Thư của Lê Trọng Sâm gửi NNC Nguyễn Đắc Xuân

Ông Lê Trọng Sâm nguyên là Trưởng phòng Thông tin Văn hóa Thành phố Huế, Phó giám đốc nhà xuất bản Thuận Hóa. Ông cũng là dịch giả nhiều tác phẩm văn hóa, lịch sử tiếng Pháp. Ông đã theo dõi công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương trong mấy chục năm qua. Sau đây là ý kiến của ông về cuốn sách chùa Thiền Lâm - ngôi chùa lịch sử... - Cũng là một phần quan trọng trong Công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung.

Thành phố Hồ Chí Minh, 24/08/2017

Anh Nguyễn Đắc Xuân mến,

Nay tôi mới viết thư được cho Anh vì hơi bị ốm.

Tôi đã đọc tốt cuốn sách hay, công phu của Anh. Rất cám ơn Anh. Tôi xin có hai ý kiến ngắn:

1. Cuốn “Thiền Lâm” của Anh có một giá trị rất tốt, theo tôi đó là một bài sử, một bài văn, một bài nghiên cứu rất sâu, rất kỹ, đầy cả chi tiết chính xác đúng đắn mà Anh đang trình bày với cả nước về “Lăng Đan Dương”, lăng của vị anh hùng dân tộc vô song Nguyễn Huệ - Quang Trung.

Anh Nguyễn Đắc Xuân, Anh đã bỏ ra trên 30 năm qua để vất vả và công phu cực khổ đi tìm các tài liệu, các chi tiết, các cá nhân Anh đã gặp mà càng đọc thì càng thấy hay, đúng và rất thuyết phục. Tôi, Lê Trọng Sâm, đã rất chú ý theo dõi và có nhiều lần đã trao đổi với Anh về các vấn đề Anh đã viết. Và theo tôi, cuốn sách này, tôi cho là một dấu chấm. Nếu được gọi như vậy – về việc đi tìm Lăng mộ Quang Trung. Dấu chấm là vì sách đã tổng kết một cách rất đúng, đầy đủ, chính xác về vấn đề trên. Tôi rất ca ngợi, tôi đọc bằng lý trí, bằng xúc cảm, bằng vui mừng vì một công trình lớn.

2. Ý kiến này tôi xin được trao đổi với Anh và qua Anh nhờ đưa lên các cấp, các ngành T.Ư và địa phương để đi tới kết luận là:

- Chứng cứ qua cuốn sách trên đã quá rõ ràng đầy đủ như tôi nói ở trên: Một dấu chấm cho việc nghiên cứu.

- Từ dấu chấm này, xin đề nghị: Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Văn hóa, Viện và Hội Sử học VNam cũng như TVụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành liên quan gấp rút đi đến một cuộc khai quật ở đấy để kết luận dứt khoát đi. Đã quá rõ ràng rồi, khai quật lòng đất, viên đá, bệ rồng của Quang Trung, Quang Toản đang nằm ở đấy 200 năm nay. Đất đá này sẽ nói lên đầy đủ những gì mà nhà văn, nhà nghiên cứu NĐXuân đã viết là đúng.

Vậy xin nhờ Anh suy nghĩ ý của tôi và báo lên các cấp.

Không thăm dò, không khai quật thì việc kết luận càng u minh.

Anh Xuân ơi! Tôi xin nêu lên một ý sau đây của tôi, chắc Anh đã có tài liệu, nhưng vì sao Anh chưa đưa vào sách.

Việc thứ nhất: Tôi đã đọc chính xác trong BAVH, lời của Barizy (hoặc của một giáo sĩ thừa sai nào đó đã viết mà tôi đã đọc). Tác giả viết: “vua Quang Trung đau nặng lắm rồi, gọi Quang Toản đến và nói: - Sau khi ta chết, đừng chôn theo nghi thức đế vương, phải chôn ta gấp. Nếu không thì quân lính Thị Nại sẽ ra, ta cũng không còn mà các con cũng không còn”. Nghiên cứu này chắc cũng giúp được 1 tí khi triều đình và NQToản phải chôn vua Quang Trung gấp ở Đan lăng (Thiền Lâm) chứ không ở đâu xa. Rõ là tôi có đọc mà chắc Anh cũng đã đọc.

Việc thứ hai: Đây là sự thực, tôi có đủ tài liệu và dẫn chứng. “Khi hành quân ra Bắc, Quang Trung có ghé lại làng Mỹ Chánh (nay là làng Mỹ Chánh, Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Làng này ở sát làng tôi, làng Phước Tích) và có lấy một bà vợ ở đó có sinh một con trai. Con trai này đã chết (tôi không có chi tiết nào), nhưng bà vợ còn sống, sau khi con chết, bà vào Bình Định, chết trong đó, hiện còn có lăng mộ của Bà ở Bình Định”.

Việc này là chắc chắn:

- Tôi năm ngoái có hỏi Đỗ Bang, Bang có viết nhưng không đầy đủ.

- Còn chắc là Anh Nguyên Hòa (65 tuổi) đang ở làng Mỹ Chánh (0126 5709 147), có họ với Bà này, có gặp tôi 2,3 lần ở Huế bàn chuyện nâng cao lăng mộ của Bà ở BĐịnh: có ảnh của lăng bà…

Tôi nói vậy để Anh chú ý: nếu Anh cần chuyện trên thì:

- Anh trực tiếp thẳng với Nguyên Hòa để hỏi thêm.

- Hoặc để tôi hỏi N.Hòa và sẽ trả lời Anh.

Nói chuyện nhiều lúc này, nhờ Anh thắp cho tôi một cây hương lên bàn thờ chị. Thương tiếc, mất quá sớm. Tôi may mắn đi dự đám cưới Anh Chị ở trường Đồng Khánh, nhớ Anh có đọc bài thơ. Nhớ sang Pháp 2002, gặp chị. Nhớ chị hay ra mở cổng tôi vào!

                                                             Xuân ơi! Thương nhau quá.

                                                             Lê Trọng Sâm

                                                            Ký tên

 

Xin Anh gọi cho tôi 0914 037 611

Khi thư này đến tay Anh. Cám ơn   

Cám ơn thư của anh về nội dung trong thư, chúng tôi sẽ trao đổi những vấn đề anh nêu với nhóm nghiên cứu Đan Dương. Khi có kết quả nghiên cứu chúng tôi sẽ báo với anh sau.

Chúc anh sức khỏe và có nhiều công trình dịch thuật mới.

Nguyễn Đắc Xuân

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia