Công chúa Ngọc Hân ở chùa Kim Tiên (12): Ngọc Hân công chúa

Công chúa là con gái thứ 21 vua Lê Hiển Tông (1740-1786). Từ bé đã thông kinh sử và biết làm thơ văn. Năm 1786, công chúa mới 16 tuổi. Nhân Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lấy danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh kéo quân ra Bắc Hà, vua Hiển Tông bèn gả công chúa cho Bắc Bình Vương. Sau khi Bắc Bình Vương lên ngôi đế thì công chúa được lập làm Bắc Cung hoàng hậu.

Quách Tấn giải cho Công chúa Ngọc Hân

nhiều oan trái

Được 5 năm, năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung thăng hà, để lại cho hoàng hậu 2 con nhỏ. Bà rất đau khổ làm bài Ai Tư Vãn bằng quốc âm để khóc chồng, lời lâm ly bi thiết. Bài văn dài 164 câu song thất lục bát. Xin trích dẫn đôi đoạn:

…Từ cờ đỏ trỏ vời cỏi Bắc

Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương[1]

Xe duyên vâng mệnh phụ hoàng

Thuyền lan chèo quế thuận đàng vu qui [2]

Trăm ngàn dặm kể chi non nước

Chữ nghi gia mừng được phải duyên

Sang yêu muôn đội ơn trên

Rỡ ràng vẻ thúy nổi chen tiếng cầm

Lượng che chở vụng lầm nào kể

Phận đinh ninh cặn kẽ mọi lời

Dù rằng non nước biến dời

Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là

Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội

Khắp tôn thân cũng đội ơn sang

Triều đình còn dấu chưng thường

Tùng thu còn nấm mấy hàng xanh xanh…[3]

Đó là kể  công đức vua Quang Trung đối với bà và dòng dõi nhà Lê từ ngày bà về với nhà vua. Sau đây là đôi nét tả nỗi lòng đau đớn lúc mơ tưởng đến người xưa:

Cuộc tụ tán bi hoan cấp mấy

Kể sum vầy mới mấy năm nay

Lênh đênh chút phận bèo mây

Duyên kia đã vậy thân này nương đâu?

Trằn trọc luống đêm thâu ngày tối

Biết cậy ai dập nỗi bi thương

Trông mong luống những mơ màng

Mơ hồ dường mộng bàng hoàng như say!

Khi trận gió hoa lay thấp thoáng

Ngỡ hương trời bảng lảng còn đâu

Vội vàng sửa áo lên chầu

Thương ôi quạnh quẽ trước lầu nhện giăng

Khi bóng trăng lá in lấp lánh

Ngỡ tàn vàng nhớ cảnh ngự chơi

Vội vàng dạo bước tới nơi

Thương ôi vắng vẻ giữa trời tuyết sa…

Lời văn do chí tình mà nên, do cảm xúc mà có, cho nên có sức rung động lòng người lâu dài mạnh mẽ. So với Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn Thị Điểm thì không êm đẹp bằng, song đối với Tự Tình Vãn của bà Vương phi Nguyễn Thị Ngọc Vinh thì thấm đậm gấp bội.

Còn một bài văn tế nữa tương truyền cũng của công chúa. Sự thật là của một người trong triều làm cho công chúa đứng tế vua Quang Trung trong lúc thành phục. Mặc dù lời văn cũng rất thống thiết tả rõ nỗi đau xót của người có tang song quyết là không phải tự tay công chúa thảo, bởi trong lúc ruột gan tan nát trước cảnh biệt ly, không còn tâm trí đâu để lo trau chuốt vần điệu cho du dương, sửa soạn câu biền câu ngẫu cho cân đối. Bài Ai Tư Vãn không phải làm ngay trong lúc vua Quang Trung mới mất chưa chôn mà phải đợi lúc vết thương lòng đã dịu bớt nỗi đau nhức. Đó là kinh nghiệm bản thân của những người từng mượn văn chương thay tiếng khóc.Trong Ai Tư Vãn bà NGỌC HÂN kể lại mối tình của bà với vua Quang Trung từ những ngày đầu tiên cho đến khi nhà vua lâm bệnh nặng, thuốc thang không khỏi phải thăng hà. Nỗi bi thương thống khổ trước cái tang chồng được bà nói lên một cách chân thiết. Có lúc bà muốn tự tử theo chồng, nhưng nghĩ đến 2 con nhỏ, bà phải gượng sống trong nỗi đoạn trường…

Sau khi vua Quang Trung băng hà, bà vẫn sống ở Phú Xuân, ngót 7 năm trường trong thương nhớ:

Chữ tình nghĩa trời cao đất rộng

Nỗi đoạn trường còn sống còn đau

Mấy lời tâm sự trước sau

Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho [4]

Bà mất vào mùa Đông năm Kỷ Mùi (1799) tuổi vừa chẵn 30. Triều đình Tây Sơn truy tặng miếu hiệu Như Ý Trang Thận Trinh Nhất Vũ hoàng hậu.

Phan Huy Ích soạn 5 bài văn tế bằng quốc âm để tế bà:

- một bài cho vua Cảnh Thịnh đứng tế.

- một bài cho mẹ Vũ Hoàng hậu là Ninh Phù từ cung đứng tế.

- một bài cho các công chúa con vua Quang Trung đứng tế.

- một bài cho các tôn thất nhà Lê đứng tế.

- một bài cho bà con phía bà Từ cung đứng tế.[5]

Những bài văn tế này làm sáng tỏ thêm mối tình thân thiết giữa công chúa NGỌC HÂN và vua Quang Trung. Lại cho thấy thêm rằng đối với công chúa, chẳng những chỉ có vua Quang Trung yêu quí mà thôi, trong cung người người đều trọng vọng vì đức hạnh:

Giọt Ngân phái câu nên vẻ quí, duyên hảo cầu thêm giúp mối tu tề; Khúc Thư châu thổi sánh tiếng hòa, khuôn nội tắc đã gây nền nhân nhượng.[6]

Hồ Đỉnh ngậm ngùi cung nọ, những rắp chìm châu nát ngọc vốn từng nguyền; Cung Khôn bận bịu gối nao, ép vì vun quén quế lan nên cũng gượng.[7]

(Trong bài vua Cảnh Thịnh đứng tế)

“ Nẻo thuở doành Hoàng phô vẻ, trau vàng chuốt ngọc vẹn mười phân; Trải phen bến Vị đưa duyên, phiếm sắc xoang cầm vầy một thể [8]

Dầu gót ngọc vui miền Tịnh Độ, nỡ nào quên hai chồi lan quế còn thơ; Dẫu xiêm nghê mến cảnh Thành Đô, nỡ nào lảng một bóng tang du hầu xế [9]

Đọc mấy câu trích dẫn, chúng ta biết thêm rằng hai người con của bà NGỌC HÂN là một gái, một trai và bà còn mẹ già sống bên cạnh.

Năm tháng NGỌC HÂN công chúa mất có ghi rõ trong Dụ Am Văn Tập của Phan Huy Ích. Tác giả lại có gi rõ “Văn tế Vũ Hoàng hậu” Thế mà một số nhà viết quốc sử và văn học sử lại chép rằng: “NGỌC HÂN công chúa bị Gia Long bắt” kẻ thì thêm: “Nhà vua truyền đem nạp vào hậu cung. Lê Văn Duyệt can không nên lấy vợ thừa của giặc, nhà vua đáp: “Tất cả giang san thành quách này, cái gì chẳng phải mình lấy lại từ tay giặc, cứ gì một người đàn bà”. “Vào cung công chúa sinh thêm với Gia Long hai hoàng tử là Thường Tín và Quảng Oai”.; người lại viết: “Thành Phú Xuân thất thủ, công chúa cùng hai con giả dạng bình dân dắt nhau chạy vào Quảng Nam lánh nạn, được ít lâu tung tích bại lộ, ba mẹ con bị bắt giải về Phú Xuân bị triều Nguyễn gia hình bằng lối “tam ban triều điển” [10]

Nhà Nguyễn diệt nhà Tây Sơn năm Nhâm Tuất (1802) thành Phú Xuân bị Nguyễn Phúc Ánh chiếm năm Tân Dậu (1801). Như thế NGỌC HÂN công chúa còn đâu mà bị bắt?

Còn về tác phẩm của công chúa, ngoài bài Ai Tư Vãn không nghe truyền bài nào khác nữa.

QUÁCH TẤN

(Bài này Quách Giao trích trong cuốn NÉT BÚT GIAI NHÂN của QUÁCH TẤN do Nxb Phụ Nữ ấn hành vào năm 1998, tr. 48-54). Nội dung  NÉT BÚT GIAI NHÂN gồm các bài viết về các nữ danh nhân có tác phẩm truyền thế của Việt Nam gồm có 20 vị. Trong số này có bà NGỌC HÂN CÔNG CHÚA.

Bình luận:

Quách Tấn viết: “ngoài bài Ai Tư Vãn không nghe truyền bài nào khác nữa”. Đây là một quan điểm cũ. Từ năm 1944 đến nay có hàng chục nhà nghiên cứu đã cho rằng Công chúa Lê Ngọc Hân còn là tác giả bài Văn tế vua Quang Trung như phần đầu của cuốn sách nầy đã sao lục. Chúng tôi giữ quan điểm của tác giả để bài trích đăng được hoàn toàn trung thực với Quách Tấn lúc sinh thời.


[1] Tôn phù: đưa lên và đở lấy, tức là phò tá.

[2] Vu qui: con gái về nhà chồng.

[3] Tùng thu: một giống liễu thường trồng nơi mồ mả. Bốn câu đó ý nói “vì thương công chúa nên thương luôn họ hàng của nhà Lê và giữ gìn khói hương mồ mả cho tiền nhân.

[4] Đây là 4 câu cuối cùng của bài Ai Tư Vãn (Ai Tư Vãn là bài ca than thở về nỗi thương nhớ xót xa)

[5] Do năm bài này mà có người bảo rằng bài văn Ngọc Hân đứng tế vua Quang Trung cũng do Phan Huy Ích soạn. Song không có gì làm bằng chứng. Trong Dụ Am Văn Tập không thấy chép. Thêm nữa giọng văn bài NGỌC HÂN tế vua Quang Trung khác hẳn giọng văn của 5 bài tế NGỌC HÂN.

[6] Giọt Ngân phái: Giọt nước sông Ngân chia nhánh, tức dòng dõi cao sang từ trên trời chảy xuống: Dòng vua.

- Tu tề: tu thân tề gia

- Khúc Thư châu: Khúc quan thư trong Kinh thi (Quan quan thư cưu, tại hà chi châu) tình tốt đẹp giữa lứa đôi. Nhân nhượng: nhường nhịn

[7] Hồ Đỉnh: nơi vua Quang Trung băng, mượn chỉ nơi vua mất. Cung Khôn: chổ con vua ở. Hai câu này ý nói: Vua chết bà cũng toan chết theo, song nghĩ đến hai con nên phải sống gượng. Trong Ai Tư Vãn có đoạn:

Buồn thay nhẽ xuân về hoa ở

Mối sầu riêng ai gỡ cho xong

Quyết liều mong vẹn chữ tòng

Trên rường nào ngại giữa dòng nào e

Còn trứng nước thương vì đôi chút

Chữ tình thâm chưa thoát được đi

Xui nên nấn ná đòi khi

Hình tuy còn ở phách thì đã theo…

Ca dao có câu:

Chàng về thiếp một theo mây

Con thơ để lại chốn này ai nuôi?

Đều là những câu thơ bằng huyết lệ.

[8] Doành Hoàng tức là dòng dõi Tam Hoàng, dòng dõi vua Hoàng Đế. Bến Vị tức là sông Vị Hoàng ở trấn Sơn Nam (Nam Định) nơi đưa NGỌC HÂN về Phú Xuân cùng Nguyễn Huệ.

[9] Chồi lan là con gái. Chồi quế là con trai. Tang du giống cây tượng trưng cảnh già. Đây chỉ bà Từ cung.

[10] Tam ban triều điển: người bị tử hình nhưng được vua ban ơn chết bằng bằng cách tự tử với hoặc gươm, hoặc dây, hoặc thuốc độc.

 

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia