Phải chăng L.Cadière tránh chỉ đúng địa điểm Phủ Dương Xuân để làm vừa lòng nhà Nguyễn?

Là một người nghiên cứu Triều Nguyễn và Huế xưa, tôi luôn tôn thờ Léopold Cadière - Chủ biên bộ Bulletin des Amis du Vieux Hué là thầy tôi. Với phương pháp sử tôi học được ở L.Cadière, tôi xin làm rõ vấn đề Phủ Dương Xuân (có liên quan đến Cung điện Đan Dương của vua Quang Trung) mà lúc sinh thời “thầy của tôi“ còn lúng túng. (NĐX).

Năm 1925, linh mục L.Cadière - tác giả bài nghiên cứu Le Quartier des Arènes, I - Souvenirs des Nguyễn (BAVH số tháng 7-9 năm 1925), có chứng minh rằng Phủ Dương Xuân (trong đó có Điện Trường Lạc) [1] nằm ở khu Ruộng Phủ giữa cánh đồng Bầu Vá làng Dương Xuân. Tài liệu để chứng minh điều đó, L.Cadière dựa vào tập bút ký Voyage de P.Poivre en Cochinchine (dans REO publié par M.H.Cordier,Vol.III,p.422). L.Cadière tham khảo bài bút ký của P. Poivre bằng những tư kiến của ông, thiếu sự hỗ trợ của những tài liệu cổ Việt Nam như Phủ biên tạp lục, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí .v.v., nên ông không giấu được những lúng túng và ông tự mâu thuẫn với chính mình. Tuy thế, với lòng tin sẵn có đối với ông, nhiều người nghiên cứu Phủ Dương Xuân cũng bị ảnh hưởng [2]. Cái ảnh hưởng ấy đã làm trở ngại không ít cho quá trình nghiên cứu di tích này [3]. Bài viết này chúng tôi dành để khẳng định “Điện Trường Lạc không thể là Phủ Dương Xuân” như ý kiến của ông L.Cadière.

I. L.Cadière khai thác Voyage de Pierre Poivre  viết về Phủ Dương Xuân

Trước tiên L.Cadière khảo sát một khu đất nằm sau lưng lăng Tuy Lý Vương ở bên trái con đường lên Long Thọ ngày nay, L.Cadière viết:

       “Si maintenant nous examinons la disposition du terrain, nous y remarquons un  grand quadrilatère régulier, de 300 metres environ de profondeur, sur 100 metres de large, qui part de la route, et partait jadis sans doute de la berge même du fleuve, pour s’avancer dans les rizières [4]. Cet espace est surelevé élevé de 40 cm..., parfois davantage, par rapport aux terres environnantes, et il est semé en son entier sur une assez grande profondeur de débris de tuiles et de briques, indices d’anciennes constructions importantes. La face Sud présente un saillant régulier, sur lequel on a élevé’ un petit pagodon, entouré de grands arbres, c’est “le pagodon du hameau",  Miếu - Xóm, deci delà, on remarque des débris de murailles en vieux béton annamite, il y avait même, devant la pagode, deux blocs de marbre dont l’un est orné d’une légère moulure. Toujours devant la  pagode, et tenant la largeur du quadrilatère, est creusé un grand bassin rectangulaire, à demi comblé, flanqué à ses deux extrémités,  de deux oubassememts qui ont du servir d’assise à de petits édifices. Toute la région porte le nom de Ruộng - Phủ, "les rizières de la Résidence». [5]  

 (Tạm dịch: Bây giờ nếu chúng ta quan sát vị trí của khu đất, ở đấy, chúng ta chú ý một cái tứ giác cân đối lớn, chiều sâu khoảng 300 mét, chiều rộng 100 mét xuất phát từ con đường, chắc chắn ngày xưa là từ bờ sông, để tiến vào những cánh đồng ruộng. (Bản đồ LXXV, số 8). 

Khu vực này được nâng cao lên 40 cen-ti-mét, cũng có thể hơn so với đất đai xung quanh, toàn bộ khu vực còn rải rác trên một chiều khá sâu những mảnh vở vụn gạch, ngói, những dấu hiệu của những kiến trúc quan trọng xưa. Phía nam vươn ra đều, trên đó có một cái miếu nhỏ với những cây cao lớn bao bọc xung quanh; đó là cái «Miếu Xóm » (...), bên này bên kia có những mảnh tường vỡ bằng vôi vữa truyền thống của người Việt, làm cho người ta phải chú ý; ở phía trước miếu còn có hai tảng đá, một trong hai tảng đá ấy được trang trí với một đường viền manh mảnh. Cũng vẫn phía trước ngôi miếu, theo chiều rộng của tứ giác, có đào một cái hố hình chữ nhật (xem H.1), đã bị bồi lấp phân nửa, hai đầu mút hồ có hai mô đất đã từng được sử dụng làm móng của những kiến trúc nhỏ. Tất cả khu vực này có tên là RUỘNG PHỦ ).

H.1.- Khu vực cánh đồng Bầu Vá theo bản đồ tỷ lệ 1/25.000 của sở Địa Lý. L. Cadière cho rằng Phủ Dương Xuân tọa lạc trong khu vực “Ruộng Phủ” và được ông ghi chú bằng con số 8 trên bản đồ. Ghi chú nầy đã làm cho nhiều nhà nghiên cứu tưởng là sự thực nhưng chính tác giả L.Cadière cũng đã thấy quá mâu thuẫn nên phải tạm gác lời xác định cuối cùng và chẳng bao giờ ông còn có cơ hội trở lại vấn đề nầy nữa.

            Ở tr.136 bài vừa dẫn, L.Cadière cho rằng:      

            “Le bâtiment principal, le palais Trường Lạc, devait être vers le milieu du rectangle de terrain surélevé, peut - être un peu vers le Sud, c’est - à- dire entre la route des Arènes actuelle et le pagodon"

            (Tạm dịch: “Ngôi điện chính, Trường Lạc, nằm ở trung tâm khu đất được nâng cao, có thể hơi dịch về phía nam, nghĩa là giữa đường Hổ Quyền ngày nay (1925) và cái miếu).

            “La tribune Duyệt - Võ  était sur la saillie que fait le quadrilatère du côté Sud: de là, Võ Vương avait à sa droite “le champ de manoeuvre de la cavalerie", et à sa gauche, les buttes de tir. La pagode actuelle avec son bosquet occupe aujourd’hui cet emplacement. On pourrait encore placer la tribune Duyệt - Võ sur les deux petits terre-pleins qui flanquent le bassin, mais alors, il aurait fallu deux pavillons,un du côté de l’Ouest, pour voir les exercices de la cavalerie, et un du côte de l’Est, pour les des canons. Cette hypothèse est encore plausible, bien que le text des Annales ne semble mentionner qu une seule ribune Duyệt Võ".

            Tạm dịch: “Hiên Duyệt Võ dựng trên mô đất nhô ra ở phía nam của tứ giác. Từ đấy, Võ Vương có ở bên phía phải ông cái "diễn mã trường", và ở bên phía trái ông là trường bắn. Chỗ này là nơi tọa lạc của cái Miếu Xóm và chòm cây ngày nay. Người ta cũng có thể dựng hiên Duyệt Võ trên hai miếng đất trống (ở hai đầu ao), nhưng hồi ấy họ phải dựng lên đó hai cái đình. Đình phía tây để ngồi xem diễn kỵ binh, cái đình phía đông ngồi xem bắn đại bác. Giả thuyết nầy có thể tin là đúng mặc dù Biên niên sử của nhà Nguyễn chỉ đề cập đến một mình Hiên Duyệt Võ". 

H.2.- Mặt tiền đình Xuân Giang (tổ 12, Khu vực IV, kiệt 203 đường Bùi Thị Xuân, P. Phường Đúc, TP. Huế) chỉ cao “hơn 40 cm”, so với mặt ruộng cánh đồng Bầu Vá (trong đó có “Ruộng Phủ”), mùa mưa lũ thường bị ngập nước.

            Từ hiện trường của Ruộng Phủ, L.Cadière căn cứ vào những thông tin sau đây để đưa đến kết luận khu vực Ruộng Phủ là cơ sở của Phủ Dương Xuân xưa [6]. 

            1. Nó nằm đúng vào vị trí - theo Đại Nam thực lục tiền biên, “trên thượng lưu sông Hương có Phủ Dương Xuân “ (II y a “en amount du Fleuve des Parfums, le phủ de Dương Xuân".

            2. Chữ phủ của Phủ Dương Xuân lưu truyền lại đến ngày nay trong từ Ruộng Phủ (C’est de cette résidence que le nom cadastral que nous venons devoir Ruộng Phủ, ... perpétue le souvenir jusqu’à aujourd’ hui);

            3. Khu vực tứ giác lớn (tức nơi dựng Điện Trường Lạc) nằm gọn trong lãnh thổ làng Dương Xuân (... le grand quadrilatère... est bien situé sur le territoire du village de Dương Xuân);

            4. Khu vực tứ giác ấy nằm đối diện với cồn Dã Viên nơi P. Poivre đã ngồi xem một cuộc đấu giữa voi và  hổ, “cái cồn này - theo nhà buôn Poivre - nằm ngay trước mặt một trong những cung điện (...Il est juste en face de l’Il Dã - Viên, où Poivre assista à combat d’ éléphants et de tigres, cette isle, dit notre commercant, situé vis - à - vis l’un des palais);

            5. Phủ nằm gần tòa Tổng giám mục (gần Đình làng Dương Xuân, khu vực Thành Lồi ngày nay) (... qu’il auprès du lieu de la résidence de ce prélat);

            6. Poivre cũng gọi Phủ Dương Xuân là “phủ Thợ Đúc “ (tóm ý của L.Cadière ).

II. Những hạn chế của L.Cadière khi viết về Phủ Dương Xuân

Căn cứ vào những thông tin trên thì chưa đủ kết luận chỗ Ruộng Phủ là phủ cũ Dương Xuân. L.Cadière đã nhầm cho rằng Phủ Dương Xuân là tên gọi chung, còn kiến trúc cụ thể của Phủ Dương Xuân mới có tên là Điện Trường Lạc và hiên Duyệt Võ.

            1. Theo Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên phủ, tập 1, Phủ Dương Xuân được xây dựng trên gò Dương Xuân năm 1680, được tu sửa nhiều lần, gần chùa Ấn Tôn (chùa Từ Đàm), từ sau khi chiến tranh với Tây Sơn "mới mất tích"; Ruộng Phủ ở cánh đồng Bầu Vá hiện nay thấp hơn và cách xa Gò Dương Xuân 

                      

                    H.3..- Từ bức tường trước đình Xuân Giang (địa điểm điện Trường Lạc cũ) xuyên qua cánh đồng Bầu Vá,         nhìn về ấp Bình An trên Gò Phú Xuân (một phần của gò  Dương Xuân thời các chúa Nguyễn) ở phía đông nam.                                       

                                                

            2. Vị trí của Phủ Dương Xuân và Điện Trường Lạc khá xa nhau. Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn viết rất rõ:“Nam ngạn chi thượng lưu hữu Dương Xuân Phủ, Cam Phủ. Hựu kỳ thượng Tập Tượng Phủ..” (Ở về mạn thượng lưu bờ nam ngạn, có Phủ Dương Xuân, Phủ Cam. Đi lên phía trên nữa có phủ Tập Tượng... );

            3. Pierre Poivre không hề nói cồn Dã Viên nằm trước mặt Phủ Dương Xuân, thực sự là nằm trước “một trong những cung điện" tức là Điện Trường Lạc. Cồn Dã Viên nằm trước mặt Phủ Dương Xuân là do L.Cadière suy diễn ra mà thôi.

4. L.Cadière cũng dẫn chứng tài liệu về sự quan hệ dài dòng giữa Tổng giám mục Lefèbre với những sự kiện năm 1750 và có ghi chú về chuyến đến Huế của P. Poivre có biết vị trí của Phủ Dương Xuân ở gần (auprès) tòa Tổng giám mục, chứ không cho biết độ dài bao nhiêu. L.Cadière viết hai nơi ấy cách nhau 1 km cũng là điều ông suy diễn.

            5. Trong bài viết trên, L.Cadière mâu thuẫn với chính ông. Ở trang 128 (BAVH, 1925) ông viết “le palais Trường Lạc, qui servait de résidence d’été à Võ Vương” (Cung Điện Trường Lạc là nơi ở mùa hè của Võ Vương), trang 147 viết theo lời Poivre dẫn của Koffler: "Phủ Dương Xuân là cung điện mùa đông của Võ Vương". Một địa điểm sao lại có hai chức năng trái ngược nhau như thế ? Đất xây dựng «Phủ Dương Xuân» chỉ cao hơn Ruộng Phủ có 40 cm thì mùa đông lụt lội làm sao chúa Nguyễn có thể đến đây nghỉ Đông (Résident d’hiver) được ?

            L.Cadière là nhà Huế học vĩ đại, suốt đời tôi đọc cũng chưa hết trước tác của ông, suốt đời tôi nghiên cứu, học hỏi cũng chưa chắc được làm học trò của ông. Do đó tôi rất dè dặt khi phải nói về những hạn chế của bậc thầy mình. Tôi cũng tìm cách để giải thích cái hạn chế đó. Một trong những lý do khiến ông có những ngộ nhận trên vì tôi có cảm giác ông chưa khai thác đoạn Đại Nam nhất thống chí viết về Phủ Dương Xuân, trên gò Dương Xuân và nhất là ông chưa đụng đến cuốn sách quan trọng vào bậc nhất cho việc nghiên cứu địa điểm này là cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn.

            Nếu tôi không hiểu sai bài viết của ông, tôi thấy có đôi chỗ ông tỏ ra lúng túng. Ví dụ như tr.139 ông trích lại một đoạn bút ký của Pierre Poivre:

Le second palais, qui est plus petit, est bâti sur une élévation un peu éloignée de la rivière...” (Cung điện nhỏ thứ hai, nhỏ hơn, được xây dựng trên một cái gò hơi xa sông...).

Chữ élévation Poivre dùng nó hơi mâu thuẫn với chỗ Ruộng Phủ ông đã chứng minh. Cái từ “xa sông” cũng đáng suy nghĩ.

            Chính vì những lúng túng đó mà khi kết thúc đoạn văn viết về Phủ Dương Xuân, L.Cadière đã phải hạ bút  viết về sự bất lực của mình:

Quittons donc ce palais de Dương Xuân, quitte à y revenir si nous trouvions de nouveaux documents” [7]. (Vậy chúng ta hãy rời khỏi Phủ Dương Xuân này, và hẹn sẽ trở lại khi tìm được một tư liệu nào khác).

            Cho đến năm 1925, L. Cadière chưa xác định được vị trí của Phủ Dương Xuân, hay nói cách khác ông chưa chứng minh được Phủ Dương Xuân nằm trên khu « Ruộng Phủ ». Tôi chưa được đọc hết những bài viết về di tích Huế của L.Cadière, cho nên tôi không rõ sau đó đã có dịp nào ông trở lại nghiên cứu tiếp di tích Phủ Dương Xuân chưa. Tôi tự giao cho mình có nhiệm vụ phải tiếp bước L.Cadière trở lại Phủ Dương Xuân với những gì đã đọc được của ông và những tài liệu ông chưa khai thác. 

            Bài nầy tôi viết cách đây trên 17 năm. Sau 17 năm nghiền ngẫm tôi nghĩ rằng với một nhà nghiên cứu biết rất rõ những gì đã diễn ra ở ấp Bình An như L.Cadière, với những tài liệu của triều Nguyễn và tài liệu của những người Pháp đồng hương của ông mà ông đã trích dẫn nhiều lần, ông biết rõ  Phủ Dương Xuân ở đâu. Ông đã đến nghiên cứu nhiều lần cái « giếng loạn » của chùa Tuệ Lâm cũ trên gò ấp Bình An, ông chỉ bước thêm vài bước nữa là đên chùa Vạn Phước trong khuôn viên Phủ Dương Xuân xưa, nhưng ông đã quay lui. Ông bỏ lửng chuyện Phủ Dương Xuân trên Ruộng Phủ giữa cánh đồng Bầu Vá. Phải chăng ông ngại khui ra một điều cấm kỵ bậc nhất của triều Nguyễn ? Như thế cũng có nghĩa ông đã gián tiếp tiếp tay làm nhiễu thông tin Phủ Dương Xuân để làm vừa lòng nhà Nguyễn ! Sự nhập nhằng của ông đã gây nên hậu quả  tốn kém không biết bao nhiêu giấy mực và công sức. Tiếc thay !            

 

 Huế, 2007, cập nhật 10-2015.

Chú thích

[1]. Khu đất xây dựng Điện Trường Lạc thời Nguyễn Phúc Khoát ngày xưa, nay là đình Xuân Giang của làng Dương Xuân trên cánh đồng Bầu Vá, tổ 12, khu vực IV, Phường Đúc (đi vào kiệt 203 Bùi Thị Xuân, TP Huế).

[2]. Như ông Hồ Tấn Phan (1991) và ông Trần Đại Vinh (2007), sẽ viết rõ ở phần III.

[3]. Xem tạp chí Kiến thức ngày nay số 79/1992 và Thông tin Khoa học và Công nghệ (Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế) số 2/1991.

[4]. Chú thích của L. Cadière.

[5]. Bulletin des Amis du Vieux Hue, số tháng 7-9 /1925, tr.135.

[6]. BAVH No 7-9 /1925, pp.135.

[7]. BAVH No 7-9 /1925, pp.144.

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia