|
Bia đá trên lưng rùa, đã bị đục bỏ phần chỉ, ở chùa Thiền Lâm |
Những viên đá lạ lùng
Điều lạ lùng nhất là tại sao một dinh thự to lớn, bề thế như Phủ Dương Xuân lại có thể biến mất không chút dấu vết? Ông Nguyễn Đắc Xuân đã đi tìm và phát hiện rất nhiều điều lạ lùng. Khi đào đất làm vườn, cụ nội và thân sinh ông Nguyễn Hữu Oánh (từ xưa đến nay đều trú ở
9/17 kiệt 120, đường Điện Biên Phủ, Huế) đã bắt gặp ở dưới đất hàng ngàn viên gạch vồ, hàng trăm viên đá lát khổ 30x30 cm, dày 40 cm. Những viên gạch này, cụ thân sinh ông Oánh dùng để xây tường và lát sàn một ngôi nhà to. Nhưng trong ngôi nhà đó, nhiều người bỗng chết “bất đắc kỳ tử” nên ông Oánh lo sợ, đã phá bỏ nhà, gánh toàn bộ đá lát và gạch vồ tặng chùa Vạn Phước ở trên đỉnh gò. Chùa Vạn Phước đã dùng gạch đá ấy lát đường. Ngoài ra, dân quanh vùng cũng thu nhặt được nhiều viên đá lạ, họ đưa vào để ở chùa Vạn Phước, chùa sử dụng lại một ít, một số đã mất, riêng nhà ông Oánh còn giữ một viên làm kỷ niệm. Ngay ngã ba rẽ vào chùa Vạn Phước có hai phiến đá táng cột cỡ 45x45 cm, nay đã bị vùi bởi đường bê tông.
Người dân địa phương cho biết ở vùng này, trước kia người ta đào được hàng trăm viên đá như thế và đã bán dần cho các thợ làm bia mộ. Cũng tại Cồn Bông Sứ gần đó (theo quan niệm người Huế, bông sứ chỉ trồng ở các cung điện, nơi thờ tự lớn), có ngôi mộ thân mẫu Thượng thư Bộ Binh Phạm Liệu. Trong khu vực lăng này cũng xuất hiện nhiều viên đá lạ, có dáng dấp như những chân táng, có hoa văn trang trí. Người dân cho biết nhờ quyền thế, ông Phạm Liệu đã lấy “đá phế liệu” lạ nói trên về xây lăng cho mẹ. Vì là vật liệu tận dụng nên nhiều chỗ không đúng kích cỡ do đó phải trát thêm vôi vữa, một số viên dùng không hết bị vất lăn lóc phía sau, nay mới được ghép lại. Cũng xuất hiện ở vùng này nhiều đống giải hạ không rõ xuất xứ, hiện còn nhiều đống sau chùa Vạn Phước và Tịnh Độ...
Nhưng đặc biệt nhất là năm 1925, cụ thân sinh ông Oánh đào đất làm vườn đã gặp 4 tấm đá lớn giống nhau. Cụ đã bán cho dân Phủ Cam một tấm, cho người thân ở Bến Ngự một tấm, một tấm bị bể và tặng chùa Vạn Phước một tấm. Hiện chưa tìm được hai tấm ở Phủ Cam, Bến Ngự, còn hai tấm ở chùa Vạn Phước thì một tấm đã vỡ từ lâu, một tấm đang còn được lưu giữ, có kích thước dài 2,27 m, rộng 0,67 m, dày 0,035 m. Đường mép tấm đá còn bám vôi vữa giống loại vôi vữa dân chúng vùng này thường bắt gặp. Ông Nguyễn Đắc Xuân đồ rằng phải chăng những tấm đá này bọc chung huyệt mộ bảo vệ quan tài vua Quang Trung? Trong thời gian ấy, cụ thân sinh ông Oánh cũng đào được nhiều tượng đá, những tượng đá sau đó được chôn xuống đất năm 1947, ngày nay người trong nhà không nhớ đã chôn ở chỗ nào. Phải chăng đó là những tượng đá trang trí lăng Đan Dương?
Những bí ẩn khác
Vườn cụ thân sinh ông Oánh bây giờ ngoài ông Oánh ở ra còn có chị là bà Nguyễn Thị Liên. Cả hai đều kể, trước năm 1945, người Nhật chiếm chùa Thiền Lâm làm doanh trại, sợ máy bay Đồng Minh thả bom chống Nhật nên dân quanh vùng phải đào hầm tránh bom. Khi đào trong vườn nhà, gia đình gặp một đường hầm bê tông vôi lấp đầy đất, sau khi vét đất, cả nhà khoảng mươi người có thể cùng nấp chung được. Khi đó ông Oánh còn nhỏ, bà Liên mới 10 tuổi nên họ không nhớ hầm nằm ở đâu.
|
Một trong 4 tấm đá còn sót lại ở chùa Vạn Phước |
Năm 1988, bác sĩ Dương Văn Sinh là một “thầy địa” nổi tiếng ở Huế đã ủng hộ giả thuyết của ông Nguyễn Đắc Xuân, đã đến xem và xác định nếu có huyệt mộ quân vương trên gò Dương Xuân thì nó phải nằm ở phía Tây nhà bà Liên. Ngày 17-12-1988, các nhà nghiên cứu Huế đã tiến hành đào thám sát con đường hầm bí ẩn ở đầu hè phía Tây nhà bà Liên (hiện ở 10/17 kiệt 120 Điện Biên Phủ). Đào 0,5 m thì gặp một lớp thành chạy dọc theo hiên phía Tây nhà bà Liên, mặt trong của thành nằm sâu dưới nền nhà. Đào thêm 1,5 m vẫn chưa đến chân thành. Đào dọc theo bức thành 3 m vẫn chưa giáp với hai đầu bức thành. Đến lúc này thì bà Liên xác nhận đường hầm nằm ngay dưới nền nhà bà. Những người tham gia thám sát đều vui mừng, song không thể đào sâu thêm nữa vì sợ sập nhà bà Liên. Lấy vôi vữa của bức thành xem thì thấy giống vôi vữa còn bám ở tấm đá ở chùa Vạn Phước, giống vôi vữa còn rải rác trong vùng... Ông Nguyễn Đắc Xuân càng xác quyết hơn, đây chính là dấu hiệu của huyệt mộ vua Quang Trung. Nên nhớ rằng vùng đất này thế kỷ 19 không ai ở, thế kỷ 20 dân mới bắt đầu đến ở thì ai xây mà có móng?...
Lá thư của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn
Ngày 15-12-1991, từ Paris-Pháp, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn gửi thư cho rằng giả thuyết và những phát hiện của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân là đúng. Trong thư có mấy đoạn như sau:
“Tôi ở xa Huế, đã có những suy nghĩ trên nhưng không thể suy biết hơn nữa. Chỉ có người khảo sát thực địa mới có thể tiến một bước nữa. Trước có Cardierr đoán chỗ Dinh Võ Vương (số 8 trên bản đồ BVH). Nay chú đã dựa vào những di tích trang trọng khác thường mà đoán chắc hơn. Rồi chú dùng những tập tục tín ngưỡng xưa, tuy cho là dị đoan, nhưng có tính cách định đoạt trong xã hội xưa, như thuật phong thủy, như sợ quỷ thần trừng phạt kẻ phỉ báng, để đoán được chỗ huyệt của lăng; rồi thí nghiệm cuối cùng bằng kỹ thuật khai quật. Những di tích như dấu thành mộ lớn, quan trọng khác thường, tảng đá lớn có thể là quách quan tài, vân vân, khiến chú nhận chỗ này là chính mộ Quang Trung. Tôi rất đồng mọi ý.
...Sau đây, tôi xin khuyên chú mấy điều:
1. Đề nghị với các giới Thừa Thiên theo thủ tục xếp hai khu “Mộ Quang Trung và dinh Dương Xuân” vào loại di tích lịch sử mà Nhà nước phải bảo tồn, tu bổ, rồi biến nó ra những điểm du lịch, khiến sẽ đem lợi cho thành phố Huế và chính sách du lịch nhiều. Tây Sơn là một vấn đề rất thu hút.
2. Lúc những di tích ấy đã quốc hữu hóa, thì chú nên khai quật rộng ra, vì tôi chắc còn có những di vật khác chung quanh hay ở sâu, thêm chứng cứ hấp dẫn...”.
Theo ông Nguyễn Đắc Xuân, lá thư nói trên đã động viên ông rất nhiều trên bước đường đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung đầy chông gai và lắm nỗi cô đơn. Tiếc là Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã đi xa mà những gì mong muốn của giáo sư lại chưa được bắt đầu...
Tâm sự của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân Công trình này của ông đã từng được báo cáo tại Viện Khảo cổ học và từng được Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam-GS Hoàng Xuân Chinh hứa sẽ đưa vào kế hoạch khai quật. Thế nhưng trên thực tế, bao nhiêu năm đi qua, vùng đất đầy dấu ấn Tây Sơn đã không được đánh thức, đến bây giờ thì do nhu cầu cuộc sống, người dân xây dựng ngày một nhiều hơn, việc khai quật vì thế có thể khó khăn hơn... Ông cho biết bắt đầu từ năm 1985, ông đã để tâm đến vấn đề lớn lao này. Cũng đã nhiều lần mỗi khi tìm ra dấu vết mới về lăng mộ Quang Trung, ông mừng đến chết giấc, người nhà phải đưa đi bệnh viện. Ông nói: “Năm nay tôi đã vào tuổi 70. Cho nên trong năm nay tôi phải hoàn tất công trình nghiên cứu và bộ hồ sơ tư liệu có liên quan đến việc nghiên cứu địa điểm và dấu tích lăng mộ vua Quang Trung ở ấp Bình An (phường Trường An, Huế) để gửi đến những người quan tâm đến lịch sử dân tộc ở trong và ngoài nước. Được như thế, nếu không may tôi có mệnh hệ gì thì những người muốn kế tục công việc của tôi trong đời này và đời sau khỏi tiếc là bỏ lỡ cơ hội...Tôi tin công việc làm nghiêm túc, khoa học của tôi. Một khám phá chưa từng có như thế không thể không có kết quả. Tôi chỉ tiếc, nếu công trình của tôi được thực hiện từ 20 năm trước thì những hiện vật theo tôi là vô giá khỏi bị mất mát như tình hình đã diễn ra trong 20 năm qua...”. |
Hồ Đăng Thanh Ngọc
(NLĐ, 18-3-2007)