Những dấu ấn lịch sử của Tướng Tây Sơn: Võ Văn Dũng, ở tại làng La Chữ -Tỉnh Thừa Thiên Huế

La Chử là một làng rất xưa; từ khi lập làng vào khoảng cuối đời nhà Trần cho đến nay, kể đã hơn 650 năm lịch sử. Làng ở phía Tây thành phố Huế, cách kinh thành cổ độ hơn 3 km đường chim bay, thuộc vùng đất cận sơn. Vào đời nhà Trần, Hồ, Lê gọi là “thôn La Chử”; đời các chúa Nguyễn ở phương Nam, qua đời Tây Sơn, đến cuối triều Nguyễn, tháng Tám năm 1945, gọi là “xã La Chử”. Hiện nay, làng La Chử thuộc xã Hương Chử, huyện Hương Trà. Tại trên đất làng La Chử, còn nhiều dấu tích có dính dáng đến lịch sử nước nhà, nhất là những gì có dính dáng đến vị danh tướng Tây Sơn là Tư Đồ Võ Văn Dũng, như “đất Công Dinh”, “nền Võ Hội”, “lăng ông bà Tư Đồ”,

Trước khi nói đến những dấu ấn lịch sử có liên hệ đến vị danh tướng này, chúng tôi tưởng cần nói đến một dấu ấn khác với tầm mức quan trọng về chiến lược của nó, có trước vị danh tướng này rất lâu. Đó là con đường thiên lý thượng đạo ngày xưa chạy ngang qua làng La Chử

           Đường thiên lý thượng đạo ngày xưa. Vào năm 1964, Tủ sách Viện Khảo cổ học thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn đã ấn hành một tập sách về các bản đồ xưa; trong đó có ba bản đồ: “Hồng Đức đồ bản” của triều vua Lê Thánh Tông (1460 – 1496); “An Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá; và “Giáp Ngọ Bình nam đồ” của Bùi Thế Đạt. Hai bản đồ này vẽ vào thời Lê - Trịnh (1775 – 1786); tất cả đều có nói đến con đường “thiên lý thượng đạo” Bắc Nam từ Thuận Hóa ra đến Thăng Long, đã chạy xuyên qua địa phận làng La Chử. Đây là con đường chiến lược rất quan trọng.

          Nếu kể từ Bắc vào thì từ vùng cồn Văn Xá trận, đường thiên lý thượng đạo chạy vào làng Khuê Chử (Quê Chử hiện nay), đến địa đầu làng La Chử, thì chạy cặp theo bờ sông Cùng (cũng có tên là sông Con) mà từ đời Duy Tân (1907 – 1916) sách Đại Nam Nhất Thống Chí gọi là chi lưu sông Bạch Yến; ra tới Chợ Chử thì chạy thẳng theo Đường Đá trước mặt chùa La Chử hiện nay, ra Trường Thi (danh từ này chỉ có vào năm 1884, Kiến Phúc nguyên niên trở về sau); chạy thẳng theo phía Tây cụm rừng cấm có cơ chỉ Hà Công, vị danh tướng dưới cờ Bình Định Vương Lê Lợi, tham dự chiến dịch “Lục niên chiến đấu” ở làng Hành Sơn dưới chân Lam Thành, đã giải phóng được Lam Thành, khai thông thượng đạo Thuận Hóa – Thăng Long, được Bình Định Vương, phong chức Thái Liêu; sau mất được phong làm Thành Hoàng làng La Chử. Đường chạy thẳng ra Lựu Bảo, cặp theo bờ sông Kim Trà, tức sông Hương hiện nay, để quanh về Thành Hóa Châu ở làng Thành Trung hiện giờ. Những biến cố lịch sử có dính dáng đến con đường “thiên lý thượng đạo” này là như sau:

  • Vào đời nhà Hồ, Hồ Hán Thương (1401 –1407) đã sai người vào sửa sang thành Hóa Châu, và mở mang đường sá, nối liền Hóa Thành với thành Tây Đô tức thành Nhà Hồ ở Nghệ An. Lần này, họ Hồ đã sửa sang con đường thiên lý thượng đạo chạy qua làng La Chử này.
  • Thời Bình Định Vương Lê Lợi khởi nghĩa, Hà Công (khuyết danh) tức là Ngài Thành Hoàng La Chử, đã do con đường này vận tải quân lương, vũ khí từ cơ chỉ của Ngài ở thôn La Chử ra làng Hành Sơn ở chân Lam Thành để đánh giặc Minh; như đã nói ở đoạn trên.
  • Vào đời các chúa Nguyễn thì Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765) thường ngự từ Đô Thành Phú Xuân đi theo con đường này lên đến cơ chỉ Hà Công thì đi ngang qua vùng đất Trường Thi về sau, để thẳng qua cầu Bến Lội, vào núi Phụ Ổ, lên chùa Bạch Vân (Miếu Ông Ầm hiện nay là di chỉ chùa Bạch Vân của chúa Nguyễn Phúc Khoát ngày xưa) là nơi có cảnh đẹp mà chúa thường ở lại để thư giản, ngoạn cảnh núi non và đồng bằng miền Phụ Ổ, La Chử (hai tên làng đều đã có từ xưa).
  • Đặc biệt do con đường thượng đạo chạy ngang qua làng La Chử có tầm quan trọng về giao thông, quân sự Bắc-Nam, cho nên vào triều Tây Sơn (1788-1801), vua Quang Trung (1788-1792)(*) đã phái Điện Tiền Tướng Quân Thái Bảo Giá Ngự Quận Công Võ Văn Dũng làm chỉ huy sứ đem quân về đóng Tổng Hành Dinh ở làng La Chử, án ngự ngay trên con đường thiên lý thượng đạo từ mặt Bắc vào. Như thế, kể cho đến lúc Nguyễn Ánh thu phục thành Phú Xuân vào năm 1801, thì bóng cờ hồng của Tây Sơn đã tung bay tại trung tâm làng La Chử ít nhất cũng trong 10 năm, nếu không muốn nói là trên 10 năm.
  • Khi vua Quang Trung lên ngôi ở núi Bân, rồi rầm rộ kéo quân ra Bắc đánh giặc Thanh, thì có lẽ nhà vua đã cỡi chiến tượng, vượt sông Phú Xuân theo một đoạn ở phía trên cầu Bạch Hổ hiện nay để theo con đường thiên lý thượng đạo này, ngang qua làng La Chử để lấy thêm bộ binh của tướng Võ Văn Dũng và tượng binh của nữ tướng Bùi Thị Xuân, đóng ở Tập Tượng Trường Hạ Lang thuộc làng La Chử; nay thuộc làng An Đô. Một sử kiện rất trọng đại mà xưa nay chưa hề thấy sử nói, nhất là về con đường hành quân của vua Quang Trung,
  • Khỉ trận tử chiến trên đoạn sông Phú Xuân trước mặt Đô thành của Tây Sơn, tan vỡ. Vua Cảnh Thịnh (1792-1801) đã thúc con chiến tượng chạy lui, lội qua sông Kim Long hiện nay, theo đường thiên lý thượng đạo, chạy lên vùng chùa Thiên Mụ, theo đường chạy qua làng La Chử để chạy ra Bắc vào trưa ngày mồng ba tháng năm, năm Tân Dậu (1801). Quân Nguyễn Ánh đuổi theo truy kích, chiếm hạ Tổng Hành Dinh của Tư Đồ Võ Văn Dũng, chặt phá hết cây xanh, đốt nhà cửa; và lùng bắt Tư Đồ phu nhân Lê Thị Vi, đem về giam trong ngục thành Phú Xuân, với cả bà mẹ quan Tư Đồ. (chúng tôi sẽ dẫn tư liệu vào một đoạn sau).
  • Vào thế kỷ thứ XIX, chính xác là vào năm 1885, khi Kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi và Triều đình tòng vong cũng đã theo con đường này để chạy ra Văn Xá mà không dùng đường Quan Lộ, tức Quốc lộ I hiện nay, đã được vua Gia Long mở từ lâu. Triều đình , nhà Vua cùng ba bà Thái Hậu đã ở lại tại Trường Thi La Chử từ khoảng 7-8 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều ngày 23 Ất Dậu (05.7.1885) mới lên đường ra Văn Xá. Tôn Thất Thuyết đã họp Triều Đình ngay trên đất Trường Thi La Chử này (1).
  • Năm 1947 bọn thực dân Pháp đã chiếm và đóng đồn suốt theo con đường thượng đạo ngày xưa: chiếm đóng chùa Thiên Mụ; đóng dồn ở Văn Thánh; đóng đồn ở An Vân; đóng đồn ở đất Trường Thi và Bàu Sen, Miếu Thành Hoàng tại làng La Chử; ra đóng đồn Văn Xá. Tuy thế chúng vẫn bị quân dân kháng chiến đánh bật ra khỏi La Chử vào năm 1950; và lần lượt ở các đồn nói trên , chúng đã bị quân cách mạng Việt Nam ta đánh cho tơi bời.

          Quan Tư Đồ Võ Văn Dũng ( ?- 1802).- Ông không phải là con dân làng La Chử, nhưng ông là một người rễ quí, bởi ông là một bậc danh tướng đời Tây Sơn đã về đóng Tổng Hành Dinh tại làng La Chử và lấy người con gái xinh đẹp trong làng làm vợ chính thất, đó là bà Lê Thị Vi. Ông Võ Văn Dũng là người thôn Phù Mỹ, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Theo tài liệu còn ghi trên chuông chùa làng La Chử, đúc vào năm 1791 thì lúc về đóng Tổng Hành Dinh tại đây, ông giữ chức Điện Tiền Tướng Quân, và tước được phong là Thái Bảo Giá Ngự Quận Công. Năm 1789, kéo quân ra Bắc đánh đuổi giặc Thanh dưới ngọn cờ đào của vua Quang Trung. Năm 1791, về ở tại Tổng Hành Dinh, đã cùng với phu nhân và nhạc gia cùng dân làng trùng tu chùa La Chử, đúc chuông và có tên ghi trên chuông ấy; nay chuông này đang còn tại chùa làng La Chử. Năm 1792, Cảnh Thịnh nguyên niên, ông được phong chức Tư Đồ, tước Võ Quốc Công. Năm 1794, Thái Sư Bùi Đắc Tuyên bức vua Cảnh Thịnh (1792-1801) phân tán để triệt hạ những người thân tín của Quang Trung tiên đế. Tư Đồ Võ Văn Dũng bị đổi ra Thăng Long thay cho Ngô Văn Sở về Phú Xuân. Võ Văn Dũng gặp Trần Văn Kỹ ở trạm Hoàng Giang, hai bên bàn bạc sự chuyên quyền của Bùi Đắc Tuyên. Quan Tư Đồ liền trở lui Tổng Hành Dinh La Chử, đang đêm tối đem quân bản bộ cùng với hai tướng Nguyễn Huấn và Phạm Công Hưng, kéo về vượt sông Phú Xuân, vây chùa Thiền Lâm, vùng trước chùa Từ Đàm hiện nay mà lên tới Đàn Nam Giao, làm “coup d’État” bắt Bùi Đắc Tuyên bỏ ngục cùng với đồng bọn. Sau đem dìm xuống sông An Cựu cho chết. Chuyện này cũng có sách chép là vào năm 1795?

          Năm Tân Dậu, 1801, mặc dầu ông có chức Tư Đồ, vua Cảnh Thịnh vẫn mệnh cho ông làm Thủy Sư Đô Đốc kéo thủy đội vào Qui Nhơn hợp lực vói quan Tư Đồ Thái Phó Trần Quang Diệu, để đánh quân Nguyễn Ánh ở cửa biển Thị Nại. Trận này, theo lời ông Chaigneau, là trận thủy chiến đẫm máu nhất mà quân Nam Hà (tức quân Nguyễn Ánh) chưa bao giờ thấy. Trận thủy chiến này quân Tây Sơn bị thiệt hại nặng, nhiều thuyền bè bị đốt cháy, nhiều tướng tá bị bắt. Trận chiến xảy ra vào ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Dậu (17.02.1801). Đến giữa khoảng tháng Sáu tây năm 1801 này thì xảy ra trận tử chiến giữa quân Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn ở khúc sông phía trên cầu Trường Tiền hiện nay. Trận đánh quyết định vận mệnh nhà Tây Sơn, xảy ra từ sáng sớm đến trưa thì quân Tây Sơn tan vỡ. Vua Cảnh Thịnh cỡi thớt chiến tượng tháo lui theo con đường thiên lý thượng đạo chạy ra Bắc. Ông Chaigneau đã tả lại trận đánh này như sau: “Một lá cờ bằng lụa đỏ treo trên đỉnh cột cờ của chiếc chiến thuyền tiên phong phất liên tục để khích lệ quân Tây Sơn. Trận đánh đẫm máu không phân biệt được tàu bạn tàu địch; trong một thời gian ngắn thì tôi thấy lá cờ vàng đã bay phất phới ở vị trí lá cờ đỏ” (2),

          Trong hai trận đẫm máu cách nhau có mấy tháng, quân Tây Sơn đều bị thua. Tất cả các Đại Đô Đốc, Đô Đốc, Tư Mã, Thái Phó, Thiếu Phó, Đại Tư Đồ, Tư Đồ… của Tây Sơn bị Nguyễn Ánh bắt lên đến hàng trăm người. Không biết trong hai trận đánh đau thương ấy, thì Tư Đồ Võ Văn Dũng, người rễ quý của làng La Chử bị bắt trong trận nào. Nhưng cũng trong năm Tân Dậu (1801) ấy cả.

          Bà Lê Thị Vi ( ?-? ). – Bà là người họ Lê công, sau đổi thành Lê ích, người phường Nam, làng La Chử; ái nữ của ông Lê Công Học, và là Chánh thất phu nhân của quan Điện Tiền Tướng Quân Thái Bảo Giá Ngự Quận Công Võ văn Dũng, vị danh tướng của triều Tây Sơn. Về sau tướng Võ Văn Dũng được thăng chức Tư Đồ, tước Võ Quốc Công thì dân làng La Chử gọi bà là “Bà Tư Đồ”. Còn danh từ “Bà Tư Đồ Thái Phó” là để chỉ nữ tướng Bùi Thị Xuân, coi về tượng binh của Tây Sơn, phu nhân của quan Tư Đồ Thái Phó Trần Quang Diệu. Tập Tượng Trường của bà là vùng đất Hạ Lang, nguyên của làng La Chử, nay thuộc về làng An Đô, rộng đến 20 hecta theo cách tính hiện nay. Ở An Đô hiện còn một con suối gọi là “Rôột Bùi”. Nhân dân đã truyền rằng đó là nơi voi của Bà Bùi (Thị Xuân) thường đến uống nước. Hiện bài vị của Bà còn thờ ở chùa La Chử, và hằng năm dân La Chử vẫn làm lễ kỵ bà vào ngày 27 tháng 5 Âm lịch, ngày Bà hy sinh trên pháp trường của Nguyễn Ánh…

          Trên chuông chùa làng La Chử, hiện đang còn, là quả chuông duy nhất trên đất nước Việt Nam có mang niên đại năm Tân Hợi (1791) là năm Quang Trung thứ tư nhà Tây Sơn, đã có ghi: “Hương Trà huyện, La Chử xã, Hội thủ Lê Công Học tín cúng, Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự Quận Công Võ Văn Dũng chính thất Lê Thị Vi công đức”. Hai chữ “chính thất” ở đây rất đáng lưu ý. “Chính thất” có nghĩa là “vợ chính”. Tại làng La Chử, dân gian thường hát ru em ngủ với câu hát:

Gió đưa mười tám lá xoài

Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”.

          Phải chăng câu hát muốn nói đến cuộc hôn nhân giữa bà Lê Thị Vi xinh đẹp, trẻ tuổi với tướng Võ Văn Dũng, người Bình Định, tài hoa anh hùng? Khi hai người trở thành vợ chồng thì ông Võ Văn Dũng chưa là quan Tư Đồ, mà là Điện Tiền Tướng Quân, một thanh niên cường tráng ở độ tuổi 20 hoặc trên 20 (ta nhớ Ngô Văn Sở lúc này cũng đang độ tuổi 20). Bà Lê Thị Vi xinh đẹp dịu dàng ở độ tuổi 18, 19. Chữ “18 lá xoài” để chỉ số tuổi của bà Lê Thị Vi lúc mới lấy quan Điện Tiền Tướng Quân có lẽ đúng sự thật. Lá xoài gợi nên loại cây đặc sản xứ Bình Định, quê hương người chồng  bà tức tướng quân Võ Văn Dũng.

