1. Tại sao đang là nhà nghiên cứu Huế, ông lại bỏ ra 20 năm để tìm lăng mộ vua Quang Trung?
NNC Nguyễn Đắc Xuân: Huế của Huyền Trân Công chúa, Huế của 9 đời chúa Nguyễn, Huế của thời đại Nguyễn Huệ - Quang Trung - Quang Toản (1786-1801), Huế của 13 đời vua Nguyễn, Huế của hai cuộc kháng chiến, Huế của Thời niên thiếu Bác Hồ, Huế của nhà thơ Tố Hữu, Huế của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và của v.v. và v.v. Nghiên cứu Huế làm sao không nghiên cứu khám phá cái bí ẩn chung quanh Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung?
Nghiên cứu trên hai mươi năm mà tìm được sự thực lịch sử Cung điện Đan Dương là đã quá may mắn rồi. Nếu chưa tiếp cận được chân lý thì vẫn tiếp tục, đời nầy chưa làm xong thì còn đời sau và đời sau nữa. May là cơm đã nấu chín, chỉ còn chuyện dọn ra và “mời” dân chúng mến mộ Quang Trung ngồi vào bàn thôi !
2. Xin ông có thể nói qua đôi nét về hành trình trên 20 năm ấy? (Những khó khăn? Quá trình tìm tư liệu văn bản? Quá trình thực địa? Những phát hiện có tính khai mở vấn đề?)
NNC Nguyễn Đắc Xuân: “Đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung” là một đề tài rất khó. Các nhà sử học danh tiếng nhât trong Nam, ngoài Bắc hơn nửa thế kỷ qua (kể cà người Pháp, đặc biệt là nhà Huế học L. Cadière) đã bó tay từ lâu. Đối với một người nghiên cứu “nghiệp dư” xuất thân từ một người làm thơ viết văn như tôi lại càng khó hơn gấp bội. Nói cụ thể hơn, tôi chưa từng được biên chế trong một tổ chức nghiên cứu văn hoá- lịch sử, hay khảo cổ học nào, lại ở một địa phương nghèo nên cái khó đầu tiên của tôi là không có thời gian nghiên cứu, không được bất cứ một cơ quan nào tài trợ, không có phương tiện nghiên cứu, không có “tư cách pháp nhân” để vào các cơ quan nhà nước (như Viện hán Nôm, các kho lưu trữ quốc gia) sao chép tư liệu, các thông tin khoa học tìm ra không được tổ chức phản biện đánh giá (mise en valeur) để đi tiếp hay hủy bỏ. Đến khi công trình đã làm ra rồi (Hội Sử học VN xuất bản sơ lược từ năm 1992) gởi đến nhiều cơ quan chức năng và các địa phương có liên quan (trong đó có Bình Định) vẫn nhận được sự im lặng tuyệt đối.
3. Trong hoàn cảnh khó khăn như thế sao ông có thể vượt qua để đạt đến kết quả như ngày hôm nay?
NNC Nguyễn Đắc Xuân: Tôi vượt qua được nhờ trái tim yêu Huế nóng bỏng, yêu lịch sử, tự hào về Nguyễn Huệ Quang Trung của một người làm thơ viết văn, tôi vượt qua được với niềm tin được một thế lực tâm linh nào đó hỗ trợ, với sự ủng hộ nhiệt tình của người dân địa phương và được chia sẻ khoa học của các bậc thức giả gần xa.
4. Lăng mộ vua Quang Trung đã bị vua Gia Long và con cháu của ông “tận pháp trừng trị”, vấn đề đã được các nhà sử học khép lại, xem như một đường hầm không lối thoát. Xin ông cho biết cái tia sáng mà ông đã phát hiện được ở cuối đường hầm ấy để đi đến cùng như hôm nay?
NNC Nguyễn Đắc Xuân: Như các bạn biết tôi không ở trong một cơ quan khoa học lịch sử văn hoá nào, tôi không phụ thuộc một phương pháp nghiên cứu “hàn lâm” duy tâm duy vật nào. Tôi là một nhà nghiên cứu nghiệp dư “khơi khơi”. Tôi yêu Huế, tất cả các thông tin có liên quan đến Huế qua các nguồn tư liệu lịch sử, địa lý lịch sử, khảo cổ học, văn học cổ và hiện đại, văn học dân gian, thảo mộc học, địa phương học tôi đều thu nạp hết. Tôi tự tìm cho mình một phương pháp nghiên cứu riêng. Và giới nghiên cứu đã móc cho tôi một cái danh mà trước đây ít dùng là “nhà Huế học”. Cái ánh sáng cuối đường tôi tìm được qua các nguyên chú trong thơ văn của các đại thần Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích thời Quang Trung. Ngô Thì Nhậm cho biết: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta” Lăng vua Quang Trung có tên là lăng Đan Dương ở trong Cung điện Đan Dương. Phan Huy Ích cho biết : Lăng Đan Dương ở gần chùa Thiền Lâm. Tôi là người đầu tiên phát hiện ra các thông tin cực kỳ quan trọng ấy. Sau hơn 50 năm Đan Dương lăng bị “tận pháp trừng trị”, sử nhà Nguyễn- bộ Đại Nam liệt truyện- mới viết “mộ Huệ táng vu Hương Giang chi nam” (lăng mộ của Nguyễn huệ táng ở bờ nam sông Hương” . Những thông tin nầy là những ngọn hải đăng hướng dẫn cho quá trình khám phá của tôi.
5. Lăng Đan Dương đã bị “tận pháp trừng trị” xoá hết dấu vết thì ông còn bỏ trên 20 năm để “khám phá” làm gì nữa?
NNC Nguyễn Đắc Xuân: Dấu vết lăng mộ vua Quang Trung giả như đã bị xoá hết, nhưng dấu vết của cái Cung điện Đan Dương “phụng chứa” lăng Đan Dương làm sao xoá hết được ? Mà cái cung điện đó ở đâu cũng phải xác định để đặt ở đó một cái bát hương để cho dân tộc Việt đến bái lạy nhớ ơn người anh hùng áo vãi đã chiến thắng quân Xiêm ở Rạch Gầm Xoài Mút trong Nam, chiến thắng 29 vạn quạn Thanh giải phóng Thăng Long ngoài Bắc và dựng lên thời đại Quang Trung oai hùng chứ ? Mà xác định được Cung điện Đan Dương thì chuyện xác định vị trí cụ thể của lăng Đan Dương có gì khó khăn nữa đâu ! Giống như đã tim được chiếc xe thì chuyện đi tìm cái bu-gi của nó khó khăn gì nữa.
6. Sau nhiều bài viết và những cuộc thảo luận trên báo, lần này, ông quyết định bỏ tiền túi ra in hẳn một cuốn sách về vấn đề này. Vậy mục tiêu của lần công bố này là gì?
NNC Nguyễn Đắc Xuân: Công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương-lăng Đan Dương hết sức khó khăn phức tạp. Tài liệu hiện vật bằng nhiều chất liệu khác nhau và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau (Hán, Việt, Pháp, Anh), hiện vật đang nằm ngoài trời, dưới đất, có thứ dân chúng lưu giữ, có thứ các chùa đang dùng, nhân chứng kẻ còn người mất...Nếu ngồi chờ các cơ quan chức năng thời kinh tế thị trường nầy đoái hoài thì đôi khi “dấu tích lăng mộ vua Quang Trung” sẽ bị hủy diệt lần nữa. Vì thế năm nay tôi đã 71 tuổi, sức khoẻ quá kém, sợ có những biến động về sức khoẻ không truyền đạt được những gì mình đã hy sinh làm nên cho hậu thế sẽ vô cùng oan uổng cho nên tôi “liều” xuất bản công trình nghiên cứu để thanh thản vào bệnh viện chữa bệnh.
7. Trong vấn đề tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung, liệu còn có vấn đề gì chưa được làm sáng tỏ, cần phải nghiên cứu thêm?
NNC Nguyễn Đắc Xuân: Kết quả nghiên cứu của tôi khẳng định Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung là hậu thân của Phủ Dương Xuân nằm hai bên bờ Suối Tiên trong khoản không gian 4 chùa Thiền Lâm-Vạn Phước-Diệu Đức-Kim Tiên thuộc ấp Bình An P. Trường An (TP Huế) hiện nay. Chỉ còn việc chưa được khẳng định là cái huyệt mộ từng táng thi hài của vua Quang Trung vào mùa thu năm 1792 cụ thể ở vào địa điểm nào trong khu vực Cung điện Đan Dương ấy thôi. Đây là việc của các nhà khảo cổ học ở địa phương và Trung ương.
8. Tất cả những phát hiện trên vẫn còn ở trên giấy. Vấn đề là khai quật để tìm chứng cứ vật chất bằng khảo cổ học. Ông đã bao giờ đặt vấn đề chính thức với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Khảo cổ học Việt Nam? Nếu đề nghị đó được chấp thuận, ông có đề xuất gì để tiến hành thật hiệu quả?
NNC Nguyễn Đắc Xuân: Từ năm 1992 đến nay tôi đã đặt vấn đề nầy với tất cả các cơ quan chức năng và địa phương có liên quan. Nhưng như trên tôi đã trả lời là tôi chỉ được hồi âm bằng sự im lặng tuyệt đối. Bây giờ thì khác rồi. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất quan tâm rồi. Chỉ còn vấn đề kinh phí và thơi gian thôi. Và, sau lần chữa bệnh nầy xong tôi sẽ tiếp tục cùng các ngành chức năng thực hiện những việc cần làm ngay. Tôi hy vọng một ngày không xa Cung điện Đan Dương sẽ được xây dựng, một góc trời Cố đô Huế thời đại Quang Trung sẽ khiêm tốn xuất hiện bên cạnh Cố đô Huế của 13 đời vua Nguyễn.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Lê Viết Thọ
Báo Bình Định