Lâm bị cắt làm ba mảnh.
H.4.9 Bản đồ giải thửa ấp Bình An lập năm Thành Thái thứ XIX (1907) trích trong Địa bộ ấp Bình An cho biết địa phận chùa Thiền Lâm ở sát Đình ấp Bình An và bị “Nam Giao Tân Lộ” cắt làm đôi. (Bản đồ do Võ Văn Sơn – người địa phương xuất thân trong gia đình có đất vườn ở ấp Bình An cũ cung cấp).
Mảnh giữa làm đường (hiện nay, lề đường phía đông nhằm vào số 145 Điện Biên Phủ, lề đường phía tây nhằm vào Phủ thờ Phòng Hậu Lộc), mảnh phía đông dành cho ngôi tháp cho là của HT khai sơn Khắc Huyền, mảnh phía tây xây lại một ngôi chùa Thiền Lâm nhỏ như hiện nay. Mộ tháp “ngài Khắc Huyền” hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc đắp đường. Cho nên bia tháp bị mài dòng chữ cũ khắc lại là vì một lý do nào khác chứ không phải vì làm đường Nam Giao Tân lộ như trường hợp tháp mộ của ngài Tử Dung trình bày trên. Nếu mộ tháp gốc của ngài Khắc Huyền nằm trên phần đất làm đường nên phải dời vào vị trí hiện nay thì dòng lạc khoản bia tháp ngài Khắc Huyền phải được khắc thêm hai chữ “cát táng”. Với tấm bia tháp ngài Khắc Huyền còn lại ngày nay không hề thấy hai chữ “cát táng” ấy. Như vậy, tấm bia ngài Khắc Huyền bị mài và khắc lại diễn ra hồi Thừa Thiên Cao Hoàng hậu xây dựng lại chùa Thiền Lâm chăng ? Nhưng cũng khó hiểu, chùa hư nát sập đổ thì làm lại, bia tháp của Ngài khai sơn đã viên tịch cách đó hơn một thế kỷ cần gì phải đi mài bia và khắc lại? Chắc Thừa Thiên Cao Hoàng hậu không cho phép làm một việc vô lễ như thế.
- Những ngôi chùa do vua chúa dựng lên trong cung phủ để phục vụ cho Hoàng gia ở Thuận Hóa Phú Xuân thì không có người khai sơn. Các chùa trong cung cấm khi cần thì mời các nhà sư có uy tín nhất vào tụng kinh, chứ không có bất cứ nhà sư nào được vào ở trong các chùa trong cung cấm. Ví dụ như chùa Thiền Lâm là một cái am nhỏ dành riêng cho Hoàng gia ở Phủ Dương Xuân, đến năm 1695, HT Thích Đại Sán được chúa Nguyễn Phúc Chu mời qua Thuận Hóa hoằng pháp, Thiền Lâm được phát triển thành một Thiền Lâm Viện lớn nhất ở Đàng Trong và dành cho đại chúng. Khi ấy chúa Nguyễn Phúc Chu phải dựng trong Phủ một ngôi chùa khác để Hoàng gia tu tập. Trước ngày Phật đản năm đó (1695), HT Thích Đại Sán được Chúa mời vào dự lễ khánh thành và đặt tên là Giác Vương Nội viện 覺王内院 chứ không được ở trong Phủ. Đến đầu triều Nguyễn, vua Minh Mạng dựng lên chùa Giác Hoàng (1839) trên mảnh đất tiềm để của nhà vua (Hiện nay là nơi tọa lạc của khu Tam Tòa đang được sử dùng làm cơ quan của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cũng không có một vị sư nào khai sơn cả. Không những chùa Giác Hoàng mà tất cả các chùa do vua chúa lập nên ở Thuận Hóa Phú Xuân cũng đều không có nhà sư nào khai sơn cả, như chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế, chùa Thánh Duyên (chùa Túy Vân) [9].
Do đó, chùa Thiền Lâm thuộc Phủ Dương Xuân không có người khai sơn. Đến khi Thiền Lâm tự được phát triển thành Thiền Lâm Viện, khai sơn Thiền Lâm Viện chính là HT Thạch Liêm Thích Đại Sán thuộc hệ phái Tào Động. Thích Đại Sán là HT xây dựng nên Thiền Lâm viện, có như thế sau khi HT về Trung Quốc một người đệ tử của HT là HT Hương Liên hiệu là Quả Hoằng – quốc sư của chúa Nguyễn Phúc Chu mới được kế vị, trở thành vị tổ thứ hai của Thiền Lâm Viện. (Bia tháp của Ngài, lúc làm Nam Giao Tân Lộ đã được chuyển vào và xây lại bên cạnh con đường vào chùa Vạn Phước ngày nay)
H.4.10 Khi người Pháp đắp con đường mới Nam Giao, chùa Thiền Lâm bị dời qua phía tây, thì ngôi tháp này cũng bị dời vào chỗ hiện tại (phía ngoài cổng chùa Vạn Phước và gần lăng mộ cụ Phạm Quỳnh). Tấm bia mang theo ghi: “Sắc tứ Thanh Trì Quả Hoằng Quốc Sư…” (vị tổ thứ hai chùa Thiền Lâm) nhưng người ta đã đắp lên mặt bia một lớp vôi vữa. Ngày nay muốn đọc nội dung bia phải cạy lớp vôi vữa khó hiểu đó.
- Bia tháp lâu nay tưởng là của HT Khắc Huyền, vốn là bia tháp của một vị HT nào đó viên tịch vào năm 1706, bia bị mài nhẵn và khắc lại tên “HT Khắc Huyền”. Cho đến nay, ngoài mỹ danh Khắc Huyền khắc trên tấm bia bị mài nhẵn đó, không có bất cứ một tài liệu nào khác viết về ngài Khắc Huyền. Như đã nói đến, từ tháng 3-1695 không thấy bất cứ một tài liệu nào khác nhắc đến tên HT Khắc Huyền, không có một chữ nào về Khắc Huyền được ghi trong Hải Ngoại Kỷ Sự. Năm chùa Thiền Lâm phát triển thành Thiền Lâm Viện (1695), HT Khắc Huyền đi đâu? Sau khi HT Thạch Liêm Thích Đại Sán về Trung Quốc thì HT Quả Hoằng tiếp nối trú trì Thiền Lâm Viện, HT Khắc Huyền có trở lại Thiền Lâm không ? Nếu không trở lại Thiền Lâm thì vì sao khi viên tịch (năm 1706) Thiền Lâm lại xây mộ tháp cho Ngài? Phi lý. Vì thế, có thể không phải tháp mộ lâu nay tưởng của HT Khắc Huyền là của HT Khắc Huyền. Còn vì sao lại có chuyện mài bia cũ rồi khắc lên một tên hư cấu Khắc Huyền để làm nhiễu thông tin về lịch sử chùa Thiền Lâm.
Có thể thấy những thông tin bị nhiễu là:
- Chuyển địa chỉ Thiền Lâm ở ấp Bình An qua xã An Cựu để mọi người hiểu nhầm.
- Toàn bộ bia biển của chùa Thiền Lâm bị mài nhẵn, đục bỏ hay trát một lớp hồ lên nội dung bia cũ.
- Dựng lên một người không tung tích khai sơn một Hiền Viện lớn nhất ở Đàng Trong thời bây giờ.
- Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán là người xây dựng nên Thiền Lâm viện, mà tháp tổ xóa bia cũ khắc tên Khắc Huyền là người khai sơn Thiền Lâm viện.
- Xây dựng chùa Thiền Lâm hiện nay, trên mảnh đất đã chôn sâu một kiến trúc quan trọng của nhà nước.
Tất cả những thông tin bị nhiễu đó làm cho người đời sau không biết đâu là sự thật về chùa Thiền Lâm. Phải chăng đó là một cách bịt đầu mối trên con đường đi tìm phủ Dương Xuân đã bị mất tích. Bởi vì chùa Thiền Lâm là một bộ phận thuộc phủ Dương Xuân. Nếu biết rõ nơi tọa lạc cua chùa Thiền Lâm thì không thể giấu được nơi tọa lạc của Phủ Dương Xuân. Vậy chùa Thiền Lâm ở đây (khu vực 150 Điện Biên Phủ, ấp Bình An, P. Trường An, TP Huế) này còn dấu tích Phủ Dương Xuân tọa lạc nơi nào?
Đọc thêm
Phụ lục 7
Theo Phan Huy Ích lăng mộ vua Quang Trung ở gần chùa Thiền Lâm
Phụ lục 8
Trả lời ĐĐ Thích Pháp Bảo về lịch sử chùa Thiền Lâm
Phụ lục 9
Qua Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán - phủ Dương Xuân tọa lạc gần chùa Thiền Lâm
[Đọc tiếp Phủ Dương Xuân - tiền thân của Cung điện Đan Dương: Chương V - Phủ Dương Xuân qua tư liệu trong nước và nước ngoài]
[1] Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ (Tập Thượng), Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa, Bộ QGGD, Sài Gòn 1961, tr.88.
[2] Đại Nam Nhất Thống Chí, đã được Viện Sử học dịch xuất bản gồm 5 tập, Nxb KHXH, Hà Nội 1969.
[3] Thư viện chùa Từ Đàm.
[4] Xin lỗi, lúc ấy tôi sơ ý không tra cứu chữ Hán nên không biết Thiền hay Thuyền có cùng một nghĩa. NĐX
[5] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Ủy ban phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, 1963, tr.42.
[6] Như [5].
[7] Như [5], tr.41.
[8] Như [5], tr.42.
[9] Xem Đại Nam Nhất Thống Chí, tập Kinh Sư, Nha Văn hóa, Bộ QGGD, SG 1960, các tr. 87, 89 và 90.