          Ông Chaigneau, người phục vụ dưới cờ Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn ở sông Phú Xuân, đã được Nguyễn Ánh cho đi thăm số người bị bắt của nhà Tây Sơn vào năm 1801; trong một lá thư gởi cho ông Barisy, viết ngay trên đất Huế vào ngày hạ thành Phú Xuân, đã nói ông gặp được bà Tư Đồ trong ngục, người còn trẻ, chưa đến ba mươi tuổi, “Bà Tư Đồ … có nét mặt xinh đẹp, vẻ người dịu dàng và nói năng lễ độ” (3). Trong thư đó, ông Tây ấy đã dùng chữ “Made” tức là viết tắt chữ “Madame” là có ý rất tôn trọng bà; vì chữ này vào thế kỷ XIX, có nghĩa đặc biệt để chỉ các bà quý tộc, nếu cần dịch cho đúng thì phải dịch là “Quý Bà”; phương chi sau chữ này thì ông Tây ấy đã dùng chức của chồng bà để gọi bà là “Bà Tư Đồ”. Về sau, cùng với bốn bà khác, bà Lê Thị Vi được Gia Long tha cho trở về nguyên quán. Bà mất tại làng La Chử, không biết vào năm nào, chỉ biết ngày mất là 29 tháng 10 Âm lịch. Làng La Chử kỵ Bà vào ngày này.

          Tính theo niên đại đã xảy ra các sự kiện, thì quan Tư Đồ Võ Văn Dũng và Chính thất phu nhân Lê Thị Vi sống với nhau khoảng hơn 10 năm (khoảng 1790 đến 1801). Từ xưa đến nay, không ai nghe nói đến con cháu của hai Ông Bà. Dân La Chử mới khám phá ra một số mộ do làng chạp, có bia đá núi thô sơ, đục mấy chữ “La Chử” nằm ngang ở trên, “Võ tộc mộ” nằm dọc một hàng giữa, chôn quanh mộ ngài Lê Công Học là phụ thân bà Lê Thị Vi và nhạc gia của quan Tư Đồ Võ Văn Dũng. Phải chăng 5 ngôi mộ này là mộ con cháu của tướng Võ Văn Dũng với phu nhân Lê Thị Vi, mà dân làng ngày xưa đã đem táng gần lăng mộ ông ngoại và cố ngoại của họ là ngài Lê Công Học? Vì vào các thời xưa cho đến cách đây không đầy 100 năm, dân làng La Chử không hề có họ Võ !

          Đất Công Dinh: Tại làng La Chử, cho đến tận ngày nay, người dân vẫn còn nói đến hai từ ngữ đã được truyền lại qua bao đời trên cửa miệng dân làng. Đó là “Đất Công Dinh” và “Xóm Dinh”. Theo địa thế thực tế ở làng La Chử hiện nay thì “Đất Công Dinh” xưa, là vùng từ Cống chợ vào đến Xóm Dinh. Hiện nay, trên vùng đất này có cơ sở UBND xã Hương Chử; Hội trường xã; nhà Bưu điện xã; trường Tiểu học số 1 Hương Chử; Văn phòng HTX La Chử, và Trường Mầm Non bán trú La Chử. Theo địa bạ của làng La Chử xưa thì vùng này chiếm khoảng 10 mẫu ta. Trở về ngày xưa, đất Công Dinh là từ ngữ dân gian để chỉ đại đồn Tổng Hành Dinh của Điện Tiền Tướng Quân Võ Văn Dũng, có một thế quân sự rõ ràng. Quanh mặt Đông, Nam có hào nước chảy quanh năm. Từ miếu khai canh cho đến đầu Xóm Dinh, đoạn này ở phía Đông, được gọi là “Rôột”; đoạn phía Nam chạy cặp theo Xóm Dinh; chạy về sau lưng chùa, về trước mặt đình làng để nhập với đoạn sông Cùng, tức sông Con; tức là sông Thông đời Gia Long và chi lưu sông Bạch Yến từ đời Duy Tân. Đoạn này gọi là “”. Có thể đây là hai đoạn hào thiên nhiên bọc ngoài hàng rào Tổng Hành Dinh xưa. Phía Tây giáp với đường thiên lý thượng đạo chạy qua làng, nay gọi là Đường Bến, chạy ra chợ, chạy thẳng ra Đường Đá (tên xưa), rồi thẳng ra phía Tây Miếu Ông, tức cơ chỉ của Ngài Hà Công (khuyết danh) xưa. Cặp theo con Đường Bến, đoạn ngang đất Công Dinh này, lại có con hói chi lưu sông Bạch Yến làm hào thiên nhiên ngăn mặt Tây xuống. Chỉ còn lại mặt Bắc là đất Công Dinh giáp với xóm nhà dân liên tiếp, và xóm đó được gọi là “Xóm Dinh”. Với địa thế như vậy, thì quả tình Tổng Hành Dinh của tướng Võ Văn Dũng đã án ngữ ở mặt Bắc Đô thành Phú Xuân, ngay trên vị trí có con đường thiên lý thượng đạo thông thương từ Bắc vào, có thể chuyển quân một cách dễ dàng nhanh chóng. Thực là một địa thế trọng yếu về quân sự.

