Đã đến bước quyết định giải “bài toán” “Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung”

Nguyễn Khắc Phê nhân công trình “Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương - Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” vừa được xuất bản. Thuận Hoá - 2007

        Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (NĐX) vừa bỏ mấy chục triệu và cơ thể sụt mấy ki-lô sau khi hoàn thành công trình tâm huyết mà ông theo đuổi hai chục năm nay: Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung. Công trình của NĐX đã được in vắn tắt từ 1992, mấy năm qua ông đã đi báo cáo nhiều nơi (Huế, TPHCM, Hà Nội, Mỹ và Pháp) đã gây sự chú ý của dư luận. Lần này, với trên 400 trang khổ lớn in rất trang trọng bằng giấy cút-sê kèm rất nhiều ảnh tư liệu quý, với những căn cứ từ văn bản trong Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn), Đại Nam nhất thống chí của Triều Nguyễn, bài ký Voyage của Pierre Poivre (nửa thế kỷ 18) và các hiện vật bước đầu được phát hiện như các viên đá cổ, giếng “loạn”, bia bị đục mất chữ…, căn cứ trên địa hình cụ thể và thuật “phong thuỷ” người xưa hay dùng, NĐX đã tung hết “bảo bối” cho lập luận của mình: khẳng định lăng mộ vua Quang Trung ở trong phạm vi Phủ Dương Xuân (gần chùa Thiền Lâm, quãng phía trên chùa Từ Đàm vài trăm mét). Với phong cách bộc trực xưa nay, NĐX công bố tất cả những ý kiến ủng hộ (trong đó có học giả Hoàng Xuân Hãn, tiến sĩ Thu Trang ở Pháp …) và cả những ý kiến phản bác của các nhà nghiên cứu ở Huế như Hồ Tấn Phan, Trần Đại Vinh…Tác giả cũng thẳng thắn chỉ ra những sơ hở, sai lầm trong các ý kiến phản bác để bảo vệ lập luận của mình.

Công trình của NĐX (bao gồm cả phần phụ lục “Tiểu truyện một số tác giả và nhân vật lịch sử được đề cập trong công trình nghiên cứu  Cung điện Đan Dương”) thể hiện cách làm việc khoa học của tác giả, đồng thời cung cấp nhiều tư liệu cho những ai muốn nghiên cứu lịch sử dân tộc giai đoạn đặc biệt này và các nhà viết tiểu thuyết lịch sử.   

Theo tôi, tranh luận trên báo chí và hội thảo thế là đủ. Vấn đề cốt yếu là phải khai quật hiện trường mới có thể khẳng định 100% lập luận của NĐX là đúng. Việc này chỉ UBND tỉnh Thừa Thiên  Huế và Bộ Văn hoá - thông tin mới có thẩm quyền và khả năng thực hiện. Thiết nghĩ, sau khi NĐX công bố toàn bộ công trình nghiên cứu của mình, hiện nay đã đến bước quyết định giải “bài toán” “Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung”. Đây là một trách nhiệm trước lịch sử, không thể thoái thác.

Trăm năm bia đá thì mòn…” và có hiện vật người dân phát hiện trước đây đã bị mất. Các công trình xây dựng mới thì đang thi nhau mọc lên. Biết đâu… Hẳn là quy mô không bằng di tích Thành Thăng Long vừa phát hiện ở Hà Nội hay khu lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng ở Trung Quốc, nhưng nếu lập luận của NĐX được chứng minh thì Huế sẽ có thêm một địa chỉ văn hoá rất có giá trị. Đã đành đây là một công việc tốn tiền, nhưng như học giả Hoàng Xuân Hãn góp ý: “Đề nghị với các giới Thừa Thiên theo thủ tục xếp hai khu “mộ Quang Trung và dinh Dương Xuân” vào loại di tích lịch sử mà Nhà nước phải bảo tồn và tu bổ, rồi biến nó ra những điểm du lịch, khiến sẽ đem lợi cho thành phố Huế về chính sách du lịch nhiều, vì Tây Sơn là một vấn đề rất thu hút” thì đây có thể là một “hạng mục” rất đáng ghi vào kế hoạch đầu tư - tuy không phải công trình văn hoá nào cũng chỉ nhằm thu lợi nhuận. Hy vọng sau Hội nghị AIMF (Đại hội đồng Hiệp hội quốc tế các thị trưởng nói tiếng Pháp) với chủ đề “Thành  phố di sản và phát triển” vừa họp tại Huế, các cơ quan hữu trách sẽ tìm ra kế sách hay để giải “bài toán” quan trọng đã bị treo lại hai chục năm qua./.

                    (Đã đăng Báo Tuổi Trẻ và báo Thừa Thiên Huế) 

(Nguồn: Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương – Sơn lăng Hoàng đế Quang Trung (tái bản lần thứ 1), Nhà xuất bản Thuận hóa Huế - 2015, từ tr.362 đến tr.363)

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia