Phủ Dương Xuân - tiền thân của Cung điện Đan Dương: Chương I - Các kiến trúc ở Đô thành Phú Xuân cuối đời các chúa Nguyễn

Sau khi lên ngôi vương, chúa Nguyễn Phúc Khoát/Hoạt đổi Chính Dinh ở Phú Xuân thành Đô thành Phú Xuân. Đô thành Phú Xuân tọa lạc trên hòn đảo bao bọc bởi phía bắc là sông Kim Long, phía nam là sông Hương mà người phương Tây gọi là Vương đảo (Ile Royale) .

Người mở nước về phương Nam lập ra xứ Đàng Trong là chúa Nguyễn Hoàng (1558 - 1613). Trấn Phủ đầu tiên đặt ở làng Ái Tử (1558 - 1570), sau đó dời qua Trà Bát (1570 - 1600) và cuối cùng ở Dinh Cát (1600 - 1626). Ba địa điểm trên đều thuộc tỉnh Quảng Trị. Đến đời chúa thứ hai là Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635), dời Trấn Phủ vào Thuận Hóa ở làng Phước Yên (1626 - 1636). Đến đời chúa thứ ba là Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648) dời vào Kim Long (1636 - 1687) bên bờ Bắc sông Hương. Đến đời thứ tư là Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) thủ phủ của xứ Đàng Trong vẫn đóng ở Kim Long. Năm 1680, để tránh lũ lụt, Nguyễn Phúc Tần đã cho xây dựng một Vương phủ trên gò Dương Xuân ở bờ Nam sông Hương, lấy tên là Phủ Dương Xuân. Đến đời chúa thứ năm là Nguyễn Phúc Trăn/Thái (1687 - 1691), dời thủ phủ ở làng Phú Xuân (phường Thuận Hòa ở phía tây cửa Ngọ Môn ngày nay), vào năm 1687. Đến đời chúa thứ sáu là Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) lại dời thủ phủ ra làng Bác Vọng (huyện Quảng Điền) (1712 - 1738). Thủ phủ của chúa thứ bảy là Nguyễn Phúc Chú (1725 - 1738) vẫn ở Bác Vọng.

Thủ phủ ở Bác Vọng địa thế không đẹp, hay bị hỏa hoạn. Chúa thứ tám Nguyễn Phúc Khoát/Hoạt (1738 - 1765) vừa nối nghiệp đã sai xây dựng Phủ mới ở phía trái phủ cũ tại Phú Xuân (phía đông cửa Ngọ Môn khu vực Tam Tòa, bên trong cửa Thượng Tứ ngày nay). Ở giữa là Chính Dinh quay mặt về Nam, ở trên là Phủ thờ Kim Long (khu vực chợ Kim Long ngày nay), ở dưới là Phủ Ao (Ao Hồ ở đường Mạc Đỉnh Chi, Gia Hội ngày nay). Có hai điện Kim Hoa, Quang Hoa, có các nhà Tựu Lạc, Chính Quang, Trung Hoà, Di Nhiên, có đài Sướng Xuân, gác Dao Trì, gác Triêu Dương, gác Quang Thiên, đình Thuỵ Vân, hiên Đồng Lạc, am Nội Viện, đình Giáng Hương. Ngoài ra còn có Trường học và Trường súng. Ở bờ nam sông Hương, có Phủ Cam và phủ Dương Xuân, lên phía trên nữa còn có điện Trường Lạc, phủ Tập Tượng, hiên Duyệt Võ mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ. Ở thượng lưu, hạ lưu phía trước Chính Dinh chợ phố liền nhau, đường cái đi ở giữa, nhà cửa chia khoảng cách nhau, đều  lợp ngói. Dưới sông thuyền buôn bán đi lại như mắc cửi. Thật là một nơi đô hội chưa từng có ở phương Nam[1]. Ngoài các kiến trúc trong Đô thành và Phủ Dương Xuân được xây dựng lại nguy nga tráng lệ, chúa Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát cho trùng tu chùa Thiền Lâm và chùa Kim Tiên rất đặc biệt.

Sau khi lên ngôi vương, chúa Nguyễn Phúc Khoát/Hoạt đổi Chính Dinh ở Phú Xuân thành Đô thành Phú Xuân. Đô thành Phú Xuân tọa lạc trên hòn đảo bao bọc bởi phía bắc là sông Kim Long, phía nam là sông Hương mà người phương Tây gọi là Vương đảo (Ile Royale) .

H.1.1. Đô thành Phú Xuân xây dựng trên Vương đảo. Trích lại của Phan Thuận An trong Phòng Thành Huế.

Cố đạo Jean Koffler sinh năm 1711 ở Pra-ha, ông đến Nam Hà vào năm 1740 và được chúa Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát mời làm ngự y trong cung Nguyễn và rất được tin dùng. Sau đó vì chủ trương không dùng người phương Tây của chúa Nguyễn, nên Jean Koffler bị buộc phải rời Phú Xuân vào năm 1755. Ông sang Bồ Đào Nha. Gặp phải lúc thủ tướng Pombal không ưa Dòng Tên nên ông bị giam vào ngục. Trong cảnh tù tội, Jean Koffler viết cuốn Nam bộ sử chí (Description historique de la Cochinchine). Trong cuốn sử chí quan trọng này, J.Koffler dành nhiều trang viết về Dinh phủ thời Võ Vương Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát như sau:

Dinh chúa xếp theo hình chữ khẩu, tường bọc ba lớp. Có bảy cửa chính để đi vào: cửa đẹp hơn cả hướng ra sông Hương làm thành mặt tiền cho cả toà, phía trên có vọng gác (...) [2] .

H.1.2. Cổng thành Phú Xuân thời Nguyễn sơ. Trích lại của PVS.

[…] Ngoài chỗ ở ấy của chúa, còn có 3 cung điện khác nữa.[...] Cung điện thứ nhì dùng làm cung điện Mùa đông của chúa dựng lên ở bên kia sông” (outre cette demeure royale (c’est-à-dire le grand palais), il y a encore trois autre palais... Le second, qui sert au roi de résidence d’hiver, est construit sur la rive opposée du fleuve [3].

Năm 1774, quân Trịnh từ Thăng Long vào đánh chiếm Phú Xuân trong tay ông chúa thứ chín là Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1777), Chúa và gia đình phải chạy vào miền Nam. Năm 1776, Lê Qúy Đôn nhận chức Tham-thị quân-vụ, đồng thời được lãnh chức Hiệp-trấn [tức Thuận-hóa trấn]. Ông đã phản ánh tình hình các kiến trúc ở Thuận Hóa – Phú Xuân đã bị quân Trịnh vi phạm trong hai năm trước như sau:

Dinh Phú-Xuân của họ Nguyễn có nhà quan và nhà lính tới mấy vạn nhà. Từ tháng giêng năm ất mùi, quan quân đóng đồn, tướng sĩ và binh lính theo làm việc có hơn 3 vạn người, mặc ỷ đi lấy củi, lâu ngày phá rỡ, dân gian nhân đó mà lấy trộm cũng không ngăn cấm, mấy năm đốt cháy, không những gỗ kiền kiền, gỗ sao, đến cả gỗ trắc và gỗ giáng hương chứa đầy một gian để làm củi. Mùa xuân năm bính thân mở trường đúc tiền, lại lấy để làm than. Lập dinh trấn thủ, lại lấy để làm phòng ốc cho các cơ đội các quân, dùng hãy còn thừa. Đến tháng 5 mới sai các quân đi lấy củi ở núi Hòn-chén, cấm không được gỡ nhà quan cũ nữa. Nhưng trường tiền đốt than một lần đã dỡ đến bốn năm chục gian chưa thôi. Ngói đá gạch chum thì kể có hàng vạn, không thể tính xiết[4].

Những vi phạm của quân Trịnh đối với nhà quan, nhà dân và trại lính rất nặng nề. Nhưng những kiến trúc thuộc vương phủ của các chúa Nguyễn thì vẫn còn giữ được. Viết Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn đã hết lời ca ngợi cảnh quan kiến trúc Đô thành Phú Xuân lúc bấy giờ:

Ở về mạn thượng-lưu bờ nam-ngạn, có phủ Dương-xuân, phủ Cam. Đi lên phía trên nữa, có phủ Tập-tượng là nơi để dành luyện-tập voi. Người ta lại còn xây-dựng điện Trường-lạc, hiên Duyệt-võ, đâu đâu cũng đều là nhà lớn nguy nga, đài cao rực-rỡ.

Vòng quanh bức tường thành và các nhà tả-vu, hữu-vu, đều có cửa trong, cửa ngoài thông ra bốn phía.

Các điện đài đều được tô sơn, khắc chữ, vẽ tranh trang-sức huy-hoàng. Nhân-công đến như thế thật là cùng-cực.

Các ngôi nhà đều có nền-móng bằng-phẳng, đều được lát gạch và lát đá cả” [5].

H.1.3. Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, Q.II, tr.73a

Cùng thời với Lê Quý Đôn có Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh 阮 輝 烱 (1734-1785) Giám sát ngự sử Sơn Nam (1773), Kiêm lý lương hướng phương Nam (1774), đi kinh lý xứ Thuận Quảng rồi viết cuốn QUẢNG THUẬN ĐẠO TẬP SỬ. Đặc biệt trong cuốn sách này, tác giả có vẽ sơ đồ Phú Xuân Trấn. Phú Xuân Trấn (tức là Đô thành Phú Xuân xây dựng thời Nguyễn Phúc Khoát/Hoạt) có 4 cửa Đông Tây Nam Bắc. (J.Koffler viết có 7 cửa, không biết ai đúng ?). Bên trong có nhiều lầu các, bên ngoài có chợ Phú Xuân, phía Tây có phủ Kim Long, chùa Thiên Mụ, bên đông khu khách trú .v.v. bên kia sông ở phía Nam là xã Dương Xuân.

H.1.4. Sơ đồ Phú Xuân Trấn trích trong sách Quảng Thuận Đạo Tập Sử [Nguồn Viện Hán Nôm số VHv.1375].

Cho đến cuối đời các chúa Nguyễn, lãnh thổ xứ Đàng Trong đã mở xuống tận mũi Cà mau. Đô thành Phú Xuân được nhân tài vật lực của xứ Đàng Trong xây dựng nên to lớn, sang trọng, nguy nga chưa từng có ở Thuận Hóa Phú Xuân. Suốt 12 năm chiếm đóng của quân Trịnh (1774 - 1786), chúng đã phá dỡ làm củi đốt nhiều kiến trúc gỗ của quân dân Thuận Hóa Phú Xuân. May mắn là Hiệp trấn Lê Quý Đôn đã kịp thời ngăn chặn, nên các kiến trúc – đặc biệt là các kiến trúc của Dinh phủ các đời chúa Nguyễn, còn tương đối nguyên vẹn. Mùa hè năm 1786, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ giải phóng Phú Xuân trong tay quân Trịnh, ông đã làm chủ được cơ nghiệp chưa từng có ở xứ Đàng Trong này.

 

Đọc thêm

Phụ lục 1

Lê Nguyễn - Jean Koffler, người y sĩ Phương Tây đầu tiên ở phủ chúa Nguyễn

[Đọc tiếp Phủ Dương Xuân - tiền thân của Cung điện Đan Dương: Chương II - Cung điện của vua Quang Trung ở Kinh đô Phú Xuân]

 


[1] Nguyễn Đắc Xuân, Chín đời chúa – Mười ba đời vua Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế 2015, tr. 50-5.

[2] Trích lại của H. Le BRIS, Les Canons-Génies du Palais de Hué,  BAVH,  Năm thứ 2, số 2,  Avril-Juin 1914, tr.102.

[3] L. Cadière, Les Quartier des Arènes, II- Souvenirs des Nguyễn, BAVH, năm thứ 12, số 3, Juillet-Septembre 1925, tr.136-137. 

[4] Lê Quý Đôn (Bản dịch của Viện Sử học), Phủ Biên Tạp Lục, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977, tr.320-321.

[5] Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục,  Bản gốc chữ Hán, Q.II, tr.73a, bản dịch của Lê Xuân Giáo, Phủ QVK, SG1972, tr. 191).

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia