Hành trình đi tìm phủ Dương Xuân-tiền thân của Cung điện Đan Dương: 30 năm, cuối cùng cũng gặp

Kết quả của cuộc khai quật khảo cổ học phù hợp với kết quả công trình nghiên cứu phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn- tiền thân của Cung điện Đan Dương thời Quang Trung ở Huế của tôi.

Hơn một phần ba thế kỷ qua, tôi đã có công trình nghiên cứu “Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn – tiền thân của Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung trên gò Dương Xuân ấp Bình An TP Huế”. Ý tưởng và phương pháp nghiên cứu phối hợp nhiều ngành khoa học xã hội cho đề tài này tôi đã công bố lần đầu vào năm 1985 trong một hội thảo khoa học ở Huế, và nó đã giúp cho nhiều nhà nghiên cứu rút khỏi ý tưởng lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung ở vùng núi phía sau nhà thờ Thiên An, thuộc xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ đó công trình được bổ sung thêm tài liệu, xác định được vị trí của vùng cung điện mà nhà Nguyễn cho là “mất tích” tại khu vực các chùa Thiền Lâm, Vạn Phước thuộc phường Trường An ngày nay. Kết quả ban đầu đó được học giả lão thành Hoàng Xuân Hãn ở Pháp hoan nghênh, được Viện Khoa học Lịch sử (KHLS) Việt Nam tổ chức cho trình bày với trí thức, các nhà nghiên cứu Thủ đô ở Bảo tàng Cách mạng VN, được Viện Sử học cho in thành sách trong khuôn khổ Tài liệu tham khảo với nhan đề Đi tìm Lăng Mộ Vua Quang Trung vào năm 1992. Suốt thời gian 15 năm sau đó công trình được giới thiệu nhiều nơi trong nước và nước ngoài, nhiều báo viết, báo mạng rất quan tâm. Một học giả nước ngoài (Đại học UCLA) góp ý với tôi “Lăng mộ vua Quang Trung trong Cung điện Đan Dương giống như chiếc bu-gi trong một chiếc xe, mà chiếc xe thì ông đã tìm được rồi – phủ Dương Xuân tiền thân của Cung điện Đan Dương đã bị chôn vùi ở ấp Bình An đó, sao ông không đặt Cung điện Đan Dương làm chủ đề chính cho công trình nghiên cứu mà lại cứ đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung làm gì cho nặng nề phức tạp? Tìm ra Cung điện Đan Dương thì có thể tìm được dấu tích lăng Đan Dương ở đâu đó thôi”. Nghe có lý, tôi đổi cái đề cuốn sách, bổ sung thêm tài liệu nhấn mạnh đến Cung điện Đan Dương và in thành sách “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung”. Cuốn sách với cái tên mới ra đời vào đầu năm 2007. Nội dung trình bày sự kiện năm 1786 Nguyễn Huệ từ Quy Nhơn ra đánh chiếm Phú Xuân. Ông sử dụng phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân làm dinh riêng của ông. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi lấy niên hiệu là Quang Trung, vua cho nâng cấp phủ Dương Xuân thành Cung điện Đan Dương. Năm 1792 vua Quang Trung qua đời, để giữ bí mật, triều Quang Toản táng vua cha ngay trong Cung điện Đan Dương. Từ đo Cung điện Đan Dương trở thành lăng Đan Dương. Cuối năm 1801, Nguyễn Ánh trở lại Phú Xuân, vua Quang Toản bỏ chạy ra miền Bắc. Lăng Đan Dương của vua Quang Trung (tức Phủ Dương Xuân cũ) bị Nguyễn Ánh quật phá chôn sâu xuống đất. Sử sách nhà Nguyễn viết: Từ sau khi Nguyễn Huệ chiếm Phú Xuân, Phủ Dương Xuân “mất tích”; nhà Nguyễn cấm dân chúng không được lui tới sinh sống ở vùng đất đã bị trừng phạt. Công trình nghiên cứu của tôi chứng minh phủ Dương Xuân tiền  thân của phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn từng tọa lạc trên ấp Bình An - khu vực chùa Vạn Phước-Thiền Lâm ngày nay.

Cuốn sách ra đời vào đầu năm 2007, một đợt hoạt động mới cho công trình được quan tâm. Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế, UBND thành phố Huế mời thuyết trình, cơ quan nào cũng hứa sẽ đưa công trình nghiên cứu vào kế hoạch của Bảo tàng, của Thành phố trong thời gian tới. Hội KHLS TP HCM mời thuyết trình tại Đại học Khoa học xã hội & Nhân Văn TP HCM. GS Mai Quốc Liên - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc Học gởi văn bản lên Bộ Văn Hóa Thông Tin (Cục Bảo tồn bảo tàng), Tỉnh Ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế giới thiệu: “Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Uỷ viên Hội đồng Khoa học Trung tâm nghiên cứu Quốc Học, vừa qua có trình bày trước Hội đồng Khoa học Trung tâm (và ở nhiều Đại Học, Viện nghiên cứu, công bố trên trang web…) công trình khoa học Đi tìm lăng (mộ) Quang Trung. Chúng tôi, cũng như nhiều nhà nghiên cứu các nơi, nhận thấy rằng công trình đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khoa học về phương pháp nghiên cứu, có độ tin cậy rất cao và có ý nghĩa văn hóa, lịch sử to lớn. Qua nhiều tài liệu nghiên cứu khác nhau, chúng tôi khẳng định rằng Đan Dương Lăng (lăng Quang Trung) được nói đến trong các tài liệu gốc của các nhà văn hóa lớn như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, những cộng sự gần gũi, tin cậy của Quang Trung, nằm ở Huế, và sự phát hiện phủ Dương Xuân – Đan Dương Lăng của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân là chính xác, là trùng khớp với các tư liệu lịch sử và sự khảo sát thực địa”. Với tư cách Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học, GS Mai Quốc Liên “Đề nghị quý Bộ, quý Tỉnh ủy, Ủy Ban có quyết định sớm về vấn đề này làm cho Phú Xuân-Huế được ghi dấu sâu sắc là kinh đô của một triều đại anh hùng chống ngoại xâm, giữ vững giang sơn độc lập của tổ quốc” (Văn bản đề nghị ký ngày 15-3-2017).

Đến năm 2015, thấy thân gần 80, tâm không yên nên tôi tiếp tục thu thập thêm tư liệu và ý kiến của các nhà nghiên cứu, cuốn sách được biên tập cập nhật và được Nxb Thuận Hóa và Cty CP Sách Alpha (Hà Nội) tái bản vào Quý 1 năm 2015. May mắn lần tái bản nầy có một bản đến tay ông Nguyễn Quốc Kỳ - TGĐ Tổng Cty Du lịch & Tiếp thị Giao thông Vận tải Vietravel.

Ba cuốn sách ra đời trong vòng 23 năm (1992-2015)

Ông Nguyễn Quốc Kỳ rất thích nội dung cuốn sách và cho tôi biết nếu tôi đồng ý Vietravel sẽ nhờ đạo diễn Đặng Nhật Minh thực hiện một cuốn phim tài liệu. Tôi hết sức phấn khởi. Nhưng rồi tại Huế, trong giới từng theo đuổi đề tài Lăng Ba Vành và những người từng được xem là những nhà Tây Sơn học nổi lên dư luận rằng: “Công trình chưa được công nhận sao lại làm phim?” Nghe thế, Vietravel chưa vội làm phim mà chuyển qua đề nghị tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức một hội thảo khoa học với chủ đề “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế”, mọi chi phí Vietravel sẽ tài trợ. Tỉnh Thừa Thiên-Huế đồng ý và giao cho Hội KHLS Thừa Thiên-Huế và Sở VH-TT-DL phối hợp thực hiện đề nghị của Vietravel. 

Hội thảo diễn ra vào ngày 30-10-2015, buổi sáng đi khảo sát thực địa ở khu vực ấp Bình An có chùa Thiền Lâm và chùa Vạn Phước trên gò Dương Xuân (cũ), buổi chiều hội thảo tổ chức tại Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong kết luận hội thảo Giáo sư Phan Huy Lê khẳng định: Các tài liệu dẫn chứng trong tham luận Cung điện Đan Dương của Nguyễn Đắc Xuân đều đúng. Chùa Thiền Lâm là cung đình đầu triều Quang Toản, chính xác, không có gì phải nghiên cứu nữa. Có Cung điện Đan Dương và có cả lăng Đan Dương trong khu vực chùa Thiền Lâm – chùa Vạn Phước. Cụ thể như thế nào còn chờ khai quật khảo cổ học. Giáo sư khuyến nghị: “Không nên chờ nghiên cứu xong rồi mới khai thác, nghiên cứu biết được đến đâu nên khai thác phát huy đến đó”. Để tiếp tục nghiên cứu cho đến kết quả cuối cùng, Hội KHLS VN gởi công văn ký ngày 15-4-2016 đề nghị tỉnh Thừa Thiên-Huế điều tra khai quật Khu di tích gò Dương Xuân tại Huế. UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp nhận đề nghị của Hội KHLS VN và giao cho Sở VH-TT-DL Thừa Thiên-Huế lập thủ tục xin phép Bộ VH-TT-DL cho phép khai quật thăm dò khảo cổ Khu di tích gò Dương Xuân. Yêu cầu của tỉnh Thừa Thiên-Huế được Bộ VH-TT-DL đồng ý với Quyết định ký ngày 19-9-2016. 

Được Vietravel tài trợ, tỉnh Thừa Thiên-Huế mời đoàn Khảo cổ do PGS TS Bùi Văn Liêm – Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, dẫn đầu vào Huế thực hiện khai quật thăm dò khảo cổ diễn ra từ ngày 30-9-2016 đến ngày 15-10-2016. Đoàn được mở 5 hố: 

- Hố thứ 1 sau chùa Vạn Phước có nhiều mảnh vỡ sành sứ, có mảnh mang niên hiệu là Khang Hy.

- Hố thứ 2 trước chùa Vạn Phước có một chuôi kiếm và một đĩa có hình chữ nhật còn nguyên vẹn.

 

Hố thứ 1(16GDX.H1). Mảnh sành mang niên hiệu Khang Hy

Hố thứ 2 (16GDX.H2). Một đĩa có hình chữ nhật còn nguyên vẹn chôn sâu dưới đất.

- Hố thứ 3 trong khuôn viên nhà ông Nguyễn Hữu Oánh có một lớp đá trộn lẫn với đất sét.

- Hố thứ 4 (16GDX.H4) tại góc phải trước chùa Thiền Lâm có một om đất.

Hố thứ 3 (16GDX.H3). Một lớp đá trộn lẫn với đất sét ở trong khuôn viên nhà ông Nguyễn Hữu Oánh.

Hố thứ 4 (16GDX.H4). Cái om đất được phát hiện ở chùa Thiền Lâm

- Đặc biệt tại hố thứ 5 bên phải sân nhà ông Thông phát hiện một mảng nền đá ăn thông qua một con hẽm và kết thúc ở mép sân vườn nhà ông Lê Trung Hiếu; chiều được phát hiện của mảng nền đá này dài đến trên 5m.

Một mảng nền đá được tạo bởi vôi vữa tại hố thứ 5 (16GDX.H5A)

Lớp đất có đá và vôi vữa ở hố thứ 6 trước nhà nhà ông Lê Trung Hiếu (16GDX.H5B).

Chiều ngày 15-10- 2016, tại hố khai quật thứ 5, trước đông đủ các ngành chức năng, các nhà nghiên cứu và báo chí, PGS TS Bùi Văn Liêm – Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, trưởng đoàn khai quật-công bố những gì đã phát hiện được trong 5 hố khai quật. Giá trị của những hiện vật cổ ấy như thế nào, công việc phải tiếp tục ra sao, sau ba tháng Viện Khảo cổ học sẽ công bố chính thức.

Công bố kết quả khai quật

Sau 3 tháng nghiên cứu, kết quả sơ bộ cuộc thăm dò khảo cổ học địa điểm gò Dương Xuân do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế và Viện Khảo cổ học thực hiện tháng 10-2016 đã được báo cáo vào chiều ngày 9-1 tại Huế.

PGS TS Bùi Văn Liêm – Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN báo cáo. Ảnh Minh Tự

Sơ đồ khu vực gò Dương Xuân - nơi đã tiến hành cuộc thăm dò khảo cổ học - Ảnh: MINH TỰ

Bản báo cáo 21 trang, gồm có ba phần: I. Lịch sử và vấn đề; II. Kết quả thăm dò khảo cổ học; III. Đề nghị. 

Kết quả thăm dò :

- “Di vật: Đồ đồng (2 hiện vật-tiền đồng); Đồ sắt (4-câu liêm ?); Gốm sứ (337-hiện vật và mảnh); Sành (471-mảnh); Đất nung (4-hiện vật); Gạch ngói (930-hiện vật và mảnh); Thủy tinh (22-mảnh); Vôi vữa (6-mảnh); Xương (4-mảnh); Vỏ sò (1-mảnh)”.

“Về niên đại: Dựa vào tổng thể di tích, tư liệu địa tầng, các mảnh sứ có ghi niên đại, các mảnh sành, gạch ngói… bước đầu có thể đoán định niên đại di tích gò Dương Xuân tập trung từ Thế kỷ XVII đến Thế kỷ XIX kéo dài đến đầu Thế kỷ XX.” (Báo cáo tr.16). 

Báo cáo đề nghị: 

- “Tiếp tục khảo sát, thăm dò, nghiên cứu khu vực gò Dương Xuân nhằm tìm hiểu diện phân bố cụ thể của di tích (trọng tâm là chùa Vạn Phước nơi có địa thế cao nhất của gò Dương Xuân, cồn Bông Sứ, hồ Bán Nguyệt, suối Tiên, khu vực giếng nước,…), nhằm thu thập các tư liệu hiện còn lưu giữ trong/trên mặt đất, trong nhân dân, các nơi khác như chùa Vạn Phước, chùa Thiền Lâm và các vùng phụ cận.

Bước đầu xây dựng Đề án quy hoạch chi tiết, tổng thể khu di tích gò Dương Xuân. Đề xuất các giải pháp bảo vệ, bảo tồn toàn bộ khu di tích gò Dương Xuân, đề xuất việc cắm hệ thống biển báo ngay tại di tích…”

Như vậy địa chỉ của phủ Dương Xuân – tiền thân Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung đã được chỉ rõ trên gò Dương Xuân/ấp Bình An – khu vực chùa Thiền Lâm và chùa Vạn Phước ngày nay. Chùa Thiền Lâm là cung đình đầu triều Quang Toản, không có gì phải nghiên cứu nữa. Viện Khảo cổ và GS Phan Huy Lê đề nghị tiếp tục khai quật thăm dò “nhằm tìm hiểu diện phân bố cụ thể của di tích”, thu thập tư liệu dưới lòng đất và trong dân chúng, giải pháp bảo vệ, tuyên truyền quảng bá giá trị của khu di tích, tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung.

Kết quả của cuộc khai quật khảo cổ học phù hợp với kết quả công trình nghiên cứu phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn- tiền thân của Cung điện Đan Dương thời Quang Trung ở Huế của tôi. 

Chờ trên 30 năm rồi cuối cùng cũng gặp được. Những công việc được Viện Khảo cổ học đề nghị thuộc về nhà nước, ngoài khả năng của người cầm bút tự do.  

Để hoàn thành món quà lịch sử tặng cho quê hương, nhóm nghiên cứu Cung điện Đan Dương đang khẩn trương hoàn thành ba việc: 1. Bổ sung tư liệu, cập nhật thông tin, in lại cuốn sách với nhan đề Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn-tiền thân của Cung điện Đan Dương thời Quang Trung ở Huế; 2. Hoàn thành bộ phim tư liệu Cung điện Đan Dương (5 tập, sẽ ra mắt vào Quý II-2017); 3. Ra đời trang Web Cung điện Đan Dương đăng tải công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương và tất cả thông tin tư liệu liên quan đến thời đại Quang Trung ở Huế phục vụ cho việc phục hồi di sản văn hóa lịch sử thời Quang Trung bên cạnh Di sản văn hóa lịch sử thời Nguyễn ở Huế. Ngay trong Mùa Xuân này độc giả Hồn Việt có thể tiếp cận với những gì chúng tôi đã và đang thực hiện qua địa chỉ: www.cungdiendanduong.net.

Chú thích:

Báo Hồn Việt không đăng được nhiều hình ảnh vì bài viết dài, nên ở đây có cập nhật thêm một số hình ảnh.

 

Mùa Xuân năm 2017.

Nguyễn Đắc Xuân

(Nguồn Báo Hồn Việt, số 112, tháng 3.2017, tr.30-33)

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia