Nhà nghiên cứu Ngyễn Đắc Xuân. Ảnh: Đ.K
Thưa ông, là một nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu dù không hưởng “lộc nước”, nhưng ông đã bỏ ra hơn 30 năm đi tìm dấu vết phủ Dương Xuân – cung điện Đan Dương. Động cơ nào thúc đẩy ông…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Sau ngày thống nhất đất nước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào Huế nói chuyện với trí thức có nói rằng: “Giải phóng xong may ra còn có Huế để đối ngoại về văn hóa”. Đối với tôi, câu nói đó có giá trị như một nhiệm vụ Thủ tướng giao cho tôi tiếp tục công việc sau khi đất nước đã thống nhất. Tôi phải góp sức cụ thể hóa văn hóa Huế là gì. Huế tồn tại và phát triển trên cái thế mạnh văn hóa của mình.
Ông đã bắt đầu như thế nào?
- Trước tiên tôi phải sưu tập tư liệu “Huế hoc”. Công trình nghiên cứu đầu tiên tôi đi tìm dấu tích thời niên thiếu Bác Hồ ở Huế. Nghiên cứu về Bác Hồ thì phải nghiên cứu triều Nguyễn, nghiên cứu Huế. Tôi đụng phải câu hỏi trước đến nay người ta đặt ra là lăng mộ vua Quang Trung ở đâu? Lúc đầu tôi có đọc được tài liệu về lăng Ba Vành thì tôi cũng nghĩ theo họ rằng đó là lăng mộ vua Quang Trung.
Nhưng sau khi tôi đọc, hiểu về triều Nguyễn, tôi thắc mắc rằng triều Nguyễn đã tận pháp trừng trị vua Quang Trung rất ghê gớm thì làm sao lăng Ba Vành có thể tồn tại được một cách hoành tráng đến như thế! Tôi vốn là người yêu Huế, tủ sách gia đình tôi có đủ sách, báo, đông tây kim cổ, thượng vàng hạ cám gì có liên quan đến Thụận Hóa - Phú Xuân tôi đều sưu tập hết. Nhờ thế khi không tin lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung, tôi sục vào tìm tư liệu sử, văn học cổ, địa lý lịch sử, địa phương học trong tủ sách Huế học của tôi. May mắn qua những lời chú, lời dẫn trong thơ văn hai trọng thần thời Quang Trung là Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích, tôi biết được lăng mộ vua Quang Trung táng trong cung điện Đan Dương, và ở gần chùa Thiền Lâm.
Ông phát hiện được thông tin” lăng mộ vua Quang Trung táng trong cung điện Đan Dương, và ở gần chùa Thiền Lâm” vào năm nào và ông đã công bố từ năm nào?
- Phát hiện vào những năm đầu thập niên 1980, đăng trên báo Bình Trị Thiên, nhưng chính thức công bố trong Hội nghị Bảo tồn Di tích Lịch sử và Văn hóa Bình Trị Thiên tháng 1.1985. Sự kiện này được được TS Đỗ Bang ghi lại trong sách “Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung” ra đời cách đây trên 30 năm.
Dư luận phản hồi thông báo của ông như thế nào?
- Ghi lại thông tin của tôi, TS Đỗ Bang nhận định: “Thông báo của Nguyễn Đắc Xuân… gây được sự chú ý của nhiều người và ngay sau đó chúng tôi cho đó là một khả năng mới để cùng nhau tìm kiếm lưu vết của lăng mộ vua Quang Trung trên đất Huế”. Lúc ấy Thành phố Huế đang chuẩn bị tổ chức lễ công nhận lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung. Thành phố đã kịp thời dừng lại. Cụ Hoàng Xuân Hãn ở Paris đọc được công trình nghiên cứu của tôi đã viết thư khen tôi đã nghiên cứu đúng. Đến năm 1992, Viện Sử học VN in thành sách cuốn “Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung” trong Tủ sách Tài liệu tham khảo Lịch sử Việt Nam.
|
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (cầm gậy) trong chuyến khảo sát thực địa khu vực gò Dương Xuân. Ảnh: Đ.K |
Tôi cũng đã đọc "Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung" bản in lần đầu 2007 và bản tái bản 2015, đã nghe trong nhiều hội thảo. Ông đã khẳng định có sự tồn tại của phủ Dương Xuân - tiền thân của cung điện Đan Dương, nơi an táng vua Quang Trung. Ông có thể gút lại kết quả tìm kiếm của mình trong sử sách lẫn thực địa là gì?
- Thời chúa Nguyễn mặc dù xây dựng thủ phủ của xứ Đàng trong ở Kim Long, làng Phú Xuân bên bờ bắc sông Hương, hằng năm bị lũ lụt. Vvào năm 1680, chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) cho xây dựng một cung phủ ở địa điểm kín gió, cao ráo ở trên gò Dương Xuân bên bờ nam sông Hương. Cung phủ được đặt tên là phủ Dương Xuân. Đến năm 1786, Nguyễn Huệ sau khi giải phóng Phú Xuân trong tay ba vạn quân Trịnh, ông đã chọn phủ Dương Xuân làm dinh phủ của mình.
Cuối năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, phủ Dương Xuân được xây dựng lại và đặt tên là cung điện Đan Dương. Bốn năm sau vua Quang Trung ngã bệnh và mất vào ngày 29.7.1792. Để giữ kín sự kiện này với những lực lượng thù địch, triều Quang Toản (vua Cảnh Thịnh, 1792 - 1795) đã quyết định giữ bí mật ngày mất và táng vua Quang Trung ngay trong khuôn viên cung điện Đan Dương. Từ đó, cung điện Đan Dương trở thành lăng Đan Dương của vua Quang Trung.
Từ cuối năm 1801 đến cuối năm 1802, Nguyễn Ánh về lại Phú Xuân, cho quật phá lăng mộ vua Quang Trung và phá dỡ cung điện Đan Dương chôn sâu xuống đất. Suốt thế kỷ XIX, khu vực gò Dương Xuân được đổi thành gò ấp Bình An và cấm dân chúng đến ở. Đại Nam Nhất Thống Chí triều Nguyễn công bố “Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ” (Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào”. Công trình nghiên cứu của tôi qua tư liệu và thực địa đã khám phá được nơi tọa lạc của phủ Dương Xuân - tiền thân của cung điện Đan Dương trên gò Dương Xuân/gò ấp Bình An thuộc phường Trường An ngày nay.
Ông chứng minh được các hiện vật của phủ Dương Xuân, nhưng từ phủ Dương Xuân chuyển qua thành cung điện Đan Dương bằng cách nào?
- Trên gò Dương Xuân có các hiện vật chứng tỏ là một cung phủ bị chôn vùi. Cái cồn trước gò Dương Xuân dân gọi là cồn Bông Sứ, chứng tỏ nơi hoang vu ấy từng là nơi có lăng mộ, nơi thờ cúng. Đất đó có tên là Long Sơn được đổi lại là Bình An (cùng nằm trong hệ thống đổi tên các địa phương thời Tây Sơn qua triều Nguyễn đều có một chữ Bình hoặc một chữ An. Ví dụ Quy Nhơn đổi thành Bình Định, ấp Tây Sơn đổi lại thành An Tây). Trên khu vực ấy xuất hiện nhiều chữ “loạn”. Giêng loạn, mã loạn, núi loạn… Chữ loạn này được Phương Đình Dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu giải thích là ”Biến loạn năm Bính Ngọ (1786). Chữ loạn này ám chỉ cuộc giải phóng Phú Xuân năm 1786. Phủ Dương Xuân mất tích từ cuộc chiến tranh năm 1786 của Tây Sơn, tức là phủ Dương Xuân đã bị Tây Sơn chiếm ở. Phủ Dương Xuân là tiền thân của cung điện Đan Dương là như thế.
Ở trên ông có nói ông nhờ văn thơ của hai đại thần Ngô Thì Nhậm và Phan Huy ích? Chỉ hai ông đó thôi sao?
- Nếu kể hết thì nhiều lắm. Tôi xin nêu một số người tiêu biểu:
Thích Đại Sán cho tôi biết chùa Thiền Lâm đã trở thành viện Thiền Lâm, ở gần phủ Dương Xuân, chốn nội cung phủ Dương Xuân; Jean Koffler cho tôi biết kiến trúc đô thành Phú Xuân và phủ Dương Xuân bên bờ Nam sông Hương; James Bean và Pierre Poivre đã cho tôi biết hình thể và kiến truc phủ Dương Xuân...
Quan trọng nhất là các nhân chứng Tỳ kheo chủa Vạn Phước, chùa Thiền Lâm, đặc biệt là Tỳ-kheo Thích Chơn Trí, ông bà Nguyễn Hữu Oánh.
Từ công trình nghiên cứu của ông, Viện Khảo cổ học đã bắt tay vào cuộc thăm dò khảo cổ học để giải mã dấu vết lăng mộ vua Quang Trung, ông kỳ vọng gì về việc này?
- Tôi không kỳ vọng gì cả, việc tôi làm được tôi đã khẳng định. Còn việc khảo cổ khoa học họ làm là để xác nhận rằng việc tôi làm có đúng không. Tức là ở gò Dương Xuân có dấu tích của một vùng cung điện đã bị vùi dập không. Khu vực gò Dương Xuân mênh mông như thế, họ chọn một số khu vực để khai quật thăm dò nên có thể họ phát hiện được, có thể không. Đến giờ này, những khẳng định của tôi về phủ Dương Xuân tôi không thể nói khác. Rồi sau này khi được xác nhận, tôi sẽ trao lại công trình của mình cho đất nước. 9 năm kháng chiến tôi đã để lại bộ Tự truyện Từ Phú Xuân đến Huế. 40 năm làm người cầm bút xứ Huế tôi để lại công trình Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn - tiền thân của cung điện Đan Dương thời Quang Trung ở Huế. Giá trị, đúng sai lịch sử sẽ định luận.
Xin cảm ơn ông!