Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung - từ giả thiết đến hiện thực

Vừa qua(*), nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (Huế) được viện sử học mời báo cáo chuyên đề "Những giả thết về việc truy tìm lăng mộ vua Quang Trung". Tham dự có các nhà sử học trong Hội Sử Học Việt Nam, Viện Sử Học, khoa Sử Đại học Tổng hợp và Đại học sư phạm, Viện Lịch sử quân sự, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Bản báo cáo được đánh giá là “đã đưa ra những cơ sở khoa học rất bổ ích và lý thú.

Giả thiết được chứng minh một phần. Mặc dù bản báo cáo dành câu kết luận cuối cùng cho các nhà khảo cổ học khi tiến hành khai quật, nhưng bức màn bí mật đã được hé mở. Nhà báo Hoàng Hưng cùng nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Quang Ân đã có cuộc gặp trao đổi ý kiến với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về vấn đề khoa học lý thú này và đã gửi cho Nhân Dân Chủ Nhật.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khảo sát di tích cổ lăng Ba Vành

- Gần hai mươi năm qua giới nghiên cứu dấu tích lăng mộ vua Quang Trung đều tập trung chung quanh lăng Ba Vành, làng Cư Chánh (gần đồi Thiên An ngày nay), tại sao anh không là những người ấy mà lại đi tìm ở vùng chùa Thiền Lâm, ấp Bình An?

Nguyễn Đắc Xuân (NĐX): Tôi cũng là một trong những người ấy, nhưng khi nghiên cứu kỹ tôi tôi thấy giả thiết lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung thiếu cơ sở khoa học, cho nên tôi bỏ và đi tìm một hướng khác.

- Những cơ sở khoa học là gì?

NĐX: - Lăng Ba Vành lớn như vậy không thể tồn tại được với chính sách trả thù “tận pháp trừng trị” của nhà Nguyễn đã dành cho nhà Tây Sơn, nó phải là một cung điện (Ngô Thời Nhậm cho biết là Đan Dương) và lăng đã bị “quật mồ, bổ săng, tán xương, giam sọ dừa” (Đại Nam thực lục - ĐNTL), nó phải có biểu hiện của môi trường sống (như giếng nước), nó ở gần sông Hương (làng vu Hương Giang chi nam - ĐNTL), đường đi lại có thể dùng được xe ngựa (thơ văn Ngô Thời Nhậm nhắc đến nhiều lần), nó có khả năng ở chùa Thiền Lâm (theo Phan Huy Ích) v.v.

- Nhưng sử sách của anh vừa liệt kê đều là những tài liệu, mà một người nghiên cứu sử nào cũng biết, tại sao những người đi trước anh họ không khai thác mà phải đợi đến..?

NĐX.-Trước tôi chưa ai khai thác được những thông tin do những người đương thời như Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích.. cung cấp cả. Hơn nữa, đứng trước những thông tin, một người có một cách hiểu và mỗi cách xử lý khác nhau. Có thể hiểu và xử lý như thế này thì không thấy gì, ngược lại hiểu và xử lý theo cách kia lại tiếp cận được chân lý.

- Xin anh cho một thí dụ theo cách hiểu và cách xử  lý của anh?

NĐX.- Liệt truyện viết lăng mộ vua Quang Trung “táng vu Hương Giang chi nam” (táng ở phía nam sông Hương). Nhiều người cho biết rằng Liệt truyện cho một cái thông tin quá chung chung. Riêng tôi, sau nhiều năm nghiên cứu, trên sách vở và thực địa của Huế tôi lấy ra được nhiều điều bổ ích từ cái thông tin chung chung ấy:

- Thông tin ấy xác định lăng mộ vua Quang Trung ở Huế chứ không phải nơi nào trên nước ta (như ở Linh Đường, Hà Nội hay có tin là ở Bình Định,v.v.).

- Tập quán viết địa lý của nhà Nguyễn “cái dùng làm mốc thường gần cái được nói đến”, nói bờ nam sông Hương tức là phải “ở gần bờ phía nam sông Hương”

- Phía nam sông Hương rất dài và rất rộng, nhưng thường bị ngập lụt, phần đất chôn cất người chết được thì có hạn.

-Ở phòng tư liệu Viện Sử Học, chúng tôi biết không có nhiều tài liệu lịch sử có liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung, anh cho biết anh đã bằng cách gì để có đủ tư liệu chứng minh cho giả thiết của anh?

NĐX: -Tư liệu của tôi rút từ nhiều bộ môn khoa học khác nhau: lịch sử, điạ lý lịch sừ, dân tộc học, văn học dân gian, chuyện kể dân gian, thuật phong thuỷ, kể cả chuyện mê tín dị đoan của người địa phương..

- Anh cho biết vì sao anh  phải dùng đến thuật phong thuỷ và trong trường hợp nghiên cứu lăng mộ vua Quang Trung thuật phong thuỷ đã cung cấp cho anh được “tài liệu gỉ”?

NĐX: - Ngày xưa muốn dựng “dương cơ” hay “âm phần” các vua chúa Việt Nam thường dùng thuật phong thuỷ để tìm “cát địa”, ngày nay muốn tìm lại những nơi ấy mà không nhờ đến thuật phong thuỷ  thì khác nào muốn tìm huyệt châm cứu mà không cần học hỏi về hệ kinh lạc. Thuật phong thuỷ (do bác sỹ Dương Văn Sinh nghiên cứu giúp tôi) đã xác định được vị trí nghiên cứu của chúng tôi (gần chùa Thiền Lâm) có đủ yếu tố “cát điạ” tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền án, hậu chảm.. với một dòng nước (suối Tiên) chảy từ trái sang phải..

- Có gì chứng tỏ rằng bác sỹ Dương Văn Sinh đúng?

NĐX: - Kết quả tính toán của bác sỹ Sinh là một trong những thông tin đã giúp chúng tôi xác định được vị trí khai quật để thăm dò. Thực tế đã trả lời chính xác! Tôi đã đào đúng cái đường hầm huyệt mộ do bác sĩ Sinh hướng dẫn.

- Ở trên anh có nói nhà Nguyễn “tận pháp trừng trị” nhà Tây Sơn, theo anh nhà Nguyễn đã làm gí? Và anh đã làm cách nào để tiếp cận được với sự thực đã bị đập phá và ngụy trang?

NĐX: - Nhà Nguyễn có những biện pháp:

- Quật phá di tích, đốt cháy phần kiến trúc gỗ, chôn sâu xuống lòng đất phần gạch, đá và những thứ không thể cháy được;

- Mài đục những bia, biển có liên quan (như bia, biển chùa Thiền Lâm.);

- Thay đổi địa danh có liên quan (Đan Dương lăng trên núi Long Sơn xã Dương Xuân đổi thành ấp Bình An, xã Phú Xuân...);

- Cấm không cho dân lai vãng đến ở nơi đã bị trừng phạt (terre maudite);

- Xóa bỏ những thông tin có liên quan trong sách sử;

Tôi đã thống kê hết những tài liệu mình có được, tìm độ chênh giữa tài liệu chính thức (đã được ngụy trang) của nhà Nguyễn và những dấu tích còn có thể kiểm chứng được trên địa bàn Huế, tôi len vào những chỗ không khớp ấy mà tìm ra sự thực.

-Thí dụ?

NĐX: -Sách Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức viết chùa Thiền Lâm và những chùa ở chung quanh đều ở ấp Bình An. Viết như thế là đúng. Nhưng cũng sách Đại Nam Nhất Thống Chí biên soạn lại và xuất bản đời Duy Tân thì để  vẫn giữ nguyên địa chỉ các chùa chung quanh mà lại “chyuển” địa chỉ chùa Thiền Lâm qua  “xã An Cựu”. Đến đời Duy Tân thì địa giới hành chính đã ổn định, hơn nữa xưa nay đất xã An Cựu chưa bao giờ vươn tới chỗ chùa Thiền Lâm một cách phi lý như thế. Sự phi lý ấy đã buột tôi đặt vấn đề “Phải chăng để che giấu một mối quan hệ gì đó ở nơi tọa lạc đích thực của chùa Thiền Lâm?”.    Sự thật Phan Huy Ích đã viết “Tự tại Dương Xuân xã sơn” từ cuối thế kỷ thứ XVIII kia! Chuà Thiền Lâm trên núi Dương Xuân gần Phủ Dương Xuân đã được nhà Tây Sơn sửa thành cung điện rồi lăng Đan Dương - lăng mộ vua Quang Trung đã bị nhà Nguyễn quật phá. Về trường hợp phủ Dương Xuân “mất tích” cũng vậy.

- Đọc sách của Đỗ Bang (Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung, Sở VHTTBình Trị Thiên 1988) chúng tôi biết anh đã theo đuổi đề tài này hằng chục năm nay, xin anh kể cho biết một chuyện buồn nhất và một chuyện vui nhất.

NĐX: -Chuyện buồn thì có nhiều, nhưng lâu nay nó trở thành những kỷ niệm không còn thấy buồn nữa. Còn vui thì có nhiều. Vui  khi nhận được những lá thư của các bậc thức giả hết lời ủng hộ.Vui nhất là càng ngày tôi càng có thêm tư liệu và hiện vật giúp cho giả thiết của tôi đi gần về phía hiện thực; tôi chưa gặp một trở lực phát sinh nào có thể cho tôi chùn bước!

- Chúng tôi biết công trình của anh đang được Viện Sử học in thành một cuốn sách để rộng đường thảo luận trước khi tổ chức khai quật. Xin anh khái quát đôi nét vế cái giả thiết của anh đề bạn đọc theo dõi?

NĐX: -Lúc dựng cung phủ ở Kim Long hay ở Phú Xuân, hằng năm các chúa Nguyễn đã gặp phải một trở ngại là lũ lụt. Năm 1680 chúa Nguyễn Phúc Tần đã dựng một hành cung trên gò Dương Xuân ở phía nam sông Hương để ở vào những tháng thu đông. Các chúa sau tiếp tục phát triển hành cung ấy (có tên là phủ Dương Xuân). Trong phủ Dương Xuân có dựng một thảo am. Thảo am này đời Nguyễn Phúc Chu được xây dựng thành một tòa phương trượng lớn để  Hòa thượng Thích Đại Sán ở  và truyền giới gọi là chùa Thiền Lâm (1695). Khi Nguyễn Huệ làm chủ đô thành Phú Xuân (1786), ông đã cho xây một vòng thành chung quanh phủ Dương Xuân để làm dinh riêng cất dấu những của cải mà ông đã chiếm được ở Thăng Long. Phủ Dương Xuân ở trên cao tránh được sự đe dọa của thuỷ quân đối phương, phù hợp với đám thân quân ngoài sơn cước với hàng trăm thớt voi, liên hoàn với thượng đạo. Chung quanh phủ lại có nhiều chùa Phật được trưng dụng làm doanh trại và cơ quan nhà nước thuận lợi. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi (1788), phủ Dương Xuân được sửa chửa thành cung điện Đan Dương. Năm 1792 vua Quang Trung qua đời, để giữ được bí mật tuyệt đối, thi hài ông được tán ngay trong khu vực cung điện Đan Dương nên từ đó gọi là lăng Đan Dương. Năm1801, Nguyễn Aïnh trở lại Phú Xuân đã “vì chín đời” mà trả thù nhà Tây Sơn, lăng Đan Dương đã bị quật phá chôn sâu xuống đất. Do đó di tích phủ Dương Xuân cũ buộc lòng  phải cho “mất tích”, chùa Thiền Lâm phải mài đục bia biển và đổi địa chỉ. Nhưng đã là lịch sử.. lăng Đan Dương vẫn được tồn tại theo quy luật khách quan của lịch sử.

-Xin cám ơn anh!

Hoàng Hưng - Nguyễn Quang Ân 

Chú thích: (*) Tháng 9.1992

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia