Thiền Lâm - ngôi chùa Lịch sử...

Sau một phần ba thế kỉ nghiên cứu Thiền Lâm - ngôi chùa lịch sử - Thiền viện đầu tiên lớn nhất ở xứ Đàng Trong sắp ra đời với lời giới thiệu của GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Danh dự Hội KHLS VN.

 

LỜI GIỚI THIỆU

       Lịch sử Tây Sơn chỉ có 31 năm (1771-1802). Trong thời kỳ phát triển, phong trào Tây Sơn đã lần lượt đánh đổ chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chính quyền chúa Trịnh, vua Lê ở Đàng Ngoài, đập tan cuộc xâm lược của 5 vạn quân Xiêm trên dòng sông Mỹ Tho, đại phá 29 vạn quân Thanh ở Thăng Long, xóa bỏ tình trạng chia cắt kéo dài trên hai thế kỷ, đặt cơ sở để khôi phục quốc gia thống nhất. Trong các thủ lĩnh Tây Sơn, Nguyễn Nhạc là người khởi xướng và có công lớn trong giai đoạn phát triển đầu của cuộc khởi nghĩa cho đến năm 1786. Nguyễn Huệ là người đảm đương những trận đánh lớn như trận Phú Yên năm 1773, những trận đánh đuổi quân Nguyễn ở Gia Định, đặc biệt trận Rạch Gầm-Xoài Mút năm 1785, trận Ngọc Hồi-Đống Đa năm 1789 và đưa phong trào Tây Sơn phát triển đến đỉnh cao nhất. Trong ba chính quyền Tây Sơn, chính quyền của Hoàng đế Quang Trung (1788-1792) cũng có nhiều cống hiến nhất trong công cuộc canh tân dựng nước. Quang Trung Nguyễn Huệ là thủ lĩnh kiệt xuất nhất của Tây Sơn, là một anh hùng dân tộc, là một thiên tài quân sự, chỉ có thắng chưa hề bại. Từ 18 tuổi theo anh khởi nghĩa năm 1771 cho đến lúc từ trần năm 1792 lúc 39 tuổi, trong 21 năm liền, cuộc đời của Quang Trung Nguyễn Huệ là một bản anh hùng ca tuyệt vời.

       Vì vậy mọi người Việt Nam, ai cũng muốn biết không những võ công lẫm liệt, những trang sử oai hùng của Quang Trung Nguyễn Huệ mà còn muốn biết rõ cái chết và lăng mộ của vị anh hùng đó. Theo chính sử triều Nguyễn thì sau khi đánh bại chính quyền Nguyễn Quang Toản, năm 1802 Nguyễn Ánh đã sai quật lăng mộ Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, giã nát hài cốt vất đi, đem hai đầu lâu giam vào ngục thất. Nhưng lăng mộ ở đâu, còn dấu tích gì không, làm sao phát hiện và xác minh? Nhà nghiên cứu xứ Huế Nguyễn Đắc Xuân đã đặt ra những câu hỏi đó và dành gần 40 năm thu thập tư liệu, điều tra khảo sát thực địa, đưa các hướng nghiên cứu rồi trao đổi, hội thảo, tranh luận với niềm tin thế nào cũng tìm ra đáp số. 

       Trong những kết quả tìm tòi, khảo sát mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đạt được cho đến hôm nay, tôi đánh giá cao nhất là việc phát hiện ra chùa Thiền Lâm trên gò Dương Xuân, nay ở số 150 Điện Biên Phủ, thuộc phường Trường An, thành phố Huế. Các tư liệu địa chí chép không rõ và nhất quán về vị trí của ngôi chùa, khi thì thuộc xã An Cựu, khi thì ấp Bình An, tên chùa hiện nay lại ghi là chùa Thuyền Lâm. Vì vậy phải qua nhiều lần đối chiếu, giám định tư liệu và nhất là qua khảo sát ngôi chùa trên thực địa mới xác định được chắc chắn vị trí của chùa Thiền Lâm. Tôi cũng đã có dịp thăm ngôi chùa này dưới sự hướng dẫn của anh Nguyễn Đắc Xuân. Cuối thế kỷ XIX, khi chính quyền Pháp mở con đường nối thẳng từ sông Lợi Nông (An Cựu) đến đàn Nam Giao gọi là Nam Giao tân lộ, khoảng những năm 1889-1898, đã cắt ngôi chùa thành ba phần: phần giữa bị san bằng làm đường và hai phần chùa còn lại ở hai phía đông, tây. Một hiện tượng đập vào mắt người khảo sát, nhất là dưới góc nhìn khảo cổ học, ngôi chùa đã trải qua một lần bị phá hủy nặng nề. Rất nhiều gạch, ngói các loại, nhiều chân cột bằng đá, nhiều tấm đá, nhiều di tích kiến trúc bị đập phá. 

       Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, trên cơ sở thu thập các loại tư liệu, đã phác họa lịch sử chùa Thiền Lâm từ khi là một ngôi chùa nhỏ trước năm 1695, rồi được chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng lại qui mô lớn khi đón Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán vào năm 1695. Chùa Thiền Lâm một thời là Thiền viện lớn nhất của Đàng Trong.

       Tôi đánh giá cao kết quả phát hiện và nghiên cứu chùa Thiền Lâm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân vì chính ngôi chùa này là chỉ giới quan trọng và đáng tin cậy nhất để đi tìm cung Đan Dương, vừa là chính điện, vừa là lăng tẩm của Hoàng đế Quang Trung. Về mặt này, chúng ta có một số tư liệu của những nhân vật lịch sử giữ vai trò cận thần thân tín của Quang Trung, đã từng sống trong khoảng thời gian Quang Trung mất và xây dựng lăng tẩm vào năm 1792. Đó là Tình Phái hầu Ngô Thì Nhậm (1746-1803) đang giữ chức Thượng thư Bộ Binh và Thụy Nham hầu Phan Huy Ích (1751-1822) đang giữ chức Nội các Thị trung ngự sử của triều đình Quang Trung.

       Trong một số bài thơ, Ngô Thì Nhậm nói đến Đan Dương, lăng Đan Dương, Thái Tổ miếu và chùa Thiền Lâm ở bên hữu sông Hương, Quốc cữu Hưng quốc công Bùi Đắc Tuyên đã từng chiếm làm nhà riêng.

       Phan Huy Ích trong một số bài thơ, cho biết chùa Thiền Lâm ở nam sông Hương, xã Dương Xuân và Thái sư Bùi Đắc Tuyên chiếm làm nhà. Đặc biệt trong bài Xuân để kỷ sự (Mùa xuân ở công quán ghi việc), tác giả có lời dẫn nói rõ, khi Thái sư ở chùa Thiền Lâm, nha thuộc cũng theo đến ở trong chùa và Phan Huy Ích về kinh làm việc cũng ở nhà trọ gần chùa. Một lời chú của bài thơ còn cho biết thêm, Thái sư có thói quen làm việc ban đêm, cứ ban đêm thường ra ngoài tòa làm việc, đến canh tư mới về. Như vậy tòa điện mà Thái sư làm việc rất gần chùa Thiền Lâm và tòa điện của Thái sư dĩ nhiên nằm trong khu cung cấm của triều đình. Kinh đô Phú Xuân thời chúa Nguyễn trước Tây Sơn có Phủ chính là đô thành nằm phía bắc sông Hương (trong kinh thành Huế thời nhà Nguyễn) và Phủ trên xây dựng trên gò Dương Xuân, trong đó có cung điện Mùa đông để chúa ở và làm việc trong mùa đông, mùa mưa ngập nước. Quang Trung và Quang Toản đều sử dụng phủ Dương Xuân này. Xác định được chùa Thiền Lâm là cơ sở để tìm khu cung điện của phủ Dương Xuân trong đó có cung điện Mùa đông của chúa Nguyễn, cung Đan Dương của Quang Trung.

       Trong bài thơ Thu trung vô nguyệt, tùy trung ngẫu đắc tam tuyệt (Tết trung thu không có trăng, rượu say ngẫu nhiên làm ba bài thơ tứ tuyệt) làm ở chùa Thiền Lâm, trong đó bài thứ ba có một lời chú quan trọng là ban ngày bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu. Tiểu giám giữ lăng gần chùa Thiền Lâm chắc phải là lăng Hoàng đế Quang Trung. Vậy cung Đan Dương, lăng Đan Dương đều nằm gần chùa Thiền Lâm. Đan Dương là mặt trời đỏ rất phù hợp với màu sắc Quang Trung Nguyễn Huệ rất ưa chuộng. Từ khi khởi nghĩa, quân Tây Sơn đã dùng cờ màu đỏ, điều được ghi nhận qua những tư liệu của các giáo sĩ phương Tây có mặt ở Đàng Trong lúc đó. Quân đội của Quang Trung cũng dùng cờ màu đỏ và đội mũ màu đỏ, điều này được ghi chép trong Hoàng Lê nhất thống chí và nhiều tư liệu của ta. Chính điện và lăng mộ cùng mang tên Đan Dương chứng tỏ sau khi từ trần, Quang Trung được mai táng ngay tại cung điện của mình. Điều đó rất phù hợp với tình thế Quang Trung mất đột ngột trong lúc thế lực Nguyễn Ánh xây dựng ở Gia Định đã phát triển mạnh, bắt đầu đánh ra khu vực Nguyễn Nhạc và trở thành mối đe dọa nguy hiểm nhất cho vương triều Tây Sơn mà Quang Trung trong lời căn dặn cho cận thần gọi là “quốc thù”. Quang Trung dặn việc mai táng phải làm gọn gàng, lo sớm dời đô ra Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An để đối phó với Nguyễn Ánh. Các cận thần đã giữ kín tin Quang Trung từ trần trong hai tháng. Trong tình thế như vậy thì việc mai táng phải tiến hành bí mật và mai táng ngay trong cung điện của nhà vua.

       Quan sát địa hình và các di tích trên gò Dương Xuân và nghiên cứu trên bản đồ, tôi nghĩ rằng khu cung điện của Quang Trung nằm trên gò Dương Xuân, rất gần chùa Thiền Lâm. Trong quan niệm về vương thành của Đông Á và theo thuyết phong thủy, có thể đưa ra một giả định, cung/lăng Đan Dương nhìn về phía nam, phía trên dựa vào đỉnh gò và phía dưới có một hồ nước, dòng suối nào đó. Trên cơ sở đó, có thể tiến hành điều tra khảo sát và vạch kế hoạch khai quật thăm dò khảo cổ học. Việc tìm ra và xác định vị trí, di tích đích thực của cung/lăng Đan Dương cuối cùng do kết quả khai quật khảo cổ học quyết định. Phát hiện, nghiên cứu, xác định chùa Thiền Lâm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân là một công trình khoa học thú vị và có giá trị về một Thiền viện lớn của Đàng Trong, nhưng ý nghĩa lớn hơn thế là từ đó, vạch ra một căn cứ, một chỉ giới và định hướng cho việc nghiên cứu phát hiện cung/lăng Đan Dương của Hoàng đế Quang Trung. Con đường tới đích còn phải qua những công đoạn nghiên cứu nhung hướng đi theo tôi đã được vạch ra. Đó là cống hiến rất quan trọng của nhà nghiên cứu xứ Huế Nguyễn Đắc Xuân, xứng đáng với tất cả công sức, tâm huyết anh đã dành cho nó trong gần 40 năm qua.

       Với những suy nghĩ như trên, tôi rất vui mừng giới thiệu cuốn sách Thiền Lâm, ngôi chùa lịch sử, Thiền viện đầu tiên lớn nhất ở xứ Đàng Trong của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân với bạn đọc, nhất là với những ai đang mong muốn sớm tìm ra lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung.

 

                                                                                                              Hà Nội ngày 5 tháng 6 năm 2017

                                                                                                                      GS Sử học Phan Huy Lê

                                                                                                    Chủ tịch Danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia