ĐẶT VẤN ĐỀ:
Theo bản đồ Huế 1910 (Dressé, héliogravé et publié par le Seroice Géographique de l’Indochine, tỷ lệ 1: 25000) Dương Xuân Thượng và Dương Xuân Hạ tọa lạc nơi có địa hình cao: Giốc ông Đông cao 40,7m; Cây Gia mụ Tô cao 43,9m so với mực nước biển (khu vực Bãng Bộ/Thành Lồi thuộc Dương Xuân Hạ, cao 22,9m). Địa bàn Dương Xuân Thượng và Dương Xuân Hạ có diện tích gần bằng Đại Nội: phía Bắc sát sông Hương là Dương Xuân Hạ (Sơn Điền, Kinh Nhơn, Dương Hoà, Tiên Tỉnh); phía Nam là Dương Xuân Thượng (Trâm Bái, Cử Sĩ, Bảo Chánh, khu vực lăng vua Tự Đức), phía Tây giáp Nguyệt Biều (Trường Sơn); phía Đông giáp Phú Xuân (Trường Giang, Trường Cải).
Khu vực gò Dương Xuân hiện nay là khu dân cư ấp Bình An, phường Trường An, tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Những tư liệu lịch sử và một số nghiên cứu cho rằng, tại đây năm 1691 chúa Nguyễn Phúc Chu từng cho xây dựng Phủ Dương Xuân. Phủ này còn được đầu tư xây lớn thêm vào năm 1740, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đến khoảng 1789, vua Quang Trung cho dựng điện Đan Dương...
Khu vực gò Dương Xuân hiện còn có các di tích như: Chùa Vạn Phước, chùa Thiền Lâm, bia mộ tổ đời thứ hai chùa Thiền Lâm, cồn Bông Sứ, hồ bán nguyệt, giếng nước (giếng loạn), bia đá, thanh đá, chân tảng đá, gạch, ngói, mảnh sành sứ dưới lòng đất tại chùa Thiền Lâm, sân, vườn nhà ông Nguyễn Hữu Oánh…
Ngày 30/10/2015, tại Hội thảo khoa học về “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh và Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) tổ chức, kết luận của Đoàn Chủ tịch Hội thảo cho rằng:“Cần có thêm những tư liệu về sử học, khảo cổ học, văn bản học… về thời kỳTây Sơn, liên quan đến vấn đề cung điện, lăng mộ vua Quang Trung…nhằm phát hiện, nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ những giá trị lịch sử- văn hóa của dân tộc”
Theo đề nghị cúa sở VH&TT Thừa Thiên Huế và Viện Khảo cổ học, ngày 04 tháng 7 năm 2016 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Văn bản số 3804/UBND-VH về việc thăm dò, thám sát khảo cổ học tại gò Dương Xuân
Ngày 19/9/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấpQuyết định số 3291/QĐ-BVHTTDL, cho phép Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, với mục tiêu: “Nhằm nghiên cứu, tìm hiểu về giai đoạn lịch sử Tây Sơn-Nguyễn Huệ, từ đó góp phần bảo vệ di sản văn hoá dân tộc. Đồng thời thu thập các tư liệu, hiện vật có nguồn gốc từ di tích này phục vụ cho việc phát huy giá trị, lập hồ sơ trình Bộ VH-TT và DL nếu đủ điều kiện và tiến hành tổ chức khai quật khảo cổ học trong những năm tiếp theo.”
Thực hiện Quyết địnhcủa Bộ VHTT&DL và chỉ đạo của UBND tỉnh,từ ngày 7/10/2016 đến ngày 20/10/2016, đoàn khai quật gồm nhiều tổ chức và cá nhân: Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Đại học hoa học Huế,Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân... Đoàn đã mở 05 hố thám sát khảo cổ học tại gò Dương Xuân, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
II. KẾT QUẢ THĂM DÒ KHẢO CỔ HỌC THÁNG 10/2016:
Hố thăm dò số 1 (ký hiệu 2016.GDX.H1):
- Được mở ở khu vực cao nhất thuộc sân vườn sau chùa Vạn Phước, có hình vuông, diện tích 4m2 (2m x 2m). Tọa độ: 160 27’ 07.4” vĩ độ Bắc - 1070 34’ 39.7” kinh độ Đông. Do hạn chế địa hình, hố nằm lệch Bắc 17 độ.
- Địa tầng:(trong báo cáo sơ bộ); Hiện vật: gồm09 mảnh gốm sứ ngay ở lớp Mặt và 13 mảnh ở lớp Một, duy nhất có 01 mảnh miệng đồ gốm có đường kính miệng Φ 13cm. Hầu hết là các mảnh vỡ đồ sứ.
Hố thăm dò số 2 (ký hiệu 2016GDX.H2):
- Hố được mở ở phía trước (bên trái) cổng chính vào chùa Vạn Phước, có hình chữ nhật, ban đầu có kích thước 1,5m x 3m; sau được mở rộng về phía Đông thêm 0,5m. Tọa độ: 16027’05,3’’vĩ độ Bắc -107034’40,4’’kinh độ Đông. Bám theo tường cổng chùa Van Phước, hố lệch Bắc 05 độ.
Địa tầng: (trong báo cáo sơ bộ); Hiện vật: Phần lớn là gốm sứ, gạch ngói. Thu được duy nhất 01 đĩa sứ còn nguyên vẹn, còn hầu hết là mảnh vỡ. Gạch vỡ đến mức chỉ đo được bề dầy, chỉ có 07 viên đo được kích thước chiều rộng.
Hố thăm dò số 3 (ký hiệu 2016GDX.H3):
- Hố được mở ở gần vị trí đã thám sát ngày17/12/1988; trong sân nhà ông Nguyễn Hữu Oánh, thuộc tổ 5, khu vực 2, phường Trường An. Tọa độ: N: 16°27’04.3” vĩ độ Bắc - 107°34’42.8” kinh độ Đông. Ban đầu hố có kích thước 1,5m x 2m; sau được mở rộng 0,5m về phía Tây. Hố mở gần chính Bắc, lệch 05 độ.
- Địa tầng:(trong báo cáo sơ bộ); Hiện vật: Trong lớp Một và lớp Hai có thu được một số hiện vật gốm sứ, gạch ngói vỡ. Số lượng hiện vật không nhiều. Cụ thể được thể hiện trong 2 bảng thống kê dưới đây:
Hố thăm dò số 4 (ký hiệu 2016.GDX.H4)
- Hố được mở ở sân trước chánh điện chùa Thiền Lâm. Tọa độ: 16026’09” vĩ độ Bắc; 107034’57.2” kinh độ Đông. Kích thước: 2m x 6m. Hố mở lệch Bắc 10 độ.
- Diễn biến địa tầng: (trong báo cáo sơ bộ)
- Hiện vật:(trong báo cáo sơ bộ)
Hố thăm dò số 5: (ký hiệu 2016.GDX.H5)
Trên thực tế là hai hố thăm dò 5a và 5b. Hố 5a được mở ở sân nhà ôngThông, ban đầu hố có hình thước thợ, sau mở rộng thành hình vuông 3m x 3m; Hố 5b được mở ở sân nhà bà Rô.Cách hố 5a khoảng 2,5m về phía Đông Bắc. Ban đầu có diện tích 1m x 1,5m; sau được mở rộng về phía Bắc 0,5m.Tọa độ hố 5a: 160 27’ 07.1” vĩ độ Bắc - 1070 34’ 43.6” kinh độ Đông. Cả hai hố đều lệch Bắc 20 độ.
- Địa tầng:(trong báo cáo sơ bộ) Các tảng đá này có hình dáng tự nhiên, không được gia công tạo hình vuông vắn nên kích thước cũng không đồng đều. Có thể phân làm 2 loại: loại Nhỏ thuộc hàng trên, có kích thước trung bình: Dài 15-17cm - rộng 10-15cm - dày 05-07cm; loại Lớn (xếp dưới) có kích thước trung bình: Dài 30-40cm, rộng 20-55cm - dày 10-15cm.Sau khi làm rõ, xác định nền đá xếp chiếm gần hết diện tích hố thăm dò, có kích thước 2,30m x 2,60m. Tuy nhiên, cách vách phía Đông khoảng 0,40m nền đá xếp bị một vết đất đen cắt chéo theo hướng Đông Bắc-Tây Nam. Xử lý vệt đất đen xác định đây là hố rác hiện đại, đào sâu đến tận -1,15m.Xuống độ sâu -70cm thì thấy rõ các viên hàng dưới cùng được xếp trực tiếp lên nền đất màu vàng có nhiều đá sạn nhỏ. Mảng đá xếp lan từ vách hố phía Đông ra gần hết hố (còn cách vách phía Tây 35-40cm). Cạnh phía Bắc và phía Tây của nền đá xếp này khá phẳng/thẳng. Phía Nam và phía Tây có dấu hiệu còn tiếp tục chạy dài ra ngoài hố thăm dò.
Vì vậy, đoàn khai quật quyết định mở thêm một hố 1m x 1,5m ở bên kia đường xóm, trong sân nhà bà…Rô. Mục đích để tìm hiểu chiều rộng của mảng đá xếp. Chỉ ở độ sâu khoảng -10cm đã phát lộ những viên đá tương tự như ở hố 5a. Nền đá xếp này dài 120cm, rộng 45cm và ăn sâu xuống đến -45cm, cũng gồm nhiều lớp chồng lên nhau không có chất liên kết và cũng được xếp trực tiếp lên nền đất tự nhiên màu vàng có nhiều đá sạn nhỏ. Cạnh phía Bắc và phía Đông của mảng đá xếp này phẳng/thẳng và có hướng song song với cạnh phía Tây của nền đá xếp ở hố 5a.
Góc hố Đông Nam xuất hiện vùng đất sẫm, tơi xốp, lan gần đến nửa hố thăm dò. Ở độ sâu-80cm thu được một đĩa sứ còn khá nguyên vẹn.
III. NHẬN XÉT SƠ BỘ VÀ KIẾN NGHỊ
III.1 NHẬN XÉT:
Căn cứ vào tư liệu hiện trường (di tích và di vật) các hố thăm dò tháng 10 năm 2016, tại địa điểm gò Dương Xuân, bước đầu chúng tôi có những nhận xét:
- Diện phân bố: Toàn bộ địa điểm gò Dương Xuân thuộc ấp Bình An, tọa lạc trên gò cao có đỉnh là chùa Vạn Phước, thoài dần xuống xung quanh, phía Bắc chùa Tịnh Độ, chùa Từ Đàm; Phía Đông chùa Thiền Lâm thoải dân xuống đường Điện Biên Phủ; Phía Nam là nghĩa địa (cồn Bông Sứ), chùa Diệu Đức; Phía Tây là khu giếng nước, khe mước đã cạn. Trên tổng diện tích khoảng 10.000m2 (100m x 100m).
- Các di tích:
+ Mộ táng: Tại H2 đã phát hiện 3 cụm di tích (F1, F2, F3) có thể liên quan đến mộ hỏa táng? Hố thăm dò số 4 xuất lộ chum sành vỡ góc Tây - Nam, bên ngoài có đường biên hố có khả năng của ngôi mộ đất có quan tài là chum sành bị vỡ?
+ Nền/móng cát, sỏi:Trong hố thăm dò 4 đã phát hiện cụmcát vàng, tơi xốp, lẫn sỏi nhỏ, dày từ 05-07cm, rất khó để có thể nói về công năng của lớp cát này. Theo bác chủ nhà Nguyễn Hữu Oánh thì khi làm nhà, làm vườn… bác có gặp lớp cát này ở nhiều nơi khác, ở độ sâu tương tự. Mảng/nền cát sỏi này có thể liên quan nền/móng của kiến trúc hoặc lớp rải tạo mặt bằng kê chân đá tảng/táng, là chân côt trong kiến trúc.
+ Kiến trúc đá H5 chiều rộng trên 5,50m theo chiều Đông - Tây, dày 0,6- 0,65m, các lớp đá còn lại được xếp chỗ 2 lớp, chỗ 3 lớp đá, mỗi viên đá có kích thước trung bình (35cm dài, 25cm rộng và 22cm dày). Đã tìm thấy hai điểm bắt góc phía Tây và phía Đông, hiện tượng dật cấp của kiến trúc đá 10cm. Chiều dài theo hướng Bắc - Nam, chưa thể xác định còn kéo dài về hướng Nam, phía chùa Thiền Lâm. Từ quy mô bước đầu nhận định, lớp đá hố 5a và 5b có thể liên quan đến kiến trúc lớn, rất có thể là móng tường, móng thành phần trên đã bị các hoạt đông của cư dân hiện đại xâm lấn.
- Về niên đại: Dựa vào tổng thể di tích, tư liệu địa tầng, các mảnh sứ có ghi niên đại, các mảnh sành, gạch ngói... bước đầu có thể đoán định niên đại di tích gò Dương Xuân tập trung từ Thế kỷ XVII đến Thế kỷ XIX kéo dài đến đầu Thế kỷ XX. Chúng ta chờ sự hỗ trợ của phân tích niên đại 14C.
- Những giá trị lịch sử - văn hóa: Đợt thăm dò địa điểm gò Dương Xuân tháng 10/2016, đã cấp thêm những những tư liệu về khảo cổ học, sử học, văn bản học… về thời kỳ Tây Sơn, liên quan đến những vấn đề thành quách, cung điện,…nhằm phát hiện, nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị lịch sử- văn hóa của dân tộc, góp thêm chứng cứ khoa học phục vụ cho lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép tổ chức thăm dò, khai quật khảo cổ học trong thời gian tới.
III. 2 KIẾN NGHỊ
Trong thời gian ngắn, diện tích thăm dò nhỏ so với diện phân bố cuả toàn bộ di tích gò Dương Xuân, song dã được thu được những kết quả rất khả quan
Bước đầu gắn kết những tư liệu khảo cổ học trong lòng đất, trên mặt đất với những tư liệu trong sử sách, các công trình nghiên cứu, tham khảo các nguồn tư liệu khác truyền thuyết, truyền niệng trong nhân dân, đoàn công tác thống nhất gửi tới các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và tỉnh Thừa Thên Huế cùng Nhà tài trợ những kiến nghị sau:
- Mở rộng diện thăm dò, khai quật tại hố thăm dò số 5, mục tiêu tìm hiểu diện phân bố, quy mô kiến trúc đá, nghiên cứu kỹ công năng của kiến trúc này.
- Tiếp tục khảo sát, thăm dò, ngiên cứu khu vực Gò Dương Xuân nhằm tìm hiểu diện phân bố cụ thể của di tích (trọng tâm là chùa Vạn Phước nơi có địa thế cao nhất của gò Dương Xuân, cồn Bông Sứ, hồ Bán Nguyệt, suối Tiên, khu vực giếng nước...), nhằm thu thập các tư liệu hiện còn lưu giữ trong/trên mặt đất, trong nhân dân, các nơi khác như chùa Vạn Phước, chùa Thiền Lâm và các vùng phụ cận.
- Bước đầu xây dựng Đề án quy hoạch chi tiết, tổng thể khu di tích gò Dương Xuân. Đề xuất các giải pháp bảo vệ, bảo tồn toàn bộ khu di tích gò Dương Xuân, đề xuất việc cắm hệ thống biển báo ngay tại di tích.
- Khuyến nghị sử dụng phương pháp Lidar (Light Detection And Ranging- công nghệ viễn thám dùng các loại tia laser để khảo sát đối tượng từ trên cao, thu thập các điểm phản xạ 3 chiều) để nghiên cứu toàn bộ khu vực.
- Tăng cường việc xuất bản các ấn phẩm giới thiệu về di tích nhằm tuyên truyền, quảng bá phát huy giá trị lịch sử - văn hóa vốn có của di tích và kêu gọi cộng đồng cư dân ngay tại địa phương trong việc bảo vệ, trân trọng di tích, di vật.
- Kiến nghị các tổ chức, các nhà khoa học, các nhà tài trợ cùng vào cuộc nghiên cứu có hệ thống, khoa học và thực tiễn về khu di tích gò Dương Xuân. Về những tồn nghi còn tranh luận trong giới nghiên cứu và trong nhân đân cần được giải đáp về:
- Vị trí, quy mô, niên đại cung Đan Dương.
- Giá trị khoa học và thực tiễn, những đóng góp của vương triều vững mạnh - Tây Sơn: Trong thực thi nhiều chủ trương đối nội, đối ngoại tích cực, củng cố chủ quyền quốc gia, tạo nên một số chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội đương thời; Về bộ máy nhà nước; Về tổ chức quân đội; Về kinh đô Phú Xuân.
- Những tiên liệu và căn dặn của Hoàng đế Quang Trung;
- Vấn đề Lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung (vị trí, quy mô, bài trí, kiến trúc...).
* * * |
Để có được kết quả sơ bộ báo cáo trước Hội nghị hôm nay, đoàn thăm dò khảo cổ học gò Dương Xuân đã có sự cố gắng rất lớn, vượt lên mhững khó khăn về thời tiết mưa lũ lớn ở miền Trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Những thúc ép về công của việc tập thể cơ quan và cá nhân cuối năm 2016. Thay mặt đoàn công tác chúng tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng tới sự quan tâm chu đáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Khảo cổ học, Sở VH&TT Thừa Thiên Huế, BT Lịch sử Thừa Thiên Huế, Đại học Khoa học Huế, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và đặc biệt là nhân dân ấp Bình An, phường Trường An, Tp. Huế. Sự quan tâm của các tập thể và cá nhân đã tạo những điều kiện tốt nhất để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Thừa Thiên Huế, tháng 1 năm 2017