Trung tâm nghiên cứu Quốc Học Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Số 07/QH 2007 Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc
Ngày 15 tháng 03 năm 2007
Kính gởi: - Bộ Văn Hóa Thông Tin (Cục Bảo Tồn Bảo Tàng)
- Tỉnh Uỷ, Uỷ Ban Nhân Dân Thừa Thiên Huế
Trung tâm nghiên cứu Quốc Học kính chào Bộ Văn Hóa, Tỉnh Uỷ, Uỷ Ban Nhân Dân Thừa Thiên Huế và xin trình bày ý kiến sau đây:
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Uỷ viên Hội Đồng Khoa Học Trung tâm nghiên cứu Quốc Học, vừa qua có trình bày trước Hội Đồng Khoa Học Trung tâm (và ở nhiều Đại Học, Viện nghiên cứu, công bố trên trang web…) công trình khoa học Đi tìm lăng (mộ) Quang Trung. Chúng tôi, cũng như nhiều nhà nghiên cứu các nơi, nhận thấy rằng công trình đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khoa học về phương pháp nghiên cứu, có độ tin cậy rất cao và có ý nghĩa văn hóa, lịch sử to lớn. Qua nhiều tài liệu nghiên cứu khác nhau,chúng tôi khẳng định rằng Đan Dương Lăng (lăng Quang Trung) được nói đến trong các tài liệu gốc của các nhà văn hóa lớn như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, những cộng sự gần gũi, tin cậy của Quang Trung, nằm ở Huế, và sự phát hiện phủ Dương Xuân – Đan Dương Lăng của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân là chính xác, là trùng khớp với các tư liệu lịch sử và sự khảo sát thực địa.
Xây dựng một cụm di tích về lăng để tưởng niệm người anh hùng dân tộc vĩ đại tại đây, là một việc có ý nghĩa lớn về nhiều mặt. Đồng thời, nó phục vụ cho đồng bào cả nước, cho văn hóa du lịch. Chúng tôi kính đề nghị quí Bộ, quí Tỉnh Uỷ, Uỷ Ban có quyết định sớm về vấn đề này; làm cho Phú Xuân – Huế được ghi dấu sâu sắc là kinh đô của một triều đại anh hùng chống ngoại xâm, giữ vững giang san, độc lập của tổ quốc (Hiện nay ở Huế vết tích lịch sử về Quang Trung, cũng như về hai cuộc kháng chiến nghìn lần anh hùng từ năm 1945, theo thiển ý chúng tôi, còn mờ nhạt, còn chưa tương xứng vơi tầm vóc lịch sử của nó. Huế không chỉ là kinh đô của chúa Nguyễn, triều Nguyễn; Huế còn là Quang Trung, là Cách Mạng và Kháng Chiến. Điều đó chúng ta cần làm thế nào để có định hướng tư tưởng tốt cho nhân dân).