Vấn đề xác định vị trí lăng mộ vua Quang Trung ở Huế đã làm đau đầu nhiều nhà sử học trong hơn nửa thế kỷ qua. Giới nghiên cứu có hai thuyết. Thuyết thứ nhất cho rằng lăng Ba Vành (phía sau đồi Thiên An) là lăng mộ vua Quang Trung; thuyết thứ hai bác bỏ điều đó và họ chứng minh rằng lăng Ba Vành là lăng “Hộ bộ kiêm binh bộ. Lê Quang Đại” (thời Nguyễn Phúc Khoát). Trong lúc hai thuyết trên còn đang tranh luận dữ dội thì trung tâm nghiên cứu văn hóa Huế đã đưa ra thuyết thứ ba: lăng mộ vua Quang Trung ở ấp Bình An (phường Trường An).
Thuyết này được chứng minh bằng tư liệu và hiện vật nên đã thu hút được sự chú ý của nhiều người, nhất là các nhà sử học đã quan tâm nghiên cứu truy tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung ở Huế. Để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi đã hỏi chuyện anh Nguyễn Đắc Xuân - người chủ chốt trong đoàn khảo sát lăng mộ vua Quang Trung ở ấp Bình An.
Phóng viên: Các anh (trong đoàn khảo sát) tìm thấy dấu tích lăng mộ vua Quang Trung ở ấp Bình An là kết quả của một quá trình nghiên cứu hay là một sự may mắn?
Nguyễn Đắc Xuân: Nếu nghiên cứu rồi ra cái gì cũng đạt được thì mọi bí ẩn của lịch sử đều đã được phanh phui hết. Nếu chỉ có may mắn thì có lẽ không ai nghiên cứu nữa làm gì, cứ đi xem bói rồi ngồi đợi mình sẽ trở thành tác giả của những công trình thế kỷ. Theo tôi người nghiên cứu phải có phương pháp thích hợp, làm việc đến tận cùng khả năng của mình... đó là “thời cơ” để có thể gặp “may mắn”. Và, đó là trường hợp của chúng tôi!
PV: - Anh cho biết các anh đã làm việc đến đâu và gặp may mắn ra sao!
NĐX: - Sau nhiều năm nghiên cứu tôi mới viết được bài “Đi tìm Dấu tích Lăng mộ hoàng Đế Quang Trung qua Thư Tịch Cổ” đăng trên báo Văn Hóa. Đời sống số tháng 11 năm 1988. Trong bài đó tôi đã đưa đến kết luận “lăng mộ vua Quang Trung ở một nơi gần chùa Thiền Lâm” (nằm trên trục từ Nam sông Hương lên đàn Nam giao). Ngay sau đó, tôi được may mắn gặp anh Nguyễn Hữu Oánh - một người dân xuất thân trong một gia đình đã 6 đời ở ấp Bình An, nhà anh ở gần chùa Thiền Lâm. Anh Oánh đã hướng dẫn chúng tôi tiếp xúc với những biểu hiện của một vùng lăng tẩm cung điện đã bị chôn vùi dưới lòng đất. Mối liên lạc giữa thư tịch và hiện vật lịch sử có từ đó. Dĩ nhiên bước đầu như thế, càng về sau chúng tôi càng phải làm việc cật lực hơn và cũng gặp được nhiều may mắn nữa!
PV: - Vấn đề đi tìm di tích lăng mộ vua Quang Trung đã làm đau đầu nhiều nhà sử học có tiếng tăm, có nhiều người đã bỏ cuộc, các anh chưa phải là những người chuyên về khoa học lịch sử các anh đã thành công bước đầu này có nhờ một bí quyết nào đặc biệt không?
NĐX: - Đúng như anh biết, chúng tôi chưa phải là những nhà sử học có nhiều tác phẩm nổi tiếng. Chúng tôi là những người nghiên cứu Huế, bất cứ tư liệu gì có liên quan đến Huế xưa và nay chúng tôi đều sưu tập và nghiên cứu kỹ. Bí quyết nghiên cứu truy tìm lăng mộ vua Quang Trung của chúng tôi là kết hợp liên ngành khoa học. Xin đơn cử: sử học cho biết năm 1801, lăng mộ vua Quang Trung đã bị Nguyễn Ánh “quật mồ, bổ săng, giam sọ dừa, tán xương bắn vào không trung”, văn học cổ của Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích cho biết “cung điện Đan Dương là Sơn Lăng” của vua Q T “bọn tiểu giám giữ lăng (Quang Trung) ở gần chùa Thiền Lâm” (tức là lăng mộ vua Quang Trung ở gần chùa Thiền Lâm); địa lý lịch sử cho biết một phần gò Dương Xuân là một nơi “binh hỏa”, đã bị nhà Nguyễn trừng phạt (terre maudite) đổi thành ấp Bình An (giống như phủ Quy Nhơn sau khi Tây Sơn thất bại bị đổi thành trấn Bình Định, ấp Tây Sơn đổi thành ấp An Tây...) : dân tộc thảo mọc học (ethnotanique) cho biết (hoa đại) chỉ trồng ở những nơi thờ cúng như lăng mộ, chùa chiềng; dịch lý đông phương cho biết cách xác định phương hướng đặt lăng mộ, cung điện của các vua chúa ngày xưa; khảo cổ học cho biết chất liệu vôi vữa vỏ sò, vỏ hến tán nhỏ những nơi chung quanh chùa Thiền Lâm là chất liệu xây dựng xuất hiện cuối Lê đầu Nguyễn (giai đoạn của nhà Tây Sơn).
PV: - Tìm cho được một đặc điểm thật đúng đã khó rồi, các anh đặt giải quyết đến “bốn” quả là một bài toán “hóc búa”. vậy đến nay các anh đã hội đủ yếu tố lịch sử cho bốn đặc điểm ấy chưa? Nếu đã có xin anh dẫn chứng sơ lược để độc giả cùng vui với các anh!
NĐX: - Nếu đợi cho đủ thì không bao giờ đủ, nhưng khi mà một vài đặc điểm được chứng minh đúng thì cũng không cần phải đợi cho đủ mới dám công bố. Hiện nay chúng tôi đã tìm thấy có những biểu hiện hội đủ cho 4 đặc điểm ấy: Do sự chỉ dẫn của người địa phương và sự tính toán của bác sĩ Dương Văn Sinh (một người nghiên cứu thuật phong thủy đông phương có uy tín), chúng tôi đã đào và tiếp cận được một bức thành dài 3m (đào chưa hết) chôn sâu dưới 1m50; theo chị Nguyễn Thị Liên (chủ ngôi nhà xây trùm lên cái thành nầy) cho biết đây là phía ngoài một cái quách, phần đặt quan tài ở bên trong nằm dưới nhà (chị đã từng xuống cái quách rộng đó để tránh máy bay Đồng Minh năm 1945)... Theo dự đoán của chúng tôi đây là phần mộ của vua Quang Trung đã bị quật phá; Chung quanh phần mộ ấy dân địa phương đã đào được 4 phiến đá lớn, hiện nay còn 1 tấm tài 2,72, rộng 0,67, dày 3,5cm (theo chúng tôi có lẽ đây là một trong những phiến đá đậy trên quan tài), cùng với 4 phiến đá trên dân địa phương đào được hàng năm tấm đá vuông, mỗi bề 30cm, dày khoảng 3cm, theo Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục thì sàn cung điện ở Huế cuối thời Lê được lát đá loại như thế. Cùng với những phiến đá, dân địa phương đã đào được nhiều viên đá táng cột rất lớn hiện nay nước mưa làm xói mòn để lộ ra nhiều viên đá táng chưa bị di chuyển sử dụng vào việc khác)... Những biểu hiện trên chứng tỏ đây là một vùng có cung điện và lăng mộ đã bị quật phá.
Chung quanh khu vực đang chờ được xác nhận là khu lăng mộ vua Quang Trung có giếng cổ rất sâu, nay đã bị lấp dần và có tên là: “giếng loạn” (chữ loạn triều Nguyễn dùng để chỉ Tây Sơn). Một điểm quan trọng nữa là vị trí khu lăng mộ nầy có đầy đủ yếu tố của một cái lăng vua: dãy núi chạy dài từ chùa Thiền Lâm qua trước chùa Từ Đàm là tay long ở bên trái; gò bông sứ (trước mặt chùa Vạn Phước) là tay hổ ở bên phải, hậu chẩm là phần sau của ngọn đồi chạy lan xuống gần bờ sông Hương; phía trước có khe chùa Tiên chảy từ trái sang phải; xa xa ở phía đông nam có núi Hỏa Diệm làm tiền án. Khoảng cách từ khe chùa Tiên lên lăng mộ có một cái hồ sen hình bán nguyệt (nay đã đổi dạng chút đỉnh)... Còn nhiều biểu hiện khác để minh họa cho bốn điểm trên xin hẹn được kê ra trong một dịp khác!
PV: Tôi cũng mong có dịp để được biết hết. Với một bài phỏng vấn ngắn không thể hỏi hết được mọi vấn đề. Để cho bạn đọc thấy khó khăn của người nghiên cứu truy tìm lăng mộ vua Quang Trung, xin anh cho biết những thủ đoạn che dấu tích lăng mộ vua Quang Trung của triều Nguyễn ra sao!
NĐX: Triều Nguyễn đã thi hành nhiều biện pháp: quật phá triệt hạ và chôn sâu dưới đất; không cho nhắc nhở đến nữa, không để tìm được dấu tích (ví dụ Phủ Dương Xuân rất to lớn đồ sộ, sau thời Quang Trung thì nhà Nguyễn bảo mất tích không biết đâu mà dò-tự kinh binh loạn, kim thất kỳ xứ) đổi khu vực gò Dương Xuân thành ấp Bình An, thay đổi vị trí hành chính (trong sử sách) của những điểm chuẩn (point de repère). Chùa Thiền Lâm có liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung nằm trên ấp Bình An xã Phú Xuân nhưng sử nhà Nguyễn không nói đến Bình An mà lại cho thuộc về xã An Cựu (trong lúc các chùa vây quanh Thiền Lâm vẫn viết là ở ấp Bình An) nhà Nguyễn đã đào một cái hố cắt long mạch của lăng QT (nay trở thành ruộng Trường Bia), xây miếu Hỏa thần và miếu Pháo hỏa thần ở gần khu vực lăng mộ Quang Trung để “uy hiếp”. Cấm dân không lập miếu, lập đền thờ cúng trong khu vực Bình An (thế kỷ XX mới bỏ lệnh nầy)... Nhà Nguyễn còn nhiều thủ đoạn nữa không thể kể hết ra đây. Tuy nhiên cũng chính nhờ những việc nhà Nguyễn tập trung che giấu ở vùng Bình An mà chúng tôi khám phá ra được những bí ẩn có liên quan đến vùng nầy. Ví dụ như nhà Nguyễn viết chùa Thiền Lâm ở xã An Cựu nhưng Nhà Nguyễn không xóa được thực tế ở ấp Bình An cón chùa , còn cái tháp của vị khai sơn chùa Thiền Lâm... Vì sao nhà Nguyễn lại viết như thế? Điều đó khích lệ chúng tôi đi sâu vào tìm hiểu và khám phá ra được mục đích của triều Nguyễn!
PV: Anh cho biết khi nào có thể công bố chính thức công trình nghiên cứu nầy; còn có những vấn đề gì còn phải tiếp tục? Cần phải đầu tư trí tuệ và vật chất gì nữa để công trình hoàn thành?
NĐX: Chúng tôi cố gắng công bố trước kỷ niệm 200 năm ngày mất của vua Quang Trung (1792-1992). Trong nghiên cứu luôn luôn có những phát sinh, ngay cả khi công bố chính thức cũng còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục, huống chi bây giờ chúng tôi đang ở trong giai đoạn nghiên cứu. Tuy nhiên công trình của chúng tôi có được công nhận hay không là do kết quả khai quật phần “kim tĩnh” nằm phía dưới nền nhà bà Nguyễn Thị Liên. Muốn làm việc đó cần phải có hàng chục triệu bạc và cần các nhà khảo cổ uyên bác giúp sức cho cuộc khai quật này.
PV: Các nhà nghiên cứu Tây Sơn ở Huế và ở Trung ương đã có ý kiến gì về công trình của các anh?
NĐX: Những anh em nghiên cứu sứ Huế và trong các Đại học ở Huế trong “nhóm” không tán thành lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung đều ủng hộ cho hướng nghiên cứu của chúng tôi. Giáo sư sử học Đỗ Văn Ninh xác nhận hướng nghiên cứu của chúng tôi là đúng, giáo sư sẵn sàng tiếp tay cho chúng tôi để hoàn thành công trình nầy (nhưng chúng tôi chưa có đủ điều kiện tối thiểu để mời) giáo sư Trần Quốc Vượng – Giám đốc, Trung tâm nghiên cứu Văn Hóa Việt Nam sau khi nghe chúng tôi trình bày (cùng với tư liệu kèm theo), và đi xem thực địa, giáo sư cho là “đúng rồi” nhưng phải khai quật “kim tĩnh” xong mới khẳng định được Giáo sư cho biết Trung tâm của giáo sư sẵn sàng hợp tác với Huế để khai quật khu di tích nầy.
PV: Xin cám ơn anh và mong gặp lại anh để biết tiếp những gì chưa tiện nói hôm nay.
Dương Tòan Thắng thực hiện
(Tập san Văn Hóa TTH, 8.1989