Mùa hè năm 1792, Nguyễn Vương ở Gia Định nắm được thời cơ “Vua Quang Trung việc nước việc nhà gặp nhiều bối rối”, đích thân chỉ huy Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Thành dẫn 128 chiến thuyền bất ngờ tiến công lực lượng thủy quân hùng mạnh của Nguyễn Nhạc ở cửa biển Thị Nại (Quy Nhơn). Toàn bộ ghe thuyền và khí giới của Nguyễn Nhạc bị đốt cháy, bị phá hủy hoặc bị cướp đi. Sau cuộc bị tấn công chớp nhoáng ấy, binh đội và nhân dân Quy Nhơn - Quảng Ngãi rất nao núng và cho rằng họ đã “đụng phải thần binh”[1]. Tháng 7 (Nhâm Tý, 1792), vua Quang Trung gửi hịch kêu gọi quân dân Quảng Ngãi, Quy Nhơn đừng sợ, hãy hưởng ứng cuộc tấn công mà ông đang tích cực chuẩn bị, để tiêu diệt Nguyễn Ánh giành lại đất Gia Định.
Thụy Khuê dịch và bình luận
“Các ngươi, lớn, nhỏ, từ hơn hai mươi năm nay không ngừng sống nhờ ân huệ của anh em ta. Đành rằng, nếu chúng ta đã gặt hái được những chiến thắng trong Nam ngoài Bắc trong thời kỳ này, quả đúng cũng là nhờ vào lòng gắn bó của nhân dân hai xứ. Tại vùng đất này, ta đã tìm được những người can đảm, những quan lại có khả năng xây dựng triều đình.
Quân ta tiến đến đâu, giặc tơi bời, tan tác. Quân ta chinh phạt đến đâu, giặc Xiêm, giặc Tàu tàn ác buộc phải chịu ách cúi đầu…
Còn lũ nhơ bẩn của triều đình cũ, từ hơn ba mươi năm nay, ta chưa thấy chúng làm được việc gì ra hồn!... Trăm trận ta đánh với chúng, quân chúng tan rã, tướng chúng bị tiêu diệt; vùng Gia Định tràn đầy xương cốt chúng. Những điều ta nói đây các ngươi đã từng chứng kiến, nếu các ngươi không thấy tận mắt thì cũng đã nghe kể lại.
Xá gì tên Chủng khốn nạn đi chui luồn những triều đình Âu Châu rồi bại? Còn đám quần chúng khiếp nhược ở Gia Định bây giờ dám đứng lên đầu quân, các ngươi há gì mà sợ chúng thế? Sao các ngươi lại bị khủng hoảng tinh thần đến vậy? Nếu bộ binh và thủy binh của chúng bất ngờ xâm phạm những cửa biển của các ngươi, thì cứ theo những chỉ dụ của Hoàng đế [Thái Đức] đã viết sẵn mà làm. Ta thấy các ngươi, quan cũng như quân, cả hai xứ, đều không có can đảm chiến đấu. Thực chỉ vì lẽ đó chứ không phải vì quân giặc có tài cán gì mà chúng làm chủ được hết các vùng chúng xâm lược. Bộ binh của các ngươi hèn nhát trốn chạy.
Nay, chấp lệnh của Hoàng đế, anh ta, ta chuẩn bị một đội thủy, bộ kinh hồn, nhân danh ta, nghiền nát chúng dễ như “bóp tan mảnh gỗ mục”.
Còn các ngươi, các ngươi không cần đếm xỉa đến kẻ thù, cũng đừng sợ chúng, chỉ cần mở mắt, dóng tai, mà nhìn, mà nghe, những gì ta sẽ làm. Các ngươi sẽ thấy các xứ Bình Khang, Nha Trang đầy mảnh vụn xác người Gia Định; sẽ thấy Phú Yên, luôn luôn là trung tâm của chiến tranh và từ Bình Thuận đến biên giới Cao Miên, tất cả, chớp nhoáng, sẽ trở về tay ta; để mọi người biết rằng chúng ta đích thực là anh em, không bao giờ ta quên tình máu mủ.
Ta khuyên các ngươi, lớn nhỏ, hãy phò trợ Hoàng gia, trung thành với Hoàng đế, trong khi chờ đợi ta quét sạch Gia Định, thiết lập lại chính quyền, thì tên tuổi của hai xứ sẽ trở thành bất tử trong sử sách.
Đừng cả tin những gì lũ người Âu nói. Khéo léo tinh xảo gì chúng nó? Tất cả đều một bọn mắt rắn xanh. Các ngươi chỉ nên nhìn chúng như những xác chết trôi được vất xuống từ biển Bắc. Có gì ghê gớm đâu mà ba hoa thuyền đồng, thuyền trường đà[2].
Tất cả làng mạc trên đường hành quân trong hai xứ phải góp sức làm cầu cho quân đi qua. Nhận được lệnh này, phải triệt để thi hành ngay.
Khâm tai! Đặc chiếu.
Quang Trung năm thứ 5, ngày thứ 10, tuần trăng thứ bảy”.
Tức ngày 27/8/1792
Bình luận
Ngày 27/8/1792, Quang Trung truyền hịch san bằng Gia Định. Ngày 16/9/1792, Quang Trung băng hà. Bài hịch cho thấy ba điểm: ý chí quyết liệt chiếm lại miền Nam; sự khôn khéo của Quang Trung và tình hình chính trị lúc bấy giờ. Anh em Tây Sơn chưa thoát khỏi nghịch cảnh bất hòa. Việc hành quân đánh Nguyễn Ánh qua hai vùng Quảng Ngãi và Quy Nhơn, là đất của Nguyễn Nhạc, không dễ, nên Nguyễn Huệ phải có hịch truyền đi trước, để:
1- Chứng tỏ mình theo lệnh anh mà đánh. Tôn anh làm Hoàng đế. Mình chỉ là vua, nhưng vua trị vì cả Nam lẫn Bắc.
2- Đánh giặc cho anh. Nhưng nhân danh chính mình và quân đội của mình.
3- Mắng quan, quân, dân hai miền Quảng Ngãi và Quy Nhơn của Nguyễn Nhạc là hèn nhát để mất đất về tay Nguyễn Ánh.
4- Không khiến dân quân hai miền này góp phần vào chiến trận, ngoài việc làm cầu đường.
5- Gọi Nguyễn Ánh bằng Chủng, tên tục hồi bé, là một sỉ nhục.
6- Khinh bỉ người Âu, cho sự cầu cạnh người Âu là đê tiện.
Bài hịch vừa dằn mặt, vừa khích lệ dân chúng của Nguyễn Nhạc, mắng nhiếc Nguyễn Ánh về việc nhờ người Âu, đồng thời cũng cho thấy hiệu quả chính sách tuyên truyền của Nguyễn Ánh: việc người Âu đến giúp chỉ là huyền thoại, ta sẽ thấy, trong những chương sau: Bá Đa Lộc từ Pháp về tay không, vua Louis XVI từ chối không giúp. Chính Bá Đa Lộc cũng cho biết việc Pháp “giúp” là “chimère” tức là “ảo tưởng”, như ta đã thấy trong bức thư ông viết ngày 14/9/1791, mà chúng tôi trích dẫn ở trên.
Sự thành công của Gia Long, phần lớn phụ thuộc vào cái chết của Quang Trung. Nếu Quang Trung không chết, cục diện chiến tranh chưa biết sẽ thế nào. Ngay cả sau khi Quang Trung chết, với sự non yếu, giết hại công thần của Quang Toản, Trần Quang Diệu vẫn còn cầm cự thêm được 10 năm nữa. Như vậy đủ biết, chiến thắng Tây Sơn không phải dễ dàng. Bá Đa Lộc cùng các giáo sĩ và “sĩ quan” Pháp thường trách Nguyễn Ánh không đánh mạnh, đánh ngay, bởi họ không hiểu gì về sức mạnh quân sự của Tây Sơn.
[1] Trích lại của Nguyễn Lộc, Văn học Tây Sơn, VHTT Nghĩa Bình, Quy Nhơn 1986, tr.102.
[2] Nhóm từ “vaisseaux de cuivre et de ballons” mà chúng tôi dịch là “thuyền đồng và thuyền trường đà”, cần giải thích: Từ điển của Hàn Lâm Viện năm 1798, ghi nghĩa thứ nhì của chữ ballon như sau: “Ballon est aussi une sorte de vaisseau à plusieus rames, dont on se sert pour aller sur les fleuves et les mers du pays de Siam” (Ballon còn loại tàu có nhiều chèo, để đi sông và đi biển ở Xiêm). Theo nghĩa này, ta có thể đoán đó là thuyền trường đà, mà chúng tôi đã nói đến trong chương 7: Montyon mô tả và khâm phục: có 2 bánh lái, rất lợi hại, đi cả sông lẫn biển. Thuyền trường đà do Đỗ Thanh Nhơn tạo ra, nhưng chắc Quang Trung tưởng là của Tây. Chữ Ballon này được Louvet hiểu là khí cầu và chú thích: vì Boisserand đã thả cho vua xem nhiều khí cầu, làm cho người Việt kinh hồn và tiếng đồn đến tai Tây Sơn. Điều này hoàn toàn sai, vì trong thư Boisserand gửi Létondal, viết ngày 21/5/1791, ông chỉ nói ông làm những thí nghiệm về điện, về sự rung chuyển (commotion), và hiệu quả của tia điện có thể đốt cháy… trước mặt vua và các quan, gây ấn tượng mạnh (Launay, III, t.291), mà không nói đến khí cầu. Bởi vì năm 1784, mới có dự định đầu tiên về khí cầu. Năm 1794, khí cầu do thám cho quân đội mới ra đời, thì năm 1791, chưa thể “thí nghiệm” ở Việt Nam được.