Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 23 tháng 6 năm 2017
Kính gửi: Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế
Đồng kính gởi:
- Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
- Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế
- Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế
- Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế
- Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế
- Thường vụ Thành ủy Huế
- Phòng PA83 – Công an Thừa Thiên Huế
Tôi: Nguyễn Đắc Xuân, trưởng nhóm nghiên cứu Đan Dương,
Gửi đến các cơ quan một số ý kiến đối với tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, về việc tạp chí cố tình làm sai lệch thông tin nghiên cứu của chúng tôi về phủ Dương Xuân – tiền thân Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế.
Vấn đề nghiên cứu về phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn, về sau là Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn (các triều vua Quang Trung Nguyễn Huệ và Quang Toản), chúng tôi đã bằng các cứ liệu lịch sử và thực địa, tìm ra khu vực phủ Dương Xuân/Cung điện Đan Dương. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã có kết luận sau hội thảo Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế (tổ chức ngày 30/10/2015, tại hội trường UBND tỉnh), đồng ý với kết quả nghiên cứu của chúng tôi. Kết luận về hội thảo này, GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam đã có kết luận đăng trên tập san Văn Hóa Huế của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế (Số Chào Xuân Bính thân 2016, tr.49-53) và tạp chí Huế Xưa và Nay của Hội KH lịch sử TTH, số 132, Tháng 11 &12-2015. Tr.9-16).
Sau đó, Sở Văn hóa Thể thao, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Viện Khảo cổ Việt Nam tiến hành thám sát khảo cổ học tại khu vực gò Dương Xuân tháng 10.2016. Kết quả thám sát khảo cổ này đã được báo cáo tại hội trường Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 09/01/2017. Kết luận của GS Phan Huy Lê và PGS.TS Bùi Văn Liêm – Viện phó (trực) Viện Khảo cổ Việt Nam tại buổi báo cáo nêu rõ đã tìm thấy dấu hiệu của nhiều kiến trúc và hiện vật của đời sống của thế kỷ XVII, XVIII chôn sâu dưới đất, và đề nghị nên nhanh chóng quy hoạch khu vực gò Dương Xuân để mở rộng phạm vi khai quật, đồng thời khuyến nghị địa phương có các biện pháp trong thời gian tới để bảo vệ, phát huy giá trị khu vực gò Dương Xuân, phủ Dương Xuân, Cung điện Đan Dương. Quyết nghị và thông cáo báo chí của Hội nghị báo cáo thám sát khảo cổ sau đó đã nói rõ về vấn đề này.
Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những văn bản liên quan vấn đề thực hiện các kết luận trên. Ngày 28/3/2017, Sở VHTT đã có văn bản số 467/SVHTT-QLDSVH, báo cáo với UBND tỉnh về kết quả thăm dò khảo cổ và kiến nghị, đề xuất các phương án để mở rộng thăm dò; nghiên cứu sâu hơn về gò Dương Xuân; xây dựng quy hoạch chi tiết; tăng cường giới thiệu và tuyên truyền, quảng bá phát huy giá trị lịch sử văn hóa về gò Dương Xuân; kêu gọi cộng đồng dân cư địa phương bảo vệ, giữ gìn các di vật, hiện vật liên quan; vận động các tổ chức, các nhà nghiên cứu, các nhà tài trợ cùng phối hợp tham gia nghiên cứu và phát huy giá trị lịch sử gò Dương Xuân... Theo đề xuất của Sở VHTT, UBND tỉnh đã có công văn gửi Sở VHTT, Sở Tài chính và UBND thành phố Huế về việc thực hiện các đề xuất đó.
Trong quá trình đó, thay vì cùng đăng tải các kết quả nghiên cứu, các kết luận của cơ quan chuyên môn, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển lại có những việc làm đi ngược lại, đăng tải những phản biện cũ đã bị loại bỏ từ lâu, khiến cho nhiều người hiểu sai kết quả đã đạt được.
Đầu tiên, tại số báo 1 của năm 2016, tạp chí đã đăng bài của tác giả Trần Đại Vinh phản biện vị trí gò Dương Xuân của tôi – Nguyễn Đắc Xuân. Là thành viên nhóm nghiên cứu Đan Dương, ông Nguyễn Đình Đính, đã thay mặt tôi phản biện lại bài viết của tác giả Trần Đại Vinh. Thế nhưng, tạp chí không hồi âm và không đăng phản hồi của ông Nguyễn Đình Đính.
Lần thứ 2, tại số báo 3 của năm 2016, tạp chí lại tiếp tục đăng bài của tác giả Nguyễn Anh Huy phản biện vị trí gò Dương Xuân của tôi. Với tinh thần khoa học, bảo vệ sự thật lịch sử, ông Nguyễn Đình Đính lại tiếp tục thay tôi viết bài phản hồi, không những phản biện bài của ông Trần Đại Vinh mà gộp luôn bài của ông Nguyễn Anh Huy. Sau một thời gian chần chừ, với yêu cầu của chúng tôi, tạp chí buộc lòng phải đăng bài của ông Nguyễn Đình Đính trên số báo 4 của năm 2016 của tạp chí. Hai tác giả Trần Đại Vinh và Nguyễn Anh Huy không chống đỡ được bài phản bác của Nguyễn Đình Đính nhưng hai tác giả cũng như tạp chí Khoa học và Phát triển không nhận sự sai lầm của hai tác giả.
Không những thế, tại số 1 của năm 2017, tạp chí đăng tải tiếp bài của Trần Viết Điền – một người nhận tiền của UBND TP Huế (1988) nghiên cứu chứng minh lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung đã bị các nhà khoa học loại bỏ gần 30 năm qua, phản biện lại bài đăng tạp chí số 3 (2016) của ông Nguyễn Đình Đính. Trong bài viết, ông Điền mắc phải quá nhiều lỗi lập luận, phi logic, tác giả Nguyễn Đình Đính đã phân tích và chỉ ra các điểm sai đó. Trước khi gửi tạp chí, ông Đính có trao đổi với ông Nguyễn Văn Tiến – Phó tổng biên tập phụ trách tạp chí, ông Tiến hứa sẽ đăng tải sau khi ông Đính gửi bài. Thế nhưng, kết quả là trong số 2 (136).2017 này, tạp chí không đăng bài phản hồi của ông Nguyễn Đình Đính – thành viên nhóm nghiên cứu Đan Dương, người thay mặt tôi – Nguyễn Đắc Xuân.
Đã vậy, tạp chí viết THƯ TÒA SOẠN đăng trên số 2(136).2017, với nội dung dừng đăng tải bài phản hồi của ông Nguyễn Đình Đính đối với bài của ông Trần Viết Điền, sau khi ông Đính đã phân tích các luận điểm phi logic của bài viết ông Điền. Đồng thời, nội dung THƯ TÒA SOẠN còn xuyên tạc nghiên cứu về phủ Dương Xuân, Cung điện Đan Dương của chúng tôi và kết luận của các nhà khoa học lịch sử đầu ngành.
Xuyên tạc thứ nhất: cố tình đưa thông tin sai về vị trí phủ Dương Xuân – rằng: “…vị trí phủ Dương Xuân ở khu vực Bàu Vá...”. Tạp chí NC&PT đã tự mình quyết định về vị trí phủ Dương Xuân, bất chấp các kết quả đã được khẳng định của chúng tôi.
Xuyên tạc thứ hai: cố tình bỏ qua các kết luận của cơ quan chuyên môn – rằng “vị trí chính xác của phủ Dương Xuân lại chưa có sự đồng thuận”. Chúng tôi chứng minh vị trí phủ Dương Xuân là ở gò Dương Xuân hay còn gọi là gò ấp Bình An – phường Trường An – thành phố Huế, vị trí này đã được sách Đại Nam Nhất Thống Chí Thừa Thiên Phủ ghi lại, được xác nhận của Hội KHLS Việt Nam, chẳng lẽ tạp chí NC&PT có khả năng phủ nhận được thông tin trong Đại Nam Nhất Thống Chí, có chuyên môn hơn Hội KHLS Việt Nam? Chúng tôi cần phải có sự đồng thuận của Tạp chí để ghi nhận rằng nghiên cứu đó là đúng sao? Tạp chí của tỉnh Thừa Thiên Huế hay của riêng các vị trong Ban biên tập? Từ khi nào, Tạp chí có quyền cho rằng nghiên cứu của ai đó là đúng hay sai? Chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí là như thế sao ?
Việc làm của tạp chí NC&PT đã vi phạm vào điều 43, mục 1 và 2, Luật Báo chí 2016. Bởi lẽ, trước khi dừng đăng bài của Nguyễn Đình Đính, trên số 1 năm 2017, tạp chí đã đăng bài của tác giả Trần Viết Điền với những nội dung với ý rằng ông Nguyễn Đình Đính viết bài phản hồi 2 tác giả Trần Đại Vinh và Nguyễn Anh Huy trước đó là cắt xén, có nghĩa là Nguyễn Đình Đính đã xuyên tạc thông tin nghiên cứu của 2 tác giả Trần Đại Vinh và Nguyễn Anh Huy. Ông Đính đã viết bài phản hồi để phân tích các cứ liệu phản biện mà ông Điền đưa ra là sai, phi logic nhưng tạp chí đã không đăng, cố ý bao che một chiều cho các tác giả kia. Trong trường hợp này, đây là trao đổi học thuật nghiên cứu, việc ủng hộ một bên theo sự thiên vị của tạp chí NC&PT là việc làm vi phạm vào điều 43, mục 1 và 2 của Luật Báo chí 2016.
Nghiên cứu về phủ Dương Xuân, Cung điện Đan Dương, chúng tôi đã cho in thành sách “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương - Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” (2007), tái bản 2015. Các phản biện đối với các tác giả khác cũng được đăng trong sách, trong đó có cả 2 tác giả Trần Đại Vinh và Trần Viết Điền. Các tác giả này không phản biện được các chứng cứ mà chúng tôi đưa ra cách đây trên 20 năm. Đến gần đây, các tác giả này mới trở lại và tác giả Trần Đại Vinh không phản hồi được phản biện ngược của ông Nguyễn Đình Đính, còn tác giả Trần Viết Điền lại được tạp chí NC&PT bao che không dám đăng tải lại phản biện ngược của ông Nguyễn Đình Đính – một việc làm cố tình vi phạm Luật Báo chí 2016. Tạp chí không dám đăng bài phản biện ngược của ông Đính, bởi lẽ, nếu đăng thì những lập luận của ông Điền sẽ không đứng vững, qua đó cả 3 tác giả Trần Đại Vinh, Nguyễn Anh Huy và Trần Viết Điền không đủ cơ sở tiếp tục với ý kiến về đình Dương Xuân Hạ của mình.
Việc làm của tạp chí NC&PT đã có hệ thống từ lâu từ năm 1991. Lúc tạp chí Nghiên cứu và Phát triển còn mang tên Thông tin Khoa học và Công nghệ, trên Diễn đàn Khoa học tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ của Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế số 2-1991, đã đăng hai bài:
1. Đôi điều thương xác về vị trí Phủ Dương Xuân thời Tiền Nguyễn của Trần Viết Điền và Lê Nguyễn Lưu (tr.72 đến 78); Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ số 2 – 1991, tr.82.
2. Chung quanh việc tìm kiếm Phủ Dương Xuân và lăng mộ vua Quang Trung của Hồ Tấn Phan (tr.79 đến 121).
Tôi đã có bài phản biện hai bài viết nầy nhưng tạp chí không đăng. Năm 2007, tôi đăng hai bài phản biện của tôi trong sách “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương – sơn lăng của hoàng đế Quang Trung” (Nxb Thuận Hóa (tr.330-353) và tái bản năm 2015 (tr.312-333)). Sách ra năm 2007 và 2015 được phổ biến rộng rãi trong nước và ngoài nước, được tặng cho tất cả những người tham dự Hội thảo Cung điện Đan Dương – sơn lăng của hoàng đế Quang Trung thời Tây Sơn ở Huế ngày 30.10.2015 tại UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Không thấy có bất cứ ai phản đối những bài phản biện phản biện của tôi đăng trong quyển sách trên.
Đến nay, tạp chí Khoa học và Công nghệ đã đổi thành tạp chí Nghiên cứu và Phát triển lại tiếp tục đăng thông tin một chiều với ý đồ gây nhiễu thông tin trong công trình nghiên cứu đã phổ biến quốc gia và quốc tế của tôi. Chúng tôi không hiểu vì sao một tạp chí nghiên cứu khoa học của Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên Huế lại liên tục có những việc làm như vậy. Phải chăng sự xuyên tạc, làm rối loạn nghiên cứu về phủ Dương Xuân, tiền thân Cung điện Đan Dương, của chúng tôi là một phần mục tiêu của tạp chí ? Phải chăng tạp chí muốn thay thế cơ quan chuyên môn về khoa học lịch sử, cơ quan quản lý về văn hóa, muốn đi ngược chủ trương của các cơ quan có thẩm quyền trong vấn đề này ?
Vai trò lịch sử của triều đại Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ đã được thấy rõ hơn 230 năm qua. Việc làm sáng tỏ về triều đại này, anh hùng dân tộc này là mong mỏi của toàn dân tộc. Một món nợ mà tỉnh Thừa Thiên Huế phải trả cho dân tộc Việt. Thế nhưng, không hiểu vì sao từ hơn ¼ thế kỷ qua, tạp chí NC&PT có những việc làm đi ngược lại như thế?
Là các cơ quan có trách nhiệm quản lý các mặt của tỉnh, chúng tôi mong Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tuyên giáo, Sở Văn hóa Thể thao, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin Truyền thông, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế vào cuộc, xem xét, điều tra lại các vấn đề đang tồn tại, các vấn đề khó hiểu của tạp chí NC&PT, để các nghiên cứu về triều đại Tây Sơn, anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ không bị tạp chí này làm sai lệch. Để làm sáng tỏ vấn đề, chúng tôi sẵn sàng đối chất với Tạp chí về vấn đề này.
Chúng tôi mong các cơ quan phản hồi trong thời gian có thể.
Chúng tôi chân thành cảm ơn !
Trưởng nhóm Nghiên cứu Đan Dương
Nguyễn Đắc Xuân