Kết luận đó đã được TS Đỗ Bang ghi lại trong sách “Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung” ra đời trên 30 năm. Nếu tính luôn thời gian tôi đi sưu tầm tư liệu, khảo sát thực địa, nghiên cứu để viết bài với lời kết luận được dẫn trên tôi phải tốn thêm ít nhất vài ba năm nữa. Khi viết ý kiến “Phải tiếp tục đi tìm” tôi không ngờ hành trình đi tìm kéo dài đến một phần ba thế kỷ.
Phóng ảnh trang sách “Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung” của Đỗ Bang viết về hướng đi tìm lăng mộ vua Quang Trung ở Cung điện Đan Dương, Nxb Thuận Hóa, 1988, tr.135-136.
Trong một phần ba thế kỷ ấy, đã có hàng trăm bài báo hoan nghênh và phản biện công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương là sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ở ấp Bình An, phường Trường An, thành phố Huế của tôi. Đề tài nghiên cứu được trình bày trong nhiều hội thảo khoa học ở Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, thuyết trình nhiều nơi, đăng trên hàng chục trang báo trong và ngoài nước. Đặc biệt công trình đã in thành sách ba lần:
1. Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung, Viện Sử học Việt Nam, Hà Nội 1992;
2. Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa. Huế 2007;
3. Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa cùng với AlphaBooks tái bản 2015.
Công trình được các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa hoan nghênh như học giả Hoàng Xuân Hãn (Paris), GS Lê Thành Khôi (Paris), GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội KH Lịch sử VN), GS Trần Quốc Vượng (GĐ Trung tâm Nghiên cứu VN), ông Nguyễn Khoa Điềm (Nguyên Bộ trưởng bộ Văn hóa và Thông tin, CHXHCNVN), nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng thư kí Hội KH Lịch sử VN), Đỗ Bang (Phó chủ tịch Hội KH Lịch sử VN, Chủ tịch Hội KH Lịch sử TTH), TS Đinh Khắc Thuân (Viện Hán nôm), Nhà sử học Trần Anh Tuấn (Hoa Kỳ), GS.TS Mai Quốc Liên (GĐ Trung tâm Nghiên cứu Quốc học), TS Phan Văn Hoàng (Tổng thư kí Hội KH Lịch sử TP HCM), TS Nguyễn Nhã (Chủ nhiệm tập san Sử và Địa, Sài gòn cũ), TS Hồ Huệ Tâm (ĐH Harvard, Hoa Kỳ), GS Georges Dutton (UCLA, Hoa Kỳ) ..v.v. Công trình cũng đã được gởi đến Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Phủ Thủ tướng, ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và lãnh đạo Thành phố Huế từ hơn mười năm nay. Nhận được công trình, tất cả tổ chức và cá nhân đều có hồi âm cám ơn và hứa sẽ quan tâm thúc đẩy tổ chức thẩm định giá trị khoa học và đưa vào nghiên cứu khai thác.
Thế nhưng, cho mãi đến cuối năm 2015 - với sự tài trợ của Công ty Du lịch Quốc tế Vietravel, tỉnh Thừa Thiên Huế mới tổ chức được một hội thảo khoa học Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế (ngày 30-10-2015). GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, chủ trì hội thảo và đã kết luận: Có Cung điện Đan Dương và có cả lăng Đan Dương trong khu vực chùa Thiền Lâm – chùa Vạn Phước thuộc phường Trường An TP Huế ngày nay. Cụ thể như thế nào còn chờ khai quật khảo cổ học trên gò Dương Xuân. Giáo sư khuyến nghị “Không nên chờ nghiên cứu xong rồi mới khai thác, nghiên cứu tới đâu nên khai thác phát huy tới đó”. Kết luận của GS Phan Huy Lê đã đăng trên Huế Xưa và Nay của Hội KHLS TTH (số 132, tháng 11-12/2015, tr.9-16) và trên tập san Văn hóa Huế của Sở VHTT& DL Thừa Thiên Huế, số Xuân Bính Thân, tr.49 đến tr.53). Để tiếp tục nghiên cứu cho đến kết quả cuối cùng, Hội KHLS VN đã gởi công văn số 22 ký ngày 15-4-2016 đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế điều tra khai quật Khu di tích Dương Xuân tại Huế. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận và giao cho Sở VHTT& DL Thừa Thiên Huế thực hiện sự việc này.
Sau nhiều năm chờ đợi, thử thách, trải nghiệm, tôi rút ra được điều này: Công trình nghiên cứu của tôi phối hợp giữa nhiều ngành khoa học, vận dụng nhiều kiến thức xã hội, mày mò chứng minh dài dòng, đi từ “không đến có”, độc giả nào kiên nhẫn, tận tụy lắm mới đọc hết để hiểu được. Nếu sau này công trình được công nhận chính thức, thì đa phần độc giả cũng chỉ nhận cái kết quả chứ không hy vọng có nhiều người chịu đọc lại công trình để biết con đường gian khổ tôi đã trải qua.
Tôi soạn cuốn sách toát yếu này trong hoàn cảnh sắp bước vào tuổi 80. Có thể xem đây là cuốn sách cuối cùng cho công trình Cung điện Đan Dương của tôi. Vì thế, ngoài phần nghiên cứu chính, tôi sưu tập, giữ lại tất cả phóng ảnh bản gốc các tài liệu, hình ảnh tham khảo, các ý kiến đồng tình và các bài phản biện, các bài viết về lăng mộ vua Quang Trung đã xuất hiện trước, trong và sau công trình Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ra đời. Ngoài công trình nghiên cứu, còn có những bài trả lời phỏng vấn giải đáp tất cả những thắc mắc có liên quan. Qua đây, tôi cũng trình bày những vấn đề tôi đã nghĩ đến mà chưa thực hiện được, những vấn đề tôi thấy qua khả năng của mình, những hạn chế của một người nghiên cứu lịch sử mà không ở trong bất cứ một tổ chức cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội nào của nhà nước.
Kính mong được các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm.
Huế, 16 tháng 7 năm 2016
Nguyễn Đắc Xuân
[Đọc tiếp Phủ Dương Xuân - tiền thân của Cung điện Đan Dương: Chương I - Các kiến trúc ở Đô thành Phú Xuân cuối đời các chúa Nguyễn]