Giao Điểm xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một công trình nghiên cứu lịch sử

Nhà Huế-học Nguyễn Đắc Xuân : « Đi tìm Dấu tích Cung Điện Đan Dương – Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ».

Đây là một tác phẩm nghiên cứu mà tác giả đã kiên trì 

theo đưổi từ hơn 20 năm nay, chủ yếu sử dụng Văn bản học làm phưong pháp luận để truy tìm vị trí lăng mộ của vua Quang Trung trước và trong thời điểm các kiến trúc nầy (và các tài liệu liên quan đến nó) bị vua Gia Long, và các vua Nguyễn sau đó, tiêu hủy toàn bộ trong chánh sách « tận pháp trừng trị » để « trả thù cho 9 đời ».

Sách có cả chiểu rộng (đan bện ba chiều Văn Sử Địa bằng cách tiếp cận liên ngành từ nhiểu ngành khoa học khác nhau), lẫn chiều sâu (giải mã tâm cảnh và hành trạng của các nhân vật lịch sử trong thời đại Tây Sơn). Tác giả còn « can đảm » sử dụng các công cụ lý luận trong lãnh vực tâm linh (Phật giáo), Phong thủy, Tín ngưỡng dân gian, và nhiều thao tác khảo sát điền dã hầu tìm các dấu tích vật thể đang bị thời gian và « kinh tế thị trường » từ từ tiêu hủy … để củng cố các lý giải khoa học của mình. Ngoài ra, và đây là ưu điểm nổi bật, tác giả biết lắng nghe và xử lý các phản biện của những nhà nghiên cứu khác vừa bằng Tâm vừa bằng Trí nên các kết luận có tính thuyết phục cao, dù nhiều lúc lòng sôi nổi đam mê của tác giả có làm « buồn lòng » một số đồng nghiệp.

 Cuối sách, dù tin tưởng vào tính chính xác của công trình nghiên cứu, tác giả cũng chưa đóng chốt kết luận của mình một cách chung quyết mà đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành một chương trình khai quật vùng đất tại, và chung quanh, chùa Thiền Lâm ở Huế hiện nay để, thông qua khảo cổ học, nghiệm thu công trình của mình. Quan trọng hơn thế, theo tác giả, để những xuyên tạc và ngộ nhận của một số sử quan triều Nguyễn về vị anh hùng « áo vải cờ đào » được giải tỏa. Đó là một đề nghị nghiêm túc của một người nghiên cứu có đạo lý nghề nghiệp : phải sòng phẳng với lịch sử vì, cuối cùng, lịch sử lúc nào cũng sòng phẳng.

 Sách gồm ba phần : Phần Một, 132 trang gồm 7 chương, là phần nghiên cứu trọng điểm của tác phẩm, nhằm xác định vị trí chính xác của Cung điện Đan Dương và Sơn lăng của vua Quang Trung tại Huế. Phần Hai, 102 trang gồm 15 tài liệu, là phần trưng bày những văn bản, tài liệu, phỏng vấn, … để hỗ trợ cho những biện giải của tác giả về những tìm tòi và phát kiến của mình. Và Phần Ba, 150 trang gồm 30 mục, là phần trao đổi với các nhà khoa học và văn nghệ sĩ cũng như ý kiến của thân hữu trong và ngoài nước. Những trang còn lại là cho ba phần Tài liệu tham khảo,  Mục Lục và Index.

 Sách do Nhà Xuất bản Thuận Hóa, Huế ( www.nxbthuanhoa.huecity.vn ) phát hành vào tháng 10 năm 2007, dày 416 trang khổ lớn, trình bày sáng sủa, với gần 120 hình ảnh màu hoặc đen-trắng minh họa. Giá bán 150,000 VNĐ, hoặc liên lạc với tác giả tại gactholoc@yahoo.com để biết thêm chi tiết.

 Giao Điểm xin cảm ơn tác giả đã gửi tặng tác phẩm tâm huyết và công phu nầy, và xin ân cần giới thiệu với bạn đọc.

(Nguồn: Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương – Sơn lăng Hoàng đế Quang Trung (tái bản lần thứ 1), Nhà xuất bản Thuận hóa Huế - 2015, từ tr.364 đến tr.365) 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia