Phủ Dương Xuân - tiền thân của Cung điện Đan Dương: Chương II - Cung điện của vua Quang Trung ở Kinh đô Phú Xuân

Sau khi đại thắng quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút (đầu năm 1785), Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ kéo quân về Quy Nhơn. Tháng 5 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ làm Tiết chế quân thủy bộ cùng với Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Lữ đem quân giải phóng Phú Xuân. Hoàng Đình Thể và một số tướng của Trịnh tử trận, Trấn thủ Phạm Ngô Cầu ra hàng.

2.1. Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ không đặt chân vào Đô thành Phú Xuân.

Lấy được Đô thành Phú Xuân nhưng Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ không vào thành mà trú tất ở một nơi khác trước khi tiến quân ra Bắc “Phò Lê diệt Trịnh”. Biết được việc này nhờ thông tin sau đây:

Năm 1792, Macartney được cử sang làm đại sứ của nước Anh tại Trung Quốc. Trong sứ đoàn, có John Barrow biết tiếng Trung Quốc làm quản gia. Trong chuyến du hành, vào những năm 1792-1793, sứ đoàn có ghé lại Đà Nẵng. Trong thời gian này, John Barrow khởi thảo cuốn A voyage to Cochinchina in the years 1792-1793 (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà trong các năm 1792-1793). Tại trang 251 của cuốn bút ký hiếm hoi này, John Barrow cho biết: “Long-niang had scarcely set foot in his capital Hué-foo, before he took occasion to quarrel with the king of Tung-quin” “Long-niang hầu như chưa đặt chân tới kinh đô của mình là Huế-phủ trước khi ông ta có cơ hội để gây sự với nhà vua Bắc Hà”[1].

H.2.1.A. John Barrow

H.2.1.B. A voyage to Cochinchina in the years 1792-1793

H.2.1.C. A voyage to Cochinchinain the years 1792-1793. tr.251

H.2.1.D. Sao y trích đoạn tại trang 251 “Long Nhương Nguyễn Huệ chưa đặt chân vào Huế phủ trước khi xua quân ra miền Bắc” trong sách A voyage to Cochinchina in the years 1792-1793.

Chúng ta có thể hiểu được lý do Nguyễn Huệ không vào Đô thành Phú Xuân trước khi ra Bắc “phò Lê diệt Trịnh” như sau:

- Thứ nhất: Hàng ngàn quan quân Trịnh vừa bị giết trong Đô thành Phú Xuân, xác chết chưa chôn hôi thối làm sao vào đó ở được ?

- Thứ hai: Qua nghiên cứu Kinh thành Huế, nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho biết Đô thành Phú Xuân được xây dựng trên một hòn đảo mà người phương Tây gọi là Vương đảo (ils royal) [2], Vương đảo được bao bọc bởi con sông Hương phía trước và sông Kim Long phía sau. Khai thác đặc điểm đó, hồi tháng 6-1786, Nguyễn Huệ đã cho thủy quân áp sát chân thành mặt trước và cả mặt sau, đợi thủy triều lên thì chỉa súng vào thành, diệt gọn đội quân mà chúa Trịnh đã đưa vào trấn giữ Phú Xuân từ năm 1774.

H.2.2. Đô thành Phú Xuân xây dựng trên Vương đảo. Trích lại của Phan Thuận An trong Phòng Thành Huế.

Nguyễn Huệ không muốn mình cũng sẽ bị thủy quân địch tấn công như ông đã tấn công quân Trịnh vừa qua. Có lẽ vì thế, ông không vào ở trong Đô thành Phú Xuân;

- Thứ ba: Quân đội Tây Sơn phần lớn là người Thượng du quen với cuộc sống ở núi rừng, sử dụng nhiều voi chiến, ra Bắc vào Phú Xuân đều dùng đường Thượng đạo cho nên Long Nhương Nguyễn Huệ phải sử dụng một nơi trú tất đã có sẵn trên gò núi cao vừa có thể quan sát được mọi động tĩnh ở Đô thành Phú Xuân bên kia sông, vừa thích hợp với đội quân của ông.

Vậy nơi trú tất có sẵn trên cao đó ở đâu?

2.2. Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ xây thành chung quanh dinh ông.

Sau khi hoàn thành sứ mệnh “phò Lê diệt Trịnh” ở Bắc Hà, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ kéo quân trở lại Phú Xuân đem theo bà vợ trẻ Công chúa Lê Ngọc Hân và nhiều của cải quý giá của Bắc Hà. Theo dõi tình hình ấy, trong một lá thư viết ngày 23-7-1788, tại Phú Xuân, giáo sĩ La Bartette cho biết:

Từ khi Tân vương (Nguyễn Huệ) về Phú Xuân, ông ấy bận phòng ngự: ông đã cho xây cất một bức tường cao 20 pi-ê (6,48m) chung quanh Dinh ông. Hình như ông gấp lắm, ông bắt mọi người làm việc sáng đêm không nghỉ. Người ta nói rằng ông cho đặt súng đại bác chung quanh. Người ta còn nói, ông sắp xây tường hai bên sông chảy qua Phú Xuân và đặt súng đại bác ở đó. Người ta tin rằng ông làm như vậy vì ông sợ thủy quân (địch). Chính tại thành này, ông đã cất số vàng bạc ông đã kiếm được ở Bắc Kỳ[3].

Thông tin trong lá thư của La Bartette “ông đã cho xây cất một bức tường cao 20 pi-ê (6,48m) chung quanh Dinh ông” chứng tỏ trước khi đưa quân ra Bắc Hà, Nguyễn Huệ đã có một dinh riêng (dinh này không sợ bị thủy quân của địch đe dọa) và là một dinh cũ mà ông đã chọn ngay khi ra đến Phú Xuân. Thông tin này cho phép chúng ta khẳng định Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đã có một dinh riêng.

2.3.Vua Quang Trung dựng đô ở Phú Xuân, cho “đắp thêm thành quách, mở  rộng cung điện”.

Ngày 22-12–1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại núi Bân, lấy niên hiệu là Quang Trung. Ngay sau đó, ông kéo quân ra Bắc giải phóng Thăng Long trong tay 29 vạn quân Thanh. Sau ngày đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung kéo quân trở lại Phú Xuân.

Bùi Dương Lịch (1757-1828) người Hà Tĩnh, thời Tây Sơn được mời vào Viện Sùng chính ở Phú Xuân, làm công việc Tu thư. Trong cuốn biên niên sử Lê Quý Dật Sử, Bùi Dương Lịch cho biết:  

  “Tháng 4 [Kỷ Dậu, 1789] Nguyễn Huệ thắng trận trở về, bèn định đô ở Phú Xuân, đắp thêm thành quách, mở rộng cung điện….[4].

 
H.2.3. Bùi Dương Lịch, Lê Quý Dật Sử, bd của Phạm Văn Thắm, Nxb KHXH, HN 1987, tr.90. Tài liệu dịch thuật của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Được mời vào Phú Xuân làm việc trong thời Quang Trung nhưng Bùi Dương Lịch không thích nhà Tây Sơn. Tuy vậy, ông vẫn viết một cách trung thực về người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung: Quân lệnh của Tây Sơn rất nghiêm ngặt, không ai được tơ hào một tí gì của dân.

Vua Quang Trung bắt tay vào công việc xây dựng lại đất nước, sắp xếp lại hàng ngũ quan lại, đổi mới các chế độ luật lệ, định rõ ngạch thuế ruộng công ruộng tư, gặp năm đói kém, nhà vua ban chiếu đại xá tô ruộng, chú trọng nhân tài như việc vời La Sơn phu tử ra giúp việc...

2.4. Kinh đô Phú Xuân của nước Đại Việt thời Quang Trung.

Theo Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử của Đỗ Đức Hùng và Nguyễn Đức Nhuệ, Trần Thị Vinh, Trương Thị Yến, thời đại Quang Trung ở Kinh đô Phú Xuân đã để lại một số sự kiện lịch sử rất có ý nghĩa sau đây:

Tháng 5 (Kỷ Dậu 1789) vua Quang Trung ban chiếu “Khuyến nông” kêu gọi nhân dân cấp thiết khẩn hoang nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp trên vùng đất bỏ hoang và buộc các dân lưu tán phải trở về với bản quán. Ban hành chiếu “Lập học”. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, trường học được mở xuống tận xã. Nhân dân được phép mượn các đền, phủ, chùa của phủ huyện làm trường học [5].

Quang Trung cho cháu là Nguyễn Quang Hiển cùng sứ đoàn mang biểu văn sang nhà Thanh cầu phong. Nhà Thanh tiếp đón trọng thể [6].

H.2.4. Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển cận tứ yến chi đồ

Tháng 7 (Kỷ Dậu 1789), vua Quang Trung vẫn giữ ý định dời đô ra Nghệ An nên đặt tên trấn Nghệ An là Trung đô. Ông cho xây dựng thành ở dưới chân núi Dũng Quyết gọi là Phượng Hoàng Trung đô và đặt nhiều kho tàng ở đó. Mùa thu, nhà Thanh cho viên hậu bổ Quảng Tây là Thành Lâm sang Thăng Long phong Quang Trung làm An Nam quốc vương. Trong việc tuyên phong này, nhà Thanh đã phải nhiều lần nhượng bộ với triều Tây Sơn [7].

Tháng 6 (Canh Tuất, 1790) - Quang Trung năm thứ hai, vua Quang Trung quyết định đánh Vạn Tượng để phá âm mưu liên kết giữa bọn chống đối trong nước và nước ngoài [8].

Tháng 8 (Canh Tuất 1790), Quang Trung đòi nhà Thanh trả lại 6 châu thuộc Hưng Hóa bị nhà Thanh xâm chiếm. Nhà Thanh lấy cớ cương giới đã được xác định nên không trả lại. Vua Quang Trung quyết tâm củng cố quân đội và thực lực nước nhà để đòi lại  bằng được những vùng đã mất [9].

Quang Trung yêu cầu nhà Thanh mở cửa ải Bình Nhi và Thủy Khâu cho thương nhân sang buôn bán ở phố Mục Mã (Cao Bằng) và cửa ải Du Thôn cho thương nhân sang phố Kỳ Lừa (Lạng Sơn) [10].

Vua Quang Trung củng cố chính quyền từ trung ương đến địa phương, thay đổi lại những khu vực hành chính, phân cho các con giữ các khu vực trọng yếu. Con trưởng là Quang Toản được lập làm Thái tử. Các con khác như Quang Thùy, Quang Bàn đều giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền [11]. Lấy chùa Thiền Lâm làm dinh cho Bùi Đắc Tuyên và nhiều tài liệu cũng cho biết thời ấy, chùa Báo Quốc được sử dụng làm “kho chứa diêm tiêu” (thuốc súng) [12] và chùa Thiên Mụ làm Đàn Tế đất [13].

Tóm lại, Nguyễn Huệ không ở trong Đô thành, không xem trọng Đô thành Phú Xuân, vì từ lúc chưa lên ngôi, Nguyễn Huệ đã có quyết định dời Kinh đô ra Nghệ An [14]. Trong khi chờ đợi ra Nghệ An, ông cho “đắp thêm thành quách, mở rộng cung điện” cho tương xứng với vị thế một vị hoàng đế vừa đại thắng 29 vạn quân Thanh. Bùi Dương Lịch đã mách cho ta biết vua Quang Trung đã có một Hoàng thành riêng. Hoàng thành đó ở đâu?

Đọc thêm

Phụ Lục 2

Nguyễn Huệ giải phóng Phú Xuân trong tay ba vạn  quân Trịnh

qua “Lịch Triều Tạp Kỷ” của Ngô Cao Lãng

[ Đọc tiếp Phủ Dương Xuân - tiền thân của Cung điện Đan Dương: Chương III - Vua Quang Trung qua đời lăng mộ táng gần chùa Thiền Lâm]

 


[1] Nguyễn Thừa Hỷ (dịch), Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793), Nxb Thế Giới HN.2008, tr.26.

[2] Phan Thuận An, Phòng Thành Huế của Triều Nguyễn, Tiểu luận Cao học sử, SG 1972.

[3] Trích lại của Đặng Phương Nghi, Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ, T/s Sử  Địa, số  9-10, Đặc khảo về Quang Trung, số đặc biệt Xuân Mậu Thân/1968, tr.235.

[4] Bùi Dương Lịch, Lê Quý Dật Sử, bd của Phạm Văn Thắm, Tài liệu dịch thuật của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb KHXH, HN 1987, tr.90.

[5] Việt Nam những sự kiện Lịch sử (từ khởi thủy đến 1858), NXB Giáo dục, HN, 2001, tr.369.

[6] Như  [5], tr.370.

[7] Như [5], tr. 370.

[8] Như [5], tr.371.

[9] Như  [5], tr.372.

[10] Như [5], tr.372.

[11] Như [5], tr.372.

[12] Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ, Tập Thượng, Nha Văn hóa Bộ QGGD, SG, 1961 tr.86.

[13] Phan Huy Ích, Thăm nền cũ chùa Thiên Mụ, Thơ văn Phan Huy Ích tập II, Dụ Am Ngâm Lục, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1978, tr. 116.

[14] Bùi Dương Lịch “Trước đây Tây Sơn cho Nghệ An là nơi trung tâm đất nước , nên xây dựng làm Trung Kinh , đặt tên là thành Phượng Hoàng, đến khi ấy (khi đã lên ngôi), truyền lịnh xây dựng cung điện ở Vinh Đô (Thuộc xã An Trường)”,  Sdd tr.90…

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia