Cuộc truy tìm lăng mộ vua Quang Trung: Đang có lời giải đáp.

Đã 200 năm, kể từ ngày vua Quang Trung - Nguyễn Huệ mất, nhưng đến nay bí mật về lăng mộ của vua vẫn như chìm trong bức màn mờ ảo. Vua Quang Trung băng hà ngày 29-7 năm Nhâm Tý (tức 16-9-1792), đột ngột và bất ngờ. Cái chết đã làm cho gia đình và triều Tây Sơn vô cùng bối rối: “Quốc kế gia đình đa cù kết”.

 

Lê Quang Vinh

Thể thao & Văn hóa, số 42 (529), 17-10-1992

            Tất cả các biện pháp hữu hiệu nhất đã được thực hiện nhằm giữ bí mật nơi an táng thi hài của vua Quang Trung. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện và Đại Nam thực lục thì: “Mộ của (Nguyễn) Nhạc, (Nguyễn) Huệ bị đào phá, thi hài bị giã nát rồi đổ bỏ, nhốt sọ đầu vào ngục thất” hoặc “Tháng 11, Tân Dậu (1801), phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ”. Sở dĩ có điều như vậy bởi khi Nguyễn Ánh khôi phục được Phú Xuân, đã khai thác những thông tin về nơi tọa lạc lăng mộ vua Quang Trung và quyết định quật mộ. Không những thế, Ánh đã dùng cách “tận pháp trừng trị” nhà Tây Sơn, trả thù một cách nghiệt ngã.

             Nhưng sử liệu của nhà Nguyễn có liên quan đến vấn đề này vẫn còn những “kẻ hở” để tương lai bóc tách những thông tin cần thiết tìm ra sự thật về lăng mộ vua Quang Trung. Cho dù đến nay, lăng mộ của vua Quang Trung đã bị phá, dấu tích hầu như đã bị thời gian phủ nhòa. Do vậy, tìm lại dấu vết của Quang Trung - người anh hùng dân tộc - đã trở nên mối quan tâm chung của hậu thế. Nó vừa là đề tài khó nhưng rất hấp dẫn đối với các nhà khảo cứu lịch sử, vừa là một việc làm đáp ứng nhu cầu tình cảm của nhân dân muốn sớm tìm ra địa điểm đã từng là nơi an nghỉ của người anh hùng dân tộc.

             Việc Viện Sử học Việt nam vừa ấn hành cuốn Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung của nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân là một việc làm hữu ích và cần thiết. Cuốn sách là một công trình khoa học, với lao động nghiêm túc bằng một quá trình nghiên cứu sưu tầm công phu.

              Nguyễn Đắc Xuân sinh năm 1937 tại Huế. Anh nguyên là cựu sinh viên Đại học Sư phạm Huế. Chuyên nghiên cứu Văn hóa - Lịch sử triều Nguyễn, Nguyễn Đắc Xuân đã từng là tác giả của nhiều đầu sách: Hương Giang cố sự (1986), Những bí ẩn về cựu Hoàng đế Duy Tân(1987), Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế (1990), Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành và Hướng dẫn đi thăm Kinh thành - cùng trong năm 1992 - với Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung. Sự công bố đầy đủ công trình mới này của tác giả nằm trong khuôn khổ loại sách “Tài liệu tham khảo lịch sử Việt Nam”, nhằm giới thiệu với bạn đọc về một giả thiết trong việc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung.

               Thượng tuần tháng 9-1992, Nguyễn Đắc Xuân từ Huế ra Hà nội, nhằm báo cáo công trình khoa học này tại Hội Sử học Việt Nam và một tham luận về đề tài tương tự đã được anh báo cáo tại Hội nghị Khảo cổ học toàn quốc (tổ chức trong 2 ngày cuối tháng 9). Anh cho biết, tại Huế, Hội Sử học và Hội Văn nghệ Trị Thiên Huế vừa tổ chức giới thiệu ấn phẩm nói trên của Viện Sử học Việt Nam. Đúng ngày giỗ vua Quang Trung, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức mít tinh (tại trụ sở Ủy ban Nhân dân) và làm lễ dâng hương (tại núi Bân) phía bắc núi Ngự Bình (Thừa Thiên Huế) - nơi vua Quang Trung lên ngôi tháng 12-1788.

             Trong cuốn sách Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung ngoài các bài khảo cứu của Nguyễn Đắc Xuân còn có một số bài viết của các nhà nghiên cứu như: Trần Đại Vinh, Nguyễn Đình Hòe, Phan Thuận An, Nguyễn Quang Ấn. Rõ ràng, các nhà nghiên cứu lịch sử đã không chịu lặng im vẫn thầm lặng theo đuổi  những giả thiết của mình. Những đóng góp đặc biệt của Nguyễn Đắc Xuân, trước hết ở việc định hướng tìm, mang nhiều tín hiệu khả quan trọng việc xác định tọa độ di tích. Cách Việt Nam 12.000km, từ Paris, học giả Hoàng Xuân Hãn đã viết thư về khen công việc của Nguyễn Đắc Xuân. Trong thư, ngoài những gợi ý nghiệp vụ, ông bày tỏ sự hy vọng Nhà nước xem xét và xếp hai khu “mộ Quang Trung và dinh Dương Xuân” vào loại di tích lịch sử cấp quốc gia. Sau đó, các cấp quản lý nên có phương cách bảo tồn và tu bổ để biến khu di tích thành điểm du lịch “khiến sẽ đem lợi cho  thành phố Huế và chính sách du lịch nhiều, vì Tây Sơn là một vấn đề rất thu hút...”

              Phải chăng, đã đến lúc Nhà nước cần quan tâm và hỗ trợ nhiều mặt để khẳng định một sự thật mà nhiều nhà nghiên cứu đã bao năm dụng công kiếm tìm và đã có nhiều bằng cứ đáng tin cậy?

              Cuộc truy tìm dấu vết lăng mộ vua Quang Trung đã khởi đầu bằng một bài khảo cứu công bố cách đây ba thập kỷ của tác giả Nguyễn Thiện Lâu. Sau đó đã thu hút được đông đảo người tham gia như: Bửu Kế (1961), Lê Văn Hoàng (1974), Đỗ Bang (1982), Mai Khắc Ưng - Phan Thuận An (1985), Nguyễn Hữu Đính, Trần Viết Điền (1986), Trần Đại Vinh (1988), Lê Nguyễn Lưu, Hồ Tấn Phan (1991)... Cuối năm 1991, Nguyễn Đắc Xuân đã nhập cuộc - mà thực ra anh đã lặng lẽ nghiên cứu từ hơn 10 năm nay - và đề xuất ra một giả thiết mới về địa điểm lăng mộ vua Quang Trung ở một hướng tìm khác.

                Trong sách Đại Nam liệt truyện chỉ còn lưu lại một thông tin rất mờ nhạt về vị trí lăng mộ vua Quang Trung: “Táng vu Hương Giang chi nam”. Bằng những cố gắng khoa học của nhiều nhà nghiên cứu, hy vọng đề tài này sẽ được nhiều sự quan tâm từ mọi phía sau một chặng đường kiếm tìm lặng lẽ ngược dòng lịch sử...

 

(Nguồn:  Nguyễn Đắc Xuân Đi Tìm Dấu Tích Cung Điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa 2007,  từ tr.287 đến tr. 290)

 

 

 

 

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia