Do thời tiết mưa nhiều nên đoàn đã phải che bạt để đào khảo cổ. Đáng chú ý có một nồi đất nung tại hố khảo cổ thứ 4 ở chùa Thuyền Lâm. Nồi đất này có kích thước khá lớn, bị vỡ phần cạnh ngoài chỉ còn phần đáy khá nguyên.
Nồi đất tại hố khảo cổ chùa Thuyền Lâm
Cũng ở hố này đào được 1 phần đáy nghi là chiếc dĩa hay chén sứ, trên có ghi chữ đã bị nhạt nét.
Ở tại hố khảo cổ thứ 2 trước sân chùa Vạn Phước đào được 1 dĩa đất bị vỡ một phần nhỏ. Một số viên gạch còn nguyên và vỡ một phần được tìm thấy ở 2 hố này.
Hố khảo cổ thứ 5 ở phần các phiến đá xếp thành hình nền một công trình kiến trúc cổ, đoàn đang đào sâu hơn. Dự kiến hố này sẽ được đào mở rộng thêm một phần.
Hết ngày mai (15/10), cơ bản công việc thám sát khảo cổ tìm dấu vết triều Tây Sơn/ Quang Trung sẽ hoàn tất. Các hiện vật sẽ được tiến hành làm sạch, phân loại và kiểm tra xem thuộc giai đoạn nào.
Mưa lớn do áp thấp nhiệt đới đã khiến việc khảo cổ dấu vết vua Quang Trung gặp khó khăn
Như Dân trí thông tin, việc khảo cổ học tại vùng gò Dương Xuân (phường Trường An, TP Huế) đi tìm dấu vết Tây Sơn/ Quang Trung đã gây được sự chú ý đặc biệt của giới nghiên cứu, người dân. Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế và bộ môn Nhân học – Khảo cổ - Văn hóa du lịch (Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Huế) cùng phối hợp tiến hành công việc.
Bước đầu đã ghi nhận một số dấu hiệu đáng chú ý như dấu vết nghi nền công trình kiến trúc cổ, đĩa nguyên vẹn viền màu vàng, vật kim loại nghi đoản kiếm, tiền xu, gạch, ngói, dụng cụ sinh hoạt bằng đất...
Chiếc dĩa còn nguyên vẹn có viền màu vàng, lòng dĩa ghi chữ "Nhật" - theo một số chuyên gia nhận định, chiếc dĩa này có thể của nước Nhật thế kỷ 17
Theo giả thuyết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, vùng gò Dương Xuân đã từng tồn tại một cung điện của vua Quang Trung lúc đóng đô ở Phú Xuân Huế có tên "Cung điện Đan Dương". Cung điện này được phát triển từ phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn. Khi vua mất, để giữ bí mật, triều đình Tây Sơn đã chôn thi hài vua ở ngay trong Cung điện Đan Dương.
Ông Xuân cũng cho rằng Nguyễn Ánh sau khi đánh thắng quân Tây Sơn đã cho triệt hạ toàn bộ công trình Cung điện Đan Dương, đào lăng mộ Quang Trung ở cung điện này lên, đổi tên các địa danh... để xóa sạch dấu vết của kẻ thù.
Việc đi tìm dấu vết vua Quang Trung - vị anh hùng dân tộc có công bình định đất nước sau chuỗi thời gian dài nước Việt bị phân chia đã đánh tan quân chúa Trịnh, đẩy lui quân xâm lược nhà Thanh… vẫn đang là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp cho toàn bộ giới nghiên cứu tại Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua.
Một số hình ảnh hiện vật đáng chú ý do PV ghi nhận trong 1 tuần khảo cổ qua:
Hố thám sát khảo cổ chùa Thuyền Lâm đã được đào xong
Một nền đất có một số hiện vật như gạch, vật dụng đất nung
3 tấm gạch nằm chồng lên nhau
Đáy một vật dụng sinh hoạt bằng sứ
Chiếc nồi đất
Dĩa đất nung tại hố khảo cổ số 1 sân trước chùa Vạn Phước
Các hiện vật bằng sứ như các chén, dĩa cổ ở hố thám sát số 1 sân sau chùa Vạn Phước
Các hiện vật như mảnh ngói
Gạch tìm thấy ở chùa Thuyền Lâm
Gạch, đồ nung tại hố số 2
Hiện vật kim loại như cây đoản kiếm tại hố số 2
Cũng tại hố số 2 trước sân chùa Vạn Phước còn phát hiện tiền xu
Dấu vết lớp đất lạ nghi cát vàng pha sỏi trắng tạo thành một đoạn dài ở hố khảo cổ số 3 nhà ông Nguyễn Hữu Oánh
Dấu vết của nền đá và các lớp đá xếp ngay ngắn nghi là 1 công trình kiến trúc tại hố khảo cổ số 5 cuối cùng
Đại Dương báo Dân Trí (14.10.16)