Phải chăng hài cốt vua Quang Trung có thể táng ở một nơi bí mật khác, hài cốt nói là của vua Quang Trung bị nhà Nguyễn quật phá năm 1801 là hài cốt giả ?

Có thể sau khi vua Quang Trung tạ thế, thi hài ông được táng ngay tại Cung điện Đan Dương để giữ bí mật, nhưng sau 2 tháng giữ bí mật để chuẩn bị đối phó với những bất trắc có thể xảy ra xong rồi, triều Quang Toản cử người sang Trung Quôc báo tang và công bố cho thần dân biết để tang.Thế thì chuyện vua Quang Trung băng hà không còn bí mật nữa. Để có thể bảo vệ được hài cốt vua Quang Trung lẽ nào triều Quang Toản không cải táng hài cốt thân sinh mình đến một nơi bí mật khác? Và, phải chăng hài cốt nói là của vua Quang Trung đã bị nhà Nguyễn quật phá đó là hài cốt giả? (Một Giáo sư Sử học và nhiều người khác)

 Nguyễn Đắc Xuân trả lời:  Trước khi trả lời câu hỏi nầy tôi xin nhắc lại: Một trong những nguyên tắc tư duy lịch sử là phải đặt thông tin, sự kiện lịch sử vào hoàn cảnh khi thông tin, sự kiện lịch sử đó xảy ra.

Về câu hỏi của các bạn tôi xin chia thành các vấn đề sau:

  • Việc công bố sự kiện vua Quang Trung đã qua đời có hai nội dung: Ngày tháng năm vua Quang Trung qua đời và nơi táng (lăng mộ) vua Quang Trung.
  • Việc công bố ngày mất của vua Quang Trung với thần dân và báo cho Trung Quốc biết chính thức chậm hơn 2 tháng (mất tháng 7 mà báo tang tháng 9); [Hai tháng giữ bí mật để chuẩn bị mọi mặt đối phó với những bất trắc khi các đối phương biết vua Quang Trung đã qua đời.]
  •  Nơi an táng sau hai tháng vua Quang Trung qua đời vẫn chưa công bố cho thần dân biết, riêng báo với nhà Thanh là nơi an táng vua Quang Trung tại Linh Đương Hà Nội. Báo sai sự thật để giữ bí mật với nhà Thanh. An táng ở đâu chỉ trong nội bộ triều Quang Toản biết, còn thần dân chưa ai biết.
  • Cho đến nay ngoài lời chú bài thơ Cảm Hoài của Ngô Thì Nhậm, viết nơi an táng vua Quang Trung ở Cung điện Đan Dương và Đại Nam Liệt truyện viết “Táng vu Hương giang chi nam - táng ở bờ nam sông Hương” tôi chưa gặp được bất cứ tài liệu nào của triều Quang Toản công bố chính thức nơi an táng của vua Quang Trung cả. Nhưng do tình hình rối ren trong nội bộ của triều Quang Toản lúc ấy ta thấy việc tiếp tục giữ bí mật nơi táng vua Quang Trung rất khó thực hiện. Lý do:

a) Ở Phú Xuân lúc ấy có bà Ngọc Tuyên (cô ruột của Nguyễn Ánh) làm “mật vụ” cho cháu bà dưới màu áo Bà Vải Vân Dương[1]. Mọi động tĩnh gì của triều Quang Toản bà có thể biết được. Bà “binh vận” được nhiều quân tướng của vua Quang Toản ngã theo Nguyễn Vương. Người tiêu biểu bỏ Quang Toản chạy theo Nguyễn Vương là tướng Lê Chất. Chuyện vua Quang Trung được táng ở đâu chắc không lọt khỏi mắt bà;

b) Nhiều tướng quân của Quang Toản vì tranh chấp nội bộ đã ngã theo Nguyễn Vương. Những người nầy về sau phải báo thật với Nguyễn Vương/Gia Long  biết “Vua Quang Trung đã được an táng ở đâu”. Nếu họ không khai thật họ sẽ bị nghi ngờ là còn nặng lòng với Quang Trung họ sẽ bị giết ngay;

c) Nguyễn Vương rất căm thù Phong trào Tây Sơn, đặc biệt là với vua Quang Trung. Vì Phong trào Tây Sơn và Quang Trung đã “vi phạm” mồ mả tổ tiên ông cha của ông. Thế nhưng, tháng 6-1801 Nguyễn Vương đã chiếm lại được Đô thành Phú Xuân, ông không lo chuyện trả thù mà ngược lại đi lo xây dựng lăng mộ cho thân phụ là Nguyễn Phúc Luân ở làng Cư Hóa (sau đổi thành Cư Chánh). Mãi đến tháng 11 năm đó Nguyễn Vương mới thực hiện việc trả thù cho dòng họ “Quật mồ bổ săng” Quang Trung. Có lẽ trong thời gian hơn 4 tháng đó, đủ để Nguyễn Vương biết đích xác lăng mộ vua Quang Trung ở đâu, để khi hành động tránh được sai lầm;

d) Hơn nữa, việc trả thù “tận pháp trừng trị” Phong trào Tây Sơn và vua Quang Trung để trả thù cho dòng họ, để trừ diệt dòng họ của đối phương không thể trổi dậy lại được nữa, là những việc làm mang tính tâm linh sâu sắc phải thực hiện đúng. Nếu làm sai là có tội. Cho nên không thể có “hài cốt giả” đánh lừa được Nguyễn Vương;   

e) Cũng có người cho rằng: Để giữ bí mật, triều Quang Toản đã táng vua Quang Trung trong khuôn viên Cung điện Đan Dương, nhưng sau đó, Quang Toản làm vua đến 9 năm mới sụp đổ, với thời gian đó triều Quang Toản có thể dời hài cốt vua Quang Trung đến một nơi bí mật và thay vào huyệt mộ vua Quang Trung bằng hài cốt một người nào đó.

Nếu 9 năm Quang Toản trị vì bình an vô sự thì chuyện dời hài cốt vua Quang Trung đến một nời bí mật nào đó cũng có thể diễn ra. Nhưng không thể diễn ra vì những lý do sau đây:

e.1. Di ngôn cuối cùng của vua Quang Trung cho triều thân giúp vua kế nghiệp là sau khi vua Quang Trung mất triều Quang Toản phải dời ngay ra Nghệ An, nếu không Nguyễn Vương về Phú Xuân, “các ngươi không có đất để chôn cái đầu”. Như vậy đất Phú Xuân sẽ là vùng “đất ác” đối với triều Quang Toản thì lẽ nào triều Quang Toản còn đủ can đảm dời hài cốt Quang Trung đến một nơi nào khác trên đất Phú Xuân!

e.2. Thế thì bí mật đưa ra Nghệ An? Nếu đưa ra Nghệ An thì ai đưa? Phe của Bùi Đắc Tuyên hay phe Trần Văn Kỹ? Hai phe chống nhau quyết liệt làm sao giữ bí mật được với sự theo dõi của “Bà vãi Vân Dương”?

Cho đến năm 1799. Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân qua đời, ước nguyện khi bà mất bà được táng gần Đan Lăng và ước nguyện đó đã được triều Quang Toản thực hiện. Trong điếu văn Quang Toản đọc trước quan tài Bắc cung Hoàng hậu đã viết:


“Nguyện cũ hẳn nay lọn-vẹn,

Bên Đan lăng quanh-quất mạch liên châu”


Lăng mộ thật của vua Quang Trung trong Cung điện Đan Dương vẫn còn nguyên vẹn đến năm 1799. Hơn một năm sau, với hoàn cảnh sắp suy tàn triều Quang Toản, nếu muốn dời hài cốt vua Quang Trung đến một nới  bí mật khác – cũng khó thực hiện.

Như thế khó có chuyện “hài cốt giả”, “hài cốt vua Quang Trung” không bị đưa đi đâu hết. Nguyễn Vương không nhầm.    

Phụ lục

[Nguyễn Đắc Xuân, Bà Vãi Vân Dương, Chuyện Nội Cung Chín  Đời Chúa, Nxb Thuận Hóa Huế 2011, 89-92]

Bà vãi Vân Dương

Chúa Nguyễn Phúc Khoát (Võ Vương) có 18 con trai và 12 con gái. Người con gái trưởng phương danh là Ngọc Tuyên[2], nổi tiếng nhất trong các hoạt động giúp nhà Nguyễn. Mẹ bà người họ Tống, bà hạ giá cho quan Chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống.

Năm Giáp Ngọ (1774), Trịnh Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc vào đánh Phú Xuân, ông Thống chết, bà rất đau buồn bèn cạo đầu đi tu ở Vân Dương [[3]], hiệu là Vân Dương ni cô. Vì thế người ta gọi là bà vãi Vân Dương.

Hơn mười năm sau, quân Tây Sơn chiếm Phú Xuân khỏi tay quân Trịnh (1786), lăng tẩm của dòng họ Nguyễn bị quật phá tan tành (1790), bà rất đau xót. Từ đó bà nuôi chí chống lại Tây Sơn. Bà sai người con rể là Nguyễn Đức Tuấn ( cũng có tên là Duệ) bí mật đi khuyến dụ nhân dân Định Môn, Kim Ngọc, Cư Chánh tìm mọi cách bảo vệ các tôn lăng. Nguyễn Ngọc Huyên, người làng Cư Chánh đã làm theo lời bà và đã thành công trong việc giữ gìn được một phần hài cốt của Nguyễn Phúc Luân (thân sinh Nguyễn Anh) để sau này lập công với Gia Long.

Lăng Cơ Thánh (lăng Sọ) của thân phụ vua Gia Long ở làng Cư Chánh

Năm Tân Hợi (1791) bà cử người thân tín (tên Thiện) theo thuyền buôn vào Gia Định tâu cho Nguyễn Vư

ơng  biết sự động tĩnh và binh lực của Tây Sơn ở Phú Xuân, đồng thời dâng lên tập Hoài Nam Ca Khúc của Hoàng Quang (người xã Thái Dương) sáng tác, nội dung cho Vương biết lòng dân vẫn còn có người hướng về dòng họ Nguyễn. Được tin ấy Nguyễn Vương rất vui mừng, cử ngay người về Phú Xuân, ẩn trú trong nhà bà để hoạt động. Nguyễn Đức Tuấn được giao tiền bạc đi chiêu dụ dân chúng, nhất là binh tướng của Quang Toản. Nguyễn Vương còn giao cho bà nhiều giấy tờ khống chỉ có dấu triện của Nguyễn Vương (tức Nguyễn Anh) để bà tùy cơ điền tả vào mà ban cấp.

Việc làm của bà không may tiết lậu ra ngoài. Quân Quang Toản đến vây nhà. May mắn lúc ấy người của Nguyễn Vương đi vắng, không bắt được ai, quân Tây Sơn lấy một ít của cải của bà rồi rút đi.

Năm Đinh Tỵ (1797), quan bộ binh của Quang Toản là Nguyễn Đại Phát đi trấn thành Qui Nhơn, bà dò biết ông Phát đã mệt mỏi với nhà Tây Sơn, liền sai Nguyễn Đức Tuấn đi theo tiễn chân. Đến đoạn đường vắng, Đức Tuấn đọc cho ông Phát nghe một câu của ông Khoái Triệt ngày xưa:

- “Thời hồ thời hồ bất tái lai“

(Thời gian và cơ hội không trở lại lần thứ hai)

Hiểu ý, ông Phát “ngúc đầu“ một cái rồi hai bên bái biệt nhau. Về sau ông Đại Phát theo Nguyễn Vương.

Ông Lê Chất, người quê Phù Mỹ (Qui Nhơn) là một đô đốc có tài của Tây Sơn. Khi nội bộ triều Quang Toản rối loạn, ông lấy làm buồn, giả vờ chết rồi trốn lên ẩn tại núi Trà Đồng (!). Biết chuyện bà Ngọc Tuyên sai người đến khuyến dụ, Lê Chất về đầu Nguyễn Vương và sau trở thành công thần nhà Nguyễn được phong chức tước Quận công.

Năm Canh thân (1800) quân Tây Sơn tập trung vây thành Qui Nhơn, thành Phú Xuân bỏ trống. Bà Tuyên cho người khảo sát tình hình, vẻ bản đồ chỉ thị hình thể cửa biển Tư Dung (tức Tư Hiền) và cửa Eo (tức Thuận An) giao ông Phạm Hữu Tâm theo đường núi vào tìm nơi đóng quân của Nguyễn Vương, giao tận tay cho Vương. Do tin tức của bà Tuyên nên Nguyễn Vương mới có ý định đánh Phú Xuân trước khi giải vây thành Qui Nhơn.

Như trên đã tường thuật, quan bộ binh của Tây Sơn là Nguyễn Đại Phát, qua sự vận động khéo léo của người nhà Ngọc Tuyên, đã ngầm theo Nguyễn Vương, cho nên khi vào trấn thành Qui Nhơn, bề ngòai ông là quan Tây Sơn nhưng trong lòng thì đã nghĩ đến chuyện khác. Biết rõ thâm tâm ông, bà Ngọc Tuyên nhờ Đoàn Văn Cát khiến chị của Đại Phát cầm sắc chỉ của Nguyễn Vương vào Qui Nhơn dụ Phát đầu thú quân Nguyễn. Nhận được sắc chỉ, Đại Phát cùng với Tổng quân Lê Văn Thanh xin nạp thành Qui Nhơn.

Bà Ngọc Tuyên là tai mắt của Nguyễn Anh tại Phú Xuân, bà đã lập nhiều công lớn đối với người sáng lập ra triều Nguyễn. Khi khôi phục được Phú Xuân, Nguyễn Vương đã cho rước bà đến ngay thuyền Ngự, hai cô cháu ôm nhau khóc nức nở. Bà được Nguyễn Vương trọng thưởng. Sau khi lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, nhà vua vẫn thường lui tới thăm phủ của bà ở Vân Dương. Đến năm Gia Long thứ VIII (1809), bà mất, thọ 72 tuổi, an táng tại làng Dương Xuân.

Lai lịch và hành tung của bà Ngọc Tuyên góp một ít tư liệu lịch sử cho việc nghiên cứu sự suy tàn của nhà Tây Sơn.

(Viết theo Đại Nam Liệt truyện  Tiền biên, Q.2. từ tr.39b. Tiên Nguyên Loát Yếu Phổ, Nguyễn Phúc tộc Thế phả, )


 
 


[1] Đại Nam Liệt truyện  Tiền biên, Q.2. từ tr.39b.

Nguyễn Đắc Xuân, Bà Vãi Vân Dương, Chuyện Nội Cung Chín Đời Chúa, Nxb Thuận Hóa Huế 2011, 89-92

[2] Trước đây trong sách Chuyện Các Bà Trong Cung Nguyễn (tập 1) chúng tôi đọc nhầm tên bà là Ngọc Huyên, nay xin sửa lại cho đúng với Nguyễn Phúc tộc Thế phả. Xin cáo lỗi cùng bạn đọc NĐX.

[3] Nay thuộc xã Thủy Vân huyện Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên.
 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia