1 - Cần minh chứng về tư liệu khảo cổ học với những di tích, di vật trực tiếp thời Tây Sơn có liên quan đến cung điện và lăng mộ đế vương.
2 - Nếu có được địa bạ Gia Long năm 15 (1814) ấp Bình An, cũng là cơ sở để xem xét về khu di tích Tây Sơn tại đây bị nhà Nguyễn triệt phá và cho đặt tên mới.
3 - Cần làm rõ số phận phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn đến lúc quân Trịnh chiếm đóng (1775-1786) có còn tồn tại không và sau đó Tây Sơn đã sử dụng ra sao ? Vì sao nó bị xoá sổ, mất tích ?
Trả lời: Sau khi nhận được yêu cầu tôi đã nghiên cứu và làm rõ ngay. Nhưng vì thời gian hội thảo chiều ngày 30-10-2015 không cho phép để trình bày, nên sau hội thảo, tôi đăng lên trang Web nầy để PGS TS Đỗ Bang có thêm dữ liệu đánh giá kết quả công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương thời Quang Trung ở Huế đồng thời cung hiến cho những độc giả đang quan tâm về Cung điện Đan Dương ở Huế.
Đỗ Bang viết “1- Cần minh chứng về tư liệu khảo cổ học với những di tích, di vật trực tiếp thời Tây Sơn có liên quan đến cung điện và lăng mộ đế vương”.
PGS TS Đỗ Bang đọc Đề dẫn HTKH Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế
Trả lời: Trước khi trao đổi về yêu cầu nầy tôi xin nhắc lại mấy thông tin sau:
- Long Nhương Nguyễn Huệ/Vua Quang Trung sống tại Huế vỏn vẹn chỉ có 6 năm (1786-1792), trong 6 năm đó ông lại phải xuất chinh ra Bắc Hà nhiều lần nên chưa có thời gian tạo dựng được một cái gì thể hiện bản sắc, tính cách riêng của thời đại Quang Trung của ông;
- Nếu có một cái gì đó mang bản sắc của Quang Trung thì cái đó cũng khó tồn tại với chính sách “tận pháp trừng trị” của triều Nguyễn bắt đầu từ cuối năm 1801;
- Vua Quang Trung luôn chủ trương xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An nên ở Huế ông chỉ cho sửa chữa mở rộng cơ sở cũ của Phủ Dương Xuân để làm nơi trị vì tạm thời nên có lẽ chưa có những lò gạch, mỏ đá, chạm khắc đá, chạm khắc gỗ khác với các đời chúa Nguyễn và sau đó là Trịnh Quân. Do đó một cái ghế đá thời Nguyễn, sau đó vua Quang Trung sử dụng trong Dinh/cung điện của mình, thế thì cái ghế đá đó có thể xem là ghế đá của vua Quang Trung được chứ? Hay phải đòi hỏi phải do quan quân triều Quang Trung làm ra mới có giá trị? Sau hơn ¼ thế kỷ theo đuổi công trình nầy, tôi đã hiểu được nhà Nguyễn đã tân pháp trừng trị nhà Tây Sơn bằng 7 biện pháp. Trong đó, có biện pháp những gì liên quan đến Quang Trung/Tây Sơn không đập nát được thì chôn sâu. Tôi đã tìm được hàng trăm các loại đá đã bị chôn sâu ở ấp Bình An. Dù chưa được khảo cổ học xác nhận, nhưng cũng chưa có ai tìm được chủ của hàng trăm viên đá đó cho nên tôi vẫn giữ ý kiến những hiện vật đá đó là của Phủ Dương Xuân tiền thân của Cung điện Đan Dương và của chùa Thiền Lâm. Cả ba di tích nầy đều liên quan đến vua Quang Trung nên nó đã bị đập phá chôn vùi.
Tuy ngành khảo cổ chưa chính thức thám sát đào bới khai quật và công bố kết quả, nhưng dân địa phương vì cuộc sống đã đào bới và nhiều hiện vật vẫn còn giữ, nhà nghiên cứu có kiến thức lịch sử về thời các chúa Nguyễn và Vương triều Quang Trung cũng đã có thể biết được chủ nhân của những cổ vật ấy là ai.
Đỗ Bang 2- Nếu có được địa bạ Gia Long năm 15 (1814) ấp Bình An, cũng là cơ sở để xem xét về khu di tích Tây Sơn tại đây bị nhà Nguyễn triệt phá và cho đặt tên mới(1).
Trả lời: Trong đề dẫn Đỗ Bang đã dẫn Nguyễn Đình Đầu, [Nghiên cứu Địa bạ Thừa Thiên Huế, NXB thành phố Hồ Chí Minh, 1997, tr.158] cho rằng địa bạ ấp Bình An đã bị mất. Đúng như vậy. Mà không những ấp Bình An mất mà cả xã Phú Xuân có ấp Bình An, ấp Trường Giang và ấp Trường Cửu (Cởi) cũng không tìm thấy. Nhưng ta có thể biết được gián tiếp là ấp Bình An đã ra đời trước năm 1805. Căn cứ vào tư liệu sau:
- Như ta đã biết vua Gia Long đã trưng dụng đất của 8 làng bên tả ngạn sông Hương để mở rộng Kinh thành. Đại Nam Thực Lục ghi: Tháng 7 Gia Long thứ 4 (1805), “Lấy các xã Phú Xuân, Vạn Xuân, Diên Phái, Thế Lại, An Vân, An Hòa, An Bảo, An Mỹ lệ vào Kinh thành, theo giám thành sai phái. Những nhà ở trong thành thì được miễn thuế thân, giao dịch trọn đời, ở ngoài thành được miễn ba năm”. (QSQ triều Nguyễn, Đại nam Thực lục, Tập I, Nxb Giáo Dục, 2002, tr. 636).
“Riêng làng Phú Xuân bị thiệt thòi nhiều nhất, cho nên dân làng nầy được vua bồi thường bằng cách ban cho nhiều ruộng đất nằm rải rác ở nhiều nơi chung quanh Kinh thành Huế như đất phường Phú Hội […] Trường Giang, Trường Cởi ở Hữu Ngạn (Phan Thuận An Phòng Thành Huế 1970, tr.76). Xã Phú Xuân có 3 ấp Bình An, Trường Giang (Khu vực chùa Báo Quốc - Lịch Đợi hiện nay), Trường Cởi (Cửu) - khu vực có lăng mộ và nhà thờ cụ Phan Bội Châu hiện nay. Nhưng chỉ cấp đất cho dân Phú Xuân ở Trường Giang và Trường Cởi chứ không cấp đất Bình An cho bất cứ ai. Qua sự kiên nầy có thể giải đáp ấp Trường An ra đời từ trước năm 1805 cùng một lúc với hai ấp Trường Giang và Trưởng Cởi (Cửu) của xã Phú Xuân. Và, vì sao không cấp cho dân đất Bình An? Vì lúc bấy giờ đất của ấp Bình An đang bị cấm dân ở ? Như vậy khớp với sự thực ấp Bình An bị cấm dân, bỏ hoang suốt thế kỷ XIX như dân chúng ấp Bình An cho biết lâu nay.
Đỗ Bang viết: 3- Cần làm rõ số phận phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn đến lúc quân Trịnh chiếm đóng (1775-1786) có còn tồn tại không và sau đó Tây Sơn đã sử dụng ra sao ? Vì sao nó bị xoá sổ, mất tích ?
Trả lời: Phủ Dương Xuân – cung điện thứ hai của Võ Vương hoành tráng, đẹp, sang trọng như thế nào trong nhiều tài liệu tôi đã trích dẫn trong tham luận và sẽ trích dẫn tiếp ở dưới đây. Năm 1774, quân Trịnh vào chiếm Phú Xuân 12 năm (1774-1786), có dư luận cho biết quân Trịnh đã vi phạm nhiều kiến trúc ở Phú Xuân. Thực hư như thế nào, Lê Quý Đôn phản ánh trong Phủ Biên Tạp Lục như sau:
“Lúc bấy giờ, quan binh và nhân dân đang ở lẫn lộn với nhau. Các tỳ tướng và quân hiệu thì ỷ lại thế lự, họ lấy trộm các vật liệu và triệt hạ những chốn quân phòng cũ để làm những đồn mới”.
(Bản gốc 2a, bản dịch của Lê Xuân Giáo, Phủ Biên Tạp Lục, Tập I, Phủ QVK đặc trách VH xuất bản, SG 1972, tr.15).
Ở một đoạn khác Phủ Biên Tạp Lục Lê Quý Đôn chép lại cụ thể hơn như sau: “Dinh Phú Xuân của họ Nguyễn có nhà quan và nhà lính tới mấy vạn nhà. Từ tháng giêng năm Ất Mùi, quan quân đóng đồn, tướng sĩ và binh lính theo làm việc có hơn 3 vạn người, mặc ý đi lấy củi, lâu ngày phá rỡ, dân gian nhân đó mà lấy trộm cũng không ngăn cấm, mấy năm đốt cháy, không những gỗ kiền kiền, gỗ sao, đến cả gỗ trắc và gỗ giáng hương chứa đầy một gian để làm củi. Mùa xuân năm Bính Thân mở trường đúc tiền, lại lấy để làm than. Lập dinh trấn thủ, lại lấy để làm phòng ốc cho các cơ đội các quân, dùng hãy còn thừa. Đến tháng 5 mới sai các quân đi lấy củi ở núi Hòn Chén, cấm không được dỡ nhà quan nữa. Nhưng trường tiền đốt than một lần đã dỡ đến bốn năm chục gian chưa thôi. Ngói đá gạch chum thì kể có hàng vạn, không thể tính xiết”
Sau đó Lê Quý Đôn nghiêm cấm việc vi phạm trên. Nên đa số kiến trức ở Phú Xuân không bị vi phạm nữa. Như vậy, quân Trịnh chỉ “lấy trộm các vật liệu và triệt hạ nhà các quan, những chốn quân phòng cũ để làm những đồn mới” chứ không động chạm gì đến các kiến trúc khác, đặc biệt là với Phủ Dương Xuân. Nhờ thế mà dưới triều Nguyễn sau nầy, Phan Huy Chú viết cuốn Dư địa chí trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí có đoạn viết:
“Nam ngạn con sông và trên mạng thượng lưu, lại có Phủ Dương Xuân, Điện Trường Lạc, Hiên Duyệt Võ; ấy là những tòa nhà nguy nga, mái đao rực rỡ, có hành lang bao quanh, tường thành vây bọc; cửa ngõ mở thông ra tứ phía, được chạm trổ và trang sức rất công phu. Các tòa nhà được xây nền bằng gạch đá rất bằng phẳng, trên lát ván gỗ kiền kiền, dưới mái nhà có máng hứng nước từ trên chảy xuống; có cây cối trồng xen cạnh, những gốc sung, xoài, cây mít lớn vừa người ôm. Trong vườn sau có núi non bộ xây với những hòn đá lạ mắt, lại có ao vuông, hồ bán nguyệt với những cây cầu vồng và nhà hóng mát (thủy tạ) cất ở giữa hồ. Những bức tường trong tường ngoài thảy được xây dày đến vài tất, lại có những hình tượng, rồng, hổ, lân, phượng và hoa cỏ đắp tô bằng mảnh sứ và vôi"
(Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, “Dư Địa Chí,” Nguyễn Thọ Dực dịch, Phủ QVK xuát bản, SG 1972, tr. 346).
Không những tác giả Bắc hà Phan Huy Chú viết như thế, mà ngay cả Đại Nam Thực Lục (khởi thảo 1821, viết xong 1844) của Quốc Sử Quán triều Nguyễn cũng viết :
“Ở thượng lưu sông Hương lại có phủ Dương Xuân, điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ. Đều chạm vẽ hết sức tinh xảo. Ở vườn hậu uyển thì có non bộ, đá lạ, hồ vuông, hào cong, cầu vòng, thủy tạ. Tường trong tường ngoài đều xây đắp các hình rồng, hổ, lân, phượng, hoa cỏ”.
(QSQ Triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, Tập I, Nxb Giáo Dục HN 2002, tr.158-159)
Phủ Dương Xuân, cung điện thứ hai của Võ Vương, chỉ nhỏ hơn Cung điện chính ở Đô thành Phú Xuân mà thôi. Võ Vương sống ở đó mỗi năm đến 4 tháng vào những tháng cuối năm. Thời gian Võ Vương ở đó, cơ sở của Phủ cũng phải có đủ để cho triều đình đến ở làm việc với Võ Vương. Quả thực phủ Dương Xuân là cung đình thứ hai cuối đời các chúa Nguyễn. Thế mà trải qua hai thời kỳ Trịnh quân chiếm đóng (12 năm) và Nguyễn Huệ-Quang Trung-Quang Toản làm chủ Phú Xuân (14 năm) đến đầu triều Nguyễn thì mất tích như Đại Nam Nhất Thống Chí viết “tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ. Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào”.
[QSQ triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chi, Thừa Thiên Phủ, Tập Thượng, Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa Bộ QGGD, 1961, tr.56].
Một cái phủ to lớn và quan trọng đến thế (ở phía bắc đàn Nam Giao) mà sau binh hỏa với Tây Sơn có thể mất tích được? Lửa có thể đốt cháy vật liệu gỗ chứ làm sao thiêu cháy được đá, nhất là làm sao làm mất cả cái địa điểm từng xây dựng phủ Dương Xuân? Rất phi lý. Sự phi lý nầy trước tôi chưa hề có một nhà sử học nào, kể cả nhà Huế học vĩ đại L, Cadière quan tâm đến.
Như trên tôi đã trình bày: Căn cứ thông tin của John Barrow (Anh), La Bartette (Pháp), Bùi Dương Lịch (Việt) – những người cùng thời với vua Quang Trung - chứng minh vua Quang Trung đã mở rộng một cơ sở cũ của chúa Nguyễn làm Dinh riêng cho mình. Trong tham luận tôi đã trình bày chi tiết vấn đề này. Cơ sở cũ đó phải lớn để vua Quang Trung đã sống và làm việc trong cái dinh/phủ/điện ấy cho đến ngày qua đời và được triều Quang Toản táng ông ngay trong dinh/phủ/điện ấy. Cuối năm 1801, Nguyễn Vương về Phú Xuân, “vì chín đời mà trả thù”, thì chuyện dinh/phủ/điện ấy của Quang Trung bị đập phá xóa hết vết tích là chuyện dễ hiểu. Nhưng phủ Dương Xuân vì sao lại cũng bị mất tích?
Chỉ còn một cách giải thích:
1. Sau khi chiếm được Huế, Nguyễn Huệ, không ở trong Phủ Huế (Đô thành Phú Xuân) vì ô nhiểm bởi xác quân Trịnh thối rửa, vì nằm trên đảo giữa hai con sông dễ bị thủy quân của đối phương tấn công. Vì thế, Phủ Huế không phù hợp với đội quân đa số là người thượng du, voi, ngựa. Ông chọn Phủ Dương Xuân vì địa thế trên gò núi thích hợp với ông nhất;
2. Sau các cuộc Phù Lê diệt Trịnh (1777), đánh bại 29 vạn quân Thanh (1789) thắng lợi trở về ông cho xây thành chung quanh dinh ông, rồi ông lại mở rộng Dinh/phủ/điện để thỏa mãn được yêu cầu của một triều đình; nơi ấy được Ngô Thì Nhậm gọi là “Cung điện Đan Dương”.
3. Năm 1792, ông qua đời, để giữ bí mật triều Quang Toản táng ông ngay trong dinh/phủ/điện của ông. Cung điện Đan Dương trở thành lăng Đan Dương.
4. Cuối năm 1801, lăng mộ và tất cả cơ sở của triều Quang Trung đều bị Nguyễn Vương xóa sạch. Phủ Dương Xuân tiền thân của lăng Đan Dương tất nhiên phải bị hủy diệt. Sử nhà Nguyễn không đề cập đến Cung điện/lăng Đan Dương mà đề cập đến phủ Dương Xuân (của các chúa Nguyễn). Nếu ghi rõ địa điểm của phủ Dương Xuân cũ thì những người hoài Quang Trung sẽ tìm ra Cung điện/lăng Đan Dương ngay. Do đó buột lòng các sứ thần triều Nguyễn phải viết phủ Dương Xuân mất tích.
Nếu là một nhà toán học họ sẽ lý giải vấn đề nầy đơn giản hơn như sau:
- Chùa Thiền Lâm là một cơ sở của Phủ Dương Xuân nói cách khác Phủ Dương Xuân ở gần chùa Thiền Lâm;
- Nhờ P. Poivre ta tìm được địa bàn của Phủ Dương Xuân từ chùa Thiền Lâm qua chùa Vạn Phước, xuống Suối Tiên có một cái hồ;
- Phan Huy Ích cho biết lăng vua Quang Trung, (theo Ngô Thì Nhậm lăng Đan Dương ở trong cung điện Đan Dương), cũng có thể viết Cung điện Đan Dương cũng ở gần chùa Thiền Lâm. Cung điện Đan Dương-lăng Đan Dương đã bị “tận pháp trừng trị” chôn sâu dưới đất;
- Khảo sát khu vực Phủ Dương Xuân nói trên hé lộ có một vùng cung điện bị đập phá chôn sâu dưới đất, có những biểu hiện ám chỉ liên quan đến Phong trào Tây Sơn như vùng đất Long Sơn thuộc xã Dương Xuân bị đổi thành ấp Bình An, khu vực biểu hiện của một vùng cung điện bị triệt phá bị cấm dân ở suốt thế kỷ XIX; có nhiều giếng nước sau bỏ hoang gọi là “giếng loạn”, nhiều nấm mồ tập thể gọi là “mả loạn”, Tùng Thiện vương gọi gò Dương Xuân sau là gò Bình An gọi là “Núi loạn”.
- Cùng trên một địa điểm gần chùa Thiền Lâm, cung điện Đan Dương bị triệt phá được các nhân chứng thời ấy còn ghi lại; nhưng Phủ Dương Xuân vì sao mất tích nhà Nguyễn không cho biết lý do.
Đáp số của bài toán là Cung điện Đan Dương với Phủ Dương Xuân là một. Cung điện Đan Dương bị triệt phá xóa hết dấu vết thì Phủ dương Xuân-tiền thân của Cung điện Đan Dương phải mất tích thôi. Việc quá rõ ràng. Việc gì còn nghi ngờ nữa đâu!
Sau giải đáp 3 vấn đề xem như cuối cùng nầy, không rõ PGS TS Đỗ Bang – người phụ trách nội dung khoa học, người chủ trì Hội thảo khoa học chiều 30-10-2015 còn thấy cần bổ sung thêm vấn đề nào nữa không. Nếu không thì giả thuyết tiền thân của cung điện Đan Dương của vua Quang Trung là Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn là đúng. Qua tài liệu và qua khảo sát thực địa Phủ Dương Xuân – cung điện thứ hai của các chúa Nguyễn tọa lạc trong vùng chùa Thiền Lâm và chùa Vạn Phước ngày nay. Nội dung cụ thể của Phủ Dương Xuân-Cung điện Đan Dương, kể cả Đan Lăng như thế nào chờ kết luận của ngành khảo cổ học sắp tới. PGS TS Đỗ Bang có đồng ý như thế không hay…..?
(1) Nguyễn Đình Đàu, Nghiên cứu Địa bạ Thừa Thiên Huế, NXB thành phố Hồ Chí Minh, 1997, tr.158, cho rằng Địa bạ ấp Bình An đã bị mất.