Đã tìm thấy dấu tích lăng mộ vua Quang Trung

Từ Phủ Dương Xuân đến Lăng Đan Dương Trong một hội thảo mới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã đưa ra nhiều sử liệu và chứng cứ để khẳng định: Lăng mộ vua Quang Trung nằm cạnh chùa Thiền Lâm (TP Huế) hiện nay. Nhân kỷ niệm 205 năm ngày mất của vua Quang Trung (1792-2007), Báo NLĐ khởi đăng loạt bài này để góp thêm một cái nhìn

Những chân tảng của công trình được cho là Phủ Dương Xuân trước đây

Sau khi chiếm được Phú Xuân, triều Nguyễn đã “tận pháp trừng trị” tất cả những gì thuộc về triều Tây Sơn. Trong đó có việc quật phá lăng mộ vua Quang Trung và cấm thần dân nhắc đến triều đại này, ngay cả sử sách cũng ghi chép chiếu lệ, thậm chí không rõ ràng và sai lệch. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập (Quốc sử quán triều Nguyễn) ghi lại: “Mùa đông năm ấy (1802), Vua (Gia Long) về kinh, cáo tế ở miếu, dâng những tù bắt được, đem hết phép trừng trị, đào mộ Nhạc, mộ Huệ, đem giả hài cốt vất đi, giam đầu lâu ở nhà ngục”... Trước sự tận diệt như vậy, thông tin về lăng mộ người anh hùng áo vải là hết sức mù mờ, tìm ra dấu vết lăng mộ vua Quang Trung là một công việc hết sức khó khăn, và đó chính là nỗi thao thức của nhiều nhà nghiên cứu cả nước.

Bác bỏ giả thiết lăng Ba Vành

Trước đây, cuộc truy tìm dấu vết lăng mộ vua Quang Trung đã được khởi đầu bằng một bài khảo cứu của Nguyễn Thiệu Lâu công bố vào năm 1961 với giả thiết lăng Ba Vành ở đồi Thiên An chính là lăng mộ vua Quang Trung. Sau đó, lần lượt các nhà nghiên cứu tâm huyết đã bỏ công sức tiếp tục chứng minh điều đó. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng đã từng theo gót các bậc tiền bối tập trung tìm tư liệu và lý lẽ để chứng minh lăng Ba Vành là lăng mộ Quang Trung, nhưng rồi ông sớm phát hiện được nhiều thông tin lịch sử hé lộ cho biết lăng mộ vua Quang Trung có tên là Lăng Đan Dương với những yếu tố mà lăng Ba Vành không hội đủ được.

Theo ông Nguyễn Đắc Xuân, trong bài thơ Cảm hoài của Ngô Thì Nhậm có một nguyên chú viết: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta” chứng tỏ Lăng Đan Dương của vua Quang Trung ở ngay trong Cung điện Đan Dương. Trong cung điện của vua chúa phải có hàng trăm người phục dịch, vì vậy phải có nhiều giếng nước để phục vụ sinh hoạt; sau khi Đan Lăng bị triệt phá ít nhất cũng còn lại dấu vết của thành quách, kiến trúc bị chôn vùi, còn lại các giếng nước bởi người Huế có tập quán không lấp giếng nước. Trong khi đó lăng Ba Vành quá nhỏ, xung quanh không hề có giếng nước, cũng không hề có một mảnh vỡ kiến trúc. Sau năm 1792, Phan Huy Ích vào làm việc với Bùi Đắc Tuyên ở chùa Thiền Lâm. Thái sư Bùi Đắc Tuyên có thói ban đêm thức làm việc, ban ngày ngủ. Phan Huy Ích không có thói quen ngủ ngày nên thường bày rượu ra uống ở nhà trọ (cũng là một ngôi chùa gần đó) và những người giữ lăng thường đến ngồi uống rượu với ông, như vậy Lăng Đan Dương phải ở gần chùa Thiền Lâm, trong lúc đó lăng Ba Vành lại ở quá xa chùa Thiền Lâm...

Lăng mộ vua Quang Trung gần chùa Thiền Lâm

Theo ông Nguyễn Đắc Xuân, nơi tọa lạc của lăng mộ vua Quang Trung chính là ở khu vực gần chùa Thiền Lâm, bên đường Điện Biên Phủ, phía trên chùa Từ Đàm một chút. Hiện nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã hoàn tất công trình “Đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung - góp một giải pháp”, với nhiều tư liệu và ảnh chụp qua hàng chục năm nghiên cứu. Chương kết luận của công trình này “từ Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn đến Lăng Đan Dương của vua Quang Trung” có thể tóm tắt như sau:

Năm 1608, dinh phủ của chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần ở Kim Long bị lụt ngập, phải dựng thêm phủ mới ở nơi đất cao để tránh lụt. Chúa bèn chọn một cơ sở cũ trên gò Dương Xuân ở mạn Nam sông Hương để xây dựng Phủ Dương Xuân. Năm 1700, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đại trùng tu Phủ Dương Xuân. Khi đào đất trùng tu bắt gặp một cái ấn đồng có khắc bốn chữ “Trấn Lỗ Tướng Quân” nên chúa cho đổi tên là Phủ Ấn. Các chúa Nguyễn rất sùng đạo nên trong Phủ Dương Xuân có dựng một thảo am.

Sau năm 1738, Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương đã ra lệnh sửa sang, xây dựng lại Phủ Dương Xuân rất to lớn.

Năm 1786, Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Xuân toàn thắng. Thành Phú Xuân trong con mắt Nguyễn Huệ có nhiều nhược điểm, nhất là ở vùng thấp trũng khó phòng ngự trước đối phương có ưu thế về thủy quân; ngược lại, Phủ Dương Xuân lại có ưu thế hơn về độ cao. Lúc ấy, Nguyễn Huệ đã có chủ trương xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An, song cũng phải củng cố thành lũy tại Huế. Chung quanh nơi ở của vua Quang Trung - Phủ Dương Xuân, ông cho xây dựng thành bao bọc. Sau ngày Nguyễn Huệ lên ngôi vua, Phủ Dương Xuân được đổi tên là Cung điện Đan Dương. Đây thực chất là cung điện thứ hai của Quang Trung và chỉ có những người thân mới được đến bệ kiến vua tại cung điện này. Năm 1791, sau khi nghe tin thủy quân Nguyễn Ánh đã phá hủy phần lớn lực lượng thủy binh Tây Sơn ở Quy Nhơn, Nguyễn Huệ càng thường trực ở Cung điện Đan Dương nhiều hơn là Kinh thành Phú Xuân. Thời gian này, ông làm việc căng thẳng, trong đó có kế hoạch chuẩn bị đánh Tàu lấy lại Lưỡng Quảng. Không ngờ ông bị chứng “Huyễn vững” (có lẽ do tai biến mạch máu não), băng hà giữa lúc độ tuổi bốn mươi sung mãn.

Vua Quang Trung mất, Quang Toản mới 10 tuổi lên ngôi vua, việc quốc sự đều nằm ở tay Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Thái sư lấy chùa Thiền Lâm bên cạnh Lăng Đan Dương làm dinh. Năm 1795, Bùi Đắc Tuyên bị phe “đảo chính” bắt giết. Khu vực chùa Thiền Lâm từ đó không còn được canh nghiêm.

Cuối năm 1801, Nguyễn Ánh trở lại đánh chiếm Phú Xuân. Lăng Đan Dương bị quật phá, vật liệu xây lăng đều bị chôn sâu xuống đất, mọi dấu tích được phi tang. Đó là lý do các sử thần triều Nguyễn đều giả vờ: “Từ sau binh hỏa, chỗ ấy mất tích, không biết ở vào chỗ nào”. Còn chùa Thiền Lâm thì không thể hủy được, bèn cho mài, đục bia và ghi sai địa chỉ để đánh lạc hướng. Chùa Thiền Lâm sau đó do mở đường phải dời vào trong nên đã xây dựng ngay trên phần đất của Phủ Dương Xuân, vì thế Cung điện Đan Dương càng mờ dấu vết. Hiện nay, chung quanh khu vực đã từng phục vụ cho nhà Tây Sơn trên dọc đường Điện Biên Phủ, vẫn còn chùa Thiền Lâm với nhiều bia bị đục, hàng trăm ngôi mộ hoang gọi là “mả loạn”, nhiều giếng nước cổ dân gian gọi là “giếng loạn”...

                                                 

  HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

                                                     (Người Lao Động, 17-3-07)

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia