Tác giả Trần Đại Vinh (TĐV) sau khi khảo sát 4 bài thơ của Ngô Thời Nhậm và hai bài của Phan Huy Ích tác giả cho rằng: “Tất cả điều ghi chép ấy đều góp phần khẳng định rằng có 1 lăng Đan Dương, gọi tắt là Đan lăng, là nơi an táng tử cung của hoàng đế Quang Trung”.
Bình luận: Tất cả những trich dẫn thơ văn Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích có đề cập đến Cung điện Đan Dương và lăng Đan Dương của TĐV (Kỷ Yếu, tr.85) lấy xuất xứ từ các bài viết và sách của tôi. Ví dụ như trong sách Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung (Viện Sử học VN, HN. 1992, từ tr.30 đến tr.32); sách “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung , Nxb Thuận Hóa 2007, tr.38& 39, tái bản 2015 tại các tr.44&45). TĐV trích dẫn những thông tin tôi đã công bố đúng 30 năm trước. Trong 30 năm ấy, TĐV không tìm được một thông tin nào khác hơn. Qua thông tin trong A Voyage to Chochinchina in years 1792-1793 của John Barrow, thông tin của giáo sĩ La Bartette, thông tin trong Lê Quý Dật Sử của Bùi Dương Lịch tôi chứng minh vua Quang Trung có một cung điện và được sử dụng như một hoàng cung suốt vương triều của ông. Đến năm 1792, ông qua đời và vì hoàn cảnh phải giữ bí mật nên triều Quang Toản/Cảnh Thịnh đã táng ông ngay trong cung điện đó. Trên đường sang Trung Quốc báo tang, đại thần Ngô Thì Nhậm nhớ về đại hoàng đế của mình đang an nghỉ trong cung điện của ông và nhà thơ đại thần cảm xúc viết nên bài thơ Cảm Hoài. Câu thứ 8 bài thơ viêt: “Đan Dương cung điện nguyệt tam thu”. (Trông về Cung điện Đan Dương một tháng coi bằng ba thu). Để người đọc hiểu rõ hai chữ Đan Dương, tác giả viết một lời chú gần đầy một trang ngay dưới câu thơ đó. Trong lời chú ấy, Ngô Thì Nhậm giải thích “ Đan Dương cung điện phụng ngã Tiên Hoàng tàng bửu y chi sơn »(Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta). Đây là một lời chú bằng văn xuôi chứ không phải là một câu thơ. Lời chú ấy rất rõ ràng và ta có thể hiểu Cung điện Đan Dương là nơi vua Quang Trung đã ở và làm việc. Sau khi ông qua đời, ông được chôn ngay ở cung điện đó. Từ đó Cung điện Đan Dương trở thành Đan Dương lăng hay Đan Lăng. [Như Khiêm cung trở thành Khiêm lăng của vua Tự Đức vậy). TĐV nói không có Cung điện Đan Dương mà chỉ có Đan Dương lăng hay Đan lăng thôi. [..] “hai từ cung điện Đan Dương chỉ là tôn xưng trang trọng theo cách mà Ngô Thì Nhậm tôn xưng lăng Đan dương mà thôi”. (dòng 8 & dòng 9 trên xuông, tr. 86 Kỷ Yếu). Lần đầu tiên tôi nghe cách giải thích nầy. Đề nghi TĐV cho biết trong văn học các nước dùng chữ Nho (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam) có một trường hợp nào các Nho gia dùng hai chữ “Cung điện” để tôn xưng ai không? Nếu không thì cách lý giải đó TĐV áp đặt tùy tiện mà thôi, hoàn toàn không có giá trị lịch sử. Triều Quang Trung có một Cung điện mang tên Đan Dương thực sự. .
Từ những thông tin trong thơ văn, nguyên chú, nguyên dẫn của hai đại thần Ngô Thì Nhâm-Phan Huy Ích của triều Quang Trung tôi đã có một kết luận thời Quang Trung ở Huế có một Cung điện Đan Dương, trong Cung điện đó có lăng Đan Dương. Suốt 30 năm qua tôi không ngừng sưu tập thêm tư liệu dân gian, trong văn học cổ, thông tin của người đương thời đến từ phương Tây, thông tin khảo sát thực địa, khám phá những bí ẩn mà triều Nguyễn đã cố tình giấu để đưa đến sự thật lịch sử và kết luận Huế-Phú Xuân từng có Cung điện Đan Dương và lăng Đan Dương ở ấp Bình An thuộc P. Trường An ngay nay. Các cơ sở của Cung điện Đan Dương xây dựng và phát triển từ Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn. TĐV không hề chỉ ra được một tư liệu nào trong mấy cuốn sách của tôi là sai mà chỉ nhận với tôi là có lăng Đan Dương chứ không có Cung điện Đan Dương. Viết và nói theo cảm tính như vậy chứ không hề có một tư liệu nào, một “chứng cứ có sức thuyết phục” (Đỗ Bang) nào cả. Như vậy làm sao có thể gọi là phản biện lịch sử được?
Trong Đề dẫn Đỗ Bang viết: Ngoài ra, tác giả Trần Đại Vinh còn cung cấp một thông tin có giá trị về một hướng khác trong việc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung qua “sơ đồ điền thổ của làng Bình An, có một thửa đất khá gần với chùa Thiền Lâm, ở vị trí phía Đông trước chùa Từ Đàm có ghi rằng: “cựu hoàng mộ”, phải chăng ta nên tìm hiểu địa điểm này để truy tìm địa điểm lăng tẩm vua Quang Trung”.
Bình luận: Để xem thông tin được Đỗ Bang cho là “có giá trị” như thế nào ngay dưới đây:
TĐV đưa ra trong tham luận khoa học thông tin: địa điểm “Cựu hoàng mộ” gần với chùa Thiền Lâm, ở vị trí phía Đông trước chùa Từ Đàm, trong sơ đồ điền thổ của làng Bình An, có thể là mộ Quang Trung.
Dưới mắt một người nghiên cứu sử, tôi thấy thông tin này gợi lên nhiều chi tiết thuận nghịch rất phức tạp:
1. TĐV đưa thông tin này ra, lăng mộ vua Quang Trung có thể ở chỗ “Cựu hoàng mộ” thuộc ấp Bình An. Như thế TĐV đã vô tình chấp nhận giả thiết lăng mộ vua Quang Trung ở ấp Bình An của tôi ra đời đã mấy chục năm qua là đúng, tọa độ cụ thể chỗ nào trên ấp Bình Anh chỉ còn chờ khảo cổ học xác định nữa mà thôi. Nếu đúng được như thế thì tôi vui biết mấy!
2 Chùa Thiền Lâm ở ngay trước chùa Từ Đàm, vì có liên hệ với Tây Sơn/vua Quang Trung nên ĐNNTC chuyển địa điểm qua xã An Cựu. Đầu thế kỷ XX, liệu có một hương chức nào dám ghi một nơi ám chỉ lăng mộ vua Quang Trung lên địa bạ của làng xã mình không? Tham luận trong một hội thảo khoa học quan trọng tại sao TĐV không trưng dẫn cho hội thảo biết cái tấm địa bạ có ghi “Cựu hoàng mộ” rất “có giá trị” (Đỗ Bang) thực hư như thế nào để hội thảo tin lời TĐV ? Địa bạ đó lập từ năm nào? Hiện ai đang giữ ? Trước khi trưng dẫn ra hội thảo TĐV đã khảo chứng giá trị khoa học của cái địa bạ đó ra sao chưa ? Rất tiếc chỉ qua thông báo của TĐV bằng lời mà thôi. Tôi mong sau hội thảo TĐV nên công bố tấm địa bạ quan trong ấy. Nếu không thì người ta sẽ cho là TĐV đã bịp hội thảo. (Điều đáng trách là Đỗ Bang viết đề dẫn đã để cho TĐV bịp hội thảo).
Giả như tôi nhận định sai, quả thật TĐV đã thấy dân ấp Bình An có tấm địa bạ đó. Thì thử hỏi dân ấp Bình An, xã Phú Xuân, huyện Hương Thủy sẽ giải thích cái “cựu hoàng mộ” đó với Phủ Doãn Thừa Thiên như thế nào khi có kiện cáo tranh chấp đất đai trong ấp? Đưa ra một sự kiện lịch sử phải đặt sự kiện đó trong hoàn cảnh lịch sử của nó. Không có bất cứ một sự kiện lịch sử nào có thể xảy ra trong mọi hoàn cảnh lịch sử được. Vì bất chấp hoàn cảnh lịch sử nên TĐV mâu thuẫn với chính mình ngay bình luận tiếp theo đây;
3. Trần Đại Vinh đưa ra tiêu chí “lăng Đan Dương, nơi an táng tử cung Thái Tổ Võ hoàng đế Quang Trung. Đó là một sơn lăng, lăng tẩm ở sơn phần và là một nơi có cây cối, cảnh trí (viên lăng). Có thể ở đây còn có một điện thờ” ( Kỷ Yếu dòng 13 đên 15 trên xuống, tr.86). Liệu cái địa điểm “Cựu hoàng mộ” có thể xây dựng kiến trúc và cảnh quan như trong tiêu chí TĐV đưa ra ở trên không? Chắc không thể. Thông tin thứ ba mâu thuẫn ngay với thông tin thứ nhất của chính TĐV.
*
* *
Trong phản biện lịch sử TĐV không căn cứ trên tư liệu lịch sử nên không dẫn chứng tư liệu lịch sử. Khi người đối thoại đưa ra tư liệu lịch sử thì TĐV lại phán bừa. Đố là trường hợp tôi hỏi TĐV- người đã nghiên cứu viết bài chùa Thiền Lâm ở ấp Bình An dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp in trong sách Danh Lam Xứ Huế (Nxb Hội Nhà văn 1993) – rằng: Vì sao chùa Thiền Lâm xưa nay vẫn ở ấp Bình An trước thuộc xã Dương Xuân, đến đầu triều Nguyễn thuộc xã Phú Xuân, vì sao Đại Nam Nhất Thống Chí thời Duy Tân lại viết ngay dòng đâu “Thiền Lâm tự tại An Cựu Xã” ?
ĐNNTC thời Duy Tân viết ngay dòng đâu “Tại An Cựu Xã” (Dưới, dòng thứ hai từ bên trái qua)
Trên diễn đàn Hội thảo khoa học chiều 30-10-2015, TĐV trả lời một cách dứt khoát rằng: “Chùa Thiền Lâm ở ấp Bình An, các sử thần triều Nguyễn viết nhầm là tại xã An Cựu”. Sách của Quốc sử quán biên soạn, do Cao Xuân Dục đứng đầu, trước khi khắc in đã dâng lên cho vua xem (1910) mà dám để xảy ra sự nhầm lẫn đến thế sao! Hơn một trăm năm qua các nhà nghiên cứu sử dụng ĐNNTC thời Duy Tân -trong đó có TĐV, không ai thấy sự nhầm lẫn đó. Qua câu trả lời nầy bộc lộ đến cao độ cái nghề phán mang tính cảm tính của nhà Hán Nôm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian TĐV.
Tất cả những phản biện của TĐV đều là những phát biểu cảm tính, Phát biểu khơi khơi cảm tính như thế nên không có giá trị khoa học lịch sử. Điều khó hiểu là PGS TS Đỗ Bang – người viết đề dẫn và là một trong ba người điều hành hội thảo mà không hề đòi hỏi TĐV “phản biện khoa học với những chứng cứ có sức thuyết phục” – một yêu cầu quan trong mà Đỗ Bang đã đề ra trong Đề dẫn.
Chuyện nghiên cứu về Cung điện Đan Dương và Lăng Đan Dương còn dài. Rất mong nhà nghiên cứu TĐV góp cho những phản biện có giá trị khoa học để bổ cứu cho những chỗ bất cập trong các công trình nghiên cứu Vương triều Quang Trung ở Phú Xuân-Huế, còn như cứ phát biểu cảm tính dài dài như năm 2007 và năm 2015 nầy thì TĐV tự làm mất uy tín của mình mà thôi.