Đỗ Dũng RFI: 1- Tại sao vấn đề tìm lăng mộ vua Quang Trung lại đặt ra?
Nguyễn Đắc Xuân: Nguyễn Huệ/Quang Trung lên ngôi ở Huế, làm vua ở Huế và qua đời ở Huế. Sống cái nhà, chết cái mồ. Hoàng đế Quang Trung không có mồ. Ở Huế lại là nơi nổi tiếng với các lăng mộ các vua Nguyễn. Quang Trung là một đại hoàng đế ở Huế, vậy lăng mộ Hoàng đế Quang Trung ở đâu ? Một sự phi lý, một bức xúc của bất cứ người dân Việt yêu lịch sử nước mình nào, một dấu hỏi của khách bốn bể năm châu đến du lịch Huế xưa và nay.
Đỗ Dũng RFI: 2 - Do đâu mà vấn đề tìm kiếm lại khó khăn đến thế?
Nguyễn Đắc Xuân: Do lịch sử. Năm 1790, vua Quang Trung của Phong trào Tây Sơn đang trị vì ở Phú Xuân/Huế thì tại Gia Định một người cháu của các chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh cũng đã lên ngôi vương qui tập lực lượng chống Phong trào Tây Sơn rất mạnh mẽ. Để triệt phá cái “vượng khí trổi dậy” của dòng họ Nguyễn, theo tập quán phương Đông, vua Quang Trung cho quật hết các lăng mộ của các đời chúa Nguyễn ở Huế, trong đó có cả lăng mộ của thân phụ Nguyễn Ánh. Vì lý do đó, mười một năm sau, khi lấy lại được Phú Xuân - năm 1801, Nguyễn Ánh sau đó lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long đã “vì chín đời mà trả thù” thực hiện chủ trương “tận pháp trưng trị” (trừng trị hết phép) rất triệt để. Đối với lăng mộ vua Quang Trung và các lãnh tụ Phong trào Tây Sơn, nhà Nguyễn đã cho quật mồ, bổ săng (hòm), lấy xương đầu lâu bỏ vào vò giam vào ngục thất, xương cốt tán nhỏ trộn với thuốc súng bắn vào không trung, đập phá và chôn sâu dưới đất những vật liệu xây lăng mộ, đổi tên những địa danh gắn liền với Phong trào Tây Sơn (như Tây Sơn thành An Tây, Qui Nhơn thành Bình Định, Long Sơn thành Bình An.v.v.), đục phá, mài nhẵn những bia biển có liên quan, sửa hoặc xoá những địa danh đã có trong sử sách từ trước, cấm không cho dân chúng lai vãng những mảnh đất bị trừng phạt, cấm ngặt không cho dân chúng nhắc đến mọi thông tin có liên quan đến Phong trào Tây Sơn, đặc biệt là về Nguyễn Huệ Quang Trung. Do đó việc nghiên cứu đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung cực kỳ khó khăn. Thời Nguyễn còn trị vì (1802-1945) không ai dám nhắc đến lăng mộ vua Quang Trung. Nửa thế kỷ 19, tức thời vua Tự Đức, Đại Nam Liệt truyện của triều Nguyễn chỉ nhắc đến lăng mộ vua Quang trung một cách chung chung là ”Mộ Huệ táng vua Hương Giang chi nam”. Những nhân chứng, những người am hiểu thì không dám nói, không dám viết, họ chỉ dám gởi gắm trong văn học một cách kín đáo mà thôi. Hơn nửa thế kỷ qua nhiều nhà sử học có đề cấp đến, có cố gắng đi tìm nhưng thiếu tài liệu lịch sử nên đành chịu bất lực. Nay sao, trời xuôi đất khiến, tôi đã tìm được chút ánh sáng ở cuối đường hầm.
Đỗ Dũng RFI: 3- Bản thân anh đã thu thập được những gì nghiên cứu?
Nguyễn Đắc Xuân: Tư liệu lịch sử rất hiếm hoi như tôi vừa nêu.Tôi tìm được thông tin có liên quan lăng mộ vua Quang Trung không những qua tư liệu lịch sử mà chủ yếu qua tư liệu Huế học. Tôi tìm được thông tin “lăng mộ vua Quang Trung táng trong Cung điện Đan Dương” trong một nguyên chú trong bài thơ Cảm Hoài của Ngô Thì Nhậm-một trọng thần của triều Quang Trung, tìm được thông tin lăng mộ Quang Trung ở gần chùa Thiền Lâm qua nguyên chú một bài thơ khác của Phan Huy Ích - cũng là một trọng thần triều Quang Trung. Qua phương pháp thống kê, so sánh tôi tìm những di tích ở bờ nam sông Hương thấy chùa Thiền Lâm cùng nằm một hướng với lăng mộ vua Quang Trung theo Đại Nam Liệt Truyện. Qua địa lý lịch sử - cuốn Đại Nam Nhất Thống Chí và thực địa tôi phát hiện chùa Thiền Lâm - nằm cùng hướng ở bờ nam sông Hương với lăng mộ Quang Trung, nơi từng được Thái sư Bùi Đắc Tuyên thời Quang Toản dùng làm dinh phủ có 4 điều khó hiểu: Qua lịch sử chùa Thiền Lâm, HT Khắc Huyền là người khai sơn, sách lại viết là HT Thạch Liêm - một người chỉ sống qua ở đó một thời gian ngắn, chùa trước sau vẫn ở ấp Bình An xã Phú Xuân (trước đó là Dương Xuân) mà sách lại viết thuộc xã An Cựu; các bia biển của chùa Thiền Lâm cũ đều bị mài nhẵn hoặc đục nát; khi làm đường Nam Giao xuyên qua chùa Thiền Lâm cũ, người ta dời chùa Thiền Lâm dựng trên một khu đất chôn vùi nhiều gạch ngói đá táng của một cung điện cũ nào đó...Vì sao chùa Thiền Lâm lại rơi vào một hoàn cảnh như thế ? Thực chất chùa Thiền Lâm lúc đầu chỉ là một thảo am làm bên cạnh Phủ Dương Xuân-cung điện Mùa đông hay Phủ thượng dành cho các chúa Nguyễn ở vào mùa mưa bão mà thôi. Tôi tìm hiểu Phủ Dương Xuân, thì sách địa lý lịch sử triều Nguyễn lại bảo “Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ” (Từ khi chiến tranh với Tây Sơn, nơi dựng Phủ ấy mất tích ngày nay không biết ở đâu !) Thật khó hiểu. Không thể tìm được Phủ Dương Xuân qua tư liệu Việt Nam, may sao tôi tìm được thông tin về Phủ Dương Xuân qua bút ký Voyage của nhà buôn Pháp P.Poivre. Ông Poivre đã đến Huế hồi cuối năm 1749, được chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếp đón ở Phủ Thượng hay Cung điện Mùa Đông (Le Palais d’hiver). Từ chùa Thiền Lâm tôi đi tìm trên thực địa những thông tin mà P.Poivre đã ghi được như cung điện ấy có chỗ cao chỗ thấp, có một cánh nhìn ra sông, trước cung điện có một cái hồ nhỏ, ở đối diện với cung điện có một mô đất cao...Tôi tìm được tại khu vực hai bên bờ Suối Tiên...giữa 4 ngôi chùa Thiền Lâm-Vạn Phước-Diệu Đức và Kim Tiên. Khu vực nầy suốt thế kỷ 19 bị bỏ hoang, có nhiều biểu hiện liên quan đến chữ “loạn” - từ của nhà Nguyễn dành cho Phong trào Tây Sơn như những ngôi mộ hoang trong khu vực nầy gọi là “mã loạn”, những giếng nước bỏ hoang gọi là “giếng loạn”, lại có câu ca dao “chiều chiều mây kép về Kinh, ếch kêu giếng loạn thảm tình đôi ta”. Ở đây có một cái cồn mang tên dân gian là “Cồn Bông sứ” - chứng tỏ nơi đây từng trồng nhiều bông sứ- loại bông trồng những nơi thờ cúng, cung điện nhà vua. Vùng đất nầy ngày xưa là Long Sơn thuộc xã Dương Xuân từ đầu triều Nguyễn gọi là ấp Bình An. Từ sau vài chục thập niên đầu thế kỷ XX, dân chúng lần lược về đây sinh sống, họ đào đất làm nhà, làm vườn phát hiện nhiều gạch, ngói và nhiều loại đá táng cột, đá lát nền nhà, những trụ đá, những ghế đá, những tấm đá có tấm dài trên 2m7, rộng đến gần 0m8...chứng tỏ nơi đây từng có một vùng cung điện bị đập phá vùi sâu xuống đất. Dân chúng không biết đó là di tích gì, họ đào được những viên đá đẹp đem bán cho thợ làm bia, làm cối. Những viên không sử dụng được lát nền nhà, ghép làm thành quách lăng mộ người thân còn tìm thấy trong khu vực nghiên cứu. Từ tư liệu đến thực địa tôi đã khẳng định được Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn đã được sửa chữa lại làm Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung. Sau nhà Nguyễn về quật phá Đan Dương nên Phủ Dương Xuân mất tích.
Đỗ Dũng RFI: 4- Hiện nay vướng mắc còn ở chỗ nào?
Nguyễn Đắc Xuân: Đây là một công trình khoa học dựa vào tài liệu của nhiều ngành học, lại phải am tường thực địa ở Huế, ngừơi đọc phải hết sức thích thú chịu khó đọc kỹ mới thấy được giá trị của công trình. Cách đây 17 năm học giả Hoàng Xuân Hãn đã thấy giải pháp khoa học của tôi là đúng nhưng sau đó ông qua đời không giúp gì cho tôi thêm được nữa. Đến nay theo các nhà khoa học thì không ai còn có ý kiến gì về địa điểm từng toạ lạc Cung điện Đan Dương, cũng có nghĩa đã thấy được khu vực từng có lăng mộ vua Quang Trung. Nhưng kết luận cuối cùng về dấu tích lăng mộ nầy còn chờ ngành khảo cổ học. Trở ngại lớn nhất là những người có trách nhiệm của ngành khảo cổ học Việt Nam chưa có ý kiến gì. Riêng ngành khảo cổ học ở địa phương thì đang chờ kinh phí. Thế thôi.
Trả lời PV Đỗ Dũng RFI tối chủ nhật 20/1/2008