Hố khảo cổ mở rộng được đào ở sân nhà anh Lê Trung Hiếu (số 11/120 đường Điện Biên Phủ - con bà Lê Thị Rô) với diện tích 1,5m2. Trong quá trình đào xuống chừng gần 0,2m thì các chuyên gia đã tiếp tục phát hiện một lớp đá cổ, như loại đá gan gà với 2 lớp chồng lên nhau. Hố khảo cổ số 5 mở rộng này cách hố số 5 chừng 3 mét, là 2 ngôi nhà nằm đối diện nhau (nhà số 11/120 và số 13/120) cách nhau 1 con hẻm nhỏ.
Nền đá cổ với 2 lớp đá như loại đá gan gà chồng lên nhau vừa được phát hiện ở hố số 5 mở rộng trong vườn nhà anh Lê Trung Hiếu,con bà Lê Thị Rô. Chính bà Rô (nay đã mất) đã khẳng định với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có một nền móng tường thành dưới chân nhà bà
Theo PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, dấu hiệu phát hiện là một tín hiệu rất đáng mừng, nghi như một nền đá. Qua đo đạc, 2 nền đá như nằm trên 1 đường thẳng nên nghi cùng 1 nền đá của công trình kiến trúc cổ với chiều rộng chừng 5,5m.
Từ mép ngoài cùng nền đá bên hố số 5 gióng qua mép ngoài cùng nền đá hố số 5 mở rộng có chiều dài 5,5 mét. Nghi vấn đây là chiều rộng của 1 công trình kiến trúc cổ
Qua quan sát, chiều sâu đào 2 hố số 5, số 5 mở rộng khi phát hiện lớp đá đều chừng 0,2m. Đá ở 2 hố cùng là loại như đá gan gà được xếp lên nhau 2 lớp. Điều này cũng trùng với nghiên cứu của ông Nguyễn Đắc Xuân về dấu tích cung điện Đan Dương của vua Quang Trung tại vùng này, khi cách đây 20 năm trước ông Xuân đi thực địa cũng đã chứng kiến và nghe nhiều bà con vùng này nói có dấu vết nền đá cổ nghi là móng tường thành bên dưới đất.
Trong chiều nay (16/10), đoàn sẽ có cuộc hội ý nhanh cùng các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế, và tiến hành lấp các hố khảo cổ theo đúng thời hạn được Bộ VH,TT&DL cấp phép khảo cổ 15 ngày.
Phát hiện thêm 1 nền đá cổ ở hố thám sát khảo cổ dấu tích Tây Sơn/ Quang Trung
TS. Liêm cho hay đối với các hố khảo cổ có dấu vết nghi công trình kiến trúc như hố số 5, số 5 mở rộng thì đoàn sẽ cho lấp bảo tồn bằng 1 lớp nylon, 1 lớp cát, 1 lớp bạt để giữ di tích này khi làm lại dễ dàng hơn.
Như Dân trí thông tin cập nhật trong nhiều ngày qua, việc đào hố thám sát khảo cổ tại 5 điểm ở vùng gò Dương Xuân (phường Trường An, TP Huế) bước đầu đã thu được nhiều kết quả đáng khả quan với nhiều hiện vật, dấu tích nghi công trình kiến trúc cổ.
Trước đó luận điểm và giả thiết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng có 1 dấu tích của Phủ Dương Xuân – Cung điện Đan Dương tại vùng này đã được dư luận rất quan tâm. Việc đào khảo cổ là một thành công của ông Xuân khi mà các cấp có thẩm quyền đã vào cuộc tìm hiểu xem có hay không dấu tích thời Tây Sơn để lại trên vùng đất Huế.
Những hình ảnh do PV ghi nhận về nền đá mới phát hiện ở ngày khảo cổ cuối cùng:
Phát hiện được nền đá cổ vào ngày 14/10
Nền đá cố gồm nhiều tấm đá lớn xếp lại và tạo thành 1 điểm mép thẳng ở lớp ngoài cùng
Th.s. Nguyễn Văn Quảng, chuyên gia khảo cổ, giảng viên Khoa Lịch sử Đại học Khoa học Huế đang làm sạch các tảng đá
Nền đá cổ ở hố thứ 5 ngay gần đó có các loại đá nhìn giống như đá ở hố thứ 5 mở rộng cũng như cách sắp xếp lớp đá tạo thành nền đá
2 điểm mép của 2 nền đá ở 2 hố khảo cổ này cùng nằm trên 1 đường thẳng, có chiều dài 5,5m - nên nghi là chiều rộng của nền 1 công trình kiến trúc cổ
Công tác khảo cổ được tiến hành khẩn trương trong sáng 15/10 - ngày làm việc cuối cùng vì tình hình thời tiết mưa bão không thuận lợi
Các chuyên gia, thợ làm thuê đang tiến hành những khâu cuối cùng làm rộ rõ nền đá này
Đại Dương đăng trên báo Dân trí