Cuốn sách dày hơn 400 trang in đẹp với nhiều hình ảnh minh họa và những cứ liệu khoa học rất công phu, nghiêm túc. Đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung lâu nay là một đề tài khá lý thú và luôn là nỗi thao thức với các học gia dẫu rằng lăng mộ của vị anh hùng áo vải này đã bị nhà Nguyễn "tận pháp trừng trị", xóa bỏ hết dấu tích trên thực địa và trong sử sách.
Tuy nhiên, trong khi đa số các nghiên cứu thường tập trung chứng minh lăng Ba Vành ở Thiên An là lăng mộ vua Quang Trung thì Nguyễn Đắc Xuân có một hướng nghiên cứu khác. Bằng cảm quan của một nhà Huế học, qua nghiên cứu, tìm tòi, ông đã có một hướng tìm mới, một hướng tìm được huy động bằng tất cả những kiến thức về sử học, địa lý lịch sử, văn học cổ, khảo cổ học, ngôn ngữ dân gian...
Những thông tin trực tiếp và gián tiếp đến lăng mộ vua Quang Trung trong các tư liệu ngoài sử học đã được Nguyễn Đắc Xuân tận dụng triệt để. Cuốn sách đã cho thấy sự truy nguyên tận cùng sự thật lịch sử của một nhà nghiên cứu, nhà báo lão luyện . Hướng đi của ông đã được nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn lúc sinh thời động viên, khích lệ.
Câu nguyên chú quý giá trong bài Cảm hoài (1793) của Ngô Thì Nhậm- một trọng thần của vua Quang Trung-: "Cung điện Đan Dương là nơi phụng chứa bảo y tiên hoàng ta", chứa đựng thông tin lịch sử quý giá: lăng mộ vua Quang Trung đặt ngay trong cung điện Đan Dương. Từ căn cứ này mà Nguyễn Đắc Xuân cất công hành trình kiếm tìm.
Điều đầu tiên mà ông khẳng định là lăng mộ vua Quang Trung nằm ở bờ Nam sông Hương, trong khi lăng Ba Vành ở quá xa sông Hương. Sách "Đại Nam chính biên liệt truyện" (sơ tập) hé cho biết lăng mộ vua Quang Trung đã được "táng vu Hương Giang chi nam"( táng ở bờ nam sông Hương).
Từ đó, qua khảo sát các tài liệu, ông đã đưa ra giả thiết lăng mộ vua Quang Trung nằm gần trục Phu Văn Lâu- đàn Nam Giao. Trên tuyến này có nhiều di tích cổ, trong đó có chùa Thiền Lâm. Theo sử sách, Thái sư Tây Sơn Bùi Đắc Tuyên chiếm chùa Thiền Lâm ở. Lúc bấy giờ dưới trướng Bùi Đắc Tuyên có Phan Huy Ích. Trong lời Nguyên dẫn và bài thơ "Mùa xuân ở Công quán ghi việc", Phan Huy Ích cho biết chùa Thiền Lâm "nằm ở phía Nam sông Hương" và trên thực địa, ngôi chùa này đang tồn tại (150 Điện Biên Phủ, TP Huế), nằm trên trục Phú Văn Lâu-đàn Nam Giao.
Nhờ thông tin điền dã và thơ văn Phan Huy Ích, Nguyễn Đắc Xuân xác định chùa Thiền Lâm ở núi thuộc xã Dương Xuân. Trong tập "Dật thi lược toản", Phan Huy Ích có nguyên chú dưới bài thơ không đề số thứ tự 266 "Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu".
Trong trang 52 của sách, Nguyễn Đắc Xuân đưa ra nhìn nhận:"Lúc ấy lăng của ai mà có đủ tiêu chuẩn để tiến cử tiểu giám đến giữ, nếu đó không phải là lăng vua Quang Trung? Lăng mà bọn tiểu giám giữ ấy ở đâu? Nếu ở xa thì chúng có thể "thường đến hầu rượu" Phan Huy Ích ở trong một ngôi chùa gần chùa Thiền Lâm được không? Chắc chắn là không. Vậy, ta lại có thêm một yếu tố nữa: Cung điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung tọa lạc gần chùa Thiền Lâm.
Trong các chương 4 và 5, Nguyễn Đắc Xuân đã vén màn bí ẩn chùa Thiền Lâm và Phủ Dương Xuân- tiền thân của cung điện Đan Dương qua việc bóc tách sử liệu (trong đó có tài liệu của nhà buôn Pháp nổi tiếng thế kỷ 18 Pierre Poivre) và điền dã các khu vực liên quan- một cách làm khoa học và có tính thuyết phục.
Theo tác giả cuốn sách, cung điện Đan Dương đã từng tọa lạc trên ấp Bình An, thuộc phường Trường An, TP Huế ngày nay (trong khu vực chùa Thiền Lâm, chùa Vạn Phước, suối Tiên, chùa Diệu Đức). Khai quật cung điện Đan Dương, sẽ tìm thấy dấu tích lăng Đan Dương. Nhưng địa điểm huyệt mộ táng vua Quang Trung bị quật phá cụ thể ở chỗ nào trong khu vực cung Đan Dương- câu trả lời dành cho các cơ quan chức năng của ngành khảo cổ học.
Hà Nội, 25/01/2008
Nguyên Trường
(Báo Văn Hoá online)
(Nguồn: Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương – Sơn lăng Hoàng đế Quang Trung (tái bản lần thứ 1), Nhà xuất bản Thuận hóa Huế - 2015, từ tr.365 đến tr.367)