Tìm thấy di tích thời Tây Sơn vùng phụ cận Huế

Trong suốt nửa đầu thế kỷ 19, nhất là vào đầu thời Gia Long (1802 - 1820), nhà Nguyễn đã cố tình giết sạch, đốt sạch, xóa sạch tất cả con người, di tích, sách vở và mọi thứ khác của nhà Tây Sơn.

Chuông đồng tại chùa làng La Chữ - TTHuế -

Các hoa văn độc đáo trên chuông với các ô Xuân - Hạ - Thu - Đông được trang trí không theo truyền thống Phật giáo - Ảnh: BNL

Tuy nhiên, có một thứ mà triều Nguyễn không tiêu diệt hết nổi, là sức mạnh của lòng dân, là tình cảm của họ đối với thời Tây Sơn oanh liệt. Chính nhờ vậy mà ngày nay còn tồn tại một số di tích của triều đại ấy nằm rải rác đó đây trên đất nước Việt Nam, ngay cả tại vùng Huế là kinh đô xưa của nhà Nguyễn.

Giữa mùa hè năm nay, nhờ lời mách bảo của một số người kỳ cựu sống tại địa phương, như cụ Phan Văn Dật, cụ Hà Thúc Tấn, chúng tôi vừa tìm thấy một số di tích liên quan đến một vị tướng thời Tây Sơn là Vũ Văn Dũng. Các di tích ấy bao gồm một cái chuông, một bàn thờ, một quyển gia phả và một ngôi lăng mộ. Trên tất cả di tích ấy đều có ghi tên ông.
Dưới đây, chúng tôi xin ghi lại vắn tắt những gì mình đã tìm thấy, đã nghe, đã đọc được trên các di tích, với sự dè dặt thường lệ trong tình trạng di tích chưa được một hội nghị khoa học xác minh.

CÁI CHUÔNG ĐỒNG

Chuông được treo trên một cái giá gỗ tại chùa làng La Chữ (xã Hương Chữ, huyện Hương Điền, Bình Trị Thiên), cách thành phố Huế khoảng 6 km đường chim bay hoặc 10 km đường bộ và phía tây - tây bắc.

Chuông cao 1.26 mét gồm quai (35 cm) và thân chuông (91 cm).

Quai được cấu tạo bằng hình hai con rồng nằm uốn mình nối đuôi nhau với dáng vẻ oai hùng nhưng thanh thoát.

Thân chuông trên đầu tròn, dưới miệng loe ra. Đường kính ở bụng đo được 57 cm và ở miệng 69 cm.

Chuông đúc tương đối mỏng (1 cm) nên trọng lượng chỉ khoảng 4 tạ.

Thân chuông được trang trí thoáng, chạm khắc đẹp. Vì mặt này tính từ trên xuống, thân chuông có thể chia làm hai phần chính, giới hạn bằng một vành đai đúc nối ở giữa với 4 vú chuông ở 4 bên dùng để đánh.

Phần trên (cao 63 cm) chạm nổi hình bát bửu: cái quạt, pho sách, bình hoa, bầu rượu, gương soi, lược chải, cái tù và, lá hương mộc.

Từng cặp trong 8 hình ảnh ấy nằm hai bên và phía trên một trong 4 chữ đại tự viết tên tứ thời: xuân, hạ, thu, đông. Vào mùa nào thì dùng thứ ấy.

Đoạn tiếp theo đó, chiếm phần lớn thân chuông, là đoạn dùng để khắc thơ văn.

Cuối phần này là hình ảnh 8 ông hộ pháp, mang hai loại khí giới là chuỳ và dao.

Phần dưới (cao 28 cm) là hình ảnh tứ linh: long, lân, quy, phụng; và một số đường hoa văn.

Cũng về phương diện trang trí, nếu đi quanh mà nhìn, ta lại thấy thân chuông chia ra làm 4 mặt: mỗi mặt tượng trưng cho một mùa trong năm và một con vật trong tứ linh như vừa kể. Mảng chính chiếm phần lớn diện tích mỗi mặt, như trên đã nói, là phần chữ viết. Tạm gọi 4 mặt chuông là mặt xuân, mặt hạ, mặt thu và mặt đông. Chỉ cần biết rằng mặt hạ là một bài nguyện (gồm 52 chữ) và mặt đông là một bài kệ (gồm 37 chữ). Còn nội dung cũng như hình thức của phần chữ viết ở hai mặt xuân và thu đều quan trọng, cho nên chúng tôi xin phiên âm và dịch nghĩa như sau:

Mặt xuân:

"Hương Trà huyện, La Chữ xã.

Hội thủ Lê Công Học tín cúng...(bị đục xóa 4 chữ) giá Quận Công Vũ Văn Dũng: chính thất Lê Thị Vi công đức.

Bốn xã viên chức đô lánh hương lão tứ giáp đại tiểu đẳng.

Tạm dịch:

Làng La Chữ, huyện Hương Trà.

Hội trưởng Lê Công Học thành tâm xin cúng (cái chuông này cho chùa)...Quận công Vũ Văn Dũng và vợ chính là Lê Thị Vy đã có công đức (trong việc đúc cái chuông này).

Mặt thu:

"Tân hợi thu, thất nguyệt cốc nhật chú tạo".

Tạm dịch:

Chuông đúc vào ngày tốt của tháng 7, mùa thu năm Tân Hợi (tức là tháng 8 năm 1791).

Đến đây, chúng tôi thấy cần đặt ra những câu hỏi và phải giải đáp:

- Bốn chữ bị đục xóa trên mặt xuân là 4 chữ gì?

- Tại sao người ta đục xóa?

- Ông Lê Công Học và bà Lê Thị Vi là ai và người ở đâu?

- Tại sao vị danh tướng thời Tây Sơn, ông Vũ Văn Dũng, lại có tên trên chuông làng La Chữ? Mối quan hệ ấy như thế nào?

Để giải quyết những thắc mắc ấy, chúng tôi đã đi tìm hiểu thêm và đã đạt được mấy kết quả bất ngờ sau đây:

Cái bàn thờ

Sau khi đi khảo sát khắp trong chùa với khoảng 10 cái bàn thờ lớn nhỏ khác nhau và đọc hết các bài vị thiết trí ở trên đó, chúng tôi đã gặp được một bàn thờ dành để thờ ông bà Vũ Văn Dũng.

Chùa La Chữ có ba gian hai chái. Ba gian giữa thờ phật và thánh với những pho tượng bằng gỗ rất lớn. Còn hai chái thì dùng để thờ những người đã có "công đức" đối với chùa. Ở trên một cái bàn thờ nhỏ kê sát vách cuối chái bên trái, nhìn ra phía cái chuông, chúng tôi thấy hai cái bài vị bằng gỗ đặt gần nhau, trên đó ghi đầy đủ tên họ và chức tước của hai ông bà Vũ Văn Dũng - Lê Thị Vi. Bài vị được thiết trí theo nguyên tắc "nam tả nữ hữu".

Bài vị bên trái viết:

"Điện tiền Thái Bảo Giá ngự Quận công Vũ chính thất Lê Thị Vi thần chủ (Thần chủ bà vợ chính Lê Thị Vi của Điện tiền Thái Bảo Giá ngự Quận công họ Vũ là bà Lê Thị Vi)".

Khi đem đối chiếu những chữ chỉ chức tước của Vũ Văn Dũng được viết đầy đủ trên hai cái bài vị này với những chữ bị đục xóa trên mặt chuông qua các nét khắc còn lại (vì không đục xóa hết) thì chúng tôi thấy rõ được rằng 4 chữ bị đục xóa ấy là "Điện tiền Thái Bảo".

Sở dĩ có sự đục xóa này là do sự trả thù của nhà Nguyễn đối với vua tôi nhà Tây Sơn, hoặc do ảnh hưởng của chủ trương ấy, nhân dân La Chữ e ngại, nên đục xóa bớt đi (làm lấy lệ) để bảo vệ cái chuông, một văn vật quý của làng. Cũng như vậy, về sau, trong thời thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam (1946 - 1954), người địa phương cũng đem cái chuông ấy thả xuống một cái giếng bên cạnh chùa để che giấu, bảo vệ nó.

Trở lại với hai cái bài vị, chúng tôi thấy chất liệu gỗ, kích thước, màu sắc và kiểu trang trí của chúng đều giống nhau. Mỗi cái cao 25 cm, rộng 8 cm và dày 2 cm, được cắm lên trên một cái đế cũng bằng gỗ cao 3 cm. Hai bên diềm bài vị trang trí hình những ngọn lửa bốc lên tua tủa. Bài vị sơn màu đỏ, đế để nguyên màu gỗ sống. Trên mỗi bài vị đều có lấp một miếng vải điều đã phai màu theo năm tháng.

QUYỂN GIA PHẢ

Khi đi tìm hiểu thêm về các nhân vật được khắc tên họ trên chuông, nhất là ông Lê Công Học và bà Lê Thị Vi, chúng tôi đã tìm thấy được quyển gia phả của họ Lê ấy. Quyển gia phả họ Lê gốc La Chữ này hiện nay không phải được cất giữ ở làng, mà lại đang được bảo quản, thờ phụng một cách kính cẩn tại nhà một người hậu duệ của các nhân vật trên ở Huế, trong Thành Nội. Ông cụ họ Lê này sinh năm 1904, nay đã được 80 tuổi, sống cách bà Vi 5 đời. Nếu lấy số tuổi trung bình của mỗi thế hệ là từ 35 đến 40, thì thời gian trong gia phả khớp với thời gian của lịch sử (1791- 1984).

Quyển gia phả cho chúng ta biết rõ những điều sau đây:

- Ông Lê Công Học là người làng La Chữ, mộ táng tại đất Cồn Chồn thuộc làng Bồn Trì (gần làng La Chữ).

- Ông Lê Công Học sinh được hai người con là Lê Công Thứ và bà Lê Thị Vi.

- Bà Lê Thị Vi là vợ của Đại Tư đồ Vũ Văn Dũng, người tỉnh Bình Định (trong gia phả viết nhầm là Nam Định).

- Mộ bà Vi táng tại đất Cồn Lăng thuộc làng Phụ Ổ (sát cạnh làng La Chữ, cũng thuộc xã Hương Chữ).

Từ xưa đến nay, nhân dân La Chữ thường gọi bà Lê Thị Vi một cách cung kính với cái tên Bà Tư đồ. Họ nói rằng Bà Tư đồ và Bà Thiếu phó (tức bà Bùi Thị Xuân, vợ của quan Thiếu phó Trần Quang Diệu) là hai bà tướng đã có rất nhiều công đối với làng[1].

Như vậy, quyển gia phả họ Lê đã cho thấy mối quan hệ gia đình gần gũi và chặt chẽ giữa các nhân vật được ghi tên họ trên chuông: bà Lê Thị Vi là con gái ông Lê Công Học (một người có uy tín nhất trong làng thời bấy giờ) và danh tướng Vũ Văn Dũng là rể của ông.

LĂNG MỘ VỢ CHỐNG TƯỚNG VŨ VĂN DŨNG

Tượng Đại tư đồ Vũ/Võ Văn Dũng trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bảo tàng Quang Trung, Bình Định) - Ảnh: wikipedia.org

Khi đến làng Phụ Ổ để tìm hiểu về ngôi mộ của bà Lê Thị Vi, chúng tôi bắt gặp một điều rất bất ngờ, là ở đây có cả mộ của tướng Vũ Văn Dũng nữa. Nói đúng hơn, đây là cái lăng được chôn theo kiểu "song táng": hai nấm mộ của hai ông bà Vũ Văn Dũng - Lê Thị Vi nằm song song bên cạnh nhau, chỉ cách nhau trong gang tấc. Mộ ông bà được chôn trong cùng một khuôn tường hình chữ nhật, bề dài 7,61m, bề rộng 7,15m. Hai bên cửa ra vào có xây trụ, trên đỉnh chắp hình hoa sen (cao 2,1m). Trong cửa, từ trước ra sau, xây bình phong, hai hương án, hai nấm mộ, cuối cùng là bình phong hậu, gắn liền vào tường sau, trên đó dựng hai tấm bia đá cẩm thạch, lồng vào trong hai cái khung đặt trên một bệ chung khá lớn. Bia cũng như mộ đều thiết trí theo nguyên tắc "tả nam hữu nữ".

Bia ông ghi:

"Hiển Điện tiền Thái Bảo Giá ngự Quận công Vũ Văn chi mộ".

Bia bà ghi:

"Hiển Điện tiền Thái Bảo Giá ngự Quận công Vũ chính thất Lê Thị phu nhân chi mộ".

Những dòng chữ khác ghi trên di tích ấy cho biết rằng lăng và bia này đã được toàn thể nhân dân làng La Chữ "tô sửa lại và dựng bia ngày 16-7-1963".

Khảo sát kỹ hiện trạng, chúng tôi thấy toàn bộ khu lăng mộ này nguyên xưa kia đã được xây bằng đá và vôi vữa. Các vị bô lão địa phương cho biết: từ bao đời nay, trong những dịp tế làng hàng năm, nhân dân La Chữ đều có đến chạp và hương khói tại lăng mộ này. Sau hơn một thế kỷ rưỡi (1802 - 1963), di tích ấy đã bị mưa gió bào mòn làm hỏng nặng, cho nên dân làng đã cùng nhau tu sửa lại. Họ chỉ tô thêm một lớp xi măng bên ngoài thôi, chứ không thay đổi gì về kiểu cách, kích thước.

Vì tô thêm như vậy, cho nên chúng tôi thấy hiện nay một số bộ phận kiến trúc như tường và bình phong chẳng hạn, dày đến 60cm.

Theo một số sử sách của nhà Nguyễn[2] và một số thư từ của người Pháp sống tại Huế vào đầu thế kỷ 19[3] cho biết, thì cả hai vợ chồng tướng Vũ Văn Dũng đều đã bị triều đình Gia Long hành hình tại Kinh thành Phú Xuân vào năm 1802 cùng một lượt với tất cả vua tôi nhà Tây Sơn thua trận bị bắt đưa về đây.

Theo thiển ý, có lẽ thi hài bà Lê Thị Vi (một con dân của làng La Chữ) và thi hài tướng Vũ Văn Dũng (một người rể có công với làng) lén đưa về chôn tại địa phương này, ở một nơi gần núi non xa vắng. Và, dưới triều Nguyễn, người ta không dám dựng bia ghi tên ở mộ. Mãi đến năm 1963, nhân dân La Chữ mới thực hiện được việc này.

Nhìn chung, từ cái chuông đến cái bài vị, rồi từ quyển gia phả đến khu lăng mộ, là cả một chuỗi hiện vật và di tích có liên quan móc xích với nhau. Chúng tôi nghĩ rằng, sự hiện hữu các di tích này thật đáng chú ý. Đáng chú ý vì chúng mang hai ý nghĩa. Một là, chúng làm phong phú thêm cho các di tích thời Tây Sơn còn lại rất hiếm hoi tại vùng Huế nói riêng và trên cả nước nói chung. Hai là, các di tích ấy đã tồn tại ngay trong vùng Phú Xuân là ngôi nhà của triều Nguyễn. Chúng tồn tại được là do tinh thần bảo vệ văn hóa của nhân dân xã Hương Chữ gắn liền với tình cảm quý trọng những anh hùng thời Tây Sơn đã từng làm vẻ vang cho lịch sử nước nhà.

Tuy nhiên, trong các di tích ấy, vẫn còn có một số vấn đề chúng tôi chưa lý giải hết được vì khả năng nghiên cứu còn hạn chế. Mong rằng sẽ có một cuộc hội nghị khoa học nào đó được tổ chức để thảo luận kỹ càng, xác minh cụ thể về các di tích vừa tìm thấy.

PHAN THUẬN AN

(T/c Sông Hương, Số 11, tháng Một & Hai năm 1985)


 


[1] Chúng tôi sẽ đề cập đến sự liên hệ giữa nữ tướng Bùi Thị Xuân với làng La Chữ trong một bài nghiên cứu khác.

[2] "Đại Nam Thực lục", bản dịch của Viện Sử học, Tập III, Hà Nội, 1963, trang 87. "Quốc sử di biên" của Phan Thúc Trực, bản dịch của Lê Xuân Giáo, Tập Thượng, Sài Gòn, 1973, trang 91.

[3] Thư của M.Barisy đề ngày 16-7-1801. L.Cadière, "Les francais au Service de Gia Long, Leur Correspondance", Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1926, trang 400.

"Những ngày tàn của Tây Sơn dưới mắt các giáo sĩ Tây Phương" do Đặng Phương Nghi sưu tầm, Nguyễn Ngọc Cư dịch, Tập san sử địa số 21, Sài Gòn 1971, trang 180.

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia