1- QTXM: Xuất phát từ đâu anh bắt đầu đi tìm Cung điện Đan Dương từ năm 1985.
Nguyễn Đắc Xuân (NĐX).- Nói cho đúng thì năm 1985 là năm tôi công bố giả thuyết lăng mộ vua Quang Trung trong Cung điện Đan Dương, chứ sự thực thì trước đó nhiều năm nghiên cứu tôi mới có được kết quả để công bố như thế. Năm 1988, xuất bản Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung, Đỗ Bang – lúc đó được mệnh danh là nhà Tây Sơn học phụ trách khoa sử Đại học Khoa học Huế đã giới thiệu về giả thuyết lăng mộ vua Quang Trung của tôi: “Nguyễn Đắc Xuân không tin lăng Ba Vành là của vua Quang Trung, hướng đi tìm lăng Quang Trung vẫn còn mờ mịt, nhưng may thay tác giả đã tìm được một tín hiệu về chiếc “lăng đỏ”, lăng Đan Dương mà Ngô Thời Nhậm đã ghi chú rõ là “Sơn lăng phụng chứa bảo y của Tiên hoàng ta” dành một khổ giấy không nhiều tác giả đã làm rõ tên gọi Đan Dương và dẫn thêm một số tài liệu có liên quan. Cuối cùng Nguyễn Đắc Xuân kết luận “Bước đầu ta có thể kết luận Điện Đan Dương là cung điện được làm dưới thời Quang Trung, sau đó trở thành Đan lăng là lăng mộ của vua Quang Trung còn địa điểm tọa lạc ở đâu phải tiếp tục đi tìm”
Thông báo của Nguyễn Đắc Xuân trong hội nghị Bảo tồn di tích lịch sử và văn hóa Bình Trị Thiên tháng 1 năm 1985 về Đan lăng đã gây được sự chú ý của nhiều người và ngay sau đó chúng tôi cho đó là một khả năng mới để cùng nhau tìm kiếm lưu vết của lăng mộ vua Quang Trung trên đất Huế” Chỉ tiếc là sau đó Đỗ Bang giữ chức Chủ tịch Hội KHLS TTH nhiều khóa không giúp gì cho giả thuyết của tôi mà ngược lại ông tiến hành nhiều hoạt động đánh lạc hướng giả thuyết của tôi.
Xuất xứ từ đâu tôi đi vào chuyên đề nầy, trả lời cho đầy đủ thì dài lắm. Xin tóm gọn là tôi rất tự hào về Cố đô Huế của tôi. Sau năm 1975 Huế bị coi là thành phố “ăn bám”, không có công nghiệp, không có nông nghiệp, thành phố tiểu tư sản... Tôi bị mặc cảm Huế là thành phố “phi sản xuất” lép vế trước trào lưu “xây dựng chủ nghĩa xã hội”. May sao, sau đó tôi được nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện với trí thức Huế rằng: “Giải phóng xong may ra còn có Huế để đối ngoại về văn hóa”. Tôi mừng quá và tôi bám ngay vào chuyện nghiên cứu văn hóa, lịch sử để đối ngoại và làm du lịch. Cái tính của tôi lại hơi “cá biệt” một chút là tôi chỉ thích làm những việc mà người trước chưa làm, thích khám phá những bí ẩn mà mọi người đang quan tâm. Thời đại Quang Trung ở Huế là một bí ẩn, thiên hạ bó tay, tôi ra tay. Chuyện như thế.
2. Vì sao trước và sau năm 1975 các nhà nghiên cứu lịch sử sừng sỏ, có cả người ngoại quốc nữa mà họ đành bó tay trước bí ẩn lăng mộ vua Quang Trung, còn anh là một nhà văn lại xuất thân từ trong kháng chiến về, anh lại làm được ?
NĐX.- Các nhà sử học bó tay vì tài liệu lịch sử của vua Quang Trung đã bị chính sách “tận pháp trừng tri” của nhà Nguyễn tiêu hủy hết rồi, tài liệu của Triều Nguyễn về Quang Trung thì viết theo quan điểm chống Quang Trung một cách nghiệt ngã thì làm sao biết được sự thật để nghiên cứu Quang Trung? Các nhà sử học bó tay là như thế. Tôi không phải là nhà sử học, không ở trong bất cứ một cơ quan nghiên cứu nào mà chỉ được cái danh bá tánh gọi là nhà Huế học. Là nhà Huế học cho nên tôi sưu tập tất cả thông tin, tài liệu, hình ảnh gì về Huế qua lịch sử, địa lý lịch sử, văn học (cũ, mới, dân gian bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, chữ Hán), thảo mộc học, dịch học, phong tục học.v. v. có liên quan đến Huế. Thông tin có liên quan đến Phong trào Tây Sơn và vua Quang Trung ẩn giấu trực tiếp hay gián tiếp trong tài liệu các ngành ấy đã gặp nhau ở ấp Bình An nơi tọa lạc của Phủ Dương Xuân dưới thời các chúa Nguyễn và Quang Trung. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu chủ đề Lăng mộ vua Quang Trung trong Cung điện Đan Dương của tôi chưa bao giờ được các nhà sử học dùng. Do đó tôi được độc quyền về chủ đề nầy.
3- Quá trình tìm kiếm anh đã thu được kết quả rất tốt, rất thuyết phục. Đề nghị anh tóm tắt lại quá trình tìm kiến trong sử sách và trên thực địa.
NĐX.- Như lịch sử đã ghi, cuối năm 1774 đầu năm 1775 quân Trịnh từ miền Bắc vào chiếm Phú Xuân, chấm dứt lịch sử 9 đời chúa Nguyễn. Mười bốn năm sau Nguyễn Huệ từ Bình Định kéo quân ra giải phóng Phú Xuân (1786) trong tay quân Trịnh. Lúc ấy, theo J.Koffler – thầy thuốc của chúa Nguyễn Phúc Khoát trước đó - cho biết Huế có hai nơi ở và trị vì của các chúa Nguyễn là Đô thành Phú Xuân (bên trong cửa Thượng tứ ngày nay) và Phủ Dương Xuân trên gò cao bên kia sông Hương thuộc xã Dương Xuân. Chiếm được Phú Xuân - theo John Barrow – một người Anh đến Nam Hà trong những năm 1792-1793 - cho biết: “Nguyễn Huệ không vào Đô thành Phú Xuân” mà ở một nơi nào đó rồi kéo quân đi thẳng ra Bắc mà sử sách viết là để “phù Lê diệt trịnh”. Nguyễn Huệ không vào Đô thành Phú Xuân vì ba lý do: Một, hàng ngàn xác lính Trịnh vừa bị giết hôi thối chưa chôn nên không thể ở được; Hai, đô thành Phú Xuân nằm trên Vương Đảo bao quanh bởi sông Hương ở phía trước và sông Kim Long ở phía sau dễ bị thủy quân địch tấn công (như ông đã tấn công quân Trịnh vừa rồi), nên ông không ở vào chỗ tử địa ấy; ba, quân đội của ông phần lớn là người Thượng, dùng voi ngựa, sẽ rất khó khăn mỗi lần qua lại sông Hương. Ra Bắc, Nguyễn Huệ lấy được một số vàng bạc châu báu hết sức giá trị. Về lại Phú Xuân - La Bartette một người đương thời - cho biết Nguyễn Huệ sai quân lính đêm ngày xây một bức thành cao trên 6m chung quanh dinh ông để giữ số vàng bạc châu báu đó.
Hai năm sau, vua Lê rước quân Tàu qua chiếm đóng Thăng Long, được tin Nguyễn Huệ lên ngôi ở Núi Bân lấy niên hiệu là Quang Trung rồi kéo quân ra Bắc làm nên chiến thắng Đống Đa đánh bại 29 vạn quân Thanh. Đánh giặc xong ông lại kéo quân về Phú Xuân. Quang Trung đã có kế hoạch xây dựng Kinh đô ở Nghệ An nên – theo người cùng thời Bùi Dương Lịch - ông chỉ cho sửa chữa mở rộng dinh cũ ông đang dùng ở Phú Xuân vừa đủ cho hoạt động của vương triều của ông mà thôi. Nhưng dù sao cái dinh/điện/hay cung điện đó chính thức là Đô thành của triều Quang Trung. Tại đô thành Quang Trung ông dự định thực hiện nhiều việc lớn nhưng chưa thực hiện được thì đến năm 1792, vua Quang Trung gặp phải nhiều sự kiện vô cùng khó khăn như bà chính hậu họ Phạm mất - ông thương tiếc muốn phát điên luôn, chuyện thủy quân của Nguyễn Vương ở Gia Định bí mật ra Qui Nhơn đốt phá sạch lực lượng thủy quân của Thái Đức (Nguyễn Nhạc) làm cho dân hai tỉnh Qui Nhơn và Quảng Ngãi sợ hãi như gặp phải “thần binh”.v.v. Vua Quang Trung ngã bệnh và qua đời vào ngày 29 tháng 7 Nhâm Tý (16-9-1792). Sự ra đi của Quang Trung ở tuổi chưa đầy 40 thật quá bất ngờ. Để có đủ thời gian chuẩn bị đối phó với các lực lượng sẵn sàng lấy Phú Xuân như Nguyễn Vương ở Gia Định, Nguyễn Nhạc ở Qui Nhơn, nhà Thanh Trung Quốc.v.v. để giữ tuyệt đối bí mật triều Quang Toản táng ngay vua Quang Trung trong khu vực Cung điện của ông. Đến tháng 9 Nhâm Tý mới báo cho thần dân và nhà Thanh biết. Trên đường qua Trung Quốc báo tang, Ngô Thì Nhậm được quan quân nhà Thanh ở dọc đường đi đón tiếp vô cùng long trọng. Ngô Thì Nhậm xúc động, nhớ về Quang Trung đang an nghỉ trong cung điện của ông bèn viết bài thơ Cảm Hoài. Câu cuối của bài thơ viết Nhớ về cung điện Đan Dương- tháng bằng ba năm. Sợ người đọc không hiểu cuối câu thơ ông viết một lời chú giải thích rằng: Cung điên Đan Dương là sơn lăng phụng chưa bảo y tiên hoàng ta”. Nhờ đó tôi biết được dinh/phủ/cung điện của vua Quang Trung là Đan Dương, tên lăng vua Quang Trung là Đan Dương lăng, Đan Lăng.
Quang Toản lên ngôi, mới trên 10 tuổi nên việc triều chính giao vào tay Thái sư Bùi Đắc Tuyên (cậu của Quang Toản). Bùi chiếm chùa Thiền Lâm xã Dương Xuân làm nhà ở và họp triều chính ở đó. Sau ngày Quang Trung qua đời, nội bộ triều Quang Toản chia năm xẻ bảy. Đến năm 1795, Bùi Đắc Tuyên bị giết. Cuối cùng vào mùa hè năm 1801, Nguyễn Vương từ miền Nam ra lấy lại Phú Xuân. Lăng mộ của vua Quang Trung bị đào bới. Nguyễn Vương thực hiện chủ trương “tận pháp trừng trị”, một đồng xu cũng nấu chảy. Sách Đại Nam Liệt truyện của triều Nguyễn hé lộ cho biết lăng mộ vua Quang Trung “táng vu Hương Giang chi nam” (táng ở bờ Nam sông Hương). Trong di cảo của Phan Huy Ích cho biết “chùa Thiền Lâm ở bờ Nam sông Hương”. Điều đó chứng tỏ lăng Đan Dương và chùa Thiền Lâm ở cùng hướng nam sông Hương. Và hơn thế nữa: Phan Huy Ích cho biết lúc ấy ông vào Phú Xuân ở trọ trong một ngôi chùa gần chùa Thiền Lâm để làm việc với Thái sư Bùi. Thái sư Bùi thường làm việc ban đêm, ban ngày ngủ. Phan phải thức đêm làm việc nhưng ban ngày không ngủ được, ông ngồi uống rượu giải buồn. Ông cho biết những tiểu giám giữ lăng lúc ấy thường đến hầu rượu ông. Chỉ lăng vua mới có tiểu giám giữ. Vua ở đây không ai ngoài vua Quang Trung.
Chứng tỏ lăng Đan Dương ở gần chùa Thiền Lâm thì tiểu giám mới thường đến hầu rượu Phan Huy Ích được. Như thế địa điểm chùa Thiền Lâm quá quan trọng. Tôi đi tìm chùa Thiền Lâm. Đại Nam Nhất Thống Chí triều Duy Tân viết chùa Thiền Lâm ở xã An Cựu. Sau nhiều năm tôi mới biết ĐNNTC làm nhiễu thông tin về chùa Thiền Lâm. Qua tài liệu của Phan Huy Ích, ĐNNTC soạn dưới thời Tự Đức mà chưa in và Hàm Long Sơn Chí tôi phục hồi được địa điểm chùa Thiền Lâm đích xác nằm trên đường Điện Biên Phủ ngày nay (bên phải là Hậu Lộc Từ, bên trái số nhà 145). Cuối thế kỷ XIX người Pháp làm Nam Giao Tân Lộ, ngôi chùa gốc bị triệt hạ và họ dựng lại một ngôi chùa nhỏ trên miếng đất dịch về phia tây bắc sau chùa gốc một chút. Đó là nơi tọa lạc chùa Thiền Lâm 170 Điện Biên Phủ ngày nay. Nghiên cứu khuôn viên chùa Thiền Lâm hiện nay có nhiều thông tin kỳ lạ: Tất cả những bia biển tìm được trong khuôn viên chùa đều bị bào, mài mất hết chữ, đào đất sản xuất rau màu phát hiện dưới các tầng đất sâu có vô số gạch vồ. Các loại đá táng cột thuộc cung đình, chứng tỏ đã có một kiến trúc cung đình bị triệt hạ chôn vui ở đây, ở một vài nơi còn gặp phải những hố chôn người tập thể. Kiến trúc bị chôn sâu đó là kiến trúc gì? Vì sao có những hố chôn tập thể?
Chùa Thiền Lâm vốn là một ngôi chùa của Phủ Dương Xuân. Chùa Thiền Lâm gốc ở ngoài đường Điện Biên Phủ ngày nay, còn Phủ Dương Xuân ở đâu? Tôi tìm Phủ Dương Xuân không thấy trong Đại Nam Nhất Thống Chí. Tuy nhiên khi viết về gò Dương Xuân thì sách cho biết thuở quốc sơ có dựng phủ ở gò Dương Xuân nầy, phía nam gò (cũng có nghĩa phía nam Phủ Dương Xuân) có đàn Nam Giao. Nhưng lại “Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ” (Từ sau khi bị binh hỏa đến nay (1913), chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào”. May sao, nhà buôn Pháp Pièrre Poivre đã từng được chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát tiếp ở Phủ Dương Xuân (cũng có tên Phủ Thượng, Phủ Trên, Cung điện Mùa Đông) ông đã ghi lại trong bút ký Voyage (Kỷ hành) của ông về Phủ Dương Xuân. Nhờ những thông tin đó tôi tìm được khu vực Phủ Dương Xuân xưa trong khu vực gồm chùa Thiền Lâm-chùa Vạn Phước – cồn Bông Sứ nhìn về phía nam có Suối Tiên. Nhưng trong khu vực nầy có những biểu hiện bất thường: Địa danh cũ là Long Sơn gò Dương Xuân, trước năm 1805 đổi thành ấp Bình An và cấm không cho dân ở suốt thế kỷ XIX; qua thời gian nhiều đá táng, nhiều đá bậc cấp, có cả ghế đá dưới đất lộ lên, trong khu vực có nhiều giếng nước bỏ hoang dân địa phương gọi là “giếng loạn”, nhiều mồ chôn tập thể dân địa phương gọi là “mả loạn”, gò Dương Xuân đổi thành gò Bình An, được Tùng Thiện Vương gọi là “loạn sơn”.v.v.Những biểu hiện đó chứng tỏ ấp Bình An liên quan đến Phong trào Tây Sơn. Điều đó cũng khớp với thông tin Phan Huy Ích cho biết lăng Đan Dương ở gần chùa Thiền Lâm. Lăng Đan Dương đã bị nhà Nguyễn triệt phá chôn sâu dưới đất mất tích là chuyện đã rõ ràng. Còn Phủ Dương Xuân vì sao cũng mất tích? “Binh loạn” có thể đốt cháy gỗ, tranh chứ làm sao xóa được đá và khu đất phủ Dương Xuân tọa lạc? Tài liệu và thực địa cho thấy Cung điện Đan dương chồng lên phủ Dương Xuân. Nói cách khác Phủ Dương Xuân đã được vua Quang Trung sửa lại thành Cung điện Đan Dương. Vì thế Cung điện Đan Dương bị triệt phá thì phủ cũ Dương Xuân làm sao tồn tại được nữa. Vì không muốn cho bá tánh biết địa điểm tọa lạc của Cung điện Đan Dương nên buộc lòng các sử thần triều Nguyễn phải cho “phủ Dương Xuân mất tích”. Kết quả công trình nghiên cứu 30 năm của tôi đã xác định được Cung điện Đan Dương là sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung dựa trên cơ sở của Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn bao gồm khu đất từ chùa Thiền Lâm đến chùa Vạn Phước xuống đến Suối Tiên thuộc ấp Bình An thuộc Phường Trường An TP Huế ngày nay.
4- Có nhiều giả thuyết khác về lăng mộ vua Quang Trung, anh cho biết những giả thuyết đó là gì? Của ai. Sức thuyết phục của nó"
NĐX.- Chuyện lăng mộ vua Quang Trung được đề cập đầu tiên vào năm 1941, linh mục L.Cadière – người chủ biên Tập san Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH) nói với thầy giáo trường Khải Định là Nguyễn Thiệu Lâu rằng : “Lăng Nguyễn-Huê. ở miền núi, phía Tây thành phố Huế. Anh hãy đi tìm Lăng ấy đi và anh sẽ làm một bài nghiên cứu”.“Le tombeau de Nguyễn-Huê. est dans la région montagneuse, à l’Ouest de Hué. Cherchez le et vous en ferez une étude”. Ông Nguyễn Thiệu Lâu bèn dẫn học sinh Khải Định không đi về phía tây Huế mà lại thẳng vào phía nam và ông tìm được một ngôi lăng ba vành to ở phía sau nhà thờ Thiên An.
Ông cho đó là lăng mộ vua Quang Trung. Ông viết bài giới thiệu Lăng Ba Vành, không rõ lúc đầu đăng ở đâu, đến năm 1961 đăng trên báo Bách Khoa (số 99), làm rộ lên cuộc thảo luận về lăng mộ vua Quang Trung. Nhưng bị nhiều học giả bác bỏ. Sau năm 1975, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính- Chủ tịch UBMTTQ Thành phố Huế - có một cách tiếp cận khác tiếp tục nghiên cứu giả thuyết lăng Ba Vành. Giả thuyết đó về sau trao lại cho Trần Viết Điền. Điền được TP Huế ủng hộ. Suýt nữa công trình lăng Ba Vành được công nhận nếu không có giả thuyết Cung điện Đan Dương -sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung của tôi ra đời. Giả thuyết nầy làm hao tốn công sức giấy mực nhiều nhất, hậu quả của nó còn làm cho nhiều người động kinh.
Ngoài ra còn có những giả thuyết như dưới đây, nhưng không gây được tiếng vang, dù có giả thuyết tiêu rất nhiều tiền như giả thuyết ở Phượng Hoàng Trung Đô ởNghệ An.
- Ngày 8-2-2006, PGS TS Đỗ Bang-Chủ tịch Hội KHLS TTH tổ chức hội thảo tại Nxb Thuận Hóa để hai nhà nghiên cứu Hồng Phi và Hương Nao từ Thanh Hóa vào chứng minh lăng mộ vua Quang Trung ở Khuân Sơn (núi Kim Phụng ?);
- Tháng 7-2006, Báo Thanh Niên viết theo thông tin của cô Võ Thị Minh Liêm lăng mộ vua Quang Trung có khả năng ở Bình Thuận;
- Tháng 5 - 2011, ông Nguyễn Hữu Bản – nguyên Bí thư Thành ủy TP Vinh được UBND Nghệ An giao tổ chức Hội thảo Khoa học chuyên đề lăng mộ vua Quang Trung ở Vinh (Nghệ An);
-Tháng 9-2014, báo Công An Đà Nẵng viết có khả năng Lăng mộ vua Quang Trung ở Quảng Nam. Không rõ có còn giả thuyết nào nữa không, ai biết xin chỉ giúp. Cám ơn.
5- Trong cuộc thuyết trình về việc Đi tìm dấu tích... của anh tại tỉnh TTH, có một số ý kiến phản biện. Anh đã trả lời những ý kiến đó trên gcatholoc.net. Đề nghị anh tóm tắt lại cho độc giả hiểu thêm;
NĐX.- Các bạn cho rằng các văn thơ của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích do tôi trích dẫn là không chuẩn, “văn thơ xưa không có chú thích” chữ “loạn” tôi dùng ám chỉ Phong trào Tây Sơn, các bạn nói loạn đó nhà Nguyễn dành cho quân Trịnh vào chiếm Phú Xuân năm 1775, chứ không phải Tây Sơn, phủ Dương Xuân mất tích vì quân Trịnh phá lấy gỗ làm củi đốt, chứ không phải các sử thần triều Nguyễn muốn giấu (Nguyễn Anh Huy), Đan Dương là danh từ chung chứ không phải danh từ riêng (Võ Vinh Quang), có Đan Lăng hay Đan Dương Lăng chứ không có cung điện Đan Dương, chữ cung điện đó chỉ để “tôn xưng trang trọng” chứ không phải chỉ cung điện nào hết (Trần Đại Vinh), Công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương suy diễn, áp đặt, cảm tinh hoàn toàn sai lầm (Nguyễn Hữu Châu Phan).v,v. Trong hội thảo tôi đã phản biện những phản biện ấy (trừ ý kiến phủ nhận sạch trơn của Nguyễn Hữu Châu Phan). Cuối cùng với kết luận hội thảo của GSTS Phan Huy Lê thì tất cả những phản biện của các bạn được in trong Kỷ Yếu đều không cần bình luận nữa.
6- Ông chủ tịch Hội sử học Việt Nam Phan Huy Lê đánh giá rất cao công trình của anh. Anh có thể tóm lược vài nét về ý kiến của ông ấy.
NĐX.- GSTS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội KHLS VN, chủ trì hội thảo Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế đã kết luận hội thảo trong vòng 40 phút. Tôi rã băng ghi âm ghi lại đến 11 trang A4. Giáo sư kết luận nhiều vấn đề từ giá trị khoa học của đề tài nghiên cứu đến việc qui tập, quản lý, bảo vệ các hiện vật đã xác định được và cả các hiện vật cổ chưa có sự thống nhất hoàn toàn, kết quả có được đến đâu đưa vào khai thác phục vụ đến đó, không chờ đến ngày thu được kết quả cuối cùng. Đôi với tôi, sau 30 năm nghiên cứu, được người đứng đầu ngành sử học VN công nhận: Các thông tin tài liệu trích dẫn của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích của tôi là đáng tin cậy; các thông tin do những người đến từ Phương Tây như J.Koffler, La Bartette, Pièrre Poivre, Léopold Cadière cung cấp đều rất quý, rất cần thiết. Những hiện vật bia biển, các loại đá được chạm khắc mỹ thuật còn thấy được là những hiện vật của chùa Thiền Lâm và của cung đình chứ không thể của bất cứ ai. Giáo sư khẳng định chùa Thiền Lâm là nơi ở và làm việc của Thái sư Bùi Đắc Tuyên được xem như Cung đình đầu triều Quang Toản (1792-1795). Không có gì nghi ngờ nữa. Địa thế của khu vực chùa Thiền Lâm-chùa Vạn Phước có thể khẳng định là nơi tọa lạc của phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn về sau được vua Quang Trung sử dụng làm Cung điện Đan Dương và có cả lăng Đan Dương (sẽ khai quật khảo cổ học xác định sau). v.v. Sau 30 năm nghiên cứu công trình nghiên cứu của tôi đến được như thế là đạt được kết quả rồi. Những thành tựu sẽ được công nhận tiếp trong tương lai sẽ là phần “lời” – món quà hạnh phúc ở cuối đời tôi.
7. Công việc của anh 30 năm như thế đã có kết quả. Với cái tuổi sắp vào ngưỡng tám mươi anh đã nghỉ chưa hay vẫn còn….?
NĐX.- Sau hội thảo Cung điện Đan Dương với kết luận của GSTS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội KHLS VN, chủ trì hội thảo về Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế đã kết luận hội thảo chiều 30-10-2015tôi có thể di chúc cho các con tôi khắc trên bia mộ của tôi trong tương lai câu nầy: “Nguyễn Đắc Xuân - Người tìm ra dấu tích Cung điện Đan Dương -sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ở Huế”. Ngoài ra không cần bất. cứ một thông tin nào khác nữa. Và, tôi cũng từng trả lời cho nhiều người:
“Với tư cách là người cầm bút xứ Huế, tôi mong được chết trên bàn phím khi đang viết một bài gì đó về xứ Huế của tôi giống như ca sĩ được chết trên sân khấu, cầu thủ chết trên sân cỏ vậy. Do đó tôi vẫn còn nghiên cứu tiếp, đặc biệt trong những tháng năm còn lại tôi tiếp tục trao truyền cho các bạn trẻ những gì tôi đã sưu tập được, những ý tưởng tôi chưa thực hiện được, những việc còn cần phải làm rõ, những kinh nghiệm tôi đã trải qua. Ví dụ: Tọa độ lăng mộ vua Quang Trung ở đâu trong khu vực Cung điện Đan Dương? Phủ Dương Xuân-Cung điện Đan Dương có bao nhiêu kiến trúc? Phòng thành La Bartette cho biết hiện còn dấu vết gì không?
Những quan đại thần nào đã sống gần vua Quang Trung ở Đan Dương? Ý chính của Nguyễn Đình Hiển gởi gắm trong tấm bia Cổ Kính Trùng Viên Thuyết như thế nào? Giá trị lịch sử của tấm bia Cổ Kính Trùng Viên Thuyết; Ngoài tấm bia ấy, ông Phó bảng Nguyễn Đình Hiến có còn để lại thơ văn gì liên quan đến ấp Bình An nữa không? Ngoài lời bình và ngôi mộ của bà thân mẫu, cụ Phạm Liệu có còn để lại thơ văn gì liên quan đến ấp Bình An nầy nữa không? Theo dấu các thứ đá trên gò ấp Bình An đã bán cho ai, hiện ở đâu? Quy tập, bảo tồn, lưu giữ, đưa vào khai thác du lịch những cổ vật và địa điểm Phủ Dương Xuân-Cung điện Đan Dương như thế nào ? Thời đại Quang Trung trên đất Huế như thế nào? Những gì còn có thể phát huy giá trị trong thời đại ngày nay.v.v. và .v.v. Còn quá nhiều việc, cho nên ngày nào tôi còn đi thực tế được, còn có thể khai thác trong kho tư liệu đã sưu tập được, còn viết được thì tôi vẫn còn sống với Đan Dương.
Cám ơn anh đã trả lời phỏng vấn
CHỦ BÚT QUÀ TẶNG XỨ MƯA
Ngô Minh