Trả lời báo Tiền Phong về chuyện Đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã thực hiện cuộc hành trình đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung. Thanh Tùng, phóng viên báo Tiền Phong đã có dịp phỏng vấn ông về chuyến đi này.

Tấm bia ở chùa Thiền Lâm bị quan quân nhà Nguyễn mài nhẵn để xóa sạch mối liên hệ của chùa Thiền Lâm với cung điện Đan Dương- nơi phụng chứa lăng mộ vua Quang Trung

Thanh Tùng: Vấn đề dấu tích lăng mộ vua Quang Trung đã được các nhà sử học Pháp Việt - những người có đủ các điều kiện chuyên môn, thời gian, phương tiện, tiền bạc...hơn ông,  họ đã nghiên cứu từ hơn nửa thế kỷ qua nhưng vì sao họ bế tắc, còn ông thì....

Nguyễn Đắc Xuân: Sử triều Nguyễn viết lăng mộ vua Quang Trung tại “Hương Giang chi nam”( bờ nam sông Hương)- một  vùng đất tương đối rộng. Nhưng hơn nửa thế kỷ qua các nhà nghiên cứu tập trung vào cái lăng Ba Vành  (do của Nguyễn Thiệu Lâu phát hiện), toạ lạc tại rừng thông phía sau  Tu viện Thiên An  phía Tây nam Huế  thuộc xã Thủy Bằng. Những người có chuyên môn nghiên cứu, có tài liệu, có hoàn cảnh nghiên cứu như Bủu Kế, Lê Văn Hoàng, Đỗ Bang, Phan Thuận An, Mai Khắc Ứng, Trần Đại Vinh, đều chứng  chứng minh Lăng Ba Vành của Lê Quang Đại chứ không thể là lăng mộ Quang Trung. Những người  “ngoài nghề” nhưng đầy nhiệt tình như cụ Nguyễn Hữu Đính, thầy giáo dạy Lý -Trần Viết Điền cố gắng chứng minh lăng Ba Vành là lăng Quang Trung theo cách lý giải riêng của mình. Vì thế các công trình nghiên cứu đã gởi đến các cơ quan nhà nước ở Trung ương (của cụ Nguyễn Hữu Đính) hay đã được UBND Thành phố  Huế tài trợ để nghiên cứu (như công trình của Trần Viết Điền) đều  được hồi âm bằng sự yên lặng. Sự thực chỉ có vậy.  Còn tôi,  với  nguồn tư liệu học Huế, tôi sớm tiếp cận được những thông tin  về Cung điện Đan Dương và lăng Đan Dương trong văn học cổ của Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích  không mất công với việc nghiên cứu lăng Ba vành. Và, một mình một ngựa tôi đi  theo con đường tôi tự mở dành riêng cho tôi.

Thanh Tùng: Anh có thừa kế được gì của những người đi trước?

Nguyễn Đắc Xuân: Có chứ. Thừa kế tài liệu và các cách lý giải  chứng minh lăng Ba Vành không thể là lăng mộ Quang Trung của các bậc thầy của tôi là cụ Bửu Kế, thầy Lê Văn Hoàng và cả của các bạn tôi. Nhờ họ mà tôi khỏi mất thì giờ vô chuyện lăng Ba Vành để tập trung vào con đường của tôi. 

Thanh Tùng:  Con đường của ông như thế nào?

Nguyễn Đắc Xuân: Một sinh viên mới học sử  cũng phải biết  không có tư liệu thì đừng viết sử. Tôi đã học phương pháp sử  trên 40 năm. Con đường của tôi được vạch ra từ tư liệu lịch sử  rút ra trong kho tư liệu học Huế của tôi gồm tư liệu lịch sử, các nguyên chú, chú thích gốc trong văn học cổ thời Quang Trung, địa lý lịch sử, thảo mộc học, ngôn ngữ học, khảo cổ học, tư liệu điền dã và cả  thuật phong thủy. Tư liệu  đặt ra cho tôi: Một nơi được xem là lăng mộ vua Quang Trung phải có ít nhất 4  yếu tố: 1. Ở bờ nam sông Hương (theo Liệt truyện), 2. Ở gần chùa Thiền Lâm  tại ấp Bình An ( để các tiểu giám giữ lăng hằng ngày đến chùa Thiền Lâm uống rượu với Phan Huy ích); 3. Phải có biểu hiện là một vùng cung điện (Ngô Thì Nhậm viết “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta). 4. Lăng mộ đó đã bị “tận pháp trừng trị”, đập phá tan nát, chôn sâu dưới đất (Theo Đại Nam Thực Lục CB và ĐNLT  sơ tập).  Tôi không để ý đến bất cứ nơi đâu không thoả mãn được 4 yêu cầu trên. Đó là con đường của tôi.

Thanh Tùng: Ý tưởng dấu tich lăng mộ vua Quang Trung của anh đã xuất hiện trên bao BTT từ năm 1988, đã in thành sách năm 1992, nhưng đến nay vẫn  chưa được công nhận, phải chăng anh cũng đang rơi vào bế tắc? 

Nguyễn Đắc Xuân: Việc công nhận hay không là  việc của các ngành chức năng của nhà nước. Với tư cách là một  người nghiên cứu, tôi phải không ngừng hoàn thiện công trình nghiên cứu mình. Trước đây tôi đề cập đến lăng mộ vua Quang Trung, nhưng tôi lại không có quyền khai quật nên phải chờ các cơ quan chức năng. Tôi chờ đến  hơn 15 năm vẫn không thấy động tỉnh gì. Chuyện đó có thể hiểu là bế tắc. Vì thế năm nay  (2007) tôi vào tuổi “cổ lai hy”, để thoát ra khỏi bế tắc, tôi tự giới hạn đề tài trong khả năng của mình: Tôi công bố đã tìm thấy dấu tích Cung điện Đan Dương ở Ấp Bình An thuộc phường Trường An hiện nay. Khi dấu tích Cung điện  Đan Dương được công nhận thì chuyện khai quật để xác định được  lăng mộ vua Quang Trung ở đâu là chuyện dễ dàng. Công trình Cung điện Đan Dương của tôi đã đưa lên internet, đã báo cáo ở địa phương và một số nơi, ý kiến của các nhà khoa học gần xa trong 15 năm qua cũng đủ để tôi tin mình đã thành công, đã xác định được khu vực Cung điện Đan Dương thời Quang Trung.  

Thanh Tùng

Báo Tiền Phong, ngày 4-3-2007

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia