Lý luận như vậy, bạn có thể có lý của bạn. Có điều, chắc chắn là bạn thiệt mất một thích thú bất ngờ. Ly kỳ cứ như là đọc truyện trinh thám Sherlock Holmes, mà nghiêm túc hiếm thấy trong tình trạng nghiên cứu trong nước hiện nay, cám, vàng trộn lẫn...
Nguyễn Đắc Xuân chỉ là kẻ đến sau. Ba mươi năm trước đây trong tạp chí Bách Khoa số 99 tháng 2/1961, Nguyễn Thiệu Lâu công bố kết quả điền dã của ông đi tìm "Lăng hoàng đế Quang Trung", mở đầu cuộc thảo luận được nhiều nhà nghiên cứu khác tham gia từ đó nhẫn nay. Hướng tìm kiếm ban đầu định vị ở xã Thuỷ Xuân (Huế) quanh một di tích có tên Lăng Ba Vành. Tranh luận có lúc sôi nổi, nhất là vào những năm 80; không ngã ngũ...
Phải nói rằng không dễ gì tìm lại dấu vết một di tích mà ngay từ buổi ban đầu cả hai chính quyền đương thời, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn đã tìm mọi cách đánh lạc hướng.
Vua Quang Trung băng đột ngột (29 tháng 7 năm Nhâm Tý, 16.9.1792). Quang Toản nối ngôi, giữ kín như bí mật quốc gia. Bí mật với nhà Thanh, với Nguyễn Ánh ở Gia Định, với cả nội bộ Tây Sơn, Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn.
Đoàn dự lễ tang hơn 300 người do Nguyễn Nhạc cầm đầu mới đến Quảng Ngãi bị chặn lại, chỉ để cho một bà chị ra. Nhà Thanh và cả các giáo sĩ phương Tây có mặt ở Phú Xuân lúc ấy không biết vua Quang Trung mất lúc nào, chôn cất ở đâu. Sứ bộ nhà Thanh mang qua điếu văn, lễ vật trọng hậu, một tấm lụa viết chữ phạn để trùm lên mộ, một tượng phật và ba nghìn thoi bạc, xin đến tận mộ vua ở kinh đô Phú Xuân làm lễ điếu tang. Được chỉ ngôi mộ giả ở làng Linh Đường, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Nhưng không giấu mãi được Nguyễn Ánh: có nhiều trọng thần Tây Sơn ra đầu thú; vả lại Phú Xuân là đất nhà Nguyễn, lúc nào cũng có người hướng theo chúa cũ. Tai mắt chính - mặc áo cà sa ở ngay tại chỗ - là ni bà Vân Dương tức bà Ngọc Huyên, cô ruột của Nguyễn Ánh. Khôi phục được Phú Xuân, Gia Long và triều Nguyễn cố tâm xoá bỏ mọi dấu vết Tây Sơn cho nhoè hẳn trong trí nhớ tập thể.
Đời sau đi tìm, lạc vào ma trận...
Kẻ đến sau phải gạt bỏ giả thuyết " Lăng Ba Vành ", có người đề quyết là lăng Quang Trung chỉ vì cẩu thả không chịu khó tìm tòi tư liệu cho phép xác định nguồn gốc khu mộ.
Và lập giả thiết mới. Suy lời chú của Ngô Thì Nhậm trong bài Cảm hoài " Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta " và một số bài thơ khác thì biết vua Quang Trung có cung điện tên là Đan Dương ở vùng núi, vua mất được chuyển làm lăng gọi là Sơn lăng, còn gọi là Đan lăng, Đan Dương lăng, nằm ở phía Nam kinh đô Phú Xuân. Xét lời chú một số bài thơ Phan Huy Ích biết thêm rằng lăng gần nhà trọ khi ông ở Phú Xuân – " bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu " – làm (1792-1794) dưới trướng Bùi Đắc Tuyên, ông này lên chức thái sư năm 1792 sau ngày Quang Trung băng hà. Nhà trọ gần " Nhà của quan Thái sư là chùa Thiền Lâm nằm phía Nam sông Hương ".
Biết chùa Thiền Lâm ở đâu thì ra địa điểm dinh cơ dùng làm lăng vua Quang Trung. Chùa Thiền Lâm toạ lạc trên đất xã Dương Xuân, lúc đầu là một am cỏ trong hành cung chúa Nguyễn Phúc Tần dựng năm 1680 tên là phủ Dương Xuân. Năm 1695, khi mời nhà sư Thích Đại Sán đến, Chúa Nguyễn Phúc Chu cho dựng một ngôi chùa lớn nơi am cũ. Phủ Dương Xuân, theo Đại Nam Nhất Thống Chí, " từ sau khi bị binh hoả tới nay, chỗ ấy mất tích, không biết ở vào chỗ nào " .
Giả thiết của Nguyễn Đắc Xuân: Nguyễn Huệ lấy phủ Dương Xuân làm cung điện Đan Dương. Vua Quang Trung qua đời, thi hài được táng trong khu vực cung Đan Dương để giữ bí mật, từ ấy gọi là lăng Đan Dương. Vua Gia Long trở lại Phú Xuân cho đào phá lăng. Do đó di tích phủ Dương Xuân phải cho " mất tích "; bia biển chùa Thiền Lâm bị mài đục; chùa tọa lạc ở gò Bình An, Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân ghi sai đi " Chùa Thiền Lâm ở xã An Cựu " . . .
Suy luận tới đây, phải khảo sát thực địa mới tiến được thêm một bước nữa. Tìm lại phủ Dương Xuân là then chốt vấn đề. Nguyễn Đắc Xuân tìm và thấy. Không phải các chi tiết lộng lẫy mà Lê Quý Đôn tả trong Phủ Biên tạp lục – nay còn đâu – nhưng tìm được di tích một vùng cung điện bị triệt phá, tìm thấy di tích hồ bán nguyệt có thể là cái hồ mà Pierre Poivre nói đến khi được Võ vương tiếp năm 1749.
Tuy nhiên, để kết luận rằng trong đó có di tích của một lăng mộ bị quật phá, còn thiếu dấu vết huyệt mộ.. Người hiện cư trú nơi đây nói rằng đâu đó có một hầm đúc bằng vôi vữa cổ, nhưng quên chỗ chính xác. Nguyễn Đắc Xuân tự đặt mình vào lối suy nghĩ thời còn gần mà đã xa đó, nhờ một nhà phong thuỷ tính toán xem mộ đặt nơi nào thì đúng huyệt. "Ông thầy địa" cho rằng có huyệt mộ thì phải ở đầu hè phía tây nhà. Bà chủ đành phải nhận "đường hầm ở khoảng ấy ". Khai quật gặp một lớp thành dày chạy dọc theo hiên, chủ nhà xác nhận "đường hầm nằm dưới nền nhà nên không đào thêm được nữa " .
Khi tác giả trình làng một trong bốn tấm đá có thể đã dùng để bọc chung quanh quan tài vua Quang Trung – hiện làm mặt bàn nhà bếp chùa Vạn Phước – dường như ta nghe văng vẳng cái giọng phớt tỉnh ănglê của Sherlock Holmes kết thúc mỗi cuộc điều tra : "Sơ đẳng thôi, anh bạn Watson ạ ! "
Chỉ cầu cho câu chuyện chưa kết thúc tại đây. Mà được như nhà bác học Hoàng Xuân Hãn gợi ý trong bức thư đăng ở đầu sách, mong :
i) Khu " Mộ Quang Trung và dinh Dương Xuân " được xếp loại di tích lịch sử;
ii) Tác giả có điều kiện khai quật rộng ra, chắc còn nhiều di vật ở quanh, hấp dẫn và thêm chứng cớ;
iii) Tìm lại ba phiến đá xưa là quách của quan tài, tu bổ lại khu này thành điểm du ngoạn lịch sử cạnh di tích các vua nhà Nguyễn.
Nguyên Thắng
[Nguồn: Báo Diễn Đàn (Paris)
http://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-032/lang-mo-quang-trung