          Nền Võ Hội. Trên cánh đồng bằng rộng phía dưới tuyến Quốc lộ 1A hiện nay, giáp với Hương Cần là ruộng cấy lúa gọi là ruộng “xứ Võ Hội” của làng La Chử. Hiện nay thì Võ Hội không còn dấu tích gì nhiều, chỉ còn lại một cái nền cao gọi là nền Võ Hội, làm nơi cho nông dân đặt hương hoa cúng. Vùng ấy, vào đời Tây Sơn, tướng Võ Văn Dũng đã làm nơi thao trường luyện quân; quân lính thường được đưa về đây luyện bắn cung, đánh kiếm, lăn khiên; nhất là luyện tập môn võ thuật gọi là “Võ Tây Sơn”, với đại đao (tướng quân Võ Văn Dũng là một trong hai người giỏi về đại đao; người kia là Trần Quang Diệu); côn, quyền, … để đi đánh giặc Thanh, và có thể là để đánh lại Nguyễn Ánh về sau. Vào đời Cảnh Thịnh (1792 – 1801), Điện Tiền Tướng Quân Võ Văn Dũng được thăng chức Tư Đồ và được phong từ tước Quận Công lên Quốc Công, có thế lực rất mạnh. Ông đã từng đưa quân bản bộ từ Tổng Hành Dinh La Chử, thường được luyện tập tinh nhuệ ở thao trường Võ Hội, về chùa Thiền Lâm, làm cuộc đảo chính, bắt Bùi Đắc Tuyên mà ông này không hay biết gì! Vì cách hành quân quá kín đáo và quân lính được luyện tập quá tinh nhuệ. Qua hơn hai trăm năm, vùng Võ Hội là nơi thao trường bộ binh của Tư Đồ Võ Văn Dũng thời Tây Sơn nay đã thành ruộng lúa, song cái nền còn lại - phải chăng nền này là nơi khán đài duyệt binh ngày xưa ? – cũng đủ nhắc nhở cho mọi người đây là nơi tướng Võ Văn Dũng đã rèn luyện nên đạo quân mạnh dưới trướng ông, đánh ngoại xâm, trừ nội biến rất có hiệu quả.

          Lăng mộ quan Tư Đồ Võ Văn Dũng và bà Lê Thị Vi.-Ở trên chúng tôi đã nói: vào tháng Giêng cho đến đầu tháng Năm năm Tân Dậu (1801), Tây Sơn bị thua quân Nguyễn Ánh hai trận quyết định cả vận mệnh nhà Tây Sơn: trận thủy chiến trên cửa biển Thị Nại ở Quy Nhơn, và trận tử chiến trên sông Phú Xuân. Theo những lá thư của những Giáo sĩ Tây phương, và nhất là của ông Chaigneau gởi về Châu Âu ngay sau các trận đánh này, các tướng tá Tây Sơn bị giam giữ ở thành Phú Xuân thì có 3 vị Đô Đốc, 144 vị Võ quan cao cấp khác; từ 5 đến 6 trăm vị võ quan cấp thấp lại có từ 3500 đến 4000 người bị xiềng. Tất cả đều bị xiềng sắt xiềng cả hai chân; cổ mang gông rất nặng (4). Trong số này có quan Tư Đồ Võ Văn Dũng. Và bà Lê Thị Vi được ông Tây Chaigneau gọi  là “Bà Tư Đồ”, với 4 phụ nữ khác thì được giam riêng ở ngục thất khác.

          Mặc dầu Nguyễn Ánh có chính sách đối với 52.000 người lính Tây Sơn là ai muốn phục vụ triều đại mới thì cho đăng lại, ai không muốn thì cho về quê cày cấy làm ăn. Nhưng đối với tướng lãnh tài ba, nhất là tên của hai vị: Tư Đồ Võ Văn Dũng; Tư Đồ Thái Phó Trần Quang Diệu và nữ tướng tượng binh Bùi Thị Xuân (bị bắt trong một trận khác ở vùng Nghệ Tĩnh) thì không nới tay chút nào. Vào năm sau, tức năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Ánh dẫn các tướng Tây Sơn đến Thái Miếu làm lễ hiến phù. Xong lễ này, quan Tư Đồ Võ Văn Dũng và nhiều tướng tá khác bị dẫn ra Cồn Mồ Côi, về sau gọi là Cồn Chém, xử trảm. Lúc đó có ông Hà Thúc Dư người làng La Chử, trước đã làm quan với Tây Sơn (có người cho là với triều Nguyễn Phúc Thuần), sau được Nguyễn Ánh thu dụng trở lại cho nên gọi là “Quan lưỡng triều” (5) đã làm như giận dữ bọn phản tặc Tây Sơn. Ông sai người đem chôn cho khuất mắt. Thật tình ông làm như vậy là để dễ bề mật sai dân làng La Chử đánh cắp thi thể quan Tư Đồ Võ Văn Dũng, người rể quý của làng, mới trong khoảng tuổi từ 30 đến 35, về chôn cất tử tế tại Cồn Lăng Thầy Tu, thuộc sơn phận làng Phụ Ổ. Chỉ làm dấu mà không đắp mộ. Hôm đó là ngày mồng 7 tháng 11 năm Nhâm Tuất; Tây lịch là ngày 01 tháng 12 năm 1802. Hai trăm năm trôi qua, cho đến hiện nay, làng La Chử hằng năm vẫn làm lễ kỵ vị tướng tài ba của triều đại Tây Sơn anh hùng trong lịch sử, vào ngày 07 tháng 11 Âm lịch này.

          Bà Lê Thị Vi về sau được vua Gia Long tha cùng với bốn bà bị giam trong dãy ngục riêng trước đó. Bà Lê Thị Vi mất tại La Chử, được dân làng đem táng bên cạnh mộ ông ở Cồn Lăng Thầy Tu, mà người ta cũng gọi là Cồn Lăng. Ngày mất của bà, như ở trước đã nói, là ngày 29 tháng 10 Âm lịch. Cũng từ xưa, khi bà mất đi, dân làng La Chử hàng năm vẫn làm lễ kỵ bà vào ngày này.

          Hai ngôi mộ này được táng theo nguyên tắc “Nam tả Nữ hữu” rất rõ ràng. Mộ táng theo địa bàn phong thủy: tọa Nam – Ly – Bính Thân; hướng Bắc - Khảm – Bính Dần. Về sau rất lâu, khi chính sách trừng phạt Tây Sơn có phần nguôi ngoai thì dân La Chử đã xây lăng phần mộ của Ông Bà Tư Đồ, đặt ông Lê Phú Ân, nguyên Tả Quân Đô Thống Chưởng Phủ Sự về trí sĩ, làm Hội thủ trông coi việc xây lăng mộ. Qua thời gian, lăng mộ bị xuống cấp; nhất là lúc kháng Pháp vệ quốc, không ai coi sóc, đến chạp hằng năm; nên cây bụi mọc um tùm, tường thành đổ nát, cho đến năm Quý Mão, tháng 7 năm 1963 Tây lịch, toàn dân làng La Chử đã nhóm họp, cử ông Lê Đình Mậu làm Hội thủ coi sóc việc tu tạo lại lăng mộ của hai Ông, Bà quan Tư Đồ. Khắc lại hai cái bia. Bia bên trái ghi: “Hiển Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự Quận Công Võ Văn chi mộ”. Bia bên phải ghi: “Hiển Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự Quận Công chính thất Lê Thị chi mộ”. Cả hai bia đều có ghi hai dòng chữ nhỏ giống nhau như sau: “Quý Mão niên, ngũ nguyệt cát nhật – 1963” “La Chử thôn dân đồng phụng lập”.

          Giữa khoảng cách hai tấm bia ấy, có đắp một tấm biển bằng xi măng, kích thước 40cm x 20cm gắn vào tường, trong đó đề dòng chữ quốc ngữ: “Tô sửa lại và dựng bia ngày 16.7.1963”. Tấm biển này mang ý nghĩa giải thích là việc trùng tu lăng mộ vẫn giữ theo dấu cổ đã có từ xưa. Hai cái bia khắc hàng chữ nho vẫn còn giữ nguyên sự húy kỵ của nho học ngày trước. Không khắc tên  thật thành chữ rõ ràng.

          Từ đời xưa dân làng La Chử cũng đã lập bài vị bằng gỗ quý, chạm và sơn son thếp vàng, của quan Điện Tiền tướng quân Võ Văn Dũng; Tư Đồ phu nhân Lê Thị Vi; bà Tư Đồ Thái Phó Bùi Thị Xuân; bà Lê Công Thị Nhơn, người nhường đất Hạ Lang để bà Bùi Thị Xuân làm Tập Tượng Trường luyện voi chiến. Tất cả những bài vị này đều để thờ tại chùa làng La Chử, ngày kỵ chúng tôi đã nói ở trước.

          Đến đây, tưởng chúng tôi cũng cần nói đền một thuyết cho rằng ông Võ Văn Dũng đã trốn về Bình Định, được người Bà-nà nuôi, vẫn giữ họ nhưng lại đổi tên, để sống mòn mõi trong tuổi già, đến đời Thiệu Trị mới mất, sống hơn 100 tuổi? Chúng tôi thiết nghĩ giả thuyết này thực đáng ngờ, mang tính huyền thoại hơn thực tế. Làm sao một vị tướng tài ba lỗi lạc, theo bóng cờ khởi nghĩa Tây Sơn từ lúc tuổi còn rất trẻ, để cùng với tướng Trần Quang Diệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân, giúp rập Nguyễn Huệ lập nên một triều đại chói lọi trong sử sách như thế, mà lại có một tư cách lạ lùng, thiếu nhuệ khí, thiếu hào hùng như vậy được chăng? Và như thế thì ông để bà Lê Thị Vi, người vợ trẻ rất yêu quý của ông, sống mòn mõi được sao? Trong khi người đồng chí đồng điệu với mình là Tướng Trần Quang Diệu, và Nữ tướng Bùi Thị Xuân cũng đều đã hy sinh trên pháp trường của Gia Long? Thứ nữa, qua hàng chục lá thư của các giáo sĩ Tây phương, qua lá thư của ông Chaigneau được vào thăm tại ngục thất Phú Xuân ngay sau những ngày Tây Sơn thất trận, thì họ thấy những tù binh cả ngàn người; từ võ quan cao cấp đến binh lính, toàn thể đều bị xích sắt xiềng cả hai chân, cổ mang gông rất nặng; cứ 10 người thành một tốp, mang chung một gông dài. Như thế, nếu có ai muốn trốn chắc cũng khó lòng trốn được thoát được. Nhà sử học Phan Thuận An, sau khi nghiên cứu kỹ càng, đã cho rằng trong số võ quan cao cấp của Tây Sơn bị bắt làm tù binh thì không hề nghe sách tây, sách ta nói có ai thoát được cả. Vậy làm sao có một Tướng tài ba Võ Văn Dũng trốn thoát được? Mà trốn thoát để làm chi?…Một vị tướng bị địch thủ bắt thì thường là không chịu khuất phục, chỉ có cách yên lặng chết, không than van, không sợ hãi!…

          Bởi vậy, với các sử liệu, chứng tích thực địa trên làng La Chử, cũng như quả chuông đồng đúc vào năm Tân Hợi (1791), nhằm niên hiệu Quang Trung năm thứ tư, là quả chuông duy nhất mang dấu ấn niên hiệu Quang Trung nhà Tây Sơn, hiện còn ở chùa La Chử; những đặc trưng có thể tin được trong văn hóa Folklore của nhân dân La Chử truyền qua 200 năm nay; ngày kỵ của hai Ông Bà khác nhau. Nhất là ngày làng La Chử kỵ Tướng Võ Văn Dũng hàng năm là ngày 07 tháng 11 Âm lịch, đúng với ngày Nguyễn Ánh xử trảm các tướng Tây Sơn tại Cồn Chém An Hòa vào ngày 07 tháng 11 năm Nhâm Tuất (01.12.1802); hai ngôi mộ của Điện Tiền Tướng Quân Võ Văn Dũng và phu nhân là bà Lê Thị Vi nằm cạnh nhau trong vòng thành tại Cồn Lăng Thầy Tu thuộc sơn phận làng Phụ Ổ, xã Hương Chử hiện nay, mà xét về chiều sâu trong nếp sống tình nghĩa vợ chồng có tính cách truyền thống của nhân dân ta, thì việc hai ngôi mộ của hai ông bà quan Tư Đồ nằm cạnh nhau có đủ ý nghĩa để người ta có thể xác định rằng: nếu ta chưa có đủ cứ liệu lịch sử và luận chứng xác đáng hơn, thì ta không có lý do gì để không chấp nhận đó là hai ngôi mộ chính thức, có thật của hai vợ chồng vị danh tướng Tây Sơn: Tư Đồ Võ Văn Dũng … Chúng tôi cũng mong các nhà nghiên cứu giai đoạn lịch sử nhà Tây Sơn – Vua Quang Trung; mong Hội Khoa Học Lịch Sử tỉnh Thừa Thiên Huế mở cuộc điều tra khảo sát; sớm đưa ra kết luận để tôn tạo ngôi lăng của vị danh tướng nhà Tây Sơn cho xứng đáng hơn, để góp thêm một di tích lịch sử của đất Thuận Hóa xưa, Thừa Thiên Huế hiện nay vậy.

          Chúng tôi cũng xin dành thêm một đoạn để nói về quả chuông chùa làng La Chử. Quả chuông này hiện nay đã trở thành một bảo vật trong di sản tôn giáo, văn hóa của dân tộc. Bởi vì đây là quả chuông duy nhất hiện còn trên đất nước, có khắc rõ niên đại tạo chuông trùng với năm Quang Trung thứ tư (1791) đời Tây Sơn. Các nhà làm văn hóa ở Huế đã có nhiều người viết về quả chuông này, trong đó có sử gia Phan Thuận An; nhà nghiên cứu văn khắc Hán-Nôm Lê Nguyễn Lưu đều có bài viết về quả chuông này, hay nhân quả chuông này mà nói đến chính sách của vua Quang Trung đối với Phật giáo. Chúng tôi, Hà Xuân Liêm, với tư cách con dân làng La Chử, cũng đã viết cặn kẽ về quả chuông này khi viết  về “Chùa La Chử” in trong sách “Những ngôi chùa Huế”, do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2000. Ông Huỳnh Đình Kết ở Bảo Tàng Văn Hóa Dân Gian thành phố Huế đã chụp ảnh rất đẹp quả chuông này để triển lãm trong các cuộc triển lãm “Văn hóa Phú Xuân”; “Văn hóa đời Tây Sơn”, và lưu trữ làm tư liệu ở Bảo tàng Văn hóa Huế.

          Không thể miêu tả toàn bộ quả chuông được vì bài viết sẽ quá dài. Chúng tôi chỉ nói đến khung có chữ “Xuân” ở trên chuông. Khung này trình bày hoa văn có lẽ cũng độc nhất vô nhị trong số hàng ngàn chuông chùa hiện có trên đất nước ta. Bên góc phải trên có hình hai cái lược: lược dày và lược thưa bằng sừng trâu. Lược thưa có sống lưng lược uốn theo đường cong. Hàng răng lược phẳng, hai đầu có hai răng lược rộng bản hơn hàng răng lược rất đều ở giữa. Lược dày có hai hàng răng lược hai bên, chính giữa là sống lược theo một đường thẳng; hai răng lược hai đầu to bản hơn và hơi uốn cong lưng ra ngoài. Hoa văn này là một nét văn hóa, phong tục đặc biệt của dân ta, rất phổ thông trong đời sống hàng ngày của phụ nữ từ các thế kỷ trước cho đến trước năm 1945, vẫn còn thấy hai vật gia dụng này của người phụ nữ … Bên góc trái trên trình bày hoa văn là hai cái gương soi mặt hình tròn có cán cầm, với cái hoa. Nói chung cả hai hoa văn này là gương lược và hoa xuân để trang điểm đầu tóc; biểu hiện việc trang điểm của người phụ nữ Việt Nam xưa. Trong khung này khắc tên họ, chức tước và quê quán người chú tạo hồng chung rất rõ” “Hương Trà huyện, La Chử xã, Hôi thủ Lê Công Học tín cúng. Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự Quận Công Võ Văn Dũng chính thất Lê Thị Vi công đức”. Mấy chữ “ Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự …” bị cào mờ rất khó đọc.

          Xét những hoa văn hết sức đặc trưng này, lại để trong khung có chữ “Xuân”, có khắc tên và chức tước của tướng Võ Văn Dũng, tên bà Lê Thị Vi vợ chính của tướng quân; thực là một sự biểu hiện vô cùng độc đáo. Trước hết là tính cách dân dã, nông dân … Lược sừng trâu, chứ không phải lược đồi mồi hay lược ngà voi của vua chúa. Điều này nói lên tính cách nông dân của triều đại Tây Sơn … Nhưng, độc đáo hơn, là nhìn những hoa văn này, với hai tên vợ chồng ông Tướng, người ta không làm sao mà không nghĩ đến mối tình giữa vị võ tướng tài ba với người vợ yêu vừa trẻ, vừa xinh đẹp của mình. Tuy không đến nỗi như Napléon với nàng Joséphine. Nhưng cũng thuộc loại “mối tình màu hoa đào” của Quang Trung với Ngọc Hân Công chúa. Mối tình giữa các vị tướng trẻ tuổi tài ba với người đẹp tri âm tri kỷ đâu có kém phần lãng mạn?

          Khung có chữ “Thu” dành để khắc niên đại tạo chuông: “Tân Hợi thu thất nguyệt chú tạo” tức là “tạo chuông này vào ngày tốt tháng Bảy mùa thu năm Tân Hợi” (tức tháng 8 năm 1791 Tây lịch).

          Phần các góc bên dưới, mỗi khung có hai hình võ tướng. Hình được đúc nổi: áo giáp, mũ trụ và vũ khí như: gươm, giáo, đại đao, chùy, búa, … rất sắc sảo tinh tế. Điệu múa mỗi hình một khác, rất đẹp. Đây có thể là hình “Kim cang bát bộ”, mà cũng có thể là biểu diễn các thế “võ của Tây Sơn.”./.

* * *

Huế, tháng 5 năm 2004

                                                                                        Hà Xuân Liêm

 

----------------------------------

Chú thích

(1) A.Delvaux.- Quelques précisions sur une période troublée de l’histoire d’Annam  B.A.V.H.1941 No 3 trang 265-267.

(2) B.A.V.H. 1926 No. 4. Thư của ông Chaigneau viết tại Huế, ngày 02/03/1801, và các thư tiếp theo sau đó, ở các trang 405, 406, 407, 410

(3) B.A.V.H. 1926 No. 4. Thư của ông Chaigneau gửi ông Barisy, viết tại Huế sau ngày hạ thành Phú Xuân vào năm 1801, ở trang 404.

(4) B.A.V.H. 1926 No. 4. Thư của ông Barisy gửi cho các ông Marquini và Létondal đề ngày 16/07/1801 ở trang 404 và các trang tiếp theo.

(5).- Theo Tộc phổ họ Hà Thúc, bản chép tay, ở làng La Chử

 

 

 

VÀI SÁCH THAM KHẢO

 

(1) Dương Văn An – Ô Châu Cận Lục, bản Việt dịch của Bùi Lương, Văn Hóa Á Châu xuất bản, Sài Gòn 1961.

(2) Hồng Đức Đồ Bản, bản dịch, Tủ sách Viện Khảo cổ, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn 1964.

(3) Hà Xuân Liêm - Những Ngôi Chùa Huế, Chùa La Chử trang 386 đến 397, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 2000

(4).-Hà Xuân Liêm và Lê Công Mầu – Làng La Chử, địa chí và văn hóa; Lam bản để phổ biến nội bộ dân làng La Chử, bản vi tính 150 trang khổ giấy A4. Tháng 8/2003.

(5) Lê Nguyễn Lưu – Niên biểu đối chiếu Việt Nam – Trung Quốc và Âm Dương lịch – Manusc, Huế 1988.

(6) Nhiều tác giả - Tây Sơn - Thuận Hóa, Những dấu ấn lịch sử, Huế 1986.

(7) Nhiều tác giả - Kỷ yếu hội thảo Khoa học: Phú Xuân Thuận Hóa, thời Tây Sơn (trong đó có bài “tướng Tây Sơn Võ Văn Dũng trong Folklore ở La Chử của Hà Xuân Liêm, các trang từ 145 đến 153), Huế 2001.

(8) Lê Văn Thuyên, Lê Nguyễn Lưu, Huỳnh Đình Kết, – Tư liệu điền vùng Huế về thời kỳ Tây Sơn. Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế 1998.

(9) B.A.V.H. 1926 No. 4. Mục Les Francais au service de Gia Long; đoạn XXII – Leur correspondance từ trang 404 trở đi.

(10) B.A.V.H. 1941 Quelques précisions sur une période troublée de l’Histoire d’Annam, của A. Delvaux. No. 3 trang 225-226.

(11) Những nghiên cứu điền dã thực địa tại làng La Chử, làng Phụ Ổ, làng An Đô do tác giả tự nghiên cứu.

                                                                                         

                                                                                               



(*) Theo ông Lê Nguyễn Lưu trong sách Niên biểu đối chiếu Việt Nam – Trung Quốc và Âm Dương lịch. Chúng tôi nghĩ, niên hiệu Quang Trung chỉ bắt đầu vào năm Nguyễn Huệ lên ngôi ở Núi Bân (cạnh núi Ngự Bình) vào năm 1788 và tiến quân ra Bắc đánh quân Thanh vào năm đó; cho đến năm 1791 là năm vua băng hà. Năm 1791 này nhằm niên hiệu Quang Trung năm thứ Tư.

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia