Chuyện nhà tự kể của Nguyễn Hữu Oánh

Theo lời cha ông chúng tôi kể lại thì cụ tổ 9 đời nhà tôi đã từ miền Bắc vào Nam lập nghiệp dưới thời chúa Nguyễn Phúc (?), định cư tại đồi Khe Thủy (nay thuộc Xí nghiệp In phường Trường An). Sau mấy mươi năm xây dựng cơ đồ, ông tổ đời thứ tư của chúng tôi nhận làm trưởng một nhánh họ di chuyển về phía Bắc đó là năm 1868; bốn năm sau, ông tổ đời thứ năm tức là ông nội chúng tôi ra đời, đó là năm Nhâm Thân (1872).

Chuyện nhà tự kể của Nguyễn Hữu Oánh [1]

Theo gia phả dòng họ Nguyễn ghi chép thì chúng tôi chỉ biết được mình là hậu duệ 9 đời của một ông tổ họ Nguyễn, một trong những vị khai canh đã lập nên làng Bình An (nay thuộc phường Trường An Huế).

       

Ông Nguyễn Hữu Oánh 

Từ đời thứ 10 trở về trước thì chúng tôi hoàn toàn không được biết bởi vì những bậc tiền bối trong dòng họ không còn nữa.

Theo lời cha ông chúng tôi kể lại thì cụ tổ 9 đời nhà tôi đã từ miền Bắc vào Nam lập nghiệp dưới thời chúa Nguyễn Phúc (?), định cư tại đồi Khe Thủy (nay thuộc Xí nghiệp In phường Trường An). Sau mấy mươi năm xây dựng cơ đồ, ông tổ đời thứ tư của chúng tôi nhận làm trưởng một nhánh họ di chuyển về phía Bắc đó là năm 1868; bốn năm sau, ông tổ đời thứ năm tức là ông nội chúng tôi ra đời, đó là năm Nhâm Thân (1872).

Nơi ông cố tôi (ông tổ đời thứ tư) dừng chân là Cồn Bông Sứ cạnh chùa Thiền Lâm hiện nay, nơi đây cả bao nhiêu năm không người lui tới vì tin rằng trong vùng này lắm nhiều ma quỉ và người ta gọi là Cồn Bông Sứ vì khu đồi này được trồng nhiều bông sứ trắng đến nay vẫn còn.

Cụ tổ nhà tôi đã khai phá được một diện tích hơn ba sào đất hoang, lãnh thổ này giáp với chùa Thiền Lâm ở phía đông, giáp với Cồn Bông Sứ ở phía yây và phía nam thì giáp với khe chùa Tiên. Dòng khe nhỏ này có nước chảy quanh năm. Đó là sự hội tụ của những nguồn nước từ Phủ Cam đổ qua các mương rãnh trước chùa Hải Đức, từ Nam Giao chảy xuống khe Tụ Thủy (phía tây nhà in ..........) tràn về, từ cánh đồng Bầu Vá phía tây chảy đến; cùng với nguồn nước thiên nhiên này, các vị khai canh, khai khẩn của làng Bình An cũng đã hướng được hai giếng nước đã có - một ở chùa Thiền Lâm nay vẫn còn gọi là giếng Làng, một ở chùa Diệu Đức, cạnh hồ sen này đã bị vùi lấp.

Cư dân ở đây vào các thời điểm mà ông cố tôi đến lập nghiệp đã sinh sống bằng nghề nông, lúa được trồng dọc khe chùa Tiên, khoai sắn được trồng trên Cồn Bông Sứ. Phương tiện thủy lối, thô sơ là nước khe chùa Tiên và mấy cái giếng nước. Bên cạnh nghề nông cha ông tôi còn phát triển chăn nuôi. Khi ông cố tôi và những người đồng lứa đến đây lập nghiệp thì đất Bình An vốn là nơi thổ địa hồng hoang, nên còn bàng bạc sơn lam chướng khí. Xa hơn nữa, về phía tây có chùa Huệ Lâm... Trên Cồn Bông Sứ có một số mồ mả, được gọi là mả loạn và một giếng loạn ở gần cuối triền đồi.

Sau khi khẩn hoang được ba sào đất, ông cố tôi bắt đầu lập vườn và xây dựng một ngôi nhà nhỏ. Đây là một địa thế ở sườn đồi nên nhà cửa của cư dân hiện nay không cùng ở trên một mặt bằng. Từ khe chùa Tiên trước mặt chùa Sư nữ cho đến chùa Tịnh Độ, nhà cửa càng lúc càng lên cao theo hình nấc thang.

Theo địa hình mà quí vị có thể nhận thấy dễ dàng thì cầu Nam Giao và cầu Bến Ngự lên đến chùa Từ Đàm là sườn đồi - chùa Từ Đàm và vùng chùa Vạn Phước, Thiền Lâm, Tịnh Độ, Huệ Lâm là đỉnh đồi - từ đây đổ xuống khe Tiên và vùng Bầu Vá lại là sườn đồi.

Cũng theo lời kể của cha ông chúng tôi, vì địa thế có tính cách “địa linh nhân kiệt”, đứng trên Cồn Bông Sứ có thể nhìn được chùa Từ Hiếu - một cảnh trí u nhàn, vào cõi đất Bình An thì cũng bàng bạc cảnh tiên, nên nhiều nhà sư trong khi vãng du qua đây đã dừng bước, họ đã nhờ các nhà địa lý trứ danh xem phong cảnh thổ ngơi, vương khí để kiến tạo thành các ngôi chùa lịch sử: Thiền Lâm, Từ Đàm, Vạn Phước, Tịnh Độ, Huệ Lâm cùng các thảo am khác. Tịnh Độ nguyên là một thảo am do một vị pháp sư chủ trì, chuyên chữa bệnh tà ma bằng bùa yểm, đó là vào khoảng năm 1890.

Cùng vì cái cảnh trí u nhàn đượm về tiên cảnh của đất Bình An, mà vị Thượng thư bộ Binh của triều Nguyễn là cụ Phạm Liệu đã đem hài cốt của mẹ từ Quảng Nam ra an táng nơi đây, trên lăng mộ vẫn còn hai câu đối.

Ngay chùa Từ Hiếu soi lòng Phật,

Lên cõi Bình An mến cảnh Tiên

Trở lại việc ông cố tôi xây dựng cơ nghiệp trên ba sào đất khẩn hoang nói trên. Ông đã san bằng diện tích vừa đủ cho một nền nhà nhỏ và chỉ trong ngần ấy đất đai, ông đã phát hiện những thành quách bằng gạch xây với vôi ẩn tàng dưới lòng đất. Sự kiện này theo ông nội chúng tôi nhận xét thì đây là một đền đài lăng tẩm của một vương triều trước bị vương triều đến sau tẩy xóa vì thù hận.

Kể đến khi ông nội chúng tôi ra đời và khoảng năm 1872, ông tôi kế tục sự nghiệp Lý trưởng làng Bình An của ông cố; và mặc dầu với cương vị của một dòng họ khai canh kế vị chức Lý trưởng trong làng, có thể ....lúc bấy giờ - ông nội tôi có quyền trưng dụng đất đai ở hai bên đường Điện Biên Phủ hiện nay, nhưng ông tôi không làm điều đó. Vì lẽ, vùng đất nói trên khi chùa Từ Đàm được xây dựng đã phải cải táng rất nhiều hài cốt vô thừa nhận ở dưới mặt đất, số hài cốt này chồng chất lên nhau nên phải chôn một hầm tập thể và lập đền thờ hẳn hoi, địa điểm này nằm sau lưng trụ sở dân phòng phường Trường An, số 60 Điện Biên Phủ. Thực ra thì cổ mộ này chỉ còn lại một phần của đền thờ bởi sau chiến dịch bài trừ mê tín, dị đoan năm 1985, đền thờ bị phá hủy và số mộ được đưa lên Nghĩa trang thành phố để lấy đất làm trụ sở dân phòng.

Cũng trong giai đoạn lịch sử ấy đường Nam Giao được mở mang thuận tiện cho những ngày ngự Nam Giao của các vua nhà Nguyễn. Ngày ngự Nam Giao trước đó được quy định theo lộ trình từ Đại Nội qua bến đò Trường Súng, vào Lịch Đợi qua cầu Tiên, lên khe Tụ Thủy tới đàn Nam Giao.Với sự mở mang đường sá nói trên, lãnh thổ chùa Từ Đàm và chùa Thiền Lâm bị cắt, trên đường có nhiều hài cốt ẩn dưới mặt đất vô thừa nhận phải dời đi. Với vùng đất có nhiều cô hồn bơ vơ, bất vất đó, ông tôi với lòng mê tín sẵn có đã không dám gây dựng cơ nghiệp trên đó, cuối cùng phải quay về vùng đất bên kia Cồn Bông Sứ như hiện nay.

Ông tôi khai phá một mẫu tám trong trường bắn bia của người Pháp nhưng không sử dụng nữa, đây là một miếng trũng và hiện tại vẫn còn mặt bằng dấu vết của sân trường bắn thời Pháp thuộc (hiện nay vẫn còn để lại một giếng nước tên là giếng Trường bia). Cha tôi khai phá ba sào đất về phía bắc Cồn Bông Sứ để làm nhà nhưng gặp phải hài cốt chồng lên nhau, cuối cùng phải đào rãnh để chôn trở lại. Hài cốt nào hốt được nguyên thể thì được chôn từng mộ, địa điểm cải táng này hiện đang còn ở hàng rào phía tây chùa Vạn Phước, công cuộc từ thiện này có sự chung lo của vị Hòa thượng chùa Vạn Phước.

Kể từ năm ấy (1920), chùa Vạn Phước đã tổ chức trai đàn chẩn tế vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đại lễ đầu tiên này có sự tham dự của 2 vị Thượng thư đời nhà Nguyễn là Nguyễn Đình Hòe và Phạm Liệu, ngày truyền thống đó vẫn được chùa Vạn Phước duy trì cho đến nay.

Vì gặp nhiều cô hồn uổng tử như thế, cha tôi không dám làm nhà theo dự định, vì thế ông nội tôi phải cắt cho cha tôi một miếng đất hiện nay là nhà ở của tôi ( 9/17 kiệt 120 Điện Biên Phủ, phường Trường An, Thành phố Huế).

Qua kinh nghiệm của nhiều lần khai hoang phá thạch, cha tôi đã đào xới kỹ trước khi làm nền nhà, kết quả cha tôi đã gặp nhiều dấu tích thành quách bằng gạch xây với vôi ở ngầm dưới đất, một khuôn tính không có hài cốt, dưới khuôn tính này theo cha tôi nói lại với anh em tôi thì có 4 tấm đá lớn, có kích thước 2,80m và 0,70m, dày khoảng 4cm; cha tôi đã cúng dường 2 tấm mỏng đó cho chùa Vạn Phước, còn 2 tấm kích cỡ khác nhau bằng đá Thanh, cha tôi đã bán 1 tấm về Phú Cam do ông Phạm Văn Vinh - cha của Trung tá Phạm Văn Đính làm môi giới, tấm này to nhưng yếu nên bị vỡ, còn 1 tấm thì bán cho 1 người nào đó trên chùa Qui Thiện (1938). Ngoài ra cha tôi còn đào được một hầm gạch chưa sử dụng bị chôn vùi dưới đất, ông đã dùng gạch đó xây nhà lợp ngói; đến năm 1982, những ngôi nhà của cha tôi để lại bị hư hỏng, với lại tôi có ba anh em trai, nhưng sau chiến tranh kết thúc chỉ còn lại một mình tôi nên tôi quyết định phá tháo tất cả ra và cúng cho chùa Vạn Phước, kể cả hàng mấy chục viên đá lát, xây nhà lại chỉ dùng vật liệu mới.

Tôi đã trình bày dài dòng về quá trình phát triển của dòng họ mình bởi trong suốt thời gian 9 đời từ cụ tổ đời thứ 9 tới nay nghĩa là hơn 180 năm, vận mệnh của dòng họ tôi đã trải qua bao lớp phế hưng, đã chứng kiến bao sự đổi thay của các vương triều, từ Nguyễn Quang Toản cho đến Nguyễn Gia Long. Những sự kiện mà chúng tôi đã được tai nghe mắt thấy và nhiều chứng tích hiện nay vẫn còn trong phạm vi vườn tượt, nhà cửa của chúng tôi. Tuy nhiên từ trước đến nay, chúng tôi chỉ ghi nhận với tính cách bàng quan không hề đặt thành một nghi vấn nào cả. Nay được đọc một số bài viết về việc đi tìm lăng mộ vua Quang Trung, tôi đã suy nghĩ nhiều và liên hệ cái sự kiện “tai nghe mắt thấy nêu trên” với các cơ sở mà Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Huế dùng làm nền tảng nghiên cứu. Tôi đã đến Trung tâm [2] trình bày sự việc với Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - Trưởng ban, vì vậy tôi xin nói lên đây những nhận xét thô thiển của riêng tôi với hy vọng giúp cho Trung tâm Nghiên cứu một phần nhỏ trong sự kiện chăng?

1) Di tích do ông cha tôi khai quật được dưới lòng đất phải chăng là dấu tích của một lăng tẩm, đền đài, cung điện của một vương triều nào đó?

2) Việc tìm gặp các hài cốt vô thừa nhận chồng chất đã lâu đời, lâu kiếp quanh vùng đất chùa Từ Đàm, Tịnh Độ, Cồn Bông Sứ có chứng tỏ được một cuộc thảm sát, mà những người bất hạnh là nạn nhân hoặc kẻ thù của một triều đại mới không?

3) Vương triều cũ do ai làm chủ? Vương triều tiếp theo do ai làm chủ? Tôi liên hệ gia phả của dòng họ mình và xác định được một khoảng thời gian, khi ông tổ 9 đời nhà tôi đến lập nghiệp ở ấp Bình An hiện nay đã được trên 180 năm, như vậy thì thời điểm mà cụ tổ tôi bắt đầu phát triển dòng họ là vào khoảng năm Gia Long thứ hai (1804). Vậy thì trước triều đại vua Gia Long chỉ là triều đại của vua Quang Trung mà thôi.

Dù sao thì những nhận xét của tôi cũng mang tính cách hời hợt, tôi cũng không phải là người nghiên cứu lịch sử, nên những điều trình bày trên của tôi mong quí vị nghiên cứu thận trọng và dè dặt.

 

Huế, 1988.

Chú thích


[1] Ông Nguyễn Hữu Oánh hiện là chủ ngôi nhà 9/17 kiệt 120 Điện Biên Phủ, phường Trường An, Thành phố Huế.

[2] Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Huế do Nguyễn Đắc Xuân và Võ Xuân Trang thành lập, hoạt động trong những năm đầu thập niên chín mươi, sau đó Võ Xuân Trang chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh nên Trung tâm ngưng hoạt động.

 

(Nguồn: Nguyễn Đắc Xuân, Đi Tìm Dấu Tích Cung Điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa 2007,  từ tr.142 đến tr.147).

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia