Qua Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán phủ Dương Xuân tọa lạc gần chùa Thiền Lâm

Theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, ngày 28 tháng Giêng năm Ất Hợi (3-3-1695), Hòa thượng Thích Đại Sán – người Quảng Đông, đến Thuận Hóa. Rời thuyền, Hòa thượng “đi quanh hai ba lớp núi” rồi được một Quốc sư mời ngồi nghỉ “trong một ngôi đền” trước khi về chùa Thiền Lâm. Hòa thượng định nghỉ ngơi rồi một vài ngày nữa sẽ diện kiến Chúa. Nhưng không ngờ quan Nội giám của chúa Nguyễn Phúc Chu nhiều lần đến quỳ gối xin Hòa thượng đến hội kiến Chúa để cho Chúa được thỏa lòng mong đợi. Không thể từ chối được Hòa thượng phải nhận lời. Về sau viết sách Hải Ngoại Kỷ Sự Hòa thượng đã kể lại sự kiện lần đầu diện kiến một ông vua nước Việt ấy như sau:

:

 

Di ảnh Thích Đại Sán và tác phẩm Hải Ngoại Kỷ Sự (Nxb ĐH Huế-1963)

Nguyên văn:

Phóng ảnh các trang 15b, 16a và 16b sách Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán

Phiên âm:

        Phương dữ quốc sư mưu tương tức sổ nhật nãi cập vương tương kiến. Kí nhi nội giám quan kị thỉnh viết: Vương ngưỡng mộ lão hòa thượng, phi nhất nhật, kim chỉ xích bất đắc hội, tất thông tịch triển chuyển vi chi bất mị. Huống minh nhật Mão nhật, hậu nhật tức Mão nguyệt, vương bất khẳng ư Mão nguyệt nhật dữ lão hòa thượng sơ tương kiến dã. Mão tố sở kị dụng vân. Sứ giả tương vọng ư đạo, quốc sư cưỡng dư nhất vãng dĩ úy vương tâm. Dư cái tòng trung môn trực chí điện, thượng vương nghênh ư đông giai sạ kiến như túc hảo huề nhân cung trung kim tương. Nghiễm nhiên phan tràng ngư khánh dữ tối lâm vô biệt. Dư viết: Vương khả vi bất thất cửu vật hỹ. Vương kiến nhi tiếu. Dư lễ Phật vương tự chưởng khánh chú hương, dĩ nhi thiết hương án dĩ sư tịch phụng thoái cư đệ tử liệt bái khởi tống dư trung tọa. Quốc sư tả nhi tự xứ hữu hàn huyên, úy lao ngoại lập nhi thỉnh viết: Đệ tử tâm mộ lão hòa thượng đạo phong diệc kí hữu niên. Kim hạnh bất ngã hà khí nguyện thùy khai thị đắc chính sở tòng. Dư viết: Vương chi đạo kì tại trị quốc an dân hồ đạo vô bất nhất, nhi sở cư chi vị tự thù kính tại quốc gia giả. Di khí nhất thiết chính lệnh kỉ cương, nhi cường cầu thanh tịnh thi bất tri thanh tĩnh dã giả. Thành năng như thị đạm nhiên, vô dục bạc nhiên, vô doanh hư linh trung xứ tắc tùy sự thuận lí. Nhân vật phó vật, tuy nhật ứng vạn cơ tăng vô nhất sự nhất vật chi nhiễu. Thị dĩ quốc trị dân an tương kiến đoan củng vô vi đạo thành, vô thương thanh tịnh, hựu hà hữu đế vương Phật Tổ chi quá vi khu biệt hồ. Vương sảo giải viết: Kim nhật thủy đắc văn sở vị văn. Độc tích ngữ âm bị thử bất kham tương thông nhân lí thâm đàm đa hữu vị minh, ngã ý giả duy thử nhất trứ vi khả hận. Thiết quan ngoại quốc chi vương, phú ư xuân thu nhi phú tính thông mẫn, khí độ khoan hoằng, ngôn mạo đoan trang; túc kiến hưởng quốc vương vị chi bất ngẫu, nhi tư tư lưu tâm nội điển, phi thùy túc nguyên tái lai nhân chi bất năng dã. Tiến tịnh soạn đa bất tri danh, sổ bán vi giá tương điều lãnh thực. Chí dạ phân, do y y bất dụng biệt khứ. Quốc sư viết: Hòa thượng thuyền trung lao đốn. Tòng thử bàn hoàn chính hữu nhật nhĩ. Quy chí Thiền Lâm dĩ tam cổ hỹ.

Dịch nghĩa:

       Đương bàn với Quốc-sư tính nghỉ ngơi vài ngày rồi sẽ ra mắt Quốc vương. Kế có quan Nội-giám quỳ gối thưa rằng:

      - “Quốc-vương trông đợi Lão-Hòa-thượng đã mấy ngày nay, nay chỉ trong gang tấc chẳng được hội-kiến, chắc suốt đêm trằn trọc không ngủ yên. Huống chi, ngày mai là ngày mão, sau một ngày nữa là tháng mão, (tháng hai) Quốc-vương không muốn cùng Lão-Hòa-thượng tương-kiến lần đầu nhằm ngày mão tháng mão, vì “Mão” Người rất kiêng dùng vậy”.

      Sứ-giả đi lại liên-tiếp, Quốc sư ép ta qua yết kiến một lần cho thỏa lòng Quốc-vương. Võng lng từ cửa giữa đi thẳng vào đền. Vua đứng đón ở thềm phía đông; thoạt mới gặp nhau, như quen biết sẵn từ trước; dắt vào trong cung, có bài trí tượng Phật, phướn tàn chuông mõ, chẳng khác cảnh chùa. Ta bảo rằng:

        - “Nhà vua thực khá gọi chẳng quên nghiệp-cũ vậy” (20).

        Vương ngó ta mà cười. Ta lễ Phật, nhà vua tự tay đánh khánh, đốt hương. Kế khiến bày hương-án, lấy bậc thầy đãi ta vào ngồi giữa, Quốc sư ngồi phía tả, rồi ngài ngồi phía hữu. Sau mấy lời hàn thuyên ủy-lạo, đứng dậy thưa rằng:

         - “Đệ-tử tâm mộ Đao-phong Lão Hòa-Thượng đã mấy năm nay, nay may mắn Hòa-Thượng chẳng vì cớ xa xôi từ khước; cầu xin rủ lòng, bảo cho đệ-tử biết đường chánh để noi theo”.

        Ta bảo rằng:

       - “Đạo nhà vua ở nơi việc trị nước an dân. Đạo chỉ có một, nhưng địa-vị mỗi người khác nhau. Nếu kẻ cai trị Quốc-gia, lảng bỏ tất cả pháp lệnh kỷ cương, để cưỡng cầu thanh-tịnh, ấy là chẳng biết thanh-tịnh vậy. Nếu hay những-nhưng không dục vọng, lạnh-lẽo không tham cầu, trong lòng hư linh, tùy việc thuận-lý, tùy vật ứng phó, thì tuy ngày xử trí muôn việc cũng chẳng phiền nhiễu mảy may. Bởi thế nước trị dân an, hầu thấy rủ áo vòng tay, không làm mà thành đạo; thanh tịnh tột bậc, Đế-vương Phật-tổ nào có phân biệt gì đâu”.

       Vương có ý hiểu, bảo rằng:

      - Ngày nay mới được nghe những điều chưa từng nghe”.

       Chỉ tiếc tiếng nói không thông hiểu nhau, những lý luận sâu xa, phần nhiều chưa hiểu hết ý, đó là điểm mà tôi rất ân hận. Trộm ngắm ông vua Ngoại-quốc, xuân thu chưa mấy mà phú tính thông minh, độ lượng khoan hòa, dung mạo đoan chính; cho hay hưởng phước làm ông vua một nước, đâu phải việc ngẫu-nhiên; vả lại nghiên-cứu kinh điển, đau đáu lưu tâm, nếu chẳng phải người kiếp trước tu hành, nhơn túc-nguyện trở lại trần-gian, chỉ chẳng làm được như thế vậy.

          Dọn cơm chay, nhiều món không biết tên, quá nửa dùng mật mía trộn đổ ăn nguội. Qua nửa đêm, còn lưu luyến chưa cho từ biệt. Quốc-sư nói rằng :

      - “Lão Hòa-thượng đi thuyền quá mệt mỏi. Rồi đây đàm đạo còn nhiều ngày”.

      Về đến chùa Thiền-Lâm, canh ba đã điểm trống.

(Thích Đại Sán, Hải Ngoại Kỷ Sự, Viện ĐH Huế, UB Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Huế 1963, tr. 35, Nxb Khoa Học Xã Hội và Alphabooks tái bản 2015, từ tr.55 đến 57)

Bình luận: Đọc đoạn bút ký với 514 từ dịch từ 472 từ chữ Hán ta biết được nhiều thông tin quý giá về xã hội Thuận Hóa Phú Xuân cuối thế kỷ thứ XVII.

          Rõ nét nhất là chúa Nguyễn Phúc Chu là một ông chúa mộ Đạo Phật, nên rất “mộ Đo-phong Lão Hòa-Thượng Thích Đại Sán. Trong cung Phủ của chúa Nguyễn Phúc Chu “có bài trí tượng Phật, phướn tàn chuông mõ, chẳng khác cảnh chùa  Chúa mời Thích Đại Sán qua Thuận Hóa để học đạo trị nước và tôn Thích Đại Sán làm thầy. Chúa đãi Hòa thượng ăn chay. Cơm chay Thuận Hóa khác với cơm chay Trung Quốc nên Hòa thượng không biết tên. Hòa thượng còn nhớ rõ: “Dọn cơm chay, nhiều món không biết tên, quá nửa dùng mật mía trộn đ ăn nguội. Món đỗ (đậu) trộn mật mía là món chè đậu chăng? Dù sao đây cũng là món ăn chay chính thức đã có trong cung đình các chúa Nguyễn.

          Thông tin quan trọng đặc biệt nhất được Hòa thương Thích Đại Sán cho biết là khoảng cách giữa Phủ Chúa và chùa Thiền Lâm. Để có thể hiểu được một cách chính xác vấn đề nầy tôi xin nhắc lại một số thông tin về nơi tọa tạc của các phủ chúa và chùa Thiền Lâm thời bấy giờ.

         Các phủ chúa đầu đời Nguyễn Phúc Chu: Nguyễn Phúc Chu lên nối ngôi chúa năm 1691 được xưng tụng là Quốc Chúa. Phủ chúa được xây dựng từ thời chúa Nguyễn Phúc Thái (trước đây nhầm là Trăn) tại làng Phú Xuân bên bờ bắc sông Hương. (thuộc phường Thuận Hòa ngày nay). Ngoài phủ chính, Nguyễn Phúc Chu còn có Phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân xây dựng từ thời Nguyễn Phúc Tần (1680) – nơi các chúa và gia đình sống và làm việc vào những tháng cuối năm mưa lụt, bão tố bên bờ nam sông Hương. Đến năm 1712, Chúa bỏ phủ Phú Xuân, ra lập phủ mới ở làng Bác Vọng.

Chùa Thiền Lâm. Trong lời dẫn bài thơ Kinh Thiền Lâm phế tự cảm tác, của Phan Huy Ích thời Quang Toản/ Cảnh Thịnh, viết:

(Thiền Lâm) “Tự tại Dương Xuân xã sơn” (Chùa ở núi thuộc xã Dương Xuân). Địa điểm cũ chính xác của chùa Thiền Lâm nằm ngay trên đường Điện Biên Phủ (Nam Giao tân lộ cũ) phía bên trái trước chùa Thiền Lâm tại số 150 Điện Biên Phủ ngày nay. 

Đọc kỹ đoạn ký sự của Thích Đại Sán ta biết Hòa thượng đang ngồi nghỉ chân ở một ngôi đền trước khi về chùa Thiền Lâm, thì Nội giám của chúa Nguyễn Phúc Chu đến mời Hòa thường vào Phủ để Chúa được hội kiến. Thấy Hòa thượng có vẽ chần chừ vì chưa muốn gặp, Nội giám liền bảo chỗ Hòa thượng đang ngồi cách Phủ chúa “chỉ trong gang tấc. Điều đó chứng tỏ:

a) Phủ chúa –nơi sẽ tiếp Hòa thượng Đại Sán ở gần chùa Thiền Lâm tức ở nam sông Hương. Phủ chúa ở nam sông Hương là phủ Dương Xuân.

b) Đoạn ký sự lại viết:” Qua nửa đêm (至夜分)còn lưu luyến chưa cho t biệt. Quốc-sư nói rằng :“Lão Hòa-thượng đi thuyền quá mệt mỏi. Rồi đây đàm đạo còn nhiều ngày”. Về đến chùa Thiền-Lâm, canh ba đã điểm trống (歸至禪林已三鼓矣). Hàn huyên đến nửa đêm Chúa lưu luyến chưa cho Hòa thượng về. Khi Hòa thượng về đến chùa Thiền Lâm thì trống đã điểm canh ba. Canh ba cũng là nửa đêm (từ 11 giờ khuya đến 1 giờ sáng). Thời gian Hòa thượng đi từ phủ Dương Xuân về đến chùa Thiền Lâm rất ngắn. Do đó ta có thể hiểu chùa Thiền Lâm tọa lạc rất gần phủ Dương Xuân. Ngược lại cũng có thế nói phủ Dương Xuân tọa lạc gần chùa Thiền Lâm. Mà địa điểm chùa Thiền Lâm cũ vẫn tồn tại trong khu vực chùa Thiền Lâm hiện nay tại 150 Điện Biên Phủ thuộc phường Trường An TP Huế. Vậy phủ Dương Xuân cũ từng tọa lạc gần số 150 Điện Biên Phủ ngày nay. Cụ thể địa hình địa vật phủ Dương Xuân ra sao, vì sao nhà Nguyễn lại bảo “phủ Dương Xuân mất tích không biết ở vào chỗ nào“ sẽ trả lời trong một nghiên cứu khác.

 

Huế, tháng 5-2016

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia