Chương 2: Lăng Đan Dương cùng ở phía nam Kinh thành Huế và gần chùa Thiền Lâm

1. Lăng Đan Dương ở bờ nam sông Hương

Lăng mộ vua Quang Trung / Đan Lăng / Đan Dương Lăng/ Cung điện Đan Dương đã  bị quan quân nhà Nguyễn quật phá ngay khi họ vừa về đến Phú Xuân vào  tháng 11 năm Tân Dậu (1801). Vụ trả thù  nầy đã được ghi rõ trong Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ nhất kỷ  (xem A.004):

QSQ Triều Nguyễn, ĐNTL CB Đệ nhất kỷ, Q.XV, tr. 26a cho biết: Tháng 11 Tân Dậu, Nguyễn Vương cho “phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ bổ săng (hòm), phơi thây, bêu đầu ở chợ”. Bình luận: Chứng tỏ lăng mộ vua Quang Trung chỉ còn dấu tích, không còn hòm, không còn xương cốt, đầu lâu.  

Tháng 11 Tân Dậu, Nguyễn Vương cho “phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ bổ săng (hòm), phơi thây, bêu đầu ở chợ”.

Chứng tỏ lăng mộ vua Quang Trung chỉ còn dấu tích, không còn hòm, không còn xương cốt, đầu lâu. Nhưng  Thực Lục không cho biết  địa điểm ấy ở đâu. Đối với chúng ta thì đó là một bí ẩn nên tôi tạm mã hóa là X. Phải đợi đến hơn 50 năm sau (1801- 1852), Nguyễn Trọng Hợp và các sử thần ngồi ở Quốc sử quán trong Kinh thành viết bộ Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện (sơ tập),  trong Quyển XXX “Ngụy Tây” mới hé cho biết cho biết rằng lăng mộ vua Quang Trung (mã hóa là X) đã được “táng vu Hương Giang chi nam” (táng ở bờ nam sông Hương) (Xem A.008)

QSQ triều Nguyễn, ĐNCB Liệt Truyện (sơ tập), Quyển XXX “Ngụy,  tr. 43a cho biết lăng mộ vua Quang Trung đã được “táng vu Hương Giang chi nam” (táng ở bờ nam sông Hương)

Cái thông tin mộ vua Quang Trung “táng vu Hương Giang chi nam” có thể xem là thông tin độc nhất mà sử sách triều Nguyễn dành cho X. Cái thông tin đó ấn định một vùng “Hương Giang chi nam” khá rộng và cũng hơi mông lung. Bởi thế mà hơn nửa thế kỷ qua, dấu tích X vẫn còn là một bí ẩn. Tuy nhiên, xét cho kỹ thì cụm từ “táng vu Hương Giang chi nam” cũng cho chúng ta được ba điều quan trọng:

 - 1/ Khẳng định X táng ở Huế (chứ không phải như dư luận là táng ở Linh Đường (Hà Nội);  Bình Thuận hay bất cứ một nơi nào khác;

 - 2/ Lấy sông Hương làm chuẩn nên có thể nghĩ X  tọa lạc gần bờ sông (chứ không phải trên vùng núi sau Tu viện Thiên An có lăng Ba Vành của Hộ bộ kiêm Binh bộ Lê Quang Đại như hàng chục nhà nghiên cứu đã tốn biết bao công sức và giấy mực);

- 3/ Phía nam sông Hương là một vùng rộng lớn, nhưng dù sao khu vực ở nam sông Hương có độ cao tương đối để có thể táng được lăng mộ của vua chúa không đến nỗi rộng lớn lắm.

2. Phương pháp khảo sát:

Ngày xưa các sử thần viết sử rất ngắn, gọn và dùng từ rất thống nhất. Muốn hiểu khi nào các sử thần triều Nguyễn dùng chữ “nam” như “nam sông Hương”, “phía nam Kinh Thành”, các từ ấy giống nhau và khác nhau như thế nào tôi đã phải đọc kỹ bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí (tập Kinh sư và Thừa Thiên Phủ) của Quốc sử quán triều Nguyễn. Qua thống kê, so sánh, tôi thấy:     

a) Địa điểm thuộc thì lấy huyện lỵ làm gốc: Sông Thọ Lộc (Đập Đá qua Phường Vỹ Dạ ngày nay) ở phía Bắc huyện 17 dặm; cửa sông ở bờ phía nam Hương Giang thuộc xã Thiên Lộc [1] ; Gò Thiên Mụ ở phía tây nam huyện Hương Trà độ 5 dặm [2];  

b) Địa điểm các huyện thì lấy phủ lỵ (Thừa Thiên) làm gốc: Huyện Phú Vang ở phía đông bắc phủ 14 dặm... [3] ; Huyện Quảng Điền ở phía đông bắc phủ 14 dặm...  [4]

c) Địa điểm thuộc Kinh thành Huế lấy Kinh thành làm gốc: Chùa Diệu Đế ở ấp Xuân Lộc ngoài Kinh thành [5]; Thuyền xưởng ở bờ phía nam Hương Giang ngoài Kinh thành [6].

Qua bản khảo sát, tôi rút ra được nguyên tắc: định phương hướng của một địa danh căn cứ vào một trong ba địa điểm gốc: huyện lỵ, phủ lỵ, và Kinh thành.

Bờ nam sông Hương rất dài, nhưng nó được cắt ra thành nhiều đoạn để phụ thuộc vào Kinh thành hay huyện lỵ quản lý nó về phương diện hành chính. Vậy:

- Những di tích thuộc Kinh thành nằm phía nam sông Hương cũng gần với “hướng phía nam Kinh thành”. Ngồi trong Kinh thành viết “phía nam sông Hương” cũng có thể hiểu “phía nam Kinh thành”. X nằm ở hướng chính nam Kinh Thành.

Thế cùng nằm ở hướng chính Nam Kinh thành, có những di tích nào  thuộc Kinh thành ?

Nghiên cứu thư tịch và khảo sát trên thực địa, chúng tôi thấy các sử thần triều Nguyễn dùng từ “phía nam” đối với Kinh thành trong những trường hợp cụ thể  như sau:

- Phu Văn Lâu: ở chính trung quách phía nam ngoài Kinh thành  [7]

- Thuyền xưởng (bờ sông từ nhà bia trước Quốc Học đến Hotel Résidence 5 Lê Lợi ngày nay). Theo L. Cadiere, (BAVH, 1-6/1933, p.130), ở bờ phía nam Hương giang ngoài Kinh Thành [8] .

- Miếu lịch Đại đế vương, ở xã Dương Xuân phía nam ngoài Kinh Thành [9]

- Đàn Nam Giao, ở xã An Cựu, phía nam ngoài Kinh Thành... [10]

Khảo sát trên thực địa, nhận thấy tất cả những địa điểm trước Kinh Thành được xếp ở phía chính nam ngoài Kinh thành đều nằm trên hoặc hai bên đường trục nối liền hai điểm Phu Văn Lâu và đàn Nam Giao.

Vì thế mà hai cồn Giã Viên (bãi Dương Xuân xưa) và Cồn Hến (Phú Xuân xưa) tuy ở phía trước hai bên Kinh thành nhưng Đại Nam Nhất Thống Chí lại xếp vào vị trí “phía tây nam trước Kinh thành” (Dương Xuân/Cồn Dã Viên) và “đông nam trước Kinh thành (Phú Xuân/Cồn Hến)”  [11]

X nằm ở vị trí “phía nam sông Hương”, cũng có thể xem gần với hướng “phía nam Kinh thành" - Vì thế tôi đặt giả thiết (xin nhấn mạnh là giả thiết) X cũng nằm gần trục Phu Văn Lâu - đàn Nam Giao. .

Dọc hai bên đường thẳng từ Phu Văn Lâu lên đàn Nam Giao có nhiều di tích cổ, đặc biệt nhất là chùa Thiền Lâm. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí cho biết: “Khi trước Thái sư Tây Sơn là Bùi Đắc Tuyến chiếm (chùa Thiền Lâm) ở...” [12] Lúc bấy giờ dưới trướng của Bùi có Phan Huy Ích. Phan Huy Ích đã cho biết cụ thể hơn về sự kiện này trong lời Nguyên dẫn và bài thơ Mùa Xuân Ở Công Quán Ghi Việc sau đây:       

Dịch nghĩa:  Mùa Xuân Ở Công Quán Ghi Việc [13]

(Nguyên dẫn: Nhà của quan Thái sư (Bùi Đắc Tuyên) là chùa Thiền Lâm cũ nằm phía nam sông Hương nha thuộc cũng theo đến ở chung quanh chùa. Giữa tháng ba, tôi tới nhà trọ Kinh đô, cũng gần nơi ông ở. Chỗ này vườn tược rộng rãi, cây cối xanh um, bốn bề những núi cùng mây, mắt nhìn lòng nghĩ cũng khá thoải mái, trừ những đêm họp bàn việc công ra, còn thì tha hồ ngâm thơ uống rượu, kể cũng thú, duy nỗi lòng thương nhớ người nhà vẫn không nguôi):

"Trời mở ra dinh tòa ở chốn đồng quê

Xe ngựa tụ họp đến sân ngôi chùa cũ.

Trên tòa đêm khuya, cuộc họp bàn chưa giải tán,

Chỗ trọ nơi nhà chùa, giấc ngủ quá trưa mới tỉnh". (A)

NGUYÊN CHÚ:

(A) "Quan Thái sư vì việc quan, đêm thường ra ngoài tòa làm việc, canh tư mới tan, đã thành lệ, những người giúp việc ứng trực cũng đã quen". (Xem A.009)

Sử đã cho biết, Bùi Đắc Tuyên được làm Thái Sư cho vua Quang Toản từ năm 1792 (sau ngày vua Quang Trung mất), Phan Huy Ích làm việc với Bùi Đắc Tuyên ở Phú Xuân trong ba năm (1792 - 1794). Phan đã ghi chép được nhiều chuyện “thời sự” lúc bấy giờ.

Qua bài thơ tâm sự của Phan Huy Ích, chúng ta có thể tách ra được những thông tin sau:

 Nguyên dẫn và bài Mùa Xuân Ở Công quán ghi việc của Phan Huy Ích. (Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam - Ban Hán Nôm: Thõ văn Phan Huy Ích, t.II, Dụ Am Ngâm Lục, KHXH, H.1978, tr.86-87) cho biết “chùa Thiền Lâm nằm phía nam sông Hương”.

1. (So với Đô thành Phú Xuân), chùa Thiền Lâm “nằm ở phía nam sông Hương";

2. Thời Bùi Đắc Tuyên làm Thái sư, “nha thuộc" của triều Quang Toản “cũng đến ở chung quanh chùa", “xe ngựa (của các đại thần) tụ họp đến sân ngôi chùa (Thiền Lâm) cũ". Điều ấy có nghĩa chùa Thiền Lâm là cơ quan đầu não buổi đầu triều Quang Toản;

3. Bùi có thói quen làm việc ban đêm, ban ngày ngủ, những người giúp việc cho Bùi cũng phải thích nghi với tập quán ấy;

4. Phan Huy Ích từ ngoài Bắc vào ở trọ trong một ngôi chùa cũ đã biến thành “nhà trọ Kinh đô

5. Dinh của Bùi Thái sư là chùa Thiền Lâm, nơi làm việc của Phan Huy Ích cũng là một ngôi chùa gần Thiền Lâm, chứng tỏ những kiến trúc chủ yếu của các nha thuộc bên cạnh Bùi là các chùa. (Chùa Bảo Quốc ở gần đó qua Đại Nam Nhất Thống Chí cho biết Tây Sơn dùng làm kho chứa thuốc súng, phù hợp với tình hình chung quanh chùa Thiền Lâm lúc ấy).

Phan Huy Ích cho biết chùa Thiền Lâm “nằm ở phía nam sông Hương” và trên thực địa chùa Thiền Lâm đang tồn tại hiện nay (số 78B Điện Biên Phủ) nằm đúng trên trục Phu Văn Lâu - đàn Nam Giao. Điều ấy chứng tỏ giả thuyết X  nằm trên trục Phu Văn Lâu - đàn Nam Giao cùng với chùa Thiền Lâm là có cơ sở thực tế (chùa Thiền Lâm và X (Đan Dương Lăng) đều ở về phía nam sông Hương) chứ không còn là giả thiết nữa. (xem A.010).

Huế và vùng Phụ cận, trích trong l’ Annuaire Général de l’Indo-chine năm 1907, trích lại từ BAVH 1-6/1935. Chùa Thiền Lâm nằm gần ấp Bình An ngay trên trục Phu Văn Lâu -đàn Nam Giao

Nhờ thông tin điền dã và thơ văn Phan Huy Ích mà tôi có thể định hướng được X  nằm ở bờ nam sông Hương trên đường trục Phu Văn Lâu -đàn Nam Giao. Thế thì Phan Huy Ích còn có thông tin nào để lại liên quan đến vấn đề nầy nữa không ? 

Tôi lại nghiền ngẫm đọc từng câu từng chữ tập Dật thi lược toản [14].  Và, trời ơi, tôi có cảm giác như Phan Huy Ích đã gởi lại cho tôi một thông tin vô giá khác, ông hạ bút ghi thêm  “nguyên chú” dưới bài thơ không đề có số thứ tự 266 sau đây:

Bản dịch:

"Bỏ trốn, trốn danh, tự coi mình kẻ bất tài,

Đồi nương nơi làm quan xa như gọi cảnh nhàn đến.

Lầu sớm nắng hoe, mây khói lượn quanh,

Gió thu mát mẻ, cửa ngõ rộng mở.

Rảnh việc, đầy tớ lười ngủ dưới bóng cây,

Đa tình người khách thân cùng ta nâng chén, (*)

Ra vào nơi cơ mật, thẹn mình không có công trạng,

May nhờ ông biết cho, chỉ rỏ ràng ta muốn về. (**)"

NGUYÊN CHÚ:

(*) "Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu";(Xem A.028)

Câu 5 và 6 của bài thơ nói đến tập quán ngủ ngày của những người phục vụ Bùi Đắc Tuyên. Riêng Phan Huy Ích thì ngủ không được, ông thường ngồi uống rượu giải buồn với “những khách thân". Sợ người đọc không hiểu “người khách thân" của ông đó là ai, ông đã cẩn thận ghi thêm một ghi chú “lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu".

Phan Huy Ích viết bài thơ này trong thời gian ông làm quan dưới trướng Bùi Đắc Tuyên (1792 - 1794). Lúc ấy, lăng của ai mà có đủ tiêu chuẩn để cử tiểu giám đến giữ, nếu đó không phải là lăng vua Quang Trung ? Lăng mà bọn tiểu giám giữ ấy ở đâu ? Nếu ở xa thì chúng có thể “thường đến hầu rượu" Phan Huy Ích ở trong một ngôi chùa gần Thiền Lâm được không ? Chắc chắn là không.

Vậy ta lại có thêm một nhận định: Lăng Đan Dương tọa lạc gần  chùa Thiền Lâm.

Chú thích Chương 2

[1] QSQ triều Nguyễn, ĐNNTC, Thừa Thiên Phủ , Nguyễn Tạo dịch, Nha VH Bộ QGGĐ SG 1961, tr.63,

[2]Như [1], tr.66,

[3] Như [1] tr.25.;

[4] QSQ triều Nguyễn, ĐNNTC, t. Kinh sư, Sg.1960, tr. 87;

 [5]Như [4],  tr.86;

[6]Như [4] tr.66

[7] Như [4],  tr.86

 [8]Như [4], tr.86,

[9]Như [4],tr.35

 [10]Như [4], tr.32

[11] Như [4], tr.77;

[12] Quốc sử quán triều Nguyễn,... tập Kinh sư, SG.1960, tr.88

[13] Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam - Ban Hán Nôm: Thơ văn Phan Huy Ích, t.II, Dụ Am Ngâm Lục, KHXH, H.1978, tr.86-87

[14] UBKHXH Việt Nam - Ban Hán Nôm: Thơ văn Phan Huy Ích, t.II, Dụ Am Ngâm Lục, KHXH, H.1978, tr.124.

 

Trang trước 
